6 điều nhà đầu tư nghĩ đến khi nghe startup thuyết trình
Nếu bạn đã thuyết phục được các nhà đầu tư ngồi nghe bài thuyết trình của mình, chắc chắn là bạn đã tiến được một bước dài rồi đấy. Nhưng đừng vội mừng, bởi giai đoạn thuyết trình mới là điểm “dễ chết” của hầu hết các doanh nhân. Dưới đây là 6 câu hỏi mà các nhà đầu tư có thể nghĩ đến khi họ ngồi nghe bạn thuyết trình.
1. “Đầu tiên là “tiền đâu”?”
Khi nhà đầu tư đã chịu ngồi nghe bạn thuyết trình, điều đó có nghĩa là họ nhận thấy ý tưởng khởi nghiệp của bạn có điểm gì hay ho, song lúc này họ vẫn chưa rõ bạn định kiếm tiền từ ý tưởng này như thế nào. Đó là điểm quan trọng cần tính đến: rất nhiều ý tưởng lớn lao trong thế giới khởi nghiệp có thể giúp làm thế giới này trở nên tốt đẹp hơn, nhưng điều mà các nhà đầu tư quan tâm nhất lại là: làm sao để thu được tiền về?
Vì vậy, hãy dành một phần quan trọng trong bài thuyết trình để giải thích cho nhà đầu tư hiểu bạn sẽ thu lợi nhuận bằng cách nào từ ý tưởng này. Hãy vạch ra một kế hoạch thật chắc chắn và cụ thể để trình bày cho họ nghe.
2. “Công ty của bạn đang được đánh giá cao quá.”
Các nhà đầu tư thường có xu hướng than phiền rằng doanh nghiệp khởi nghiệp đang đứng thuyết trình trước mặt họ đã được đánh giá quá cao. Trong khi đó, một sai lầm mà giới doanh nhân khởi nghiệp hay mắc là họ một mực tin rằng ý tưởng của họ đáng giá cả triệu đô la. Để bảo đảm mình có được một sự đánh giá thực tế, hãy tham khảo ý kiến của cả các luật sư và kế toán nữa, khi đó bạn sẽ có cái nhìn khách quan hơn.
3. “Các bạn chẳng có lấy một kế hoạch dài hạn nào cả.”
Dĩ nhiên, trong giai đoạn này, làm sao để ý tưởng khởi nghiệp “cất cánh” được mới là vấn đề lớn, song các nhà đầu tư cũng cần phải biết về tương lai, họ muốn biết liệu sản phẩm hay dịch vụ của bạn có khả năng tồn tại lâu dài hay không.
Vậy nên, hãy dành thời gian để chỉ cho họ thấy điều này. Hãy chứng tỏ rằng sản phẩm của bạn mang tầm nhìn lâu dài.
4. “Các bạn không hề có chiến lược phát triển nào cả.”
Các nhà đầu tư không chỉ muốn biết rằng số tiền mà họ bỏ ra sẽ được thu về như thế nào mà họ còn muốn được bảo đảm rằng về lâu dài họ sẽ có lợi nhuận nữa.
Nếu không đưa ra được chiến lược phát triển tiếp theo nào, các nhà đầu tư có thể sẽ ngầm hiểu rằng nếu họ rót tiền cho doanh nghiệp của bạn, có thể đó chỉ là một việc làm từ thiện hoặc vì một mục tiêu cao cả nào đó chứ họ sẽ chẳng thu về đồng lợi nhuận nào đâu.
Bạn cần phải chỉ ra cho họ một chiến lược phát triển toàn diện, qua đó bạn sẽ kiếm tiền và phát triển doanh nghiệp của mình như thế nào. Thông điệp chính mà bạn cần đưa ra ở đây là hãy để cho họ thấy rằng khi công ty của bạn bước sang một giai đoạn mới, bạn sẽ không cần phải xin tiền của họ nữa.
Tuy nhiên, hãy cẩn thận, bởi các nghiên cứu đã chỉ ra rằng lý do số một khiến khởi nghiệp thất bại là phát triển quá nhanh.
5. “Tôi được lợi gì trong đây?”
Đúng là nhiều nhà đầu tư muốn hỗ trợ cho những ý tưởng thú vị được trở thành hiện thực và họ cũng muốn được “dự phần” quản lý trong một ý tưởng có thể giúp cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng họ cần nhiều hơn thế. Hiện nay rất nhiều bài thuyết trình chỉ mải tập trung vào doanh nghiệp mà không nói đầy đủ đến những lợi ích tiềm năng dành cho các nhà đầu tư.
Hãy cho các nhà đầu tư biết chính xác họ sẽ nhận về được những gì, có thể là về tiền bạc hay về quyền quản trị công ty.
Bạn cũng đừng quên bảo đảm với họ rằng họ có thể thương lượng. Các nhà đầu tư không thích bị rơi vào hoàn cảnh “đặt đâu ngồi đấy”. Suy cho cùng thì bạn mới là người tìm đến họ để xin hỗ trợ tài chính kia mà.
6. “Tại sao các bạn lại giành được cảm tình của chúng tôi?”
Có một câu nói đã trở thành cửa miệng đối với giới đầu tư mạo hiểm rằng: “Cược cho nài ngựa (doanh nhân) chứ đừng cược cho con ngựa (ý tưởng).”
Điều đó có nghĩa là gì? Là các nhà đầu tư muốn chắc chắn rằng bạn có đủ sự kiên trì và khả năng để thành công, bất kể có những trở ngại nào xuất hiện đi chăng nữa.
Thực ra, đây là một trong những khía cạnh quan trọng nhất trong giai đoạn đầu tư hạt giống, bởi lúc này vẫn còn quá sớm để đưa ra những thông số cụ thể để xác quyết sự thành bại của một doanh nghiệp khởi nghiệp.
Minh Quang dịch theo Entrepreneur