Ấn tượng Malaysia

Malaysia đã mở màn “Năm du lịch 2007” tại thủ đô Kuala Lumpur với mong muốn thu hút hơn 20 triệu du khách - trong khi dân số cả nước chỉ có 25 triệu người. Bốn ngày ở Kuala Lumpur vào dịp ấy, chúng tôi đã hiểu vì sao xứ sở Hồi giáo này lại lạc quan như vậy.

Hoa dâm bụt
“Dâm bụt là quốc hoa của Mã Lai vì nó là loài hoa dễ trồng và sống thân thiện với mọi loài cây cỏ khác; nó tượng trưng cho tính thân thiện của người dân Mã Lai”. Người hướng dẫn viên du lịch của công ty Discovery ở Kuala Lumpur giải thích. Anh nói tiếp: “Mã Lai rộng bằng Việt Nam nhưng dân số chỉ khoảng 25 triệu người với 30 dân tộc khác nhau; 60% là người Mã Lai, 20% người Tàu, 8% người Ấn Độ, còn lại là các dân tộc thiểu số”. Lại nói: “50 năm nay kể từ ngày Mã Lai giành được độc lập từ thực dân Anh, đất nước Mã Lai hoàn toàn không có chiến tranh, bạo động, chỉ có kinh doanh, phát triển và sống thân thiện với mọi người”.

 
Văn phòng Thủ tướng Malaysia

Anh lấy mình làm thí dụ: “Tôi 26 tuổi, người Tàu chính gốc sinh ở Mã Lai. Tên chính của tôi là Phát, tên tiếng Anh là Henry và một du khách Việt Nam gọi tôi là Hưng”. Henry Phát nói thạo tiếng Mã Lai, tiếng Tàu, tiếng Anh và tiếng Việt.
Đưa khách đi thăm phố Tàu, trung tâm thương mại Kuala Lumpur, tháp đôi Petronas, thủ đô hành chính Putrajaya hay ở bất cứ đâu, chàng trai thông minh và dí dỏm này cũng luôn có cách tiếp thị xứ sở Malaysia của mình xoay quanh  “cánh hoa dâm bụt thân thiện”.
Thí dụ đi thăm đài tưởng niệm quốc gia, anh nói: “Các bạn thấy không, chính phủ Mã Lai vẫn xây một tượng đài của thực dân Anh bên cạnh tượng đài Hồi giáo của dân tộc Mã Lai, bởi vì lịch sử nó là như vậy”. Hoặc nói về ông chủ của khu giải trí Genting danh tiếng, anh kể: “Ông Lim Goh Tong năm nay 89 tuổi, giàu nhất Mã Lai, giàu thứ hai châu Á nhưng cũng là người Tàu chính gốc. Ông nhập cư vào Mã Lai năm 19 tuổi, làm thợ xây kiếm sống. Sau khi ông có tiền và muốn kinh doanh, chính phủ Mã Lai đã cho ông mua hẳn một vùng cao nguyên Genting để ông đầu tư làm khu giải trí. Ông Lim cũng là chủ của đội tàu du lịch 17 chiếc lớn thứ hai thế giới mang thương hiệu Star Cruise. Ông được như vậy là vì chính phủ Mã Lai không phân biệt đối xử mà chỉ muốn đất nước Mã Lai giàu có và thân thiện”.
Trong cái logo mới của năm du lịch này, giữa dòng chữ “Visit Malaysia Year 2007”, người họa sĩ đã vẽ một bông hoa dâm bụt với năm cánh hoa năm màu khác nhau mà riêng cánh hoa màu đỏ được vẽ cách điệu hình trái tim.
Cho nên không lạ khi ông Bộ trưởng Bộ Du lịch Malaysia – Tengku Adnan Tengku Mansor – nhắc lại nhiều lần câu khẩu hiệu “Malaysia chào đón thế giới”  trước 440 nhà báo đến từ 34 quốc gia tại buổi họp báo tối ngày 5-1. Mọi người  vẫn nhớ, năm ngoái, với khẩu hiệu “Malaysia chào đón châu Á”, đất nước Hồi giáo này đã đón 17,4 triệu lượt du khách.
Tối hôm sau là đêm lễ khai mạc “Visit Malaysia Year 2007” hoành tráng sắc màu bên hồ Titiwangsu giữa Kuala Lumpur. Trên suốt hơn ba cây số từ ngoài phố vào khu hành lễ, hằng trăm nghìn người dân Malaysia và du khách  san sát bên nhau nhưng không ai chen lấn, xả rác và không thấy có người bán hàng rong. Chỉ có những nụ cười thân thiện.
“Bàn tay nhà nước”
Malaysia theo chế độ quân chủ lập hiến như nước Anh. Nhà vua chỉ có quyền tượng trưng; quyền lực thuộc về thủ tướng. Nền kinh tế của đất nước Hồi giáo gồm 13 tiểu bang của Malaysia vận hành theo cơ chế thị trường tự do và chỉ có công ty tư nhân, không có công ty nhà nước.
Tất cả đều của tư nhân. Từ con đường cao tốc Bắc – Nam cực tốt dài 846 cây số; tòa tháp đôi cao 452 mét; tháp truyền hình cao 421 mét; sân bay quốc tế KLIA hiện đại “cho 100 năm sau”; những cánh rừng cọ bạt ngàn bao phủ đất nước… Thậm chí cả quảng trường Độc Lập trong thủ đô hành chính Putrajaya, cũng của tư nhân; mỗi năm tới ngày 31-8, chính phủ phải thuê quảng trường để làm lễ quốc khánh.
Người dân Malaysia đang có thu nhập bình quân 400 đô la Mỹ/tháng. Còn như Henry Phát, ngày nào đi làm thì công ty trả anh 40 đô. Khi mua sắm, từ ô tô đến nhà đất, mọi người đều được các ngân hàng tư nhân cho vay trả góp. Phát nói: “Mỗi gia đình ở Mã Lai có ít nhất hai xe hơi Proton, giá xe từ 7.000 – 25.000 đô/chiếc, bán trả góp trong 10 năm. Một căn hộ chung cư 80 mét vuông có giá từ 25.000 – 30.000 đô, được bán trả góp trong 30 năm”. Anh còn bảo, từ năm 1990, chính phủ không cho xây nhà ở trong khu trung tâm Kuaula Lumpur mà phải xây những đô thị vệ tinh. Mấy ngày ra ngoại ô, thấy chen trong những cánh rừng xanh hai bên đường, đang mọc lên nhiều khu đô thị mới cao vài chục tầng đẹp và hiện đại. Còn xe Proton nổi tiếng của Malaysia thì chạy đầy đường, nhưng rất ít kẹt xe và tuyệt nhiên không thấy có bóng dáng cảnh sát.
Buổi sáng đi thuyền dạo chơi trong hồ Putrajaya, ngắm những ngọn đồi xanh lô nhô những khu biệt thự lộng lẫy, không nghĩ đây là thủ đô hành chính mới của Malaysia. Từ năm 2000, tất cả các cơ quan chính phủ đã dời từ Kuala Lumpur về đây. Công sở, nhà riêng, siêu thị… đều hài hòa với bức tranh thiên nhiên của sông hồ và đồi xanh. Vậy mà chỉ mất có ba năm để các nhà thầu tư nhân xây dựng xong khu thủ đô hành chính rộng 4.700 héc ta ấy.
Cây xanh là “của quí” của xứ sở nhiệt đới ngày nào cũng có mưa này. Hồi năm 1993, chủ đầu tư phải chi gần 200.000 đô la Mỹ để dời một cây cổ thụ khi xây tháp truyền hình Kuala Lumpur, vì nếu không thì chính phủ không cho động thổ. Cái cây đó bây giờ đang phủ bóng mát ở cách chân tháp truyền hình chỉ vài bước chân. Sau khi lên tít trên tầng cao gần đỉnh tháp tham quan toàn cảnh thành phố, chúng tôi xuống tựa lưng vào gốc cây cổ thụ ấy chụp hình kỉ niệm. Theo lời Henry, bất cứ ai chỉ cần làm chết một cây xanh bên lề đường phố Kuala Lumpur, cũng phải bồi thường tới 4.000 đô la Mỹ.
Còn chuyện học hành thì sao? Chính phủ “bao cấp” mọi chi phí cho 12 năm học phổ thông và có đủ loại trường cho riêng người Mã Lai, người Tàu, người Ấn Độ. Còn học sinh, dù là dân tộc nào, cũng bắt buộc phải học tiếng Mã Lai và tiếng Anh cho nên hầu như mọi học sinh xong lớp 12 đều nói được tiếng Anh, tiếng Mã Lai và tiếng của dân tộc mình. Lên đại học thì đã có hơn 500 trường đại học liên doanh với các nước tiên tiến rải khắp Malaysia, tha hồ chọn.
Ấn tượng nữa là chuyện người dân Malaysia xài chứng minh thư điện tử. Henry Phát đưa cái chứng minh thư của mình ra, giống cái thẻ ATM, nói: “Dân Mã Lai, từ 12 tuổi trở lên là xài món này. Nó có một tấm ảnh và con chip lưu giữ tất cả thông tin cá nhân, từ lí lịch, sức khỏe, việc làm… đến hộ chiếu.  Mã Lai là nước xài món này đầu tiên trên thế giới, từ năm 1999. Nó thay cho tất cả các thủ tục giấy tờ cá nhân khác”.
Vậy mà tối ngày 6/1, tại đêm khai mạc “Năm du lịch Malaysia 2007”, ông Thủ tướng Abdullah Ahmad Badawi còn nhắc nhở người dân Malaysia: “Tôi muốn mọi người bảo đảm chắc chắn rằng xứ sở mình phải sạch đẹp và hấp dẫn. Để thành công, chúng ta phải cùng nhau làm việc hết mình”.
———
ảnh trên cùng: Tác giả (phải) với Bộ trưởng Bộ Du lịch Malaysia

Huỳnh Kim

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)