Âm nhạc giúp chữa lành trong đại dịch

Một nghiên cứu do các nhà khoa học Đức thực hiện tiết lộ cách âm nhạc giúp con người vượt qua những căng thẳng mà họ phải chịu đựng trong thời gian giãn cách xã hội do COVID. Nhưng những tác phẩm nào chữa lành hiệu quả nhất?

Trước tiên, bạn phải biết điều này: bạn nghe một bài hát nhất định, và bạn cảm thấy như được rút cạn nỗi muộn phiền.

Tìm hiểu ảnh hưởng của âm nhạc lên não bộ và cơ thể là một lĩnh vực nghiên cứu đang được quan tâm nhiều  trong vài thập kỷ gần đây. Từ lâu, người ta đã chứng minh là âm nhạc kích hoạt cảm xúc hạnh phúc; nó cũng thường được sử dụng trong một vài hình thức trị liệu, và nó có thể làm chậm nhịp tim.

Viện nghiên cứu Thẩm mĩ thực nghiệm Max Planck (Đức) mới xuất bản một nghiên cứu mang tên Viral Tunes, vốn để kiểm tra hành vi nghe nhạc trong suốt thời kỳ diễn ra đại dịch COVID.

“Trong thời gian có lệnh đóng cửa, không có biểu diễn âm nhạc nhưng những tương tác có chủ ý với âm nhạc là điều cốt lõi trong việc vượt qua tình trạng nặng nề này”, Melanie Wald-Fuhrmann, Bộ phận âm nhạc của Viện nói với hãng DW. “Nhiều người được hỏi phản hồi là họ nghe nhạc một mình, không như trước đây, không làm bất cứ điều gì khác khi nghe nhạc”.

 Âm nhạc chống lại căng thẳng

Với nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã điều tra 5.000 người từ sáu quốc gia trong ba lục địa trong thời kỳ đóng cửa lần thứ nhất, từ tháng 4 đến tháng 5/2020. Những người từ Đức, Pháp, Anh, Italy, Ấn Độ và Mỹ trả lời trực tuyến các câu hỏi về việc nghe nhạc trong thời kỳ khủng hoảng. Hơn một nửa những người trả lời cho rằng họ nghe nhạc để vượt qua sự căng thẳng về cảm xúc và xã hội. Trong những lúc khó khăn, chúng ta thường hay hướng về những người mình yêu thương và gắn bó nhất, nhưng đây là điều không thể thực hiện được trong thời gian giãn cách, Wald-Fuhrmann nói.

Âm nhạc, với tất cả chất lượng và sự thoải mái mà nó đem lại, đã lấp đầy khoảng trống cảm xúc này, bà nói và cho biết thêm “Thường thường lời các bài hát thường có nhân xưng ‘anh’ ‘em’, ‘tôi bạn’ nên người nghe thường cảm nhận đó như lời tâm tình cá nhân”.

Cô lập xã hội, sự nguy hiểm của tình trạng mất việc làm, sự buồn chán của việc học ở nhà: vô số các nghiên cứu khắp thế giới đã cho thấy những mẫu hình đại dịch đang gây ra cho con người về mặt cảm xúc và tâm lý. Điều này làm trầm trọng hơn những triệu chứng của bệnh trầm cảm.

Bảo hiểm sức khỏe Đức đã ghi nhận sự gia tăng về số lượng những ngươi cần giúp đỡ để thoát khỏi các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Kết nối cảm giác cộng đồng đã được tạo ra bằng cái mà nghiên cứu này gọi là “âm nhạc corona”: ví dụ một nghệ sĩ sinh ra ở  Nigeria là Emeka Ogboh đã thực hiện một dự án âm nhạc tại Frankfurt qua một dự án âm nhạc sắp đặt mang tên “This too shall pass” để diễn tả chủ đề di cư, di chuyển của con người ở nhiều khía cạnh văn hóa, làm dấy lên câu hỏi về tình trạng bất binh đẳng, bản sắc và sự tham gia vào xã hội. Tất cả những điều này lên tới đỉnh điểm trong đại dịch.

Die Ärzte, một ban nhạc rock Đức nổi tiếng cũng nói đến tình trạng này trong tác phẩm của mình. Hàng nghìn người khác cũng đã tham gia vào giao tiếp âm nhạc theo nhiều cách, viết lại các bài hát và làm các đoạn video ngắn rồi tải lên mạng.

“Thông qua đó, chúng ta ghi nhận chính minh và tình trạng mà mình đang phải hứng chịu: nó trung thực, không bị che đậy và giúp bạn được nhận diện về mặt xã hội ngay cả khi trong thòi điểm bị cô lập”, Wald-Fuhrmann giải thích. Nhưng những bài hát này sẽ chỉ có tác dụng nếu chúng thú vị, “thuyết phục chúng ta như một màn trình diễn đầy tính sáng tạo – thẩm mỹ”.

Hormone hạnh phúc

Bài Don’t Stop Me Now của ban nhạc Queen đứng ở vị trí số một trên bảng danh sách các bài mang lại cảm xúc tích cực.

Không còn phải bàn cãi về tác động tích cực của âm nhạc. Người ta đã chứng minh việc nghe nhạc giải phóng endorphin và có thể có những tác động với sức khỏe của chúng ta giống như tình dục, thức ăn, thể thao… Nó thậm chí đã được chứng minh là giúp hình thành các kháng thể, tăng cường hệ thống miễn dịch của chúng ta.

Một cách tự nhiên, người ta vẫn cần những âm thanh phù hợp để làm dịu đi tâm trạng của mình.

Jacob Jolij, một nhà khoa học thần kinh tại Khoa Tâm lý thực nghiệm của trường đại học Groningen, nghiên cứu về những ảnh hưởng của nhịp độ, lời ca tích cực và sự lựa chọn của các khóa nhạc trưởng hay thứ tác động lên người nghe vào năm 2015: 45% người nghe phản hồi là sử dụng âm nhạc để nâng đỡ tâm trạng của mình, và khoảng 77% người thì dùng nhạc để làm nền cho những chuyển động của mình.

Kết quả của nghiên cứu đó đem lại một danh sách các bài hát, tuy không chính thức, là có tác dụng nâng đỡ tinh thần người nghe.

Theo phát hiện của Jolij, bài Don’t Stop Me Now của ban nhạc Queen đứng ở vị trí số một trên bảng danh sách đặc biệt này, tiếp theo sau là Dancing Queen của ABBA, Good Vibrations của Beach Boys, Uptown Girl của Billy Joel và Girls Just Wanna Have Fun của Cindy Lauper. 

Tô Vân tổng hợp

Nguồn: https://www.dw.com/en/how-music-helped-during-the-pandemic/a-58668728

https://www.dw.com/en/a-nigerian-artists-covid-soundscape-in-frankfurt/a-58205195

Tác giả

(Visited 14 times, 1 visits today)