Bên trong một trung tâm dữ liệu
Những cỗ máy tính to lớn chạy ồn ả. Không khí lạnh ngắt và độ ẩm thấp. Hàng dãy tủ rack dài cùng với ngổn ngang dây điện. Đã thế, nơi đây lại không một bóng người lui tới.
Sự phát triển của công nghệ đang biến dữ liệu trở thành một tài sản vô cùng quý giá với nhiều doanh nghiệp. Vậy một trung tâm dữ liệu hoạt động như thế nào? Đây là đâu mà không có ai lui tới, mà nếu ai đó có dịp đến thì phải tuân thủ các điều kiện cực kỳ ngặt nghèo, kể cả chuyện phải bị bịt mắt để dẫn vào?
Chúng tôi được mời đến thăm trung tâm dữ liệu của CMC Telecom, một công ty của tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam tại Khu công nghệ cao TPHCM.
Nằm trên khu đất vàng, cao và thoáng mát, cách mực nước biển chừng 20 mét, trung tâm dữ liệu của CMC Telecom đã thu hút được khá nhiều khách hàng. Trên một khu đất chừng 6.000 mét vuông, trung tâm dữ liệu của CMC Telecom đã hoàn tất được giai đoạn một, với hơn 200 tủ rack, sức chứa hơn 4.000 máy chủ.
“Hướng dẫn viên” của chúng tôi là ông Nguyễn Xuân Thu, Phó giám đốc Trung tâm kinh doanh ODS – CTCP Hạ tầng viễn thông CMC dẫn chúng tôi đi tham quan những hàng dài các tủ rack chứa các máy chủ đang chạy khá ồn ả trong cái lạnh 22 độ C, nhiệt độ lý tưởng để chạy các thiết bị cùng độ ẩm 50%. Ông Thu giải thích, nếu nhiệt độ tăng thêm 5 độ C, thì tuổi thọ của thiết bị sẽ bị giảm 20%. Để giữ cho các máy chủ được hoạt động tốt trong môi trường đó, công ty đã phải đầu tư một dàn lạnh chính xác mà suất đầu tư ít cũng phải gấp 2 đến 3 lần so với các dàn lạnh thông thường. Các dàn lạnh này được đặt ở tầng dưới, thổi khí lên âm tường. Khí lạnh được tỏa ra phía trước dàn máy, được thổi ra phía sau và rồi hút ra bên ngoài. Đây cũng chính là lý do mà nhiều hãng công nghệ lớn trên thế giới như Facebook chọn các nước Bắc Âu đặt trung tâm dữ liệu của mình để tận dụng khí lạnh thiên nhiên ngoài trời nhằm tiết kiệm năng lượng.
Yếu tố quan trọng nhất trong một trung tâm dữ liệu đó chính là sự bảo mật. Ngoài những chứng chỉ như ISO 27000 cần phải có, một trung tâm dữ liệu cần phải có các quy trình riêng bí mật của mình. Theo ông Thu, để bảo mật, doanh nghiệp phải dựa trên 5 yếu tố, về vị trí, mạng kết nối, nguồn điện, hệ thống làm lạnh và hệ thống phòng chống thiên tai.
Dĩ nhiên, bảo đảm thông suốt nguồn điện là một ưu tiên hàng đầu, nhất là trong bối cảnh mất điện cả do thiếu lẫn sự cố ở Việt Nam. Ngoài các tụ điện UPS công suất lớn, hệ thống máy phát điện cũng luôn sắn sàng bảo đảm hoạt động của các máy chủ luôn được thông suốt. 5 chiếc máy phát điện công suất lớn đã sẵn sàng cho mọi sự cố, dù rằng để phát điện cho toàn trung tâm chỉ cần một máy mà thôi.
Các mối nguy hiểm cháy nổ luôn được tính đến. Toàn bộ trung tâm đều phải được trang bị hệ thống đầu dò, cảnh báo nguy hiểm nhằm phát hiện khói, chống lửa, phát hiện chuyển động, hệ thống camera giám sát và cảnh báo khi có vi phạm an toàn. Trong trường hợp xấu nhất, khi có lửa cháy, thì hệ thống chữa cháy trang bị khí FM200 sẽ tự động trong vòng 5 giây sẽ bao phủ hoàn toàn phòng máy và dập lửa trong vòng 1 phút. Việc sử dụng bình chữa cháy khí FM200 có lợi là trong quá trình dập lửa sẽ không gây ảnh hưởng đến thiết bị và không đẩy khí oxy ra ngoài nên khi sự cố được khắc phục thì các nhân viên có thể vào và khôi phục hệ thống máy chủ ngay lập tức mà không bị ngất xỉu. Tuy nhiên, loại bình này là rất đắt tiền, giá một lần nạp khí lên đến 30.000 đô la Mỹ, mà phải bay ra nước ngoài mới có.
Tính ra, tổng vốn đầu tư cho cả hai giai đoạn của trung tâm này cũng phải hàng trăm tỉ đồng.
Trung tâm dữ liệu của CMC Telecom được xem là bậc trung so với các ông lớn khác. Các công ty như FPT, VNPT và Vietel cũng đã có các trung tâm dữ liệu lớn của mình ở cả TPHCM và Hà Nội. Các tập đoàn công nghệ cao như Google, Facebook, Intel… đều đầu tư rất lớn cho các trung tâm dữ liệu của mình. Theo Công ty nghiên cứu về công nghệ thông tin Gartner, các doanh nghiệp trên thế giới đã đầu tư khoảng 140 tỉ đô la Mỹ trong năm 2012 về trung tâm dữ liệu và con số này sẽ là 143 tỉ đô la Mỹ trong năm nay.