Áp dụng công nghệ tại Pompeii: Mang đến những cái nhìn mới về di tích cổ xưa

Những người đứng đầu Pompeii đang cân nhắc sử dụng công nghệ để đưa di tích đến gần hơn với công chúng, cũng như cứu kho tàng khảo cổ 2.000 năm tuổi này khỏi sự tàn phá của biến đổi khí hậu

Những bức bích hoạ bên trong Villa of Mysteries, một trong những ngôi nhà được bảo tồn tốt nhất tại Pompeii. Ảnh: Roberto Salomone / The New York Times

Những khía cạnh khác

Vào một buổi sáng tại nghĩa trang Porta Sarno, ngay bên ngoài rìa phía Đông của Pompeii, Mattia Buondonno cẩn thận dựng một tấm bạt bảo vệ nhằm che ngôi mộ được phát hiện vào năm ngoái.

Theo dòng chữ trên bia mộ, người yên nghỉ là một nô lệ được trả tự do tên là Marcus Venerius Secundio, người đã trở nên giàu có và “tổ chức các buổi biểu diễn bằng tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh kéo dài bốn ngày”, Buondonno, một hướng dẫn viên du lịch ở Pompeii, đọc và dịch từ tiếng Latinh.

Bên trong lăng mộ, được cho là có niên đại chỉ vài thập kỷ trước khi núi Vesuvius phun trào và chôn vùi thành phố Pompeii vào năm 79 sau Công nguyên, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một trong những bộ xương được bảo quản tốt nhất từ trước đến nay. “Lúc bấy giờ mọi người đều thấy kỳ lạ. Bình thường người trưởng thành sẽ được hỏa táng”, Buondonno nói.

Nhưng ngôi mộ còn hé lộ nhiều điều thú vị khác.

“Những phát hiện gần đây cho chúng ta cái nhìn mới về các tầng lớp thấp của Pompeii,” Luana Toniolo, một cựu nhân viên khảo cổ của Pompeii, người đã khai quật địa điểm cho biết. Đặc biệt, những dòng chữ khắc thuật lại một cách cô đọng tiểu sử của Secundio, rằng ông là người trông coi Đền thờ Thần Vệ nữ và được đào tạo để trở thành tư tế”, cô nói.

Đối với các nhà khảo cổ học, dòng chữ trên lăng mộ đã chứng thực một giả thuyết rằng các buổi biểu diễn ở Pompeii được tổ chức bằng tiếng Hy Lạp, ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất ở phía đông Địa Trung Hải. Vẫn chưa rõ đó là nhạc kịch hay kịch sân khấu, nhưng đó là bằng chứng cho thấy Pompeii từng là một thành phố quốc tế.

“Chúng tôi nhận ra mọi người từ khắp Địa Trung Hải đã đến và sống ở Pompeii,” Gabriel Zuchtriegel, 40 tuổi, giám đốc di tích, cho biết. Ông nói thêm, đó là một xã hội cởi mở, đa sắc tộc.


Nhà nhân chủng học Valeria Amoretti đứng đầu phòng thí nghiệm ứng dụng của Pompeii. Ảnh: Roberto Salomone / The New York Times

Trước đây, phần lớn du khách thường đổ xô đến các di tích cổ để ngắm những bức bích họa rực rỡ. Họ bị thu hút bởi thảm kịch của một nền văn minh cổ đại đã vùi mình dưới hàng tấn tro bụi và đất đá. Nhưng Zuchtriegel, nhà khảo cổ người Đức gốc Ý, người đã tiếp quản công việc quản lý thành phố Pompeii vào năm 2021, hy vọng rằng sắp tới du khách sẽ biết đến thành phố cổ đại qua một lăng kính rộng hơn, khám phá sự phân tầng xã hội phức tạp của nó.

“Nhiều vấn đề mà chúng ta đang nỗ lực giải đáp ngày nay được khơi gợi từ các lĩnh vực mới mẻ, chẳng hạn như nghiên cứu về giới và nghiên cứu hậu thuộc địa. Đừng quên tất cả sự phồn vinh và các tác phẩm nghệ thuật mà chúng ta chiêm ngưỡng ở Pompeii thực sự được sinh ra từ một xã hội không chỉ tồn tại chế độ nô lệ mà còn không có khái niệm phúc lợi xã hội.”

Vào năm ngoái, các nhà khoa học đã phát hiện ra một “căn phòng dành cho nô lệ” trong một biệt thự ở phía Bắc của Pompeii – bằng chứng cho thấy cuộc sống đầy bất công mà những người nô lệ phải chịu đựng. Trong không gian chật chội chứa ba chiếc cũi, một cái bô và những chiếc bình lớn. Dường như những người nô lệ phải sống trong một căn phòng đồng thời là một kho chứa. Nó được chiếu sáng bởi một ô cửa sổ nhỏ phía trên. “Tôi nghĩ đó là một xã hội đầy khắc nghiệt”, Zuchtriegel nói.

Đưa Pompeii trở nên gần gũi hơn với công chúng

Ông vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa đời sống Pompeii đến gần hơn với thế kỷ 21. “Làm thế nào để người khuyết tật, trẻ em, những người có nền tảng văn hoá khác nhau tiếp cận dễ dàng hơn?”, ông băn khoăn. “Chúng tôi sẽ phải cải thiện khả năng tiếp cận, phải suy ngẫm về ngôn ngữ chúng tôi sử dụng và cách chúng tôi diễn giải về di tích”. Các nhà khoa học tỏ ra phấn khởi trước bước chuyển mình. Sarah E. Bond, trợ lý giáo sư lịch sử tại Đại học Iowa, chia sẻ qua điện thoại: “Tôi rất vui khi Pompeii bắt đầu lưu ý đến những điều này.”

Cộng đồng học thuật chuyên nghiên cứu thế giới cổ đại ngày càng quan tâm đến những vấn đề trước đây thường bị bỏ qua – “những thứ như xâm hại tình dục hoặc chế độ nô lệ” – Bond cho biết. “Thật tuyệt khi giờ đây các nhà khảo cổ học người Ý xem Pompeii như một nguồn để khám phá các vấn đề về giới, bóc lột lao động và bạo lực theo những cách khác nhau.”

Một sự kiện quan trọng trong những năm gần đây là việc các nhà khảo cổ khám phá ra quầy bán thức ăn nhanh tại Pompeii, làm rõ thị hiếu ẩm thực cổ xưa, trong đó có hỗn hợp súp ốc, thịt cừu và cá. “Một món ăn đường phố theo phong cách Pompeii”, Zuchtriegel ví von.

Để có một bữa trưa nhanh chóng hoặc một bữa ăn nhẹ, người dân Pompeii cổ đại sẽ đến thăm một quầy bán thức ăn – quầy này được phát hiện vào năm 2020. Ảnh: Roberto Salomone / The New York Times

Tại một khu nhà cổ thường được gọi là “House of the Garden” (Nhà Vườn), cách quầy bán thức ăn nhanh không xa, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một dòng chữ viết bằng than trên bức tường, dường như ghi thời điểm núi lửa Vesuvius phun trào là vào tháng 10 chứ không phải tháng 8 như chúng ta vẫn nghĩ. “Có nhiều dấu hiệu cho thấy vụ phun trào xảy ra vào mùa thu: dấu vết của quả lựu, rượu lên men, lò sưởi trong một số phòng. Ai lại đi đốt lửa sưởi ấm vào tháng 8”, Nicola Meluziis, một nhân viên tại di tích Pompeii cho hay.

Phần lớn những nghiên cứu trong thập kỷ qua là một phần của Dự án Great Pompeii. Liên minh châu Âu đã tài trợ 137 triệu USD vào năm 2013 cho dự án nhằm bảo tồn di tích, sau khi một toà nhà bị sập vào năm 2010, làm dấy lên cuộc tranh luận quốc tế về hoạt động bảo tồn di tích nơi đây.

“Chúng tôi đã tận dụng hiệu quả số tiền đó”, Zuchtrigel khẳng định, và dành lời khen ngợi cho người tiền nhiệm của mình, ông Massimo Osanna, người quản lý di tích khi số tiền tài trợ bắt đầu đổ về. Hiện tại, ông đã được thăng chức trở thành người phụ trách giám sát tất cả cả bảo tàng của Ý. Osanna đã mang lại “một sự thay đổi lớn lao”, ông nhận định.

Bond cho rằng Osanna đã mang lại cho Pompeii một hình ảnh gần gũi với thân thiện hơn, khi tăng cường sự hiện diện của nó trên mạng xã hội. Trong nhiệm kỳ của ông, Pompeii đã thu hút được sự quan tâm của công chúng khi đội ngũ di tích sử dụng Instagram và Twitter để công bố những khám phá mới, thay vì giấu tịt chúng đi cho đến khi nhóm nghiên cứu xuất bản chúng trên các tạp chí học thuật – cách làm quen thuộc từ xưa đến nay. “Có rất nhiều người chưa từng đến di tích Pompeii”, Bond nhìn nhận, “nhưng họ đã theo dõi nó trên Instagram và rồi cứ thế bị cuốn hút lúc nào không hay.”


Ignazio Carlo Raucci, một chuyên gia phục chế ở Pompeii, đang làm sạch một trong những bức bích họa bên trong House of the Vettii bằng hơi nước. Ảnh: Roberto Salomone / The New York Times

Áp dụng công nghệ hiện đại

Đối với Zuchtriegel, thách thức lớn nhất mà Pompeii đang phải đối mặt là biến đổi khí hậu, chúng đã mang đến những tác động rõ rệt: Di tích giờ đây chịu sự thay đổi nhiệt độ đột ngột từ nóng sang lạnh, với những thời kỳ hạn hán, và cả những cơn mưa nặng hạt. “Toàn bộ điều này đã ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc cổ và các bức bích hoạ”, ông lưu ý. “Đó là lý do vì sao các bảo tàng trong nhà thường phải có máy lạnh để duy trì nhiệt độ.”

Công nghệ mới – gồm cảm biến, camera ảnh nhiệt và drone (máy bay không người lái) – đang được thử nghiệm tại Pompeii nhằm cung cấp dữ liệu và hình ảnh thời gian thực cảnh báo cho nhân viên về những vấn đề tiềm ẩn như độ ẩm bên trong tường hay địa chấn. “Chúng tôi muốn nắm được những gì đang thực sự diễn ra”, Zuchtriegel nói.

Ban quản lý cũng đang sử dụng trí tuệ nhân tạo và người máy để ghép các bức bích hoạ trên trần nhà của House of the Painters at Work (Ngôi nhà của những người thợ sơn đang làm việc – Sở dĩ có tên này vì các nhà khảo cổ đã tìm ra chậu sơn và cọ trong căn phòng cũng như những đồ trang trí còn dang dở). Họ còn sử dụng công nghệ quét laser 3D nhằm tái tạo mô hình hoàn chỉnh bộ xương ngựa được khai quật vào năm 1938.

Các công nghệ mới sẽ đóng vai trò “hướng dẫn viên” giới thiệu cho du khách về một khu vực đang được phục hồi ở rìa phía Tây của di tích cổ đại có tên “Insula Occidentalis”, bao gồm một số biệt thự được xây dựng trên con dốc nhìn ra Vịnh Naples.

Các công nghệ mới cũng sẽ đóng vai trò giải thích cho du khách về một khu vực đang được phục hồi ở rìa phía tây của di chỉ cổ có tên “Insula Occidentalis”, bao gồm một số biệt thự đô thị được xây dựng trên một con dốc nhìn ra Vịnh Naples.

Paolo Mighetto, kiến ​​trúc sư giám sát dự án, cho biết cả nhóm đang tìm kiếm phương án tốt nhất để biến khu vực này trở nên sống động đối với công chúng, có thể bằng cách sử dụng hình ảnh ba chiều hoặc một số phương thức chiếu sáng tương tác. “Chúng tôi đang cân nhắc về các giải pháp khác nhau,” anh nói. (Hiện du khách có thể tải ứng dụng Pompeii trên điện thoại thông minh và nhận thông tin về các tòa nhà bằng cách quét mã QR.)


Các công nghệ mới sẽ đóng vai trò hướng dẫn viên cho du khách, giới thiệu về những biệt thự mới được trùng tu như House of the Library. Ảnh: Roberto Salomone / The New York Times

Ngoài ra, Mighetto cũng hào hứng giới thiệu một biệt thự trong khu vực có tên House of the Library (Nhà Thư viện), ông gọi đó là một chiếc “hòm kho báu” đặc biệt thú vị. Nó tái hiện những biến động lịch sử trong khoảng 2.000 năm, với vết tích từ một trận động đất lớn vào năm 62 Sau Công nguyên; sự kiện phun trào núi lửa Vesuvius; lần khai quật Pompeii đầu tiên vào thế kỷ 18 – khi các đường hầm được đào bên dưới toà nhà; và những vết biến dạng do bom đạn thời Thế chiến thứ hai gây ra.

“Chúng ta đang nhìn thấy dấu vết của các sự kiện lịch sử theo thời gian”, Mighetto mô tả ý nghĩa của toà nhà. “Đó cũng là thách thức của chúng tôi, làm thế nào du khách có thể nhìn thấy dấu vết của những sự kiện thảm khốc này qua những vết nứt, vết biến dạng, thương tổn của công trình” để họ có thể “hiểu rõ hơn về bộ phim quá khứ”. Các nhà quản lý di tích muốn sử dụng những công nghệ mới này để hiện thực hoá mong muốn.

Theo một cách nào đó, Pompeii luôn là di tích dẫn đầu xu hướng. “Không chỉ đối với khảo cổ học, các kỹ thuật trùng tu, mà còn là nỗ lực giúp công chúng dễ dàng tiếp cận địa điểm lịch sử”, Zuchtriegel tự tin chia sẻ.

Anh Thư tổng hợp

Nguồn:

Pompeii Moves With the Times

Snail, Fish and Sheep Soup, Anyone? Savory New Finds at Pompeii

Tác giả