Anh: Tái định nghĩa khái niệm “kho báu” nhằm bảo vệ các đồ tạo tác quý hiếm
Các phát hiện quan trọng gần đây không đáp ứng tiêu chí “kho báu” vì chúng được làm từ đồng, không phải từ kim loại quý.
Vào năm 2003, một nhà khảo cổ nghiệp dư ở Staffordshire đã phát hiện ra chiếc bình đồng tráng men La Mã có niên đại vào thứ kỷ thứ 2 sau công nguyên. Bảo tàng Gốm ở Stoke-on-Trent, Bảo tàng Tullie House ở Carlisle và Viện Bảo tàng Anh đã mua lại nó. Ảnh: Fiona Hanson/PA
Chính phủ Anh có kế hoạch thay đổi định nghĩa chính thức về “kho báu” để bao hàm nhiều phát hiện khảo cổ quý hiếm hơn, từ đó có thể lưu giữ chúng cho quốc gia, thay vì bán cho các nhà sưu tập tư nhân.
Theo Đạo luật về Kho báu năm 1996, các đồ vật được coi là kho báu khi chúng trên 300 năm tuổi và được làm từ vàng hoặc bạc, hoặc được tìm thấy cùng các đồ tạo tác làm bằng kim loại quý. Sau khi chính thức được xác định là kho báu, những đồ vật đó trở thành tài sản nhà nước và các bảo tàng địa phương hoặc quốc gia sẽ mua lại để trưng bày trước công chúng.
Nhưng định nghĩa về kho báu của Đạo luật trên lại không bao hàm nhiều phát hiện quan trọng của thế kỷ XVI. Thông qua thiết bị dò tìm kim loại, các nhà khảo cổ đã khám phá ra ngày càng nhiều đồ vật từ nước Anh thời La Mã, nhưng chúng lại không đáp ứng tiêu chuẩn để trở thành ‘kho báu’ vì chúng thường được làm từ đồng hơn là kim loại quý. Ngoài ra, nước Anh đã đánh mất một số vật phẩm có tầm quan trọng quốc gia vào tay công chúng, hoặc nhà sưu tập, tư nhân, Bộ Văn hóa cho biết.
Những khám phá gần đây bao gồm ghim cài áo hình ngựa bằng đồng tráng men – nổi tiếng với tên gọi ngựa Leasingham. Ghim cài này có niên đại từ thế kỷ thứ 2 đến thứ 4 sau Công nguyên, do một nhà khảo cổ nghiệp dư phát hiện ở Lincolnshire, gần làng Leasingham, miền đông nước Anh vào năm nay. Chiếc ghim là một mẫu vật quý hiếm và có ý nghĩa ở tầm quốc gia, nhưng nó lại không được coi là một báu vật. Tuy nhiên, nhờ sự hào phóng của ông Jason Price, người phát hiện ra nó, chiếc ghim đã được trưng bày tại Bảo tàng Collection ở Lincoln (Anh).
Một bức tượng nhỏ bằng đồng hợp kim đặc biệt quý hiếm của La Mã, nằm dưới lớp vải của một chiếc áo choàng có mũ trùm đầu – còn gọi là birrus brittanicus, được tìm thấy gần Chelmsford, Essex. Bức tượng gần như đã chắc chắn vào tay của một nhà sưu tập nào đó. Tuy nhiên, chính phủ đã vào cuộc trì hoãn thành công việc mua bán cổ vật này. Bảo tàng thành phố Chelmsford sau đó đã có đủ thời gian để gây quỹ mua lại bức tượng.
Việc cấp một định nghĩa mới cho từ “kho báu” nhằm đảm bảo rằng nó sẽ bao hàm cả những phát hiện quan trọng về mặt lịch sử hoặc văn hóa như vậy, bất kể chúng làm từ vật liệu gì.
Thông báo về kế hoạch này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Caroline Dinenage cho biết: “Hoạt động tìm kiếm kho báu bị chôn giáu bằng máy dò đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, nhiều đồ tạo tác cổ giờ đây đã xuất hiện trong các bộ sưu tập của bảo tàng. Tuy nhiên, chúng tôi cần phải đề ra nhiều kế hoạch hơn nữa nhằm bảo vệ lịch sử quý giá của đất nước và giúp mọi người theo dõi quy trình xử lý một kho báu dễ dàng hơn.”
Chính phủ đã mời những người tìm kiếm, chủ đất, bảo tàng và đại diện người dân tham gia vào quá trình tham vấn để đưa ra đề xuất phù hợp. Các nhà khảo cổ, nhà khảo cổ nghiệp dư, bảo tàng, viện và nhà giám tuyển sẽ có cơ hội đóng góp để tạo ra định nghĩa mới. Chính phủ cũng sẽ giới thiệu các kế hoạch nhằm hợp lý hóa quy trình xử lý kho báu.
Thú vui phát hiện kim loại bằng máy dò đã dẫn đến việc ngày càng nhiều người phát hiện ra kho báu – từ chỉ 79 phát hiện vào năm 1997 lên 1.267 vào năm 2017. Trong năm 2017, 96% các trường hợp đã xác nhận là kho báu đều được phát hiện bằng máy dò kim loại.
Bảo tàng Anh bày tỏ sự ủng hộ những đề xuất này. “Chúng tôi vô cùng hoan nghênh việc hợp tác với [Bộ Văn hóa] vì cơ quan này đang tiến hành cải cách luật kho báu nhằm bảo vệ di sản của chúng ta”, Michael Lewis, người đứng đầu bộ phận cổ vật và kho báu có thể di chuyển được, cho hay.
Roger Bland, chủ tịch ủy ban định giá kho báu, cũng hoan nghênh thông báo này. Ông cho rằng việc định nghĩa lại “kho báu” sẽ kéo theo nhiều hành động khác để “đảm bảo có thể bảo vệ những phát hiện quan trọng nhất.”
Anh Thư dịch
Nguồn: Definition of treasure trove to be recast to protect UK’s rare artefacts