Bảy bức họa của da Vinci: Lạc vào thế giới vi khuẩn và nấm
Vẻ đẹp của một kiệt tác có thể là vĩnh cửu nhưng điều đó không có nghĩa là chúng không bị tác động theo thời gian của bụi, nấm, vi khuẩn, DNA của người, ngay cả các bức họa nổi tiếng của Leonardo da Vinci 500 năm trước.
Như những nhà sử học lừng danh từng ghi lại, bên cạnh các kiệt tác hội họa, Leonardo da Vinci đã phát minh ra nhiều thứ kỳ lạ. Từ kỹ thuật đến phẫu thuật, bậc thầy thời Phục hưng này đã bước đi trên con đường của nhiều ngành khoa học với những giấc mơ về một chiếc máy bay trực thăng, bộ quần áo thợ lặn và súng thần công 33 nòng. Nhưng dù óc tưởng tượng phong phú đến đâu thì có thể là ông không nghĩ đến một ngày, người đời sau sẽ phát hiện ra một bí mật của mình: nửa thiên niên kỷ sau cái chết của ông, các nhà khoa học đã giải trình tự DNA bị phân tán trên bảy bức họa của ông trong nhiều năm qua. Nhờ vậy họ có thể vẽ ra một cách đầy đủ hệ vi khuẩn và nấm, những thứ có thể kể lại nhiều câu chuyện hấp dẫn về lịch sử tồn tại của những tác phẩm vô giá này.
Đó là kết quả rút ra từ công trình nghiên cứu liên ngành với sự tham gia của các nhà di truyền học, nhà giám tuyển và tin sinh học từ trường Đại học Các nguồn tự nhiên và Khoa học sự sống, trường Đại học Khoa học ứng dụng Viên ở Áo cũng như Viện Nghiên cứu về Các kho lưu trữ và bệnh lý của sách Trung ương (ICPAL) ở Italy. Họ cùng hợp tác nghiên cứu về hệ vi khuẩn của bảy bức họa khác nhau của Leonardo Da Vinci và kết quả là xuất bản bài báo “The Microbiome of Leonardo da Vinci’s Drawings: A Bio-Archive of Their History” (Hệ vi khuẩn trên các bức họa của Leonardo da Vinci: Một kho lưu trữ sinh học của lịch sử những bức họa) trên tạp chí Frontiers in Microbiology.
Một cách tiếp cận mới
Việc nghiên cứu các tác phẩm nghệ thuật từ góc độ sinh học phân tử đã được biết đến như một cách tiếp cận đáng tin cậy. Với sự hỗ trợ của các công cụ giải trình tự gene ngày một tiên tiến và các kỹ thuật phân tích không xâm lấn, các nhà nghiên cứu sinh học đã “chạm” vào những tác phẩm nghệ thuật theo cách riêng của mình: tìm hiểu thế giới của vi khuẩn, nấm và DNA đang đường hoàng tồn tại trên lớp bề mặt các tác phẩm, dù các nhà bảo tồn có biết đến mình hay không. Một trong những nghiên cứu đáng chú ý là “The York Gospels: a 1000-year biological palimpsest” (Cuốn sách York Gospels: Một bản viết tay trên giấy da cừu 1000 năm tuổi về mặt sinh học) trên Royal Society Open Science vào năm 2017, đem lại những hiểu biết mới về việc lựa chọn chất liệu làm sách cấu trúc của bộ sách và lịch sử đọc sách.
Tiến sĩ Piñar, nhà vi trùng học và là tác giả thứ nhất của nghiên cứu về bảy bức họa của Leonardo da Vinci, từng thực hiện một số nghiên cứu trước đó bằng cách tiếp cận liên ngành này. Vào năm 2019, nhóm nghiên cứu của chị đã kể một câu chuyện du hành qua thời gian của những bức tượng bằng đá cẩm thạch châu Á với di chuyển về mặt địa lý bí mật và điều kiện cất giấu của những kẻ buôn lậu tượng và đầu năm nay là giải mã thông tin sinh học chứa trong hai cuốn sách chép tay trên giấy da cừu bằng tiếng Slav thế kỷ 11 để tìm ra nguồn gốc động vật của sách.
Để khám phá ra những thông tin thú vị này, tiến sĩ Piñar và nhóm nghiên cứu đã có được một “trợ lý” đắc lực, đó là Nanopore, một thiết giải trình tự gene thuộc thế hệ thứ ba do các nhà khoa học Oxford phát triển, có phạm vi ứng dụng rộng rãi từ phòng thí nghiệm sinh học đến kiểm tra an toàn thực phẩm, chấn đoán bệnh tật… Tiến sĩ Piñar cho biết, ưu điểm của nó là cần số lượng chất thử và hóa chất ít hơn nhiều so với những thiết bị thế hệ trước và nó lại đủ nhỏ gọn để thậm chí nằm gọn trong túi áo. “Vì vậy về mặt lý thuyết, anh có thể mang nó đi khắp nơi và giải trình tự gene tại chỗ – hãy hình dung là anh có thể giải trình tự gene ngay trong các bảo tàng hoặc kho lưu trữ,” Piñar nói. “Trong những nghiên cứu về môi trường khác, anh cần phải đến tận nơi và mang về phòng thí nghiệm hàng cân đất đá hoặc hàng lít nước. còn chúng tôi thì không phải lấy mẫu.” Bộ giải trình tự này đủ nhạy để các nhà nghiên cứu có thể nhận diện được một dãy vi khuẩn với số lượng lớn và sau đó, họ có thể chiết xuất ra thông tin về vòng đời của chúng dựa trên nguồn gốc.
Nhờ vậy, tiến sĩ Piñar và cộng sự đã được Viện nghiên cứu về Các kho lưu trữ và bệnh lý của sách (Ý), Bộ Di sản, các hoạt động văn hóa và du lịch Ý tài trợ kinh phí thực hiện nghiên cứu về tranh của Leonardo da Vinci, không chỉ để có được những câu chuyện còn chưa biết về lịch sử ra đời của các kiệt tác nghệ thuật mà còn tạo điều kiện cho các nhà bảo tồn nghệ thuật có được thời gian và nguồn lực những phương thức mới để bảo vệ chúng trước tác động của thời gian.
Khi thực hiện dự án, các nhà khoa học tại Ý và Áo đã được phép mượn năm bức vẽ của da Vinci từ Thư viện Hoàng gia ở Turin và hai bức ở Thư viện Corsinian ở Rome để nghiên cứu, bao gồm Autoritratto (Chân dung tự họa), Nudi per la battaglia di Anghiari (Trận chiến Anghiari) Studi delle gambe anteriori di un cavallo (Phác thảo chân trước của ngựa), Studi di insetti (Phác thảo nghiên cứu côn trùng), Studi di gambe virili (Phác thảo chân), Figura presso il fuoco (Chân dung người đàn ông bằng chì đỏ), Uomo della Bitta và Studio di panneggio per una figura inginocchiata.
Những phát hiện thú vị
Những gì mà các nhà nghiên cứu tìm ra nằm ngoài dự đoán của mọi người, nếu không nói là khiến các nhà bảo tồn và người yêu nghệ thuật cảm thấy lo ngại. Tuy không có dấu hiệu có thể thấy về sự phá hủy dưới hình thức những vết “đốm” – một dạng đốm nâu do phân giải màu sắc trên các tấm toan bị lão hóa nhưng thật đáng ngạc nhiên, “cho thấy có sự nổi trội của các vi khuẩn trước nấm mốc,” bất chấp những nghiên cứu trước đó đã chỉ ra nấm đã xuất hiện đáng kể trên các bề mặt tranh. Họ quan sát thấy vi khuẩn là “thuộc dạng vi sinh vật trên người do việc chạm tay vào những bức vẽ trong quá trình bảo tồn tác phẩm”. Piñar kể. “Vì khi anh chạm vào tranh, anh sẽ để lại vi sinh vật trên da của mình tại đó”.
Mọi người có thể nghĩ rằng: điều đó có nghĩa là chúng ta đã biết những gì có trên tay của da Vinci khi ông vẽ các kiệt tác này? Thật đáng buồn là đã rất nhiều bàn tay chạm vào những bức họa đó, có quá nhiều người làm như vậy trong vòng năm thế kỷ kể từ khi họa sĩ bậc thầy phác thảo chúng. Cho dù về mặt kỹ thuật thì một trong những hành động đó có thể là chính bản thân họa sĩ da Vinci, nhưng theo quan điểm của Piñar, cũng không chắc điều này lắm vì không có được DNA từ da Vinci trong bất kỳ cơ sở dữ liệu sinh học nào để đối chứng.
Giữa các loài vi khuẩn liên quan đến người này, các nhà nghiên cứu tìm thấy chi Moraxella, cụ thể là Moraxella osloensis, một loại vi khuẩn hiếu khí là nguyên nhân dẫn đến mùi hôi của những xưởng giặt là thiếu vệ sinh; loài Salmonella và E. coli., vốn thường dẫn đến sự “khó ở” của đường ruột; những loài vi khuẩn đặc biệt vẫn thường xuất hiện trên những con ruồi thông thường và ruồi giấm – điều đó có nghĩa là không chỉ con người chạm ‘móng vuốt’ vào tác phẩm của họa sĩ bậc thầy mà còn cả “côn trùng và chất thải của chúng”, ít nhất cho đến lúc các nhà bảo tồn đặt tranh vào những chỗ bảo quản đủ tiêu chuẩn hoặc giữa những khuôn kính trưng bày với những điều kiện nhiệt độ và độ ẩm hoàn hảo. “Vì trong điều kiện ngày nay thì côn trùng không có cách nào để chui vào đó và gây hại lên đó,” Piñar giải thích. “Không thể. Vì vậy anh phải nghĩ là những dấu vết đó chỉ xuất hiện vào những thời điểm khi các bức họa chưa được bảo quản như hiện nay”.
Sự lép vế của nấm so với vi khuẩn khiến người ta ngỡ ngàng vì lâu nay, ai cũng cho rằng cộng đồng nấm thường sống thoải mái trên những vật liệu như giấy, toan vẽ… Tuy ít nhưng Piñar và cộng sự của mình cũng tìm thấy sự hiện diện của chúng: Aspergillus, một loại nấm mốc nguy hiểm cho một số người nếu hít phải, và cả loài của Penicillium, một chi nấm đem lại chất kháng sinh penicillin cho chúng ta. Điều làm giới bảo tồn lo ngại nhất là kết quả phân tích cho thấy, Alternaria, một chi của nấm Ascomycota chuyên gây bệnh trên thực vật và dẫn đến dị ứng phổ biến ở người, đôi khi dẫn đến hen suyễn.
Các nhà nghiên cứu cũng thấy sự tồn tại của loại nấm liên quan đến các vết ố của giấy theo thời gian. Khi có thêm kết quả phân tích DNA, họ kiểm tra bề mặt của các bức họa với một kính hiển vi điện tử và thấy những lớp bao phủ bằng những tinh thể canxi oxalat do nấm này tạo ra. “Vì vậy anh có thể luận ra là chúng tôi đã kết hợp những phân tích trên kính hiển vi điện tử SEM và phân tích sinh học phân tử để thực hiện nghiên cứu này”, Piñar nói.
Người ta thường bảo quản các tác phẩm nghệ thuật trong những điều kiện ngặt nghèo để hạn chế sự phát triển của nấm nhưng điều đó không có nghĩa là chúng không thể quay trở lại. Piñar cho biết “Do đó, thông điệp quan trọng nhất là nhận diện được nguy hiểm từ vi sinh vật có thể xảy ra để có được những điều kiện môi trường theo cách không thể cho phép sự phát triển của các vi sinh vật, trong trường hợp này là các tham số môi trường như nhiệt độ, độ ẩm và chất lượng không khí”.
Xem xét toàn thể các bức họa, các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra những nét tương đồng thú vị giữa các vi sinh vật sống trên đó. “Chúng tôi có thể thấy một cách rõ ràng các vi sinh vật này tạo thành nhóm theo… vị trí địa lý”, Piñar nhận xét. “Nhờ vậy chúng tôi có thể tìm thấy nhiều sự tương đồng hơn giữa những bức họa ở Turin cũng như giữa hai bức ở Rome – vì trên thực tế có sự ảnh hưởng nhất định về mặt địa lý hoặc trong những điều kiện bảo quản ở hai địa điểm này”.
Bước tiếp theo, Piñar và nhóm nghiên cứu của chị có thể bắt đầu xây dựng một dạng cơ sở dữ liệu về các vi sinh vật được lấy mẫu từ các kiệt tác, so sánh với các cộng đồng vi khuẩn và nấm giữa các tác phẩm trong những bộ sưu tập hiện có và những nguồn khác. Họ có thể khám khá về các vật liệu khác như canvas và giấy, đẩy mạnh hoặc loại bỏ các loài vi khuẩn khác nhau. Và để bảo tồn các báu vật này, các nhà bảo tồn có thể phải xét nghiệm cả các vi sinh vật trong một tác phẩm để phát hiện các dấu hiệu cho một cuộc “tấn công” sẽ đến của các loại nấm.
“Nó giống như là tín hiệu ‘có một đội quân mang vũ khí sắp đến quốc gia anh’, trong trường hợp này là có thể phá hoại các tác phẩm nghệ thuật”, nhà vi sinh vật Massimo Reverberi của trường Đại học Sapienza ở Rome và không tham gia vào nghiên cứu này. Nếu một nhà bảo tồn không thể thấy tác động của nấm bằng mắt thường thì có thể dựa vào kết quả phân tích DNA. “Và khi có dấu hiệu cảnh báo thì có nghĩa sẽ có thể bắt đầu một số hoạt động phá hoại của chúng”.
Do đó, Piñar và những người đồng quan điểm với chị mong muốn dữ liệu vi sinh vật có thể đóng vai trò như một biện pháp kiểm soát trước và sau các quá trình vận chuyển, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật. Có lẽ các nhà quản lý văn hóa cũng nhận thấy điều này nên Piñar sẽ được bổ nhiệm vào một vị trí làm việc mới tại Viện Hàn lâm nghệ thuật Áo trong thời gian tới.
Công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Áo và Ý như một lời nhắc nhở đến những mối liên hệ chưa được đánh giá đúng mức và sự ràng buộc không thể tránh khỏi giữa những lĩnh vực tưởng chừng khác biệt nhau qua lớn: khoa học và nghệ thuật. “Sinh học phân tử đang hoạt động một cách tích cực trong lĩnh vực nghệ thuật”, Piñar nói về điểm kết nối giữa lĩnh vực của chị và nghệ thuật, ngụ ý đến việc đã từng xảy ra trong lịch sử: sự chuyển dời qua lại của chính bậc thầy da Vinci giữa khoa học và nghệ thuật.
Và thật may mắn, các nhà bảo tồn đã có một công cụ hữu hiệu kiểu “súng thần công di truyền 33 nòng” để chiến đấu với mối đe dọa vi sinh vật này. □
Tô Vân tổng hợp
Nguồn: https://www.smithsonianmag.com/smart-news/microbes-fungi-discovered-da-vinci-drawings-180976416/
https://www.atlasobscura.com/articles/da-vinci-microbiome