Bốn tỉnh ĐBSCL học Israel về ĐMST trong nông nghiệp

Ngày 09/12 vừa qua tại TP. Cần Thơ, lãnh đạo bốn tỉnh ĐBSCL là An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp (ABCD-Mekong) cùng ngồi lại với các chuyên gia Israel trong một hội thảo nhằm tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐM/ST) trong nông nghiệp.

Hội thảo có tên “Israel và sức mạnh đột phá của ĐM/ST trong nông nghiệp” và do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao kết nối các bên.

Trả lời câu hỏi làm thế nào để người nông dân Việt Nam đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào áp dụng trong khi chi phí đầu tư quá lớn, ông Matan Nemenoff, Tổng giám đốc Tập đoàn LR ORCA Đông Nam Á, chia sẻ, nông dân ở Israel không thể đầu tư nếu không có sự hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp và Chính phủ.

Những công nghệ “thần kỳ” được áp dụng nhiều và đang thành công tại Việt Nam. Ông Matan Nemenoff dẫn chứng, việc áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt cho cây cà phê ở Đắk Lắk đã đưa năng suất nhảy vọt từ 1,8 tấn/héc-ta lên 6 tấn /héc-ta. Ông Matan Nemenoff cho rằng, có thể áp dụng công nghệ của Israel vào vùng ĐBSCL.

Trong khi đó, PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, nhận xét, điều kiện tự nhiên Israel và Việt Nam có nhiều khác biệt, việc áp dụng công nghệ cần linh hoạt, phù hợp với đặc điểm nông nghiệp Việt Nam.

Các nhân tố chính tạo nên thành tựu nông nghiệp của Israel là sử dụng công nghệ hiện đại và hiệp lực liên kết nông dân – nhà nước – doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, các nhân tố này ở ĐBSCL đều thiếu và yếu.

ĐBSCL dù có nhiều điều kiện thuận lợi để cho nông nghiệp phát triển, nhưng đến nay vẫn là nền nông nghiệp lạc hậu. Đóng góp của nông nghiệp cho GDP của cả vùng chưa tới 40%, con số này chưa tương xứng với tiềm năng. ĐBSCL hiện có 2,8 triệu hộ làm nông nghiệp nhưng 62 hộ mới có một máy kéo. Đổi mới công nghệ máy móc nông nghiệp ở ĐBSCL còn  quá nhiều yếu tố kém hiệu quả. Chẳng hạn, máy gặt đập liên hợp của nhà sáng chế Phạm Hoàng Thắng đạt nhiều giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế nhưng vẫn không thể cạnh tranh nổi với các máy của Nhật Bản trên thị trường.

Điều đó cho thấy, để ĐM/ST bắt buộc phải có vai trò rất lớn của nhà quản lý, các doanh nghiệp hoặc nhà sáng chế tư nhân… Làm sao phát huy được sức mạnh liên kết giữa nông dân – doanh nghiệp – nhà nước, đó là bài toán cần lời giải cho nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL.

Hội thảo lần này có sự tham dự đầy đủ các lãnh đạo Thành ủy, ủy ban nhân dân và cả các sở ban ngành bốn tỉnh ABCD – Mekong. Điều đó cho thấy sự quan tâm và quyết tâm xây dựng thành công chương trình hợp tác cùng phát triển của lãnh đạo bốn tỉnh với Hội DNHVNCLC.

Nội dung hơp tác có năm điểm chính gồm: Liên kết doanh nghiệp dẫn đầu của bốn địa phương; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ, cơ sở đặc sản làng nghề; tổ chức sự kiện, xúc tiến thương mại chung; tập huấn đào tạo thâm nhập thị trường quốc tế và xây dựng chương trình truyền thông quảng bá. Đây là cơ hội để bốn tỉnh có thể ngồi lại cùng tìm ra cơ chế, chính sách để phát huy hiệu quả thế mạnh chung và riêng của từng tỉnh.

Đánh giá về liên kết này, ông Lê Minh Hoan – Bí thư tỉnh Đồng Tháp, kỳ vọng, đây là bước ngoặt để các tỉnh thay đổi tư duy trong quá trình đổi mới kinh tế. Riêng với tỉnh Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan cho biết: “Chúng tôi phải thay đổi cách nhìn với doanh nghiệp, coi đó là trung tâm của các chính sách chứ không chỉ là đối tượng bị quản lý. Như vậy mới mong có thể ĐM/ST  trong lĩnh vực nông nghiệp và tái cơ cấu nông nghiệp thành công”.

Hội thảo còn giúp các tỉnh thành ĐBSCL có cơ hội học hỏi về kinh nghiệm của Israel trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Từ hội thảo trên, hy vọng các tỉnh ABCD – Mekong và khu vực ĐBSCL sẽ nghiên cứu, áp dụng công nghệ kỹ thuật cũng như có các quyết sách hợp lý để xây dựng được nền nông nghiệp hiện đại trong thời gian không xa.

Tác giả