Blockchain cải thiện quản lý dữ liệu ở khu vực hành chính công

Ngày nay, cơ quan nhà nước có thể áp dụng những công cụ và công nghệ blockchain vào công tác bảo vệ dữ liệu quan trọng và cải thiện việc quản lý hồ sơ liên quan đến quyền sở hữu tài sản và thành lập công ty. Về lâu dài, khi công nghệ blockchain đạt tới mức độ trưởng thành, các chính phủ cũng có thể sử dụng công nghệ này để kết nối các dịch vụ công.

Quản lý dữ liệu và tài sản số

Bảo vệ dữ liệu quan trọng: Mặc dù các cơ quan nhà nước vẫn luôn nỗ lực bảo vệ hệ thống thông tin của mình ở mức độ tốt nhất, nhưng bất cứ ai sử dụng dịch vụ công đều lo lắng tội phạm có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu của chính phủ để ăn cắp hoặc làm sai lạc hồ sơ.

Năm 2015, tin tặc đã thu được thông tin cá nhân, số an sinh xã hội, dấu vân tay, lịch sử việc làm và thông tin tài chính của khoảng 20 triệu người đã được chính phủ Hoa Kỳ kiểm tra lý lịch. Các phương thức mã hóa không bao giờ có thể an toàn 100%, nhưng công nghệ blockchain có thể khiến cho các mối đe dọa như vậy khó được thực hiện thành công. Ví dụ, Estonia đang triển khai một công nghệ có tên là Keyless Signature Infrastructure (Hạ tầng chữ ký phi khóa – KSI) để bảo vệ tất cả các dữ liệu của khối cơ quan nhà nước. KSI tạo ra các giá trị băm (hash values) đại diện duy nhất cho những lượng lớn dữ liệu với vai trò là những giá trị số nhỏ hơn. Các giá trị băm có thể được sử dụng để xác định các bản ghi mà không thể được sử dụng để tái tạo lại thông tin ở chính tệp đó. Các giá trị băm cũng được lưu trữ trong một blockchain và phân bố trên một mạng riêng của các máy tính của chính phủ. Bất cứ khi nào một tập tin cơ bản thay đổi, một giá trị băm mới được nối vào chuỗi và thông tin này sẽ không còn có thể được thay đổi. Lịch sử của mỗi bản ghi là hoàn toàn minh bạch và giả mạo trái phép từ bên trong hoặc bên ngoài hệ thống có thể được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. KSI cho phép các quan chức chính phủ theo dõi những thay đổi trong nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau như: ai thay đổi bản ghi, thay đổi những gì và khi nào những thay đổi này được thực hiện. Hồ sơ y tế điện tử của tất cả các công dân Estonia đang được quản lý bằng cách sử dụng công nghệ KSI và quốc gia này đang dự định áp dụng KSI vào tất cả các cơ quan chính phủ và các công ty tư nhân trong nước.

Số hóa quyền sở hữu tài sản: Quá trình sở hữu và chuyển giao tài sản, dù là tài sản vật chất hay các công cụ tài chính, thường liên quan đến nhiều thủ tục hành chính và các loại giấy tờ sổ sách. Các cơ quan chính phủ có thể cắt giảm mạnh những thủ tục phiền hà này bằng cách số hóa thông tin về quyền sở hữu tài sản và lưu trữ nó trên thẻ ghi blockchain. Việc sử dụng công nghệ blockchain của chính phủ Thụy Điển trong lĩnh vực này là một ví dụ tiêu biểu. Khi thực hiện các giao dịch bất động sản ở Thụy Điển, số tiền đặt cọc rất cao. Giá trị tích lũy của tất cả các tài sản toàn quốc hiện tại là hơn 11 nghìn tỷ Krona của Thuỵ Điển, gấp ba lần giá trị GDP của Thụy Điển. Vì vậy, đăng ký và chuyển nhượng tài sản là nhiệm vụ nặng nề đối với đất nước này. Lantmäteriet, cơ quan đăng ký đất đai của nước này, đã tìm cách để số hóa quy trình này. Cơ quan này đang thử nghiệm một ứng dụng di động cung cấp không gian giao dịch cho người bán và người mua cũng như các đại lý bất động sản và ngân hàng. Một blockchain sẽ ghi lại thông tin chi tiết về các tài sản đang được bán cũng như từng bước trong quá trình giao dịch. Liên lạc giữa tất cả các bên trong quá trình giao dịch sẽ trở nên minh bạch hơn. Tài liệu giấy, thường dài hàng trăm trang, sẽ trở nên dư thừa. Nếu được triển khai, ứng dụng mới này được kỳ vọng sẽ giảm thời gian cần  để hoàn thành một giao dịch từ ba đến sáu tháng còn chỉ trong vài ngày, trong một số trường hợp thậm chí chỉ còn vài giờ.

Nước Cộng hòa Gruzia cũng vừa tuyên bố họ sẽ thử nghiệm một công nghệ tương tự, cho phép người dân và các công ty sử dụng ứng dụng điện thoại thông minh để mua và chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản trong một thời gian ngắn và với chi phí hạn chế. Hiện tại, quy trình chuyển giao tài sản mang tính thủ công; người nộp đơn có thể mất đến một ngày chờ đợi xếp hàng tại nơi đăng ký của nhà nước và phải trả từ 50 USD đến 200 USD để hoàn tất giao dịch. Theo một phân tích về giao dịch bất động sản ở tất cả các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), người mua phải trả ít nhất 3,5 tỷ đô la một năm phí hành chính để đăng ký mua nhà. Số hóa quy trình sẽ làm giảm đáng kể chi phí dịch vụ này của chính phủ và góp phần tiết kiệm cho người dân.

Ngoài ra, một lợi ích khác của việc sử dụng blockchain để theo dõi quyền sở hữu tài sản là những người trong cuộc cũng có thể tham gia giám sát khiến cho nhân viên chính phủ khó lòng thao túng thông tin trái phép. Việc này có thể khiến cho quyền sở hữu trở nên an toàn hơn ở những nơi mà quy định pháp luật vẫn còn lỏng lẻo và nguy cơ lạm dụng quyền lực cao.

Đăng ký thành lập doanh nghiệp bằng quy trình thông minh: Tiểu bang Delaware của Hoa Kỳ đang trong giai đoạn đầu thiết lập các dịch vụ đăng ký thành lập doanh nghiệp dựa trên các bản ghi blockchain và các hợp đồng thông minh, thay vì các trao đổi trên giấy. Quy trình thành lập doanh nghiệp liên quan đến việc nộp các tài liệu cần thiết, thiết lập một đơn vị có tư cách pháp nhân cụ thể, tổ chức các cuộc họp hành chính, phát hành cổ phiếu, áp dụng luật pháp, v.v. Một hướng tiếp cận kỹ thuật số đối với việc đăng ký thành lập công ty sẽ có lợi, đặc biệt khi ngày càng nhiều công ty tư nhân có cấu trúc vốn phức tạp, các cổ đông khác nhau có các quyền và nghĩa vụ khác nhau. Các quy định về các khoản đầu tư cụ thể trong một doanh nghiệp có thể được hình thành với vai trò là các hợp đồng thông minh được nhúng trong một blockchain. Blockchain này sau đó có thể được sử dụng để tự động hóa thủ tục bỏ phiếu hoặc đảm bảo tuân thủ các quy định về thời gian và cách thức các nhà đầu tư có thể bán cổ phần của họ.

Xây dựng các dịch vụ công kết nối

Chính phủ nắm rất nhiều thông tin về các cá nhân và tổ chức nhờ tất cả dữ liệu họ thu thập được. Tuy nhiên, do thông tin này tồn tại ở các cơ quan và các bộ chuyên trách nên việc sử dụng chúng thường không được phát huy tối đa. Các cơ quan dịch vụ xã hội thường có ít hoặc không có quyền truy cập trực tiếp vào thông tin về các tương tác của khách hàng với các cơ quan công quyền khác. Ngoài ra, việc thu thập thông tin như vậy có thể là một nỗ lực đòi hỏi tốn thời gian và sức lực. Ví dụ, tại một nước ở vùng Scandinavia, những công chức chịu trách nhiệm lập kế hoạch cho các chương trình phục hồi nhân phẩm của tội phạm bị kết án đã phải mất rất nhiều ngày làm việc của họ để tìm thông tin về những cá nhân này từ rất nhiều cơ quan chính phủ khác nhau.

Xét trên khía cạnh kỹ thuật, không có lý do chính đáng nào để không chia sẻ giữa liệu. Nhiều chính phủ đã nỗ lực thành lập các kho dữ liệu trung tâm hoặc hệ thống thông tin doanh nghiệp để chia sẻ thông tin giữa các cơ quan. Tuy nhiên, điểm quan trọng mấu chốt là vấn đề an ninh. Cũng giống như các cơ quan quản lý ở khu vực tư nhân, các cơ quan nhà nước không thể, trong mọi trường hợp, để dữ liệu nhạy cảm có thể được truy cập một cách bừa bãi. Điều thiết yếu ở đây là một môi trường trong đó dữ liệu có thể dễ dàng được chia sẻ trên các hệ thống nhưng các cá nhân và tổ chức vẫn có thể lấy lại quyền sở hữu dữ liệu của họ và kiểm soát luồng thông tin cá nhân như người xem thông tin, những thông tin họ xem và tại thời điểm nào.

Công nghệ blockchain mới nổi sẽ có thể góp phần giải quyết những vấn đề như vậy. Mỗi cá nhân hoặc tổ chức sẽ có tất cả các dữ liệu liên quan về họ (ví dụ như thông tin cá nhân cơ bản hoặc hồ sơ tương tác trước đó với các cơ quan chính phủ) được lưu trữ trong sổ cái riêng trong một cơ sở dữ liệu blockchain được mã hóa. Cá nhân hoặc công ty có thể truy cập vào những sổ cái này qua Internet. Sau đó, người dùng cuối có thể cho phép cơ quan nhà nước có quyền đọc hoặc thay đổi những yếu tố cụ thể của sổ cái cá nhân của họ bằng cách sử dụng “mã hóa khóa công khai và khóa cá nhân”. Họ có thể sử dụng khóa công khai để chia sẻ có chọn lọc thông tin liên quan đến giao dịch dịch vụ cụ thể với các cơ quan. Hoặc họ có thể cung cấp khóa riêng cho các cơ quan để truy cập một lần vào dữ liệu của họ.

Trong một số trường hợp, hợp đồng thông minh có thể lộ một số thông tin nhất định cho các cơ quan được chỉ định nếu thỏa mãn các điều kiện được xác định trước. Ví dụ, nếu người nhận trợ cấp thất nghiệp bị tù, thông tin đó có thể được chuyển tới cơ quan lao động để dừng các khoản thanh toán trong thời hạn bản án. Các cơ quan nhà nước sẽ có thể sử dụng một phần thông tin cụ thể cho mục đích theo thẩm quyền nhưng sẽ không có quyền truy cập không giới hạn vào tất cả dữ liệu của người dùng cuối.

Sử dụng các sổ cái blockchain sẽ làm giảm nguy cơ truy cập trái phép (thông qua cơ chế mã hóa mạnh) và thao túng sửa đổi dữ liệu (thông qua các dấu vết kiểm toán giả mạo). Thật vậy, các dịch vụ công có thể trở được kết nối thực sự, mà không vi phạm nghiêm trọng tới quyền riêng tư. Các cá nhân và công ty sẽ không còn cần phải mất nhiều thời gian điền vào các biểu mẫu những thông tin mà họ đã cung cấp cho chính phủ. Còn các cơ quan nhà nước có thể điều chỉnh dịch vụ của họ để đáp ứng nhu cầu của cá nhân, thay vì triển khai những phương hướng dạng “một kiểu cho tất cả”.

Phân phối phúc lợi xã hội hiệu quả hơn

Rất nhiều người hưởng trợ cấp phúc lợi không được ngân hàng hỗ trợ và phải đối mặt với các rào cản tài chính như kiểm tra tín dụng, tiếp cận tới các sản phẩm tài chính truyền thống và chi phí giao dịch. Blockchain mang lại một phương tiện rẻ tiền và mang tính hỗ trợ để giúp những người này hưởng trợ cấp theo phương thức đơn giản và chi phí thấp.

Với ứng dụng này, danh tính số hóa có thể được xác thực thông qua các sổ cái phân tán chạy trên các thiết bị được mã hóa an toàn, hoặc thậm chí thông qua phần mềm trên thiết bị di động, cho phép người dùng cuối được hưởng quyền lợi một cách trực tiếp, làm giảm chi phí giao dịch đối với ngân hàng hoặc chính quyền địa phương. Việc này cho phép công nghệ này có thể được tích hợp vào một hệ thống ngân hàng thông qua một điểm phân bố an toàn, đáng tin cậy hơn một tài khoản ngân hàng. Giải pháp như vậy cũng có thể được liên kết với các hệ thống khác để giảm mức độ gian lận và lỗi của nhân viên trong việc phân phối phúc lợi, vì sẽ khó giả mạo danh tính hơn.

Áp dụng công nghệ blockchain vào quá trình đăng ký và thanh toán các khoản trợ cấp và phúc lợi của chính phủ sẽ giúp ngăn chặn tổn thất tài chính thông qua gian lận và lỗi, hỗ trợ cho những công dân dễ bị tổn thương nhất bằng cách mang lại cho họ ích lợi của tài chính toàn diện, hỗ trợ việc đạt được các mục tiêu chính sách rộng lớn hơn của chính phủ, đặc biệt là đưa mọi người thoát khỏi đói nghèo một cách bền vững.

Phương Anh
Trích từ báo cáo “Công nghệ Sổ cái phân bố: Vượt ra khỏi Blockchain” của Mark Walport

Chú thích:
Định nghĩa về Hợp đồng thông minh
“Hợp đồng thông minh là hợp đồng có các điều khoản được ghi bằng ngôn ngữ máy tính thay vì ngôn ngữ pháp lý. Các hợp đồng thông minh có thể được tự động thực hiện bởi một hệ thống máy tính, chẳng hạn như một hệ thống sổ cái phân phối phù hợp. Những lợi ích tiềm năng của các hợp đồng thông minh bao gồm chi phí hợp đồng, thực thi, và tuân thủ thấp; do đó rất khả thi về mặt kinh tế để hình thành các hợp đồng qua nhiều giao dịch có giá trị thấp. Rủi ro tiềm ẩn bao gồm sự phụ thuộc vào hệ thống tính toán thực thi hợp đồng. Ở giai đoạn này, rủi ro và lợi ích phần lớn mang tính lý thuyết bởi vì công nghệ của các hợp đồng thông minh vẫn còn trong giai đoạn trứng nước, và có thể còn rất lâu mới được triển khai rộng rãi”.

 

Tác giả