Cà phê và sự phát triển bền vững

Mô hình cà phê - nấm - gia súc là một mô hình bền vững đúng nghĩa vì giúp bảo vệ môi trường nhờ giảm thải tối đa, đồng thời tăng thu nhập, mang lại nhiều việc làm và góp phần bảo đảm an ninh lương thực. Nếu như các “vua cà phê” có thể trích một phần doanh thu đáng kể để hỗ trợ những cộng đồng trong vùng trồng cà phê theo mô hình nói trên, thì họ là những nhà doanh nghiệp xã hội thực sự, chớ không thuộc nhóm lãnh đạo kinh tế sùng bái tiền và quyền, thỉnh thoảng trích một số tiền nhỏ cho hoạt động xã hội.

Cuối thế kỷ 20, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nhiều cà phê thứ hai trên thế giới, rồi đạt vị trí hàng đầu trong vụ mùa 2011/2012 với sản lượng 1,6 triệu tấn.  Tuy nhiên, vì kém chất lượng nên cà phê nước ta không đem lại hiệu quả kinh tế cao.  Hơn nữa, việc di cư không kiểm soát đến Tây Nguyên, phá rừng để mở rộng diện tích trồng cà phê không những hủy hoại môi trường sinh thái và đa dạng sinh học mà còn gây bất an cho một số cộng đồng truyền thống ở địa phương.

*
Khi nhấp nháp ly cà phê, có khi nào bạn nghĩ quá trình chế biến trái cà phê thành thứ nước uống có tác dụng tốt ấy đã loại bỏ bao nhiêu chất thải? Bạn sẽ rất ngạc nhiên nếu biết rằng cơ thể bạn chỉ hấp thụ 0,2 % khối lượng cà phê nhân, còn gần như toàn thể sinh khối của nó bị thải loại dưới dạng bã cà phê. Nhưng để lấy nhân, trước đó người ta phải tách bỏ lớp thịt quả và vỏ thóc của hạt chiếm gần phân nửa khối lượng trái cà phê.
   
Như vậy, số phận của 99,9 % sinh khối trái cà phê sẽ ra sao? Với sản lượng cà phê từ một vụ mùa vượt quá một triệu tấn, mỗi năm ở Việt Nam có hơn năm trăm ngàn tấn thịt quả bị để thối rữa, gây ô nhiễm khá nặng nề cho môi trường nước và phát thải một lượng lớn khí nhà kính mêtan. Chỉ một phần nhỏ thịt quả được chế biến thành thức ăn gia súc bằng cách ủ men  và một ít bã cà phê rải quanh gốc cây làm phân bón. Trong khi đó, trên thế giới đã có những công nghệ tiên tiến sử dụng nguyên liệu là chất thải cà phê.


Mô hình cà phê, nấm và gia súc   

Đầu thế kỷ 21, nấm đã vượt qua cà phê, trở thành mặt hàng trao đổi nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau dầu thô. Nấm mọc trên lignocellulose. Đó lại là thành phần chủ yếu của chất thải phát sinh với số lượng khổng lồ (23,5 triệu tấn trong năm 2008 trên toàn cầu) trong quá trình biến đổi từ trái cà phê đến thức uống được ưa chuộng. Vì thế, việc kết hợp nấm với chất thải cà phê gần như là một điều hiển nhiên và đã được phát triển thành một mô hình tương tự như một hệ sinh thái, nghĩa là một hệ thống trong đó chất thải của loài sinh vật này là dưỡng chất cho một loài khác. Đó là công trình của nhiều nhà khoa học, doanh nhân tài giỏi và đầy nhiệt huyết.

Năm 1990, Giáo sư Shuting Chang thuộc Đại học Trung Hoa ở Hương Cảng đã chứng minh rằng cà phê là một cơ chất lý tưởng cho việc canh tác nấm, nhất là nấm sò và nấm đông cô tươi. Ngay cả linh chi, loại nấm thuốc được đánh giá cao, cũng phát triển tốt trên bã cà phê. Từ năm 1997, chị kỹ sư hóa người Colombia Carmenza Jaramillo đã dành sáu năm nghiên cứu cách trồng nấm nhiệt đới trên mọi chất thải từ cà phê: cành nhánh, lá, vỏ cây, vỏ thóc và bã.


Mặt khác, nghiên cứu thực hiện bởi TS Ivanka Milenkovic từ Đại học Belgrade đã xác định phần thể sợi còn lại dưới mặt đất sau khi thu hoạch quả thể hay tai nấm (tức phần ăn được thường gọi là nấm) có thể dùng làm thức ăn chất lượng cao cho gia súc và lượng thịt hay sữa sản xuất bằng cách ấy không bị giảm sút. Người ta cũng có thể ủ cơ chất đã sử dụng thành phân bón.


Tóm lại, trong mô hình trên đây, chất thải cà phê được dùng làm cơ chất trồng nấm; nấm cung cấp thực phẩm cho người và thức ăn gia súc hay phân ủ hữu cơ chất lượng cao. Nếu còn dùng phân hữu cơ hay phân gia súc để bón cây thì đó là một hệ thống khép kín hầu như không phát thải.


Nhiều chương trình trồng nấm theo mô hình ấy đã được thực hiện thành công ở nhiều nước: Ấn Độ, Colombia, Zimbabwe… và ngay cả ở San Francisco và Berlin. Riêng bang El Huila của Colombia có hơn 100 công ty sản xuất nấm từ cà phê, giúp thay thế những loại cây chứa chất ma túy bằng thực phẩm bổ dưỡng.


Tính bền vững của mô hình cà phê, nấm và gia súc

Ngoài sự giảm thiểu tác động môi trường, việc thực hiện mô hình nói trên còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế – xã hội đáng kể. Người ta ước tính mỗi mẫu Anh (khoảng 0, 405 héc ta) trồng cà phê có thể đem lại việc làm cho hai người, với nguồn nguyên liệu miễn phí là thịt quả. Hiện nay, cả nước ta trồng 550.000 héc ta cà phê, do đó có tiềm năng tạo thêm hơn 1.350.000 việc làm (toàn thế giới: 50 triệu, hoặc 100 triệu nếu sử dụng cả xác trà, cùi bắp, rơm rạ, lục bình, cành nhánh từ vườn cây: những loại sinh khối cũng được chứng minh là thích hợp). Đó là việc làm ở những vùng trồng cà phê. Ở thành phố, nơi có nhiều tiệm cà phê, còn có khả năng trồng nấm trên bã cà phê. Theo nhà doanh nghiệp Hoa Kỳ Nikhil Arora, “chỉ cần tám đến mười tiệm cà phê cũng đủ để lập một đơn vị sản xuất nấm, mỗi đơn vị có thể tạo ra mười việc làm.” Rất tiếc chưa có thống kê về số tiệm cà phê ở Việt Nam nên không thể tính được tiềm năng việc làm trong phạm vi này, nhưng ước tính tiềm năng trên toàn thế giới là 100.000 việc. Sử dụng bã cà phê còn có ưu điểm là nó đã được khử trùng bởi nước sôi hay hơi nước nóng nên “có thể tiết kiệm 80% chi phí năng lượng cần cho việc chuẩn bị cơ chất trồng nấm”, theo Alex Velez, người cùng Nikhil Arora thực hiện dự án Back to the Roots Venture. Hơn nữa, nhờ tác dụng kích thích của lượng cafêin còn lại trong bã, nấm sẽ mọc nhanh gấp hai, ba lần bình thường.

Những tác nhân thay đổi

Có mô hình tốt nhất nhưng thiếu những con người tích cực áp dụng nó và phổ biến rộng rãi thì cũng chẳng ích gì. Tiêu biểu trong trường hợp của chúng ta là những doanh nhân và nhà hoạt động xã hội trẻ: Carmenza Jaramillo, Chido Govero, Nikhil Arora, Alex Velez.
   
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng việc trồng nấm trên chất thải cà phê, chị Carmenza đã thành công trong việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế, tập huấn và khích lệ những phụ nữ khác thành lập doanh nghiệp vi mô. Đến 2004, nhờ các chương trình tập huấn của chị, khoảng mười ngàn gia đình đã có thêm thu nhập và thực phẩm bổ dưỡng.

     
Còn ở Zimbabwe, cô bé mồ côi cha mẹ từ khi lên bảy Chido Govero đã học cách trồng nấm trên chất thải nông nghiệp lúc mười hai tuổi. Sau vài tháng, Chido đã thoát nghèo và có khả năng tự túc. Rồi Chido được học bỗng của quỹ ZERI (Zero Emission Research Initiative)  để học hai năm tại Đại học châu Phi ở thành phố Mutare (Zimbabwe) và nắm vững kỹ thuật nuôi cấy mô nấm. Chido chia sẻ kinh nghiệm của mình với những cô bé mồ côi khác, dạy chúng cách trồng nấm trên chất thải nông nghiệp sẵn có ở địa phương, kể cả lục bình, một loài xâm hại mọc tràn lan gần khắp châu Phi. Nhờ nguồn cảm hứng và sự hướng dẫn tận tâm của Chido, những đứa trẻ đáng thương ấy đã học được kỹ năng xây dựng một tương lai tốt đẹp, tự tạo ra sinh kế và đồ ăn thức uống cho mình. Chido nguyện sẽ hoạt động không ngừng nghỉ cho tới khi nào không còn những bé gái mồ côi có nguy cơ bị lợi dụng nữa.

   
Năm 2009, Chido Govero và Carmenza Jaramillo đã đại diện quỹ ZERI phát biểu tại hội nghị của Hiệp hội Cà phê Thượng hạng châu Mỹ (Specialty Coffee Association of America) tổ chức ở thành phố Atlanta (bang Georgia, Hoa Kỳ) và nhận giải Bền Vững của hiệp hội này. Sau đó, họ đi San Francisco (bang California) tập huấn về cách thức biến đổi bã cà phê thành môi trường trồng nấm lý tưởng; hai trong số những học viên của họ là Alex Velez và Nikhil Arora. Rồi họ đến thành phố Marin gần đó để tiếp tục phổ biến kiến thức chuyên môn của mình. Không những giúp hàng ngàn trẻ mồ côi và hộ nghèo ở Zimbabwe, Colombia và những nước đang phát triển khác, hai phụ nữ trẻ ấy còn dạy người Mỹ phương pháp trồng nấm tiên tiến nữa! Tại sao không?

   
Arora và Velez sáng lập công ty Back to the Roots (BTTR) Venture thu thập bã cà phê từ những tiệm trong vùng vịnh San Francisco để làm cơ chất trồng nấm. Họ sản xuất và cung cấp nấm sò và phân ủ cơ chất đã sử dụng, cũng như những bộ trồng nấm tại nhà cho thị trường địa phương. Như vậy, BTTR Venture hoạt động hoàn toàn không có chất thải, và hai sáng lập viên đã giành được nhiều giải thưởng, như giải nhì trong cuộc thi toàn cầu World Challenge do đài BBC và tạp chí Newsweek tổ chức với mục đích tìm những dự án hay doanh nghiệp nhỏ có tính sáng tạo (2009) và giải “25 nhà doanh nghiệp dưới 25 tuổi” của tập san Businessweek (2010).

   
Mô hình cà phê – nấm – gia súc được thực hiện thành công ở nhiều nước trên thế giới là một mô hình bền vững theo đúng nghĩa của từ. Nó giúp bảo vệ môi trường nhờ giảm thải tối đa, đồng thời tăng thu nhập, mang lại nhiều việc làm và góp phần bảo đảm an ninh lương thực. Nếu như các “vua cà phê” với tham vọng tạo thương hiệu đứng đầu thế giới có thể trích một phần doanh thu đáng kể để hỗ trợ những cộng đồng trong vùng trồng cà phê theo mô hình nói trên, thì họ là những nhà doanh nghiệp xã hội thực sự, chớ không thuộc nhóm lãnh đạo kinh tế sùng bái tiền và quyền, thỉnh thoảng trích một số tiền nhỏ cho hoạt động xã hội.

Tài liệu tham khảo
 
Govero, Chido: The Future of Hope. Second revised edition. Published by the ZERI Foundation. 2009.

Nguyễn Thùy Châu (nhóm nghiên cứu thuộc Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch): Nghiên cứu công nghệ sản xuất thịt quả cà phê lên men làm thức ăn gia súc. Agroviet 12/05/2009 (theo TTXVN).

Pauli, Gunter: The Blue Economy – 10 years 100 innovations 100 jobs. A report to the Club of Rome. Paradigm Publications; Taos, New Mexico 2010.

Phạm Hải Hồ: Từ điển phát triển bền vững Việt – Anh – Đức và Anh – Việt – Đức. Nhà xuất bản Giáo dục TP. Đà Nẵng, 2010.

Tác giả