Các công ty Trung Quốc và Đài Loan chiếm hơn 80% sản lượng pin mặt trời ở Việt Nam
Đó là con số do TS Chung-Han Wu, giám đốc R&D của Công ty Năng lượng mặt trời BOVIET, đưa ra tại sự kiện Gặp gỡ lần thứ hai của cộng đồng năng lượng tái tạo Việt Nam tại ĐH Bách khoa Hà Nội mới đây.
Theo ông Wu, hiện có tất cả chín công ty chuyên sản xuất pin và tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc và Đài Loan (bảy của Trung Quốc và hai của Đài Loan) đã có mặt ở Việt Nam. Trong số đó, sáu công ty tập kết ở các khu công nghiệp thuộc tỉnh Bắc Giang đã chiếm tới 80% sản lượng pin và tấm pin năng lượng mặt trời được sản xuất tại Việt Nam.
Ông Wu dẫn nguồn Energy Trend cho hay, tổng công suất tới cuối năm 2017 của các công ty Trung Quốc và Đài Loan sẽ đạt trên 10GW, trong đó ba công ty có công suất lớn nhất là Vina Solar, Boviet và Trina (đều của Trung Quốc và đều đặt ở Bắc Giang).
Tại cuộc gặp, một số báo cáo cũng chỉ ra triển vọng việc làm hết sức lạc quan trong ngành điện mặt trời. Năm 2015, điện mặt trời tạo ra gần 2,8 triệu việc làm trong tổng số 8,1 triệu việc làm trong ngành năng lượng tái tạo toàn cầu (Cơ quan Năng lượng Tái tạo quốc tế – IRENA), tăng 11% so với năm 2014. Thị trường việc làm của ngành năng lượng tái tạo nói chung cũng lạc quan, năm 2015 tăng 5% so với năm 2014, trong khi việc làm trong ngành năng lượng truyền thống lại giảm. Các nước có số việc làm trong ngành năng lượng tái tạo lớn bao gồm: Trung Quốc, Brazil, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, và Đức, với xu hướng việc làm đang dịch chuyển sang Châu Á, nơi chiếm tới 60% số việc làm.
Gặp gỡ lần thứ 2 của cộng đồng năng lượng tái tạo Việt Nam hôm 6/5 vừa qua có sự góp mặt của các nhà hoạch định chính sách, nhà sản xuất, lắp đặt, vận hành, và các nhà khoa học. Sự kiện được tổ chức nhằm làm rõ một số chính sách, định hướng của cơ quan quản lý về năng lượng mặt trời và năng lượng gió; tìm kiếm đối tác đầu tư, triển khai lắp đặt, vận hành và bảo hành bảo trì; cập nhật thông tin về tình hình công nghệ và khoa học trên thế giới và trong nước; thảo luận về cơ hội nghề nghiệp, về khả năng tổ chức khóa học ngắn hạn về năng lượng tái tạo nói chung cho các bên có nhu cầu tại Việt Nam.
Sự kiện được tổ chức trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định QĐ 11/2017/QĐ-TTg, theo đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án nối lưới với giá 9,35 cent/kWh. Với năng lượng gió, các doanh nghiệp cũng đang làm kiến nghị thay đổi giá bán điện nối lưới, nâng từ 7.8 cent lên 8.7 và 9.8 cent/kWh và không hạn chế công suất phát.