Bước ngoặt của nền công nghiệp Trung Quốc

Nền kinh tế Trung Quốc (TQ) cần phải thay đổi cơ bản. Đảng Cộng sản chủ trương biến những nhà máy rẻ tiền của TQ thành địa bàn sản xuất hàng hóa cao cấp, dù biết không dễ dàng vì bộ máy quan liêu, trì trệ cản trở công cuộc nghiên cứu phát triển và chỉ có một số ít doanh nghiệp thực sự có được ý tưởng sáng tạo. TQ từng là đất nước của các nhà sáng chế như phát minh ra giấy, máy in, la bàn, thiết bị đo động đất. Các nhà thiên văn TQ từng biết đo đạc bầu trời và lập bản đồ tinh tú. Nhưng cách đây khoảng 500 năm TQ đã bị mất động lực sáng tạo, các hoàng đế Trung Hoa tự mãn với những cái đã có và không quan tâm tới sáng chế, phát minh.

Nay người TQ tái xuất hiện: các nhà du hành TQ tung hoành trên vũ trụ, các nhà máy của TQ cho ra đời Airbuss, iPhone, iPad. Công nhân TQ xây dựng tàu cao tốc, nhiều nhà máy điện gió và lò phản ứng nguyên tử. Tại bất cứ vị trí nào trên lãnh thổ TQ, người ta đều có thể liên hệ với nhau bằng điện thoại di động. Ngay ở cả những tỉnh xa xôi nhất cũng có mạng Internet băng thông rộng.

Hạn chế hiện nay của nền kinh tế TQ là: các hãng sản xuất mức lương thấp và tung ra thị trường các loại sản phẩm thông dụng, đơn giản vẫn còn đóng vai trò quan trọng nên TQ chỉ đứng ở vị trí thứ hai về xuất khẩu trên thế giới. Nhưng các doanh nghiệp sản xuất T-Shirts, đồ chơi, máy giặt và các loại hàng hóa thông dụng khác ở vùng đồng bằng Giang Châu hay Dương Tử đang tạo hàng triệu việc làm cho người dân.

Mới đây Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nói: “Sáng tạo khoa học và công nghệ sẽ là động lực thúc đẩy mạnh sự tăng trưởng kinh tế vì vậy phải tập trung mạnh hơn vào khoa học và kỹ thuật để biến TQ thành một quốc gia sáng tạo”.

Câu nói cửa miệng trong chính sách phát triển công nghiệp của TQ là “tăng cường tính sáng tạo ở trong nước”. Chính phủ ra thông báo, các cơ quan Nhà nước về nguyên tắc phải tiêu thụ hàng sản phẩm do công nghệ của TQ tạo ra. Và sự phát triển mạnh mẽ hiện nay của TQ không thể dựa mãi vào việc sản xuất các loại sản phẩm rẻ tiền. Người TQ đã phải trả giá quá đắt cho sự phát triển của họ trong thời gian qua. Nhiều sông ngòi, ao hồ và đồng ruộng bị ô nhiễm, độc hại nặng nề và không còn sử dụng được nữa.


Công viên khoa học Trung Quan Thôn (Zhongguancun Science Park – ZCP) là trung tâm phát triển KHCN đầu tiên và quy mô  nhất của TQ

Công nhân TQ nay đòi hưởng mức lương cao hơn, cạnh đó TQ phải cạnh tranh với các quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam. Nếu sản xuất hàng hóa rẻ tiền với mức lương thấp thì TQ phải chứng kiến tình trạng hàng sản xuất tại TQ nhưng phần lớn lợi nhuận lại chảy ra nước ngoài. Thí dụ: nhà sản xuất ở TQ chỉ nhận được vài USD cho một cái iPod, người thợ TQ chỉ được vài chục xen khi gia công một đôi giày Nike.

Thời gian qua TQ phải mua chất xám của nước ngoài như các doanh nghiệp viễn thông của TQ nhập bản quyền công nghệ điện thoại di động trên 100 tỷ USD.

Ông Fan Chunyong một nhà lãnh đạo ngành công nghiệp ở TQ nói : “Hàng may mặc sản xuất tại TQ đều mang nhãn hiệu Italia, Pháp hoặc Đức, TQ phải tự tạo ra thương hiệu của mình nếu không lợi nhuận chảy hết ra nước ngoài.” Nay TQ mới có các thương hiệu quốc tế như Haier, Lenovo và Huawei, trụ nổi trên thị trường thế giới. Nhưng như tế chưa đủ bởi TQ cần phải tạo ra những sản phẩm cao cấp”.

Hãng sản xuất ô tô và ắc quy BYD của TQ đang sản xuất một loại ô tô chạy điện để tung ra thị trường thế giới. Các nhà nghiên cứu TQ đang nỗ lực nghiên cứu các cấu trúc gene về sinh học, hóa học và y học để sớm đưa ra một thế hệ thuốc tránh thai và dược phẩm mới. Các thành phố lớn ở TQ đều hình thành các công viên khoa học như Khu công nghiệp Zhongguancun (Trung Quan Thôn) ở Bắc Kinh với hàng chục cơ sở nghiên cứu khoa học đang hết sức nỗ lực nhằm có thể cạnh tranh với Silicon Valley ở California.

Sinh viên tốt nghiệp các trường đại học TQ ngày càng nhiều. Hiện chỉ có Mỹ là có nhiều kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học-kỹ thuật quốc tế hơn TQ. Năm 2008 cơ quan sáng chế phát minh của TQ đã nghiên cứu xử lý trên 800.000 hồ sơ và 200.000 đã được cấp bằng sáng chế, tuy còn có quá ít phát minh, sáng chế mang tính đột phá vì công nghệ TQ giải quyết được mới ở mức nâng cấp, cải tiến những giải pháp công nghệ hiện có.

Những vấn đề cần khắc phục

Ông Jörg Wuttke, cựu Chủ tịch Phòng thương mại EU nói về “một sự mất cân đối quá lớn” giữa số tiền chi cho các trường đại học TQ với số ít sản phẩm mà các trường này đạt được. TQ còn phải khắc phục một số vấn đề để có thể trở thành nơi sản sinh ra những sản phẩm cao cấp.

Chỉ có một ít các doanh nghiệp tư nhân ở TQ có bộ phận nghiên cứu riêng nhưng chủ yếu quan tâm kiếm lợi nhuận thật nhanh hoặc ưu tiên cho đầu tư vào các dự án sản xuất mới nhưng khó tiếp cận được tín dụng của ngân hàng.

Hiện tại các trường đại học, cao đẳng ở TQ vẫn còn bị ám ảnh bởi cuộc cách mạng văn hóa từ 1966 đến 1976. Hồi đó đảng Cộng sản TQ lên án các trường đại học, viện nghiên cứu là hang ổ của “tư tưởng tư sản” và tiến hành một cuộc đấu tranh tư tưởng làm tê liệt sự hoạt động của các trường đại học và viện nghiên cứu. Cả một thế hệ các nhà nghiên cứu, cán bộ giảng dạy bị chỉ trích, phê phán và triệt tiêu về chính trị. Nay không còn chuyện đấu đá nữa nhưng vết thương do cách mạng văn hóa gây ra vẫn chưa lành. Cạnh đó, nước này vẫn chưa chú trọng việc khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia nghiên cứu, sáng tạo. Bộ máy quản lý, nghiên cứu khoa học của Nhà nước quá quan liêu, chậm chạp và thường sa vào tệ tham nhũng nên không thể theo kịp các hãng trí tuệ tầm cỡ quốc tế.

Các nhà đầu tư nước ngoài than phiền việc TQ buộc đối tác nước ngoài nếu muốn đầu tư sản xuất tại TQ phải công khai tài sản quý giá nhất của mình đó là chất xám về công nghệ, kỹ thuật. Trong khi đó nạn ăn cắp bản quyền, bắt chước mẫu mã là chuyện bình thường diễn ra hằng ngày tại TQ.

Nguyễn Xuân Hoài    theo Spiegel 26/8

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)