Bệnh dịch hạch đã thay đổi thói quen của các “ma men” như thế nào?

Nhân đại dịch Covid-19, chúng ta hãy cùng nhìn lại thói quen uống rượu trong bối cảnh dịch bệnh.


Bức tranh mô tả một người đàn ông uống nước trong trận dịch năm 1665 ở London. Ảnh: Wellcome Collection.
 
Vào năm 2020, số ca tử vong do rượu ở Anh và xứ Wales đã đạt mốc cao nhất trong 20 năm qua. Văn phòng Thống kê Quốc gia ghi nhận 7.423 trường hợp tử vong do lạm dụng rượu, tăng 19,6% so với năm 2019. Mặc dù điều này có thể bắt nguồn từ nhiều lý do phức tạp, nhưng dữ liệu từ Y tế Công cộng Anh cho thấy đại dịch Covid-19 và hậu quả của nó cũng chịu một phần trách nhiệm. Công việc và các hoạt động xã hội bị gián đoạn đã dẫn đến sự gia tăng của việc lạm dụng rượu trong nhà. 
 
Tôi đã tham gia vào dự án Intoxicating Spaces để tìm hiểu cách các đại dịch ảnh hưởng đến việc sử dụng các chất gây say, bao gồm các kiểu uống rượu, trong quá khứ. Trong đó, chúng tôi đã xem xét cách mà các đợt bùng phát dịch hạch liên tiếp bao trùm nước Anh, đặc biệt là London, vào thế kỷ 17 (1603, 1625, 1636 và 1665) đã tạo ra những thay đổi như thế nào trong thói quen uống rượu của người dân. 
 
Hệt như hiện tại, những đợt bùng phát dịch bệnh đột ngột và đáng sợ này đã khiến người dân khó đến quán trọ, quán rượu, quán bia hay những nơi tụ tập uống rượu khác. Dù không bị đóng cửa hoàn toàn, nhưng các quán xá kiểu này đã phải tuân theo một quy định tương tự như luật giãn cách xã hội. Chẳng hạn, lệnh cấm liên quan đến bệnh dịch hạch ở London năm 1665 đã xác định “tình trạng bát nháo lộn xộn trong quán rượu, quán bia, quán cà phê và hầm rượu” là “địa điểm tốt nhất để lây lan dịch bệnh” và áp đặt lệnh giới nghiêm lúc 9 giờ tối. 
 
Rất khó để xác định những quy định này đã thay đổi cách con người thế kỷ 17 sử dụng rượu như thế nào nếu chỉ dựa trên những thông tin ít ỏi còn sót lại. Tuy nhiên, bằng chứng mang tính ‘giai thoại’ cho thấy có thể đã có một sự thay đổi đối với việc uống rượu ở nhà. Trong tác phẩm kinh điển xuất bản vào năm 1722 mang tên Due Preparations for the Plague – thể hiện những suy ngẫm của mình về sự bùng phát bệnh dịch ở London năm 1665, Daniel Defoe đã kể câu chuyện về một người bán hàng tạp hóa ở London, người đã tự nguyện cách ly tại nhà bản thân và gia đình mình trong suốt thời gian đại dịch. Trong số những vật phẩm cần thiết mà anh ta liệt kê có 12 thùng bia, các loại thùng chứa bốn loại rượu. 
 
Theo Defoe, kho dự trữ ấn tượng này không phải là đòi hỏi vô cớ mà đó là “mặt hàng cần thiết”. Điều này rất dễ hiểu vào thời điểm lúc ấy, nhưng lại là điều ngạc nhiên đối với thông điệp về sức khỏe cộng đồng ngày nay. Lúc bấy giờ, rượu được cho là có giá trị về mặt y học, và việc uống rượu một cách vừa phải trong các đợt bùng phát dịch hạch được khuyến khích. 
 
Rượu đóng vai trò như một loại thuốc bổ
 
Các bác sĩ và những người chuyên viết các bài về y khoa tin rằng rượu có tác dụng như một chất ngăn ngừa bệnh dịch hạch, theo hai cách chính.  Đầu tiên, việc uống các loại bia, rượu vang và rượu mạnh được cho là có tác dụng tăng cường các cơ quan bảo vệ quan trọng trong não, tim, gan. Chúng đặc biệt có lợi nếu uống khi vừa ngủ dậy vào buổi sáng, và nhiều người khuyên rằng nên tăng cường uống những thức uống này trong bữa sáng để chống lại bệnh dịch hạch. 
 
Trong chuyên luận về bệnh dịch hạch năm 1665 của mình, Medela Pestilentiae, Richard Kephale đã tuyên bố rằng “uống một panh maligo [rượu Malaga] vào buổi sáng sẽ giúp chống lại bệnh truyền nhiễm”. (Ông ấy cũng đã tán dương về những “công dụng không thể diễn tả thành lời của thuốc lá”) Nhiều công thức pha chế nước “phòng ngừa” và “chữa trị” phổ biến luôn chứa rượu vang và rượu mạnh, cũng như các loại thảo dược. 
 
Thứ hai, và có lẽ quan trọng hơn, uống rượu vừa phải được cho là có tác dụng ngăn chặn tinh thần hoảng loạn, sợ hãi gây ra sự u uẩn (mà hiện tại ta vẫn gọi là trầm cảm), được cho là khiến mọi người dễ mắc bệnh dịch hạch hơn. 
 

 
Khung cảnh trận dịch năm 1665. Ảnh: Wellcome Collection. 

Như Defoe đã nói, việc người bán hàng tạp hóa tích trữ rượu không phải để thỏa mãn việc “uống cho vui hay uống thả ga” của anh ta và gia đình, mà là “để giữ cho tinh thần của họ không bị sa sút hay chán nản trong những sự kiện gây u uẩn như vậy”. Tương tự, trong chuyên luận về bệnh dịch hạch năm 1665 của mình, Zenexton Ante-Pestilentiale, bác sĩ William Simpson đã ủng hộ việc “uống hớp rượu” để “cảm thấy dễ chịu hơn” mà “khiến tinh thần vui vẻ”. Điều này sẽ loại bỏ “những suy nghĩ về nỗi sợ hãi, lòng hận thù, sự lo lắng, buồn phiền và những suy nghĩ rối bời khác”, và do đó “giúp sức sống trở nên mãnh liệt để chống lại mọi hơi thở lây nhiễm”. 
 
Điểm quan trọng mà tất cả những tác giả chuyên viết sách về y học nhấn mạnh đó là uống rượu “một cách vừa phải”. Uống rượu quá đà đến mức say xỉn là việc cần tránh, và “sống điều độ với chế độ ăn uống phong phú” vẫn là cơ sở cho hầu hết các đơn thuốc chữa bệnh dịch hạch. 
 
Tuy nhiên, hiện tại, trong bối cảnh công việc và hoạt động giải trí đều bị gián đoạn, cùng với những nỗi lo khi sống trong một thành phố dịch bệnh, khiến nhiều người có thói quen bầu bạn với rượu làm niềm an ủi. Trong A Journal of the Plague Year – một tiểu thuyết nổi tiếng hơn của Defoe về trận bùng phát dịch bệnh ở London năm 1665 – ông kể câu chuyện về một vị bác sĩ luôn giữ được “lòng nhiệt huyết và sôi nổi với rượu mùi và rượu vang”. Nhưng “không thể dứt khỏi chúng khi bệnh đã khỏi, và vì thế ông đã trở thành một con ma men trong suốt phần đời còn lại.”
 
Anh Thư tổng hợp
 

Tác giả