Bác sĩ Ludwig Guttmann: Người khởi xướng Paralympic
Không chỉ nổi tiếng vì là người tạo ra cuộc cách mạng trong việc điều trị chứng liệt nửa người, nhà thần kinh học Do Thái Ludwig Guttmann còn được biết đến với tư cách là người khởi xướng Paralympic – thế vận hội dành cho người khuyết tật.
Ludwig Guttmann tại lễ khai mạc Paralympic ở Tokyo vào năm 1964. Ảnh: United Archives / imago images
Guttmann sinh ngày 3 tháng 7 năm 1899 tại thị trấn Tost (Toszek) của Silesia, là con đầu lòng của nhà sản xuất rượu mạnh Bernhard Guttmann và vợ là Dorothea. Ngay sau khi ông ra đời, gia đình đã chuyển đến Königshütte (Chorzów).
Năm 1917, không lâu trước khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, Ludwig tốt nghiệp trung học và trở thành y tá phụ trong bệnh viện chuyên điều trị cho thương binh. Trong thời gian làm việc tại nơi đây, anh đã phải chứng kiến rất nhiều cảnh đau thương, và trong đó cảnh tượng một người lính trẻ bị liệt phải chết trong đau đớn đã ám ảnh anh suốt cả cuộc đời.
Một năm sau, chàng trai trẻ Guttmann bắt đầu học y khoa ở Breslau (Wrozław), rồi trở lại Freiburg và Würzburg, anh nhận bằng tiến sĩ vào năm 1923. Cha mẹ anh lúc này đang lâm vào cảnh túng thiếu: Do xung đột Đức-Ba Lan ở Thượng Silesia, họ phải chuyển đến Breslau và buộc lòng bán đi nhà máy rượu mạnh – khi cuộc lạm phát xảy đến, số tiền mà họ tích góp được đã trở thành thứ vô giá trị.
Bóng ma của Đức Quốc xã
Sau khi kết hôn, Guttmann quyết định làm việc tại Khoa thần kinh thuộc bệnh viện Wenzel-Hancke ở Breslau. Trong thâm tâm, Guttmann muốn trở thành một bác sĩ nhi khoa, nhưng ông không thể tìm được một vị trí thích hợp. Vì vậy, ông đành theo học thầy Foerster – chủ nhiệm Khoa thần kinh – trong ba năm.
Sau đó ông trở thành bác sỹ cấp cao tại bệnh viện nhà nước ở Hamburg. Do có thành tích công tác tốt nên Guttmann thăng tiến khá nhanh. Tuy nhiên, đúng lúc đó, ở Breslau – quê hương ông – xảy ra một thảm kịch: Vợ một bác sỹ cấp cao làm việc tại bệnh viện Wenzel-Hancke đã tử vong khi sinh nở, vị bác sỹ này vì quá đau đớn nên đã giết đứa con mới chào đời của mình rồi tự tử. Theo đề nghị của Foerster, bác sỹ Guttmann trở về và đảm nhiệm công việc của người bác sỹ quá cố.
Ngày 1.4.1933 bác sỹ Guttmann bị sa thải, bị cấm hành nghề vì ông là người Do Thái. Bác sỹ Foerster lập tức phản đối, nhưng cuối cùng chính quyền Nazi chỉ cho phép bác sỹ Guttmann tiếp tục hành nghề “cho đến khi tìm được người thay thế thích hợp thuộc dòng giống Aryan thượng đẳng”. Khi ông Foerster khuyên ông nên cắn răng chịu đựng sự sỉ nhục này, Guttmann phản ứng gay gắt và ông từ chối tiếp tục làm việc.
Ngày 10 tháng 5, ông đã tham dự một cuộc mít tinh ở Breslau. Trên đường về nhà, nước mắt ông trào ra. Tuy vậy ông vẫn từ chối lời mời ra nước ngoài làm việc, bởi cho đến lúc đó ông vẫn đinh ninh cơn ác mộng điên rồ này sẽ kết thúc nay mai.
Từ Wroclaw đến Oxford
Thời gian sau đó, Guttmann tiếp quản công việc quản lý một phòng khám đa khoa được thành lập đặc biệt cho ông tại bệnh viện Israelite của thành phố. Là một người Do Thái, ông được phép tiếp tục làm việc ở cơ sở y tế này. Những bệnh nhân không được phép đến khám bệnh ở những cơ sở y tế của các bác sỹ thuộc dòng giống “Aryan” đã đổ về phòng khám của Guttmann. Năm 1934, ông đứng ra vận động thành lập Hiệp hội các bác sỹ Do Thái, và ba năm sau ông trở thành giám đốc y tế của bệnh viện.
Khi giáo đường Do Thái Breslau bị phóng hỏa hồi tháng 11 năm 1938, nhiều người đã chạy đến bệnh viện để van xin sự cứu giúp, Gestapo – lực lượng cảnh sát mật của Đức Quốc xã đã bao vây tòa nhà. Lực lượng này đã bắt đi hai bệnh nhân và hai bác sĩ của Guttmann, sau đó đưa họ đến trại tập trung. Guttmann, dù lo sợ bị trục xuất và bị tống vào trại tập trung, nhưng ông vẫn cực lực phản đối, đấu tranh đòi thả hai người bác sỹ từng làm việc tại bệnh viện. Họ được thả nhưng tinh thần hoàn toàn suy sụp.
Lúc này Guttmann nhận ra rằng ông không thể chờ đến cái ngày mà chủ nghĩa quốc xã cáo chung. Trường Đại học Oxford vẫn còn một suất cho ông, cho dù thời gian đầu tạm thời ông sẽ không được nhận lương. Tháng 3.1939, ông rời Breslau cùng vợ, con gái Eva và con trai Dieter.
Khi cả gia đình đến cảng Harwich, một viên cảnh sát trông thấy hai đứa trẻ 6 và 9 tuổi đang co ro trong tiết trời lạnh giá, bèn mời cả nhà vào phòng chờ cho đỡ lạnh. Bà Else Guttmann lúc bấy giờ xúc động đến trào nước mắt vì đã thoát nạn.
Cống hiến trong việc chữa trị chứng liệt hai chân
Đây là thời điểm đầy khó khăn về mặt tài chính với gia đình nhà Guttmann. Bà Else Guttmann quyết định nhận may vá thuê để kiếm sống qua ngày. Tuy vậy, điều đáng mừng là hai đứa trẻ đã đi học và nói tiếng Anh rất tốt. Bản thân bác sỹ Ludwig Guttmann đã đảm nhận một vị trí ở trường Đại học và được làm việc với một tập thể tuyệt vời. Vợ ông cũng thành lập Tổ chức Phụ nữ Do Thái Quốc tế và đã phụ trách tổ chức này trong nhiều năm.
Sau đó, Guttmann nhận được lời đề nghị quản lý một phòng khám thần kinh mới ở Stoke Mandeville. Địa điểm ở phía nam nước Anh này đã nổi tiếng trên thế giới: là địa điểm tổ chức Thế vận hội Paralympic. Để chuẩn bị cho cuộc đổ bộ của Đồng minh vào Normandy, bệnh viện trù liệu sẽ phải tiếp nhận một số lượng lớn thương binh năm 1944. Guttmann đã nhận lời trước sự khó hiểu của bạn bè và đồng nghiệp của ông ở Oxford, bởi vì ai cũng biết rất khó để chữa trị cho những bệnh nhân bị liệt, những người mắc bệnh này hầu hết đều chết sớm trong cơn đau đớn.
Ngay lập tức bác sỹ đã thực hiện một loạt thay đổi cơ bản. Ông đã vấp phải sự phản đối của các bác sỹ phẫu thuật khi quyết định bỏ giường thạch cao cũng như khung giường bằng kim loại để tránh vết thương do tì đè. Ông yêu cầu cứ hai tiếng đồng hồ phải xoay, lật bệnh nhân và đổi đệm giường thành vật liệu cao su. Ông cũng hạn chế việc sử dụng rượu cồn để khử trùng.
Lúc đầu nhân viên y tế tỏ ra khó chịu trước các quy định mới. Guttmann thực hiện một chế độ kiểm tra nghiêm ngặt cả ngày lẫn đêm nhằm xem xét mọi người có thực hiện nghiêm túc các quy định mới hay không. Những người thương binh từ mặt trận chuyển tới hài lòng về sự quan tâm, săn sóc và tỏ ra tôn trọng vị bác sỹ chủ nghiệm khoa này.
Ngay từ đầu bác sỹ Guttmann đã chú ý đến hoạt động thể thao ở bệnh viện. Các cuộc thi thể thao được tổ chức để động viên tinh thần thương binh và qua đó giúp quá trình hồi phục tiến triển nhanh và tích cực hơn. Đầu tiên là các cuộc thi mặc quần áo hoặc ai lên được xe lăn nhanh nhất. Nhờ những lời động viên, nhờ thư từ thăm hỏi của người thân và nhờ các hoạt động thể thao đó mà những thương binh bị liệt nửa người không còn mặc cảm là phế nhân. Họ lấy lại niềm tin vào bản thân mình và tích cực chuẩn bị cho một cuộc sống mới.
Khi bác sỹ Guttmann tình cờ thấy nhân viên của mình chơi bóng với người bệnh, ông đã nảy ra ý tưởng đưa môn này vào chương trình tập luyện hằng ngày. Từ đây, bệnh viện của ông xuất hiện các trò chơi như ngồi xe lăn đánh bóng bằng gậy. Về sau, do e ngại việc dùng gậy gộc có thể xảy ra chấn thương, ông chuyển sang tổ chức thi bắn cung, thi bóng lưới và bóng rổ.
Paralympic ra đời
Phóng lao là một trong những môn thể thao đầu tiên được đưa vào chương trình thi đấu của bệnh viện Stoke Mandeville. Ảnh: United Archives / imago images
Năm 1948, lần đầu tiên các bệnh nhân của bác sỹ Guttmann thi bắn cung với thương binh tại các đơn vị khác. Cuộc thi này diễn ra song song với Thế vận hội dành cho người khuyết tật lần thứ nhất diễn ra tại thủ đô London sau chiến tranh. Xét về tầm cỡ, cuộc thi này không thể so sánh với các Paralympic trong tương lai. Nó chỉ có 15 người tham gia, và nhà tổ chức là con gái bác sỹ Guttmann – cô Eva. Cũng từ đây, người ta quyết định sang năm sẽ lại tổ chức một cuộc thi tương tự lần thứ hai. Cuộc thi năm 1949 đã có 60 vận động viên từ 5 bệnh viện tham dự, và đã có thêm môn bóng rổ. Năm sau, bóng lưới được đưa vào danh sách thi đấu và thu hút được 10.000 khán giả đến xem. Ngoài ra cuộc thi còn tổ chức thi bắn cung giữa các cung thủ bị liệt với các cung thủ hàng đấu nước Anh.
Tiếng vang của các cuộc thi đấu này lớn đến mức ngay cả những người khuyết tật là thường dân cũng đăng ký thi đấu. Số lượng các bộ môn cũng ngày càng tăng, lần lượt có thêm nhiều môn được đưa vào tranh tài như đấu kiếm, cử tạ, bida – và bơi lội, sau khi Guttmann thuyết phục được chính phủ Anh xây dựng một hồ bơi có mái che ở Stoke Mandeville.
Năm 1952, các cựu binh Hà Lan cũng tham gia “Thế vận hội Stoke Mandeville quốc tế”. Tiếng vang của sự kiện này đã dẫn đến Thế vận hội Paralympic đầu tiên – diễn ra ở Ý tại địa điểm tổ chức Olympic vào năm 1960. Giờ đây, sự kiện thể thao toàn cầu này có 22 môn thể thao vào mùa hè và sáu môn vào mùa đông. Năm nay, có khoảng 4.500 vận động viên từ 160 quốc gia tham gia thi tài tại Tokyo.
Năm 1966, Ludwig Guttmann, người bác sĩ từng đoạt giải thưởng vì những cống hiến của ông trong việc điều trị chứng liệt hai chi dưới, và là người khởi xướng cuộc thi thể thao cho người khuyết tật, đã được Nữ hoàng Elizabeth II phong tước hiệp sĩ. Người cha đẻ của Paralympic mất ngày 18.03.1980, hưởng thọ 80 tuổi.
Xuân Hoài dịch
(Visited 5 times, 1 visits today)