Ba khu vực trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì nhiệt độ cao

Theo một nghiên cứu mới, Trung Mỹ, Afghanistan và Papua New Guinea là những vùng miền bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì nắng nóng khắc nghiệt.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng kỷ lục có thể sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong tương lai do biến đổi khí hậu. Một nhóm nghiên cứu do nhà khoa học khí hậu Vikki Thompson của Đại học Bristol dẫn đầu đã xem xét tác động của sự gia tăng nhiệt độ đối với các khu vực khác nhau trên thế giới.

Một nông dân giữa cánh đồng ngô bị chết khô

Bằng cách sử dụng dữ liệu quan sát và mô hình khí hậu, kết hợp với các phương pháp thống kê thời tiết khắc nghiệt, dữ liệu về chăm sóc sức khỏe và tăng trưởng dân số, họ phát hiện Trung Mỹ, Afghanistan và Papua New Guinea là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì nắng nóng khắc nghiệt. Trước đây các hiện tượng thời tiết cực đoan thường chỉ xảy ra 100 năm một lần thì nay tại các vùng miền nói trên, thời gian rút xuống còn 78-90 năm. Nhiệt độ dao động từ 32,5oC ở Papua New Guinea đến gần 38oC ở Afghanistan.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy, mức độ dễ bị tổn thương của một khu vực phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội và một số yếu tố khác, tiêu biểu là tần suất của các sự kiện cực đoan. Các quốc gia chưa trải qua sự kiện cực đoan nào thường sẽ không chuẩn bị các biện pháp đối phó trong tương lai. Do vậy, khi sự kiện cực đoan xảy ra, các quốc gia này sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Tình trạng này có thể gây quá tải cho hệ thống chăm sóc sức khỏe và năng lượng ở các quốc gia mới nổi và đang phát triển có sự gia tăng dân số lớn.

Châu Âu đã chuẩn bị đối phó với nắng nóng cực đoan

Theo nhóm nghiên cứu, Trung Quốc và châu Âu cũng nằm trong những khu vực bị ảnh hưởng lớn do nắng nóng cực đoan. Tuy nhiên, so với các nước mới nổi và đang phát triển, châu Âu có một lợi thế có ý nghĩa quyết định: Ngay cả khi các hiện tượng thời tiết cực đoan ở khu vực này vẫn còn tương đối ít, người dân nơi đây đã được phổ biến thông tin tốt hơn về hậu quả của biến đổi khí hậu. Do đó, các biện pháp và kế hoạch thích ứng đã được phát triển tương đối sớm.

Thông thường, các khu vực và quốc gia chỉ chuẩn bị cho các sự kiện cực đoan mà họ đã từng trải qua trước đó. Ví dụ như ở Pháp, vào năm 2022, đã xảy ra một loạt vụ cháy rừng nghiêm trọng khiến hàng nghìn hecta rừng bị tàn phá. Sáu tháng sau, Chính phủ Pháp quyết định phải có dự báo đánh giá về nguy cơ hỏa hoạn. Từ đầu tháng 6 cho đến cuối tháng 9, dịch vụ thời tiết Météo France cung cấp bản đồ hàng ngày cảnh báo nguy cơ hỏa hoạn ở từng vùng trong những ngày tới.

Châu Âu đang nóng lên nhanh hơn hầu hết các lục địa khác. Nắng nóng cực đoan, hạn hán và cháy rừng có khả năng xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian tới. Một tài liệu của Ủy ban EU được phát hành từ vài năm nay, trong đó đề cập tới các biện pháp thích ứng.

Các nhà khoa học cũng ủng hộ việc xem xét và mở rộng các kế hoạch hành động hiện có.“Sóng nhiệt có thể gây chết người, nhưng nếu có sự chuẩn bị thì có thể giảm thiểu tỉ lệ tử vong. Mọi quốc gia nên chuẩn bị cho các sự kiện thời tiết cực đoan, bất kể những trải nghiệm trước đây về biến đổi khí hậu”, nhóm nghiên cứu viết trong bài báo.

Xuân Hoài dịch

Nguồn: https://www.stern.de/panorama/wetter/wetterextreme-wegen-klimawandel–diese-regionen-sind-stark-betroffen-33414658.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)