AI giúp tìm người mất tích trong rừng

Một nhóm ba nhà nghiên cứu tại trường đại học Johannes Kepler đã sử dụng AI để cải thiện độ nhạy của camera hình ảnh nhiệt nhằm tìm kiếm người mất tích trong rừng.

Trong bài báo “Search and rescue with airborne optical sectioning” (Tìm kiếm và giải cứu với phân đoạn thị giác ở trên không” xuất bản trên tạp chí Nature Machine Intelligence, David Schedl, Indrajit Kurmi và Oliver Bimber đã miêu tả cách họ ứng dụng một mạng lưới học sâu để giải quyết vấn đề người mất tích trong những cánh rừng và cách mạng lưới đó triển khai như thế nào.

Khi có người bị mất tích trong rừng, các chuyên gia tìm kiếm và giải cứu thường sử dụng máy bay trực thăng để bay trên các khu vực mà họ thường cho là sẽ tìm thấy người bị mất tich đó. Ngoài việc chỉ quét phần mặt đất bên dưới, các nhà nghiên cứu thường sử dụng ống nhòm và các camera hình ảnh nhiệt để tăng hiệu quả tìm kiếm. Họ hi vọng là nhiều máy quay sẽ làm bật lên những phần khác nhau  trong nhiệt độ cơ thể người trên mặt đất khu vực họ đang tìm kiếm để có thể dễ dàng “điểm trúng” người mất tích. Tuy nhiên thật không may là trong nhiều tình huống thì hình ảnh nhiệt không hiển thị rõ như mong muốn bởi vì cây cối bao phủ đất bên dưới hoặc nhiệt lượng từ mặt trời tỏa lên cây cối cũng đem lại mức nhiệt độ tương tự cơ thể người.

Trong nỗ lực mới, các nhà nghiên cứu đã nhìn nhận được các vấn đề này và vượt qua hạn chế đó bằng việc ứng dụng một thuật toán học sâu để cải thiện các hình ảnh được tạo ra.

Giải pháp mà họ phát triển bao gồm việc ứn dụng một phần mềm AI để xử lý đa hình ảnh trong một khu vực cho trước. Họ so sánh nó với việc sử dụng AI đế xử lý dữ liệu từ những kính viễn vọng vô tuyến khác nhau. Việc này cho phép nhiều kính viễn vọng vận hành một cách hợp nhất như một kính viễn vọng lớn. Theo cách làm tương tự, việc ứng dụng AI mà họ áp dụng có thể cho phép họ có được những hình ảnh nhiệt đa dạng do một máy bay trực thăng (hoặc drone) tạo ra một hình ảnh như thể có được từ một máy quay với một ống kính lớn. Sau khi xử lý, các hình ảnh này đã tạo được ra một trường sâu hơn – trong đó các phần ngọn cây chỉ xuất hiện một cách lờ mờ trong khi người dưới mặt đất lại trở nên dễ nhận biết hơn nhiều. Để huấn luyện cho hệ AI này, các nhà nghiên cứu đã phải tạo ra một cơ sở dữ liệu hình ảnh của riêng họ. Họ đã sử dụng nhiều drone để tạo ra những bức ảnh của các tình nguyện viên trên mặt đất ở nhiều vị trí khác nhau.

Kiểm tra độ chính xác của hệ này cho thấy, xấp xỉ từ 87 đến 95% chính xác so với 25% của phương pháp camera hình ảnh nhiệt truyền thống.  Các nhà nghiên cứu đề xuất là hệ AI của họ đã sẵn sàng cho việc tìm kiếm và giải cứu những nhóm người hoặc có thể hữu dụng với việc thi hành pháp luật, quân đội hoặc công việc của các nhóm quản lý động vật hoang dã.

Tô Vân dịch

Nguồnhttps://techxplore.com/news/2020-11-artificial-intelligence-drones-people-lost.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)