Bốn dự án đường sắt chờ vốn tư nhân

Cục Đường sắt Việt Nam tiếp tục mời gọi tư nhân đầu tư bốn dự án đường sắt lớn với tổng số vốn hơn 165.000 tỉ đồng. Theo các chuyên gia, các dự án mời gọi đầu tư mà không công bố chính sách ưu đãi nên chưa thu hút được nhà đầu tư quan tâm.

 Hiện nay, Cục Đường sắt đang mời gọi đầu tư từ khu vực tư nhân 4 dự án đường sắt, gồm: dự án nâng cấp hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc-Nam hiện có (vốn đầu tư 39.873 tỉ đồng); dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Nam Hồ Tây – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc – Ba Vì (vốn đầu tư 63.878 tỉ đồng); dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1: Biên Hòa – Thị Vải vốn đầu tư 33.882 tỉ đồng); dự án đường sắt vào cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (vốn đầu tư 28.000 tỉ đồng).

Tại khu vực phía Nam, để thuận lợi cho nhà đầu tư, vào đầu tháng 10-2013, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã công bố quy hoạch chi tiết 8 tuyến đường sắt kết nối TPHCM với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An và Tây Ninh.

Để xây dựng 8 tuyến đường sắt kết nối với TPHCM cần số vốn lên đến 341.300 tỉ đồng từ các nguồn vốn vay ODA, trái phiếu Chính phủ, ngân sách nhà nước và xã hội hóa.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, do nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác của Nhà nước đang tập trung cho đường sắt cao tốc Bắc-Nam nên nguồn vốn rất hạn hẹp; do đó việc kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn BOT là phù hợp.

Về các hình thức đầu tư dự án đường sắt, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho biết, hiện nay các dự án đưa ra không đề cập đến chính sách ưu đãi nên chưa thu hút được nhà đầu tư quan tâm. Vì vậy, cần phải nói cụ thể các cơ chế, chính sách ưu đãi khi tư nhân đầu tư vào lĩnh vực đường sắt.

Trong một lần trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư đèo Cả cho biết, so với các dự án BOT đường bộ, thì các dự án BOT đường sắt khó thu hút đầu tư hơn bởi việc thu hồi vốn rất chậm. Hơn nữa, các dự án đường sắt có tổng mức đầu tư khá lớn, trong cơ chế thu hút đầu tư BOT và BT hiện nay, vướng mắc lớn nhất là phần vốn của nhà đầu tư. Đơn cử như một dự án BOT có vốn đầu tư khoảng 20.000 tỉ đồng thì yêu cầu nhà đầu tư phải đáp ứng được 15-20% vốn. Với số vốn quá lớn như vậy thì nhà đầu tư khó mà đáp ứng được.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)