Áo khoác điện toán đám mây, giải pháp công nghệ mới

Một chiếc áo điện toán đám mây sẽ tích hợp được nhiều chức năng lưu trữ, xử lý thông tin và có ứng dụng rộng rãi trong kết nối, chia sẻ thông tin, đặc biệt là khi xảy ra các thảm họa tự nhiên hoặc trong chiến tranh. Ngoài ra, thiết bị này cũng có ứng dụng trong y học với khả năng đo các chỉ số sinh học như nhịp tim, nhiệt độ cơ thể. Nghiên cứu này do một nhóm các nhà nghiên cứu ở Đại học Alabama, Birmingham tiến hành.

Minh họa chiếc áo điện toán đám mây
Nguồn ảnh: sciencedaily

Chiếc áo điện toán đám mây có thiết kế đơn giản hơn, trọng lượng nhẹ và giá rẻ này cho phép người dùng khai thác các nguồn tài nguyên của điện toán đám mây ngay cả khi họ di chuyển thay vì chỉ phụ thuộc vào phần cứng của các thiết bị di động như trước đây.

“Hiện nay nếu bạn muốn có một chiếc đồng hồ thông minh, điện thoại thông minh, một thiết bị theo dõi hay một chiếc kính thông minh, bạn phải mua từng thiết bị đơn lẻ và chúng không đồng bộ với nhau. Vậy tại sao không có một nền tảng tính toán phù hợp với nhu cầu của bạn và có thể hỗ trợ xử lý các lệnh trên nhiều loại thiết bị di động khác nhau? Liệu có thể tích hợp tất cả các chức năng đó trong một thiết bị giá rẻ?” TS. Ragib Ha San, ở Đại học Alabama, một đồng tác giả của nghiên cứu này cho biết.

Ngày nay, các thiết bị di động ngày càng trở nên đắt đỏ và phức tạp hơn do người dùng ngày càng đòi hỏi một thiết bị xử lý mạnh mẽ hơn với hiệu năng cao hơn. Nhu cầu này phổ biến tới mức ngày càng có nhiều người ao ước mua được những thiết bị di động thông minh có giá hàng nghìn USD. Mặt khác, hầu hết các thiết bị đeo và điện thoại di động đều có bộ vi xử lý có tốc độ chậm hơn khoảng 10 lần so với máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay. Các thiết bị di động mới liên tục “ra lò” được cập nhật mới, mở rộng phần cứng và tốc độ xử lý mạnh mẽ hơn để đáp ứng với những đổi thay về công nghệ thì lại dẫn tới kết quả là giá cả tăng theo. Để đáp ứng nhu cầu lưu trữ của người dùng, rất nhiều thiết bị di động hiện nay sử dụng dữ liệu điện toán đám mây, người dùng phải đăng ký tài khoản cá nhân và tải các dữ liệu cá nhân lên đó. Mẫu áo khoác điện toán đám mây này có thể đáp ứng tất cả các nhu cầu đó với dung lượng RAM khoảng 10GB (trong khi trung bình RAM của điện thoại chỉ từ 1 đến 3 GB). Đồng thời, mỗi chiếc áo khoác đám mây này cũng có khoảng 32GB bộ nhớ sẵn có và có giá rất rẻ so với các thiết bị di động hiện nay.

“Một cách tổng quát nhất, chúng tôi tạo ra một thiết bị mà người dùng có thể tùy chỉnh sao cho phù hợp với nhu cầu của họ mà không cần mở rộng phần cứng. Vì chiếc áo điện toán đám mây này có thể đóng vai trò là một nền tảng ứng dụng, và cho phép các nhà phát triển sản phẩm có thể xây dựng bất kỳ ứng dụng nào trên đó mà không cần phải sửa đổi, nâng cấp phần cứng”, TS. Rasib Khan, một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết. Cụ thể, chiếc áo điện toán đám mây sẽ kết nối với các thiết bị di động thông qua Bluetooth hoặc Wifi, người dùng sẽ thao tác tất cả các lệnh cần thiết trên màn hình của thiết bị di động đó nhưng các lệnh tính toán đó sẽ được thực hiện trên chiếc áo này chứ không phải trên thiết bị di động. Để thuận tiện nhất cho người dùng thao thác, khi thiết kế, các kỹ sư bố trí các nút bấm bên trong áo khoác rất tiện cho người dùng. Áo khoác đám mây này sẽ lưu trữ hầu hết các dữ liệu cá nhân của người dùng thay cho việc phải mở rộng phần cứng thiết bị di động như trước đây.

“Một khi bạn đã chuyển tất cả các dữ liệu vào đây, chiếc áo này sẽ trở thành một thiết bị thông minh. Thay vì bạn cần tới rất nhiều thiết bị khác nhau, giờ đây bạn có một thiết bị tất cả trong một, một giải pháp tổng hợp”, Khan cho biết. Khan và Hasan tin rằng, loại áo điện toán đám mây này là một giải pháp công nghệ có thể đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau, từ đáp ứng nhu cầu giao tiếp, tương tác và chia sẻ thông tin về các thiên tai, thảm họa cho tới chia sẻ thông tin giữa những người lính trên chiến trường. Hasan nói: “7 đến 10 người cùng mặc loại áo điện toán đám mây này sẽ tạo ra một siêu đám mây, một động cơ mạnh mẽ hơn nhiều. Nếu người dùng đầu tiên ra khỏi hệ thống và không thể hoàn thành công việc mà anh ta đang làm, người khác có thể chia sẻ và tiếp tục hoàn thiện, cập nhật công việc thông qua dữ liệu đám mây này”.

Ví dụ có một thảm họa xảy ra và khiến một tòa nhà bị hư hại. Mọi người có thể nhìn thấy chi tiết về tòa nhà trước khi nó bị hư hại, nhưng phải nhìn được vào trong tòa nhà mới có thể biết được chính xác nơi nào bị phá hủy, nơi nào có thể có người bị thương nằm ở đó. Khi mọi người mặc chiếc áo điện toán này và kết nối với chiếc kính Google, bất cứ ai cũng có thể truy cập vào dữ liệu điện toán đám mây và nhìn thấy bất kỳ điều gì mà người mặc chiếc áo điện toán đó nhìn thấy trong thực tế mà không cần tới một nền tảng hoặc thiết bị, phần cứng hoặc phần mềm đặc biệt nào cả.

Ngoài ra, “chúng tôi cũng nhìn thấy một lĩnh vực ứng dụng rất tiềm năng của thiết bị này là y học, bệnh nhân có thể mặc chiếc áo này và sau đó kết nối với máy tính để đo nhịp tim, huyết áp và các chỉ số sinh học khác”. Hasan nói.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)