Các ngân hàng châu Âu “ẵm” nợ của chính phủ và nguy cơ tái xuất “vòng tròn luẩn quẩn”

Các ngân hàng ở châu Âu vẫn tiếp tục rót tiền mua trái phiếu chính phủ của nước họ, bất chấp việc này có thể làm khơi dậy cái “vòng tròn luẩn quẩn” đã hủy hoại nền kinh tế Hy Lạp ra sao.


Ngân hàng Trung ương châu Âu

Theo Standard and Poor’s (S&P), số nợ mà các ngân hàng ở châu lục này đang “ôm” của các chính phủ đã tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2008, mặc dù họ đã có kế hoạch cắt giảm hoạt động này từ năm năm trở lại đây.

Nếu như vào thời điểm tháng 9/2008, các khoản nợ mà các ngân hàng châu Âu “ôm” hộ chính phủ là 355 tỉ bảng thì hiện nay con số này đã tăng hơn gấp đôi lên tới 791 tỉ bảng.

Tại các ngân hàng Nam Âu, con số này tăng từ 272 tỉ bảng lên 722 tỉ bảng. Các ngân hàng tại các quốc gia Trung và Đông Âu cũng tăng dần mức “ôm nợ” lên con số 148 tỉ bảng ngày nay, trong khi đó các quốc gia Bắc Âu có mức độ ổn định hơn và hầu như không thay đổi trong vài năm qua với mức 30 tỉ bảng.

Khi các ngân hàng đầu tư quá nhiều vào việc “ôm” nợ cho chính phủ, họ sẽ bị phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của chính phủ, và bản thân chính phủ cũng lệ thuộc vào việc ngân hàng mua nợ giúp mình.

Như vậy, nếu một trong hai bên lâm vào tình cảnh điêu đứng, hệ quả có thể sẽ là “thảm khốc” cho cả hai. Chẳng hạn, tại Hy Lạp, khi cần phải giải cứu cho các ngân hàng bị phá sản, rất ít nhà đầu tư muốn cho chính phủ nước này vay tiền. Và khi chính phủ Hy Lạp bị vỡ nợ, chính những ngân hàng mà chính phủ này từng hỗ trợ lại là đối tượng chịu tổn thất nặng nề nhất, bởi họ chính là chủ của những khoản nợ đó.

Mặc dù cả hai bên đã ý thức được nguy cơ tiềm tàng này, song các quy định hiện hành vẫn buộc các ngân hàng phải mua trái phiếu của chính phủ. Các nhà lập pháp hiện vẫn coi nợ công là loại nợ không có rủi ro, tức là các ngân hàng không cần phải giữ vốn để đề phòng nguy cơ bị vỡ nợ. Các ngân hàng cũng phải mua những lượng tài sản lỏng lớn – tức những tài sản có thể đem bán tức thời khi cần thiết – trong đó có các trái phiếu của chính phủ.

Vì Ngân hàng Trung ương châu Âu áp dụng chính sách cấp vốn rẻ thông qua Nghiệp vụ Tái cấp vốn Dài hạn1 (long-term refinancing operations – LTROs), nên các ngân hàng có thể có lợi nhuận khi mua các loại trái phiếu của chính phủ với ngưỡng rủi ro chính thức bằng 0.

Trong vài năm trở lại đây, giá trái phiếu chính phủ tại một số quốc gia châu Âu như Đức và Anh đã tăng vọt do một số nguyên nhân, chẳng hạn như: các trái phiếu này được các ngân hàng mua lại, các ngân hàng trung ương in thêm tiền để mua trái phiếu, và các nhà đầu tư cẩn trọng muốn mua các loại tài sản vốn được coi là “an toàn”. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng đặt những bên nắm giữ các loại trái phiếu này trước nhiều rủi ro trên thị trường.

“Việc nắm giữ trái phiếu chính phủ mang đến nhiều nguy cơ chứ không chỉ dừng lại ở nguy cơ vỡ nợ. Khi đánh giá mức độ rủi ro kinh tế của một ngân hàng khi mua trái phiếu chính phủ với giá trị thị trường, những thay đổi, dẫu chỉ ở mức độ tiềm năng, về lợi nhuận hay thua lỗ cũng có thể có tác động trực tiếp đến kết quả đánh giá này. Giá trị trái phiếu giảm xuống có thể mang đến những xáo trộn lớn trong bảng cân đối thu chi của các ngân hàng. Giá tài sản giảm cũng kéo giá trị của tài sản thế chấp mà các ngân hàng dùng để vay vốn giảm theo,” S&P cho biết.

Các nhà hoạch định chính sách đã bắt đầu bàn đến những kế hoạch giải quyết vấn đề trên, với những phương án khả thi bao gồm đặt ra ngưỡng trần đối với mức nợ của các chính phủ mà các ngân hàng phải “ôm”, chấm dứt quan niệm cho rằng trái phiếu công là không tiềm ẩn rủi ro, thực hiện stress test (thanh tra) mức độ rủi ro của các khoản nợ công, hoặc nâng cao mức độ minh bạch của các trái phiếu để các nhà đầu tư tư nhân có thể hiểu rõ hơn về chúng.

Tuy nhiên, các chuyên gia của S&P cho rằng những thay đổi trên chưa chắc sẽ thực hiện được. “Chúng tôi cho rằng hiện nay chưa thể bàn đến những cải cách có ý nghĩa bởi vì sự bất đồng giữa các thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) hiện đang quá lớn”, tổ chức này nói.

Ngược lại, nếu có thể thực hiện thành công những biện pháp cải cách, các ngân hàng sẽ đa dạng hóa các hoạt động đầu tư của mình. Và khi đó, con số 1,7 nghìn tỉ bảng trái phiếu của các chính phủ thuộc EU có thể sẽ bị ảnh hưởng, và nhu cầu mua nợ giảm xuống có thể sẽ làm gia tăng chi phí đi vay cho các chính phủ ở khu vực này.

1. LTRO là một quy trình được Ngân hàng Trung ương châu Âu áp dụng nhằm cung cấp tài chính cho các ngân hàng trong khu vực châu Âu. Mục đích của LTRO là duy trì một “tấm đệm” thanh khoản cho các ngân hàng đang nắm giữ những tài sản có tính thanh khoản kém, từ đó ngăn ngừa tình trạng vay liên ngân hàng và tình trạng các hệ thống khởi tạo khoản vay khác bị đình trệ như trong đợt thắt chặt tín dụng năm 2008.

Chi Nhân dịch theo Telegraph

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)