Bài học về phát triển cộng đồng qua chương trình OCOP

LTS: Trong bối cảnh nhiều chính quyền địa phương vẫn thường lúng túng chưa tìm ra lời giải đáp thỏa đáng cho câu hỏi hỗ trợ những gì, như thế nào cho những người nông dân để cải thiện đời sống kinh tế của họ thiết thực và hiệu quả, thực tiễn phát triển chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) ở Quảng Ninh đã cho thấy những bài học kinh nghiệm quý giá. Trong chuyên đề về chương trình OCOP, phóng viên Tia Sáng đã tới những huyện khó khăn nhất của Quảng Ninh để tìm hiểu về tính hiệu quả, những thành công và thách thức, khó khăn của chương trình này trong việc hỗ trợ người dân tổ chức sản xuất, kinh doanh chuỗi nông sản bằng nội lực cộng đồng.


Cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP ở huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh.

Lâu nay, trước những thách thức phát triển nông thôn do xu hướng chuyển dịch lao động sang các khu đô thị, khu công nghiệp, tình trạng mất phương hướng của người nông dân trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, Nhà nước đã có nhiều chương trình phát triển nông thôn được triển khai nhưng hiệu quả đạt được chưa như mong muốn. Nguyên nhân do chúng ta chủ yếu tập trung vào hỗ trợ sản xuất ở quy mô các hộ gia đình, coi đây là trọng tâm để triển khai các dự án “ngoại sinh” như cho giống mới, kỹ thuật mới, vay vốn để sản xuất… Việc sản xuất theo kiểu định hướng như vậy đặt các hộ sản xuất gia đình vào thế quá khó, đó là buộc họ phải thực hiện chức năng đầy đủ của một doanh nghiệp: Từ quản lý vốn, tổ chức sản xuất, đến nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, tiếp thị,… Kết quả thường thấy là điệp khúc “được mùa mất giá – được giá mất mùa”.
Trong khi vấn đề này chưa được giải quyết thì các hộ nông dân lại phải đối mặt với các thách thức của toàn cầu hóa và hội nhập khi hàng hóa của nước ngoài tràn ngập, với giá rẻ, chất lượng tương đối tốt tràn ngập thị trường.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao chúng ta cứ phải làm ra các sản phẩm giống của nước ngoài? Liệu còn có cách nào khác không?
Trong bối cảnh như vậy, nhìn kỹ lại ở một góc khác, ta thấy vùng nông thôn có rất nhiều cơ hội, mỗi vùng miền khác nhau đều có các sản vật riêng của mình, như các giống cây trồng, vật nuôi riêng mà chỉ ở vùng đất đó mới có, hoặc công nghệ truyền thống mà cha ông đã truyền bí quyết từ nhiều đời nay. Đó là cái chúng ta có mà các “đại gia”, các doanh nghiệp xuyên quốc gia không có. Vậy tại sao ta cứ phải sản xuất những thứ lạ lẫm mà không dựa trên lợi thế so sánh của chính mình? Nhưng lại tiếp tục nảy sinh vấn đề, đó là khi chúng ta chưa thể kiểm soát được các chuỗi nông sản đặc sản thì cả người bán và người mua đều có khả năng chịu thiệt. Do vậy, một chương trình phát triển sản phẩm dựa vào đặc trưng của địa phương, có quy chuẩn và gắn theo chuỗi giá trị như OCOP, là rất cần thiết.

Cách làm của Nhật Bản và Thái Lan

Ở Nhật Bản, từ những năm 1980, để giải quyết những khó khăn vừa nêu, Morihiko Hiramatsu đã khởi xướng phong trào “mỗi làng một sản phẩm” (OVOP – One Village One Product), đầu tiên ở tỉnh Oita. Theo đó, “mỗi làng”, tuỳ theo điều kiện và hoàn cảnh lịch sử của mình lựa chọn ra những sản phẩm độc đáo, mang đậm nét đặc trưng, có tiềm năng tiếp cận thị trường để phát triển.
Phong trào được thực hiện theo ba nguyên tắc cơ bản: (1) Hành động địa phương – hướng tới toàn cầu, nghĩa là nhận biết và khai thác các nguồn lực sẵn có ở địa phương và phát triển chúng thành các sản phẩm có khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu bằng cách gia tăng giá trị cho chúng và theo tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế; (2) Tự lực – tự tin và sáng tạo, nghĩa là để có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, người dân cần liên tục phát triển giá trị độc đáo của riêng mình, bằng tinh thần sáng tạo của chính mình; (3) Phát triển nguồn nhân lực, nghĩa là tạo ra nguồn nhân lực bền vững, có trình độ và có tính mạng lưới, thông qua OCOP, lãnh đạo cộng đồng, người đứng đầu các tổ chức kinh tế (giám đốc doanh nghiệp, hợp tác xã, trưởng nhóm).
Trong phong trào này, người dân là chủ thể chính thực hiện, còn chính quyền đóng vai trò hỗ trợ kỹ thuật, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cơ sở hạ tầng, trợ giúp tài chính và đào tạo nguồn nhân lực, v.v.
OVOP được thực hiện thành công ở tỉnh Oita và lan rộng trên khắp Nhật Bản, tạo một động lực lớn trong phát triển vùng nông thôn. Có khoảng 40 quốc gia đã học tập OVOP Nhật Bản và triển khai một cách sáng tạo ở đất nước mình. Một trong những quốc gia triển khai thành công là Thái Lan, nơi cái tên OVOP đã được “Thái hóa” thành OTOP (One Tambon One Product, nghĩa là “Mỗi làng/cộng đồng một sản phẩm”). Chương trình do Thủ tướng Thái Lan Thaksin Sinnawatra khởi xướng, được triển khai từ năm 2000 đến nay. Các sản phẩm của OTOP do chính người dân các làng xã phát triển, dựa trên tri thức và kinh nghiệm của bản thân họ. OTOP được triển khai thành chu trình thường niên (Hình 1), trong đó có việc thi sản phẩm hằng năm, từ mỗi địa phương lên cấp tỉnh và toàn quốc.


Hình 1: Chu trình OTOP thường niên ở Thái Lan.
Để triển khai chương trình OTOP, Chính phủ Thái Lan đã hình thành một bộ máy tương đối gọn nhẹ từ trung ương đến địa phương. Tất cả các bộ, ngành đều được yêu cầu tham gia vào OTOP nhằm hỗ trợ cộng đồng phát triển và thương mại hóa thành công sản phẩm của mình.

Vận dụng OVOP ở Việt Nam

Ngay từ năm 2000, một số nhà khoa học, nhà quản lý ở Việt Nam đã cố gắng tìm hiểu và vận dụng OVOP, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp. Điển hình là Đề án “Mỗi làng một nghề” với điểm nhấn là các làng nghề ở Việt Nam. Một số địa phương ở Việt Nam đã cố gắng triển khai Mỗi làng một nghề, như Thừa Thiên – Huế, Bình Định, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long,… Tuy nhiên, đến nay việc triển khai đề án gặp nhiều khó khăn vì nhiều lý do khác nhau:
Thiếu các hiểu biết cặn kẽ về OVOP: Bản chất của OVOP, cách triển khai OVOP, cách áp dụng OVOP, bài học thành công, thất bại ở các quốc gia khác nhau. Triển khai rộng, bao trùm nhưng mất phương hướng với việc tập trung vào “nghề” còn điểm mấu chốt là sản phẩm, yếu tố quan trọng nhất để tạo ra doanh thu và nuôi sống người dân, bị đặt xuống vị trí thứ yếu.
Theo định hướng sẵn “từ trên xuống”: Người dân không được tham gia ngay từ đầu và dẫn đến tham gia một cách thụ động.
Thiếu các hiểu biết cặn kẽ về thực tiễn một cách tổng thể: Các nội dung được thiết kế trên các hiểu biết chung chung về các làng nghề, nông thôn Việt Nam, thiếu các hiểu biết về hiện trạng các sản phẩm, xu hướng, các sản phẩm tiềm năng, trình độ tổ chức của cộng đồng, khả năng hấp thụ vốn, khoa học công nghệ, các yếu tố kinh tế – văn hóa – xã hội, v.v.
Thiếu đội ngũ các chuyên gia tham gia hỗ trợ cộng đồng và nhà quản lý.
Chủ yếu mới là vấn đề của ngành nông nghiệp, chưa có sự tham gia vào cuộc của chính quyền và các ngành có liên quan.
Tư duy “sản xuất lớn”, “phải ra tấm ra món”, theo đó quy luật phát triển từ nhỏ đến lớn bị bỏ qua.
Gần đây, tại các diễn đàn, hội thảo người ta bắt đầu nói đến “Mỗi làng một nghề, sản phẩm” theo cách chắp thuật ngữ. Điều này dẫn đến khái niệm càng trở nên quá rộng, thiếu tập trung. Một số nơi đã bắt đầu thu gom các sản phẩm địa phương thành hệ thống các sản phẩm OVOP ở Việt Nam, tuy nhiên lại chưa chú trọng phát huy nguồn lực sẵn có của hệ thống chính quyền các cấp.

OCOP ở Quảng Ninh

Năm 2012, chúng tôi đề xuất ý tưởng Chương trình OVOP và được Ban Phát triển Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, sau đó là UBND, Tỉnh uỷ Quảng Ninh nhanh chóng tán đồng và đề nghị thực hiện dự án. Chương trình được đặt tên là “OCOP” – “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, đã được xây dựng triển khai một cách có hệ thống, trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng và khắc phục các hạn chế đã nêu trên, theo các nguyên tắc: Nắm vững và tuân thủ ba nguyên tắc của OVOP Nhật Bản; Hiểu biết cặn kẽ về cộng đồng và các sản phẩm tại cộng đồng (kể cả các sản phẩm sẵn có và tiềm năng) để vận dụng phù hợp trên nguyên tắc của OVOP; Có sự tham gia đầy đủ của bốn “nhà”, đặc biệt là chính quyền.
Điểm mấu chốt của Chương trình là cách thực hiện, gọi là Chu trình OCOP thường niên (Hình 2). Chu trình này được xây dựng trên cơ sở bổ sung một số bước của OTOP Thái Lan, bởi nông dân Việt Nam chưa quen với kinh tế thị trường.

Hình 2: Chu trình OCOP thường niên tại Quảng Ninh
Dưới góc độ phát triển cộng đồng, Chương trình OCOP Quảng Ninh đã cơ bản thực hiện đầy đủ các nguyên tắc phát triển cộng đồng sau đây:
Xuất phát từ người dân (từ dưới lên): Người dân quyết định tham gia Chương trình bằng việc đề xuất ý tưởng về sản phẩm. Dựa trên ý tưởng này, hệ thống OCOP của tỉnh chính thức “vào cuộc” ở các công đoạn tiếp theo.
Đồng bộ trên mọi khía cạnh (kinh tế, xã hội, văn hoá): Khi các sản phẩm địa phương được phát triển và thương mại hóa thành công, người dân được hưởng các thành quả, như: tạo ra thu nhập, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Điều quan trọng nhất là khi người dân là chủ nhân của quá trình phát triển, bằng cách góp vốn vào các hợp tác xã, công ty cổ phần,… tại cộng đồng, họ được quyết định các hướng phát triển, chia sẻ lợi ích.
Sự tham gia của cộng đồng: Các nguồn lực cộng đồng được huy động đầy đủ, từ tri thức, công nghệ truyền thống, nguyên liệu địa phương, đến vốn góp, quản trị, quyết định các chiến lược phát triển, phân chia lợi ích có được từ sự phát triển. Với sự tham gia đầy đủ như vậy, người dân là chủ nhân của quá trình phát triển, thay cho thân phận đi làm thuê vẫn thường được nghĩ và diễn ra trong thực tế ngày nay.
Nhà nước chỉ đóng vai trò là người “tạo sân chơi” (triển khai chu trình) và hỗ trợ cộng đồng những phần còn thiếu và điều phối các nguồn lực, như tăng phần vốn cho sản xuất của Chương trình xây dựng nông thôn mới, nắn dòng ngân sách khoa học công nghệ.
Nghiên cứu nền tảng là quan trọng: Để triển khai Chương trình này, DKPharma, với vai trò là cơ quan tư vấn đã thực hiện phần nghiên cứu cơ bản về các sản phẩm của tỉnh Quảng Ninh, từ nguồn gốc công nghệ, nguyên liệu, đến mô hình tổ chức, cách thức tổ chức sản xuất – kinh doanh, xúc tiến thương mại. Các kết quả nghiên cứu đã được phân tích và ứng dụng trong quá trình triển khai Chu trình OCOP cũng như tư vấn tại chỗ cho cộng đồng.
Mô hình năm nhà – theo cách làm của Israel: Ngoài bốn nhà thường được nhắc tới là nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học, trong quá trình triển khai OCOP, DKPharma đóng vai trò là nhà thứ năm: nhà tư vấn, có vai trò bám sát cộng đồng trong suốt quá trình, từ hình thành, đến lo vốn, quản trị doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, nghiên cứu phát triển, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, xúc tiến thương mại, và kết nối với các nhà khác.
Những sáng tạo và thành công của Quảng Ninh trong việc triển khai Chương trình OCOP có được là nhờ sự vận dụng kiến thức, kỹ năng đa ngành, từ lĩnh vực phát triển cộng đồng, đến kinh tế, quản trị doanh nghiệp, nghiên cứu phát triển, kinh doanh, tiếp thị,… xoay quanh trung tâm là sản phẩm mà không đơn thuần là các vấn đề kỹ thuật, và trên hết là đội ngũ con người.
Việc triển khai OCOP ở Quảng Ninh đã mang lại nhiều bài học, cả lý luận và thực tiễn trong việc chuyển biến từ “Chính phủ quản lý/Chính phủ cai trị” sang “Chính phủ kiến tạo”, là điều mà chúng ta hiện nay đang mong mỏi, cũng như góp phần thực hiện chuyển nền kinh tế địa phương từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu bằng việc phát triển chất lượng nguồn nhân lực, gia tăng giá trị, trong đó chuyển trọng tâm từ hỗ trợ các hộ gia đình đơn lẻ sang hỗ trợ các tổ chức kinh tế của cộng đồng.
————–
Tác giả là PGS.TS Chủ nhiệm Bộ môn Thực vật, Đại học Dược. Nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty DKPharma, Tổ chức tư vấn Chương trình OCOP Quảng Ninh.

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)