Biến nước biển thành nước sạch: Không đơn giản

Ở các vùng bị khô hạn nghiêm trọng, các cơ sở khử muối trong nước biển là nguồn cung cấp nước uống cần thiết cho người dân. Tuy nhiên biện pháp này cũng có những điểm yếu. Để điều hòa được các điểm yếu này với lợi ích của nó là bài toán không đơn giản.


Công trường xây dựng một cơ sở khử muối trong nước biển ở ngoại ô thành phố Cape Town. 

Trên thế giới hiện có khoảng 16.000 nhà máy khử muối trong nước biển làm nước ăn. Tuy nhiên theo tạp chí chuyên đề “Science of the Total Environment”, có khá nhiều vấn đề bất lợi của phương pháp khử mặn này. Lượng hoá chất gây ô nhiễm môi trường tại các cơ sở này cao hơn 50% so với dự tính ban đầu. Vì vậy cần nhanh chóng có các giải pháp thích hợp để xử lý các hóa chất tàn dư này nhằm hạn chế gây hại với môi trường và giảm chi phí phát sinh. Chỉ có như thế mới bảo đảm cung cấp lâu dài nguồn nước ăn cho các thế hệ hiện nay cũng như mai sau.

Người dân ở các vùng bị thiếu nước nghiêm  trong lệ thuộc nhiều vào nguồn nước của các cơ sở khử muối nước biển. “Khoảng 1,5 đến 2 tỷ người hiện sinh sống ở các vùng khan hiếm nước, chí ít là không đủ nước sinh hoạt vào mùa khô hạn”, Vladmir Smakhtin nói. Ông cùng nhà khoa học, được sự hỗ trợ của Liên hiệp quốc, đã phân tích số liệu liên quan đến các cơ sở khử muối trong nước biển hiện có. Theo số liệu của họ, hiện nay có 15906 cơ sở khử muối trong nước biển, phân bổ ở 177 quốc gia. Hơn nửa số cơ sở này tập trung ở Trung Đông và Bắc Phi. Tây Ban Nha là quốc gia ở Tây Âu có nhiều cơ sở khử muối trong nước biển nhất. Các cơ sở này tạo ra 95 triệu m3 nước ngọt mỗi ngày nhưng lại sinh ra 142 triệu m3 nước muối cô đặc – nhiều hơn 50% so với dự tính ban đầu. Lượng nước muối này sau một năm có thể phủ kín diện tích tiểu bang Florida của Hoa kỳ và có chiều cao khoảng 30 cm.

So với nước biển bình thường, lượng dung dịch muối này có hàm lượng muối cao hơn nhiều, ngoài ra còn chứa nhiều loại hoá chất và kim loại hoà tan. Dung dịch nước muối đậm đặc này sẽ được hoà với nước biển để tránh gây tắc hoặc gây hư hại đối với hệ thống khử muối do sự tồn đọng các muối không hoà tan, các vi sinh vật, rong rêu và cát. Đồng và clo là các tạp chất nguy hiểm, sẽ gây nhiều phiền toái nhất.

Việc xử lý dung dịch muối này như thế nào tùy thuộc vào vị trí của nhà máy khử muối và một số điều kiện khác. Thường hỗn hợp này được tống ra biển hoặc sang các vùng chứa nước khác, cho xuống các giếng nằm sâu trong lòng đất hoặc bơm ra các kênh thoát nước hoặc dẫn vào các hồ chứa nước để bốc hơi. Tuy nhiên điều này có thể gây tổn hại rất lớn đến hệ thống sinh thái của khu vực đó. Nước muối đậm đặc làm giảm lượng oxy hoà tan trong nước, Edward Jones, người tham gia dự án này, giải thích. “Tỷ trọng muối cao và lượng ô xy hoà tan giảm có thể làm ảnh hưởng đáng kể đến các loài sinh vật sống trong nước; những tác động về sinh thái này có thể làm ảnh hưởng rõ rệt đến toàn bộ chuỗi thực phẩm”, ông nói.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng cho biết, các kim loại như Magnesium, Natrium, Calcium, Kalium, Brom và  Lithium có thể tái thu hồi để phục vụ trong công nghiệp. Tuy nhiên các công nghệ tái thu hồi hiện nay chưa chín muồi.

Đồng tác giả của báo cáo này, Manzoor Qadir cho rằng “Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu về vấn đề này, biến những khó khăn về môi trường thành cơ hội về kinh tế. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các nước có một lượng lớn nước muối đậm đặc mà chưa sử dụng có hiệu quả như Ả rập Xê út, các tiểu vương quốc ả rập thống nhất,  Kuwait và Qatar”.

Ngoài ra, các nhà máy khử muối trong nước biển hiện đang hoạt động có một nhược điểm lớn khác, đó là tiêu hao quá nhiều năng lượng.

Xuân Hoài dịch

Nguồn tin và ảnh: https://www.wiwo.de/technologie/green/un-warnt-giftige-rueckstaenden-bei-meerwasserentsalzung/23865666.html

Tác giả