Các nghệ sỹ tương tác không lời khi biểu diễn như thế nào?

Một nhóm các nhà nghiên cứu từ trường đại học McMaster đã khám phá một kỹ thuật mới kiểm tra cách các nghệ sỹ phối hợp với nhau một cách liên tục trong suốt quá trình biểu diễn và có khả năng dự đoán một cách thầm lặng sự biểu lộ trạng thái cảm xúc về âm nhạc của nhau.

Các thành viên của tam tấu Gryphon Trio trinh diễn trong khi các nhà nghiên cứu đo đạc các chuyển động của họ. Nguồn: LIVELab, trường đại học McMaster

Các phát hiện này được xuất bản trên tạp chí Scientific Reports, đem lại những cái nhìn mới mẻ vào cách các nghệ sỹ đồng bộ hóa các chuyển động cơ thể của mình như thế nào để họ trình tấu một cách chính xác cùng lúc, như một đơn vị đơn lẻ.

“Việc biểu diễn âm nhạc với một nhóm các nghệ sỹ là một cố gắng phức tạp ở mức cao”, Laurel Trainor – tác giả chính của nghiên cứu và là giám đốc của LIVELab tại trường đại học McMaster, nơi công trình nghiên cứu được thực hiện – nói.

“Có một câu hỏi đặt ra là các nghệ sỹ phối hợp với nhau để trình tấu những tác phẩm âm nhạc đầy cảm xúc, thường có sự thay đổi về tốc độ và cường độ, như thế nào? Chúng tôi nhận thấy, để làm tốt được điều này phụ thuộc vào việc dự đoán những gì mà đồng nghiệp của anh sẽ làm tiếp theo, nhờ đó anh có thể lập kế hoạch cho các chuyển động của mình vì việc biểu hiện các xúc cảm tương tự trong phối hợp biểu diễn. Nếu anh chờ để nghe hay quan sát những gì mà đồng nghiệp của mình sẽ làm thì luôn luôn sẽ là quá muộn cho những chuyển động tương ứng tiếp theo”, chị giải thích rõ hơn.

Để thực hiện nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã kết hợp với Gryphon Trio – một nhóm tam tấu được thành lập vào năm 1993 với ba thành viên của khoa Âm nhạc, trường đại học Toronto là Patipatanakoon, Borys và Parker, thường biểu diễn tại Canada, Mỹ và châu Âu với các tác phẩm của Haydn, Mozart, Beethoven, Schubert, Mendelssohn, Dvorak, Lalo, Shostakovich… Mỗi nghệ sỹ được nối với các thiết bị ghi có khả năng bắt được chuyển động để dò theo từng động thái của họ trong khi các nhạc công vẫn có thể trình diễn một cách tự nhiên những trích đoạn âm nhạc giàu cảm xúc theo hai cách: một lần với biểu cảm âm nhạc, một lần không.

Sử dụng các kỹ thuật toán học, các nhà nghiên cứu đo đạc cách mỗi nghệ sỹ đã dự đoán những chuyển động của các nghệ sỹ khác như thế nào. Thật bất ngờ là cảm xúc lại đóng vai trò quan trọng hơn dự đoán: cho dù đang thể hiện niềm vui hay nỗi buồn của các tác phẩm âm nhạc, các nghệ sỹ dễ dàng dự đoán các chuyển động của nhau hơn so với khi họ biểu diễn mà không có cảm xúc.

Andrew Chang – một đồng tác giả của nghiên cứu này, nhấn mạnh: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy là chúng tôi có thể đo đạc được sự truyền đạt cảm xúc giữa các nghệ sỹ thông qua việc phân tích các chuyển động một cách chi tiết, và cần phải có nhiều kết nối với nhau mới có thể đạt được khả năng biểu lộ cùng một xúc cảm chung”.

Năm 2012, một nhóm các nhà nghiên cứu do Luciano Fadiga, trường đại học Ferrara và Viện Công nghệ Italy (IIT), đã từng có công bố trên tạp chí truy cập mở PLoS ONE về sự truyền đạt thông tin không lời giữa nhạc trưởng, các nghệ sỹ dẫn đến khả năng trình diễn các tác phẩm tốt hơn. Họ đã đo đạc được động học của các nghệ sỹ violin và các nhạc trưởng thông qua việc theo dõi các chuyển động của cây vĩ, đũa chỉ huy khi họ trình diễn một tác phẩm của Mozart. Các chuyên gia âm nhạc được họ mời tham gia đánh giá hiệu quả của từng màn trình tấu. Trên cơ sở của bộ dữ liệu này, các nhà nghiên cứu xác nhận rằng, màn trình diễn nào có chất lượng cao hơn khi các chuyển động của nhạc trưởng và nghệ sỹ có độ tương quan gần nhau hơn. Qua đó, họ đề xuất, việc đạt được tương quan này là do khả năng dẫn dắt của nhạc trưởng, và một nhạc trưởng có những phẩm chất dẫn dắt mạnh mẽ hơn có thể đem lại một màn trình diễn xuất sắc hơn bởi các nghệ sỹ sẽ theo sát nhạc trưởng.

Việc tiếp nối nghiên cứu này không chỉ dừng lại ở việc xác định chất lượng biểu diễn mà theo các nhà khoa học trường đại học McMaster, họ hướng đến việc ứng dụng kỹ thuật mới này cho những tình huống khác như truyền đạt cảm xúc không lời giữa các bệnh nhân, gia đình của họ và điều dưỡng viên.

Họ cũng kiểm tra kỹ thuật này trong một nghiên cứu về sức hút của con người. “Những kết quả sớm chỉ dấu là sự truyền đạt tín hiệu được đo đạc qua sự chuyển động của cơ thể con người có thể dự đoán được những cặp đôi nào sẽ muốn gặp nhau thêm một lần nữa”, Chang cho biết.

Thanh Nhàn tổng hợp

Nguồn: https://phys.org/news/2019-01-musicians-non-verbally.html#jCp; https://phys.org/news/2012-05-non-verbal-conductor-musician-music.html#jCp

Tác giả