Buôn bán động vật hoang dã: Vào hang ổ của Mafia-hổ

Từ nhiều năm nay, nhà bảo vệ động vật, nhà báo điều tra Karl Ammann (Thụy Sĩ) cùng với SPIEGEL TV tiến hành điều tra về hoạt động của giới Mafia động vật hoang dã. Mới đây, ông đã thành công trong việc đưa hoạt động buôn bán những con hổ cuối cùng của bọn này ra ánh sáng.

Nhóm điều tra trang bị cho một người bản xứ chiếc máy ảnh cực nhỏ để người này đột nhập vào “hang ổ của sư tử” – một toà dinh thự nhỏ ở thị xã Pắc Xế của Lào. Gã người Lào thấp lùn, to đậm đang tiến hành các vụ làm ăn buôn bán tại đây chính là ông trùm “mạng lưới Xaysavang”, kẻ bị truy nã từ nhiều tháng nay – Vixay Keosavang, còn có biệt danh Pablo Escobar của giới buôn động vật hoang dã. Cách đây không lâu, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã treo giải thưởng 1 triệu đôla cho người cung cấp thông tin giúp bắt được gã. Kể từ đó, tên trùm buôn lậu vốn đã khó tóm cổ lại càng ẩn náu kỹ hơn.

Người của nhóm điều tra sau khi tự giới thiệu với Keosavang là một nhà buôn động vật hoang dã đã được nghe gã trùm rao bán xương hổ và xương sư tử, kể chuyện nấu cao thế nào, tác dụng của cao ra sao và thì thầm to nhỏ về chuyện tuồn hàng phi pháp sang nước Việt Nam láng giềng.

Nguồn thu lớn thứ ba

Nhiều năm qua, cuộc chiến chống buôn lậu động vật hoang dã, cả sống lẫn chết, có phần bị sao lãng, trong khi nó đem lại nguồn thu khổng lồ cho các tổ chức mafia, chỉ sau buôn người và vũ khí.

Hoạt động buôn bán phi pháp này phát triển mạnh nhất với lái buôn người Việt Nam và Trung Quốc. Tại Việt Nam và Trung Quốc, người ta vẫn tin sừng tê giác có khả năng trị bệnh ung thư vô cùng kỳ diệu và cao hổ cốt là thuốc bổ đặc biệt có tác dụng tăng cường sinh lực cho nam giới v.v…

Những sản phẩm này càng khan hiếm bao nhiêu thì càng có giá trên thị trường bấy nhiêu. Do hổ đã bị triệt hạ ở nhiều nơi nên cao hổ cốt có giá bán ra rất cao. Ở Đông Nam Á, các trại nuôi hổ đang mọc lên như nấm và chúng được khoe khoang là để phục vụ các vườn thú và đoàn xiếc.

Ammann cùng nhóm SPIEGEL TV đã có mặt tại một số cơ sở nuôi hổ này. Khách du lịch trầm trồ ngạc nhiên khi thấy những con hổ non được lợn cho bú. Amman cho biết, để hổ cái chóng phục hồi sau khi đẻ và có thể tiếp tục sinh sản, người ta tách hổ con khỏi mẹ. “Khi còn nhỏ, chúng được coi là những động vật quý hiếm để giới thiệu với du khách và thường chúng bị giết ngay từ lúc chưa trưởng thành và tuồn lậu xương cốt sang Việt Nam và Trung Quốc,” Ammann nói.

Hầu như mọi bộ phận của con hổ được tận dụng triệt để. Xương để nấu cao, ngâm rượu. Bộ phận sinh dục được chế biến, đóng gói đẹp đẽ rao bán làm quà tặng. Còn da hổ dùng để bài trí khoe sự giàu sang.

Do nhu cầu ngày càng tăng nên người ta đặt hàng bọn săn lậu sư tử ở châu Phi và mua xương sư tử. Vixay Keosavang khoe khoang trước ống kính bí mật: “Bọn này mới vừa nhập từ châu Phi ba tấn xương sư tử. Khó có thể phân biệt được xương sư tử với xương hổ.”

Cuộc điều tra của Karl Ammann đã xác nhận điều mà các nhà điều tra Mỹ từ lâu đã cáo buộc tên trùm mạng lưới buôn bán động vật hoang dã Xaysavang: Hắn điều hành việc buôn bán một số lượng lớn các loại động vật quý hiếm như tê giác và voi để lấy sừng và ngà.

Công cuộc điều tra về hổ mới đây không phải là hoạt động đầu tiên của Ammann cùng với đoàn làm phim SPIEGEL TV. Trong quá khứ, ông đã phanh phui các vụ buôn lậu sừng tê giác từ Nam Phi tới Việt Nam; các vụ giết mổ, kinh doanh loài gấu đen châu Á ở các thành phố có nhiều sòng bài dọc biên giới Trung Quốc cũng như đường dây buôn lậu voi giữa Myanmar và Thái Lan.

Đến nay, hoạt động buôn bán động vật hoang dã vẫn tiếp tục diễn ra. Năm ngoái, riêng ở Châu Phi đã có khoảng 30.000 con voi bị triệt hạ – chiếm khoảng 10% tổng đàn voi tại châu lục này.

Cách đây nhiều năm, Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Cites) thuộc Chương trình Bảo vệ Môi trường của Liên hiệp quốc UNEP đã ra đời. Ammann đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu nhân viên Liên hiệp quốc phải kiên quyết hơn nữa trong các hoạt động chống buôn lậu động vật hoang dã, nhưng lời kêu gọi của ông như nước đổ lá khoai. Amman than phiền: “Cites cũng chỉ là một thanh gươm cùn.”

Xuân Hoài dịch

Tác giả