Biến Không Khí Ô Nhiễm Thành Nhiên Liệu

Một startup ở Canada đưa ra ý tưởng mới: “hút” khí carbon dioxide trong không khí lại và biến nó trở thành các loại hàng hóa có ích, chẳng hạn như nhiên liệu.


Các nhà hoạt động vì môi trường đốt một biểu tượng khí carbon dioxide trong cuộc biểu tình trước nhà máy điện Klingenberg tại Berlin năm 2008

Qua các hoạt động đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch, con người thải ra hơn 30 tỉ tấn mét khí carbon dioxide vào bầu khí quyển mỗi năm. Con số này đã tăng dần đều trong suốt hơn 100 năm qua, khiến tình hình khí hậu diễn biến ngày một xấu đi. Trước thực trạng trên, giới khoa học, doanh nhân, chính khách, các nhà hoạt động vì môi trường đã và đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp khả thi. Tính đến nay, đa phần các giải pháp được đưa ra đều xoay quanh việc giảm lượng phát thải khí carbon như sử dụng nhiên liệu xanh, hạn chế đi xe. Nhưng gần đây đã xuất hiện thêm nhiều hướng đi mới với ý tưởng trọng tâm là gom khí này lại. Đơn cử, một nhà máy điện ở Iceland đã tìm ra cách biến carbon thành đá; một công ty ở California tuyên bố họ đã tìm ra công nghệ “cô lập” carbon trong xi-măng. Ngoài ra còn có các phương pháp khác nhằm “nhốt” khí carbon trong đất hay dưới nước.   

Còn giờ đây, Carbon Engineering, một startup ở Canada do nhà vật lý David Keith ở đại học Harvard đồng sáng lập với sự hỗ trợ tài chính một phần của Bill Gates, mới đưa ra một ý tưởng độc đáo riêng: “hút” khí carbon dioxide trong không khí lại và biến nó trở thành các loại hàng hóa có ích, chẳng hạn như nhiên liệu.  

Carbon Engineering vừa mở một nhà máy thí điểm tại Squamish, British Columbia, để tìm hiểu tính khả thi của công nghệ mà họ gọi là “hút không khí” (air capture). Trong nhà máy này, không khí được những chiếc quạt lớn đẩy vào một dung dịch lỏng chứa nồng độ carbon dioxide cao. Tiếp đến, hỗn hợp này được xử lý thành carbon dioxide tinh chế. Sau đó, không khí sạch được giải phóng ra ngoài và chất lỏng còn lại được tái chế để sử dụng trong đợt tinh chế carbon dioxide tiếp theo. Với các công nghệ hút carbon, carbon dioxide được thu nạp ngay khi chúng thoát ra khỏi các nhà máy; nhưng công nghệ hút không khí này lại có thể xử lý các loại carbon dioxide đã được thải ra khỏi các động cơ chạy nguyên liệu. Nói cách khác, quá trình thanh lọc khí carbon dioxide này giống như cách thức quang hợp của các loài thực vật nhưng cho hiệu suất cao hơn.

Nhà máy mới hiện đã có thể tách được khoảng một tấn carbon dioxide khỏi không khí mỗi ngày. Tuy đây chưa phải là con số ấn tượng, song công ty này cho hay họ đã sẵn sàng gia tăng hiệu suất lên hàng nghìn lần. Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề cần phải giải quyết: lượng carbon bị “tóm” vào trong nhà máy này lại được phát thải trở lại bầu khí quyển gần như ngay lập tức. Nguyên nhân là vì họ vẫn chưa tìm ra cách xử lý đối với lượng carbon dioxide đã hút được.

Một trong những hướng đi hiện tại của Carbon Engineering là biến carbon dioxide thành nhiên liệu. Quá trình này bao gồm các bước tách nước thành oxygen và hydrogen, rồi kết hợp hydrogen với carbon dioxide để tạo thành nhiên liệu hydrocarbon. Hiện nay trên thế giới đã xuất hiện công nghệ này song chưa được thử nghiệm ở quy mô thương mại. Tuy nhiên, Carbon Engineering cho rằng trong tương lai, công nghệ này có thể sẽ cung cấp được một lượng nhiên liệu carbon trung tính đủ dùng cho cả thế giới và tương thích với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện nay. Theo dự đoán của họ, trong khoảng một vài năm tới, Carbon Engineering có thể sẽ sẵn sàng giới thiệu ra thị trường loại nhiên liệu làm từ carbon dioxide qua công nghệ hút không khí với giá thành 1-2 USD/lít.

Bất chấp những dự đoán lạc quan này, ban lãnh đạo Carbon Engineering vẫn cho rằng đây không phải là công nghệ có thể giải quyết được vấn nạn biến đổi khí hậu, bởi nhiều nhất thì nó cũng chỉ có thể loại bỏ được một phần nhỏ lượng phát thải khí carbon dioxide mà thôi. Geoff Holmes, giám đốc phát triển kinh doanh của công ty này, cho hay: “Chúng tôi nghĩ rằng thế giới cần có thêm nhiều công cụ nữa để cùng chung tay giảm lượng khí phát thải, và công nghệ hút không khí của chúng tôi là một công cụ như vậy. Chúng tôi muốn dự phần trong công cuộc đưa lượng khí thải về ngưỡng 0 càng nhanh càng tốt.”

Chi Nhân dịch theo Smithsonian

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)