Các nhà hát Hy Lạp cổ đại đang dần hồi sinh

Sau hàng thiên niên kỷ bị chôn vùi dưới lòng đất, các di tích cổ của đất nước này đang trở thành trung tâm của đời sống cộng đồng.


Một thành viên trong nhóm của Giáo sư Lambrinoudakis cho phóng viên xem bức ảnh người nông dân Christos Zafiris, chủ cũ của khu đất, chính tại nơi phát hiện ra Nhà hát Epidavros Nhỏ. Ảnh: Helena Smith / The Guardian

Nhà hát Epidavros Nhỏ đã nằm dưới lòng đất trong suốt gần hai thiên niên kỷ. Nơi đây, những chiếc ghế được chạm khắc xếp tầng thành hình bán nguyệt, chìm vào thế giới của rễ cây, ở đây là rễ khu rừng ô liu thuộc sở hữu của Christos Zafiris, một nông dân địa phương. “Nếu con lợn của ông ấy không tình cờ bới trúng đất khu vực này, chúng ta có thể sẽ mãi mãi không bao giờ biết đến sự tồn tại của nó”, giáo sư Vassilis Lambrinoudakis cho biết. “Cho đến trước khi những viên đá đầu tiên xuất hiện vào năm 1970, nhà hát vẫn là một bí mật được chôn vùi dưới lòng đất trong suốt 18 thế kỷ”.

Là một nhà khảo cổ học nổi tiếng tại Đại học Athens, giáo sư Vassilis Lambrinoudakis đã dành hơn bốn thập kỷ khai quật khu vực này nhằm đảm bảo mình không lãng phí bất kỳ cơ hội nào. Cuộc khai quật đã không khiến ông thất vọng. Nhóm khai quật đã phát hiện ra các bản khắc trên sườn một bán đảo nhìn ra biển cả, chúng giúp làm rõ lịch sử của những người đã vận hành nhà hát này. Bên cạnh đó, vết tích của những giai đoạn xây dựng, bắt đầu từ giữa thế kỷ thứ tư trước Công nguyên, đã làm sáng tỏ thêm bức tranh về thành bang Epidavros – một viên ngọc kiến trúc cổ đại.

Sau một số cuộc khai quật và những nỗ lực trùng tu trong suốt nhiều năm, Nhà hát Epidaurus Nhỏ với khoảng 800 chỗ ngồi ngày nay là địa điểm tổ chức lễ hội thường niên vào tháng Bảy với các buổi biểu diễn âm nhạc, khiêu vũ và kịch. Nó có phần khiêm tốn hơn so với nhà hát “chị em” cách đấy 10 dặm, cách Athens khoảng 95 dặm về phía Tây Nam – có niên đại ngắn hơn nhưng danh tiếng lại vượt xa. Với hơn 12.000 chỗ ngồi, nhà hát cổ đại Epidavros được đánh giá là nhà hát có âm thanh và giá trị thẩm mỹ tốt nhất của Hy Lạp.

Dù vậy, Nhà hát Epidavros Nhỏ vẫn “nằm trong số 10 phát hiện hàng đầu trong thế kỷ 20 của chúng tôi,” Lambrinoudakis nhận định. “Hơn bất kỳ tàn tích nào khác của quá khứ, các nhà hát cổ kính thủ thỉ với chúng tôi. Chúng chứa đựng một thông điệp về cuộc sống mà xã hội hiện đại luôn khát khao được chia sẻ. Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp chúng tồn tại”.


Các cuộc khai quật tại Nhà hát Epidavros Nhỏ. Ảnh: Vassilis Lambrinoudakis

Xoay sở trong khó khăn

Ở một đất nước giàu văn hóa như Hy Lạp, các đấu trường cổ đại, cũng như những cổ vật khác, trở nên hoang phế và mục nát. Ngân sách eo hẹp, bộ máy hành chính cồng kềnh và cái nhìn khắt khe của công chúng đều được cho là nguyên nhân khiến các di tích chìm vào quên lãng và tàn phá theo thời gian. Giờ đây, chính quyền đang nỗ lực hồi sinh những di tích này nhờ sự tài trợ của các tổ chức tư nhân và các quỹ của EU.

Ở phía nam Nhà hát Epidavros Nhỏ, công việc trùng tu nhà hát cổ Sparta với 17.000 chỗ ngồi đã được khởi động vào năm ngoái. Ở Larissa, việc xây dựng lại nhà hát cổ ngoài trời lớn nhất miền trung Hy Lạp đang trong quá trình hoàn thành. Xuyên suốt quá trình khai quật, các nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra hàng nghìn bản khắc và hàng trăm tác phẩm điêu khắc.

Xa hơn về phía bắc, ở Epirus, một trong những khu vực nghèo nhất của châu Âu, chính quyền đang có kế hoạch biến năm nhà hát Hy Lạp cổ đại trở thành trung tâm của con đường văn hóa dài 214 dặm với 2.500 năm lịch sử. EU sẽ tài trợ 80% trong tổng số 24 triệu euro kinh phí dự kiến của dự án. “Thái độ dành cho những nhà hát cổ đã thay đổi”, Stavros Benos, nguyên Bộ trưởng Bộ văn hóa và là người hậu thuẫn cho Diazoma – một tổ chức phi chính phủ được thành lập nhằm thúc đẩy quá trình tôn tạo các di tích, cho biết. “Trong những năm gần đây, đã có khoảng 40 nhà hát được khai quật và tu sửa. Chúng như được thổi vào một luồng sinh khí tươi mới.”

Benos từ lâu đã tiến hành vận động mọi người không xem các di tích cổ đại là hiện vật đơn thuần chỉ nằm trong bảo tàng, “hay cổ vật chết”, mà là “sinh vật sống” nên được tích hợp vào cuộc sống hằng ngày. Ông tin rằng nếu được đặt ở trung tâm của những con đường di sản văn hóa và công viên khảo cổ, các nhà hát sẽ giúp nâng tầm văn hóa của Hy Lạp đồng thời cải thiện tình hình du lịch. Tổ chức phi chính phủ này đã lập bản đồ 140 nhà hát, đấu trường cổ đại trên khắp Hy Lạp; 25 đang hoạt động, tổ chức các buổi biểu diễn và các sự kiện khác; 20 nhà hát, đấu trường khác đang được cải tạo. Dù thành lập như vào năm 2008 – một năm trước khi bắt đầu cuộc khủng hoảng nợ công trầm trọng của Hy Lạp, nhưng Diazoma vẫn hoạt động nhờ vào nguồn kinh phí hỗ trợ của tư nhân và những khoản tiền quyên góp. “Nhà hát có tính độc nhất”, Benos, người được chính phủ bổ nhiệm vào năm ngoái để giám sát quá trình khôi phục hòn đảo bị nạn cháy rừng tàn phá, nói. “Từ thời cổ đại, chúng là những di tích duy nhất có cùng mục đích sử dụng. Nhờ nét hài hòa, vẻ đẹp kiến ​​trúc và mối quan hệ của chúng với môi trường tự nhiên, con người dành chúng một niềm yêu thích đặc biệt. Đó là lý do tại sao chúng mang tính biểu tượng như vậy”.

Nhà hát Epidavros Nhỏ là một phần làm nên sự phong phú về mặt khảo cổ học của đất nước. Nó là một trong sáu công trình dùng để biểu diễn nghệ thuật hoặc các sự kiện thể thao cổ ở Argolida, phía đông Peloponnese. Trong số ba nhà hát vẫn còn được sử dụng, nhà hát Argos lộng lẫy với 20.000 chỗ ngồi là nhà hát lớn nhất.

Nhà hát Argos cổ đại tồn tại từ thế kỷ thứ ba trước Công nguyên đã chính thức mở cửa cho công chúng sau nhiều năm trùng tu. Chính quyền đã tổ chức các vở kịch và những buổi biểu diễn đa dạng tại địa điểm này, khán giả sẽ ngồi ở những hàng ghế bên dưới gần sân khấu hơn – bởi những hàng ghế này được bảo quản tốt nhờ được bao phủ bởi lớp đất trong nhiều thế kỷ. Nếu tính cả những hàng ghế đã bị hư hại thì nhà hát hoàn chỉnh có 89 hàng ghế.

Dù vậy, “khi mở cửa cho một di tích cổ hoạt động, sẽ có những lo lắng thường trực”, Alcestis Papadimitriou, quan chức Bộ văn hóa, người đứng đầu bộ phận cổ vật của khu vực, cho biết. “Bạn lo lắng cho sự an toàn của người dân và bạn lo lắng về việc di tích có thể bị hư hại.” Nhà khảo cổ học được đào tạo tại Đức này cho rằng không nhất thiết phải đưa cổ vật trở lại đời sống hiện đại. Thay vào đó, chúng ở đó để buộc người xem “nhớ về lịch sử, gợi nhắc về quá khứ”. Tuy nhiên, vào những đêm hè nóng nực, cô cũng thừa nhận rằng không có gì tuyệt vời hơn khi được ngồi thưởng thức tác phẩm nghệ thuật trong một nhà hát Hy Lạp cổ đại. “Khi ánh đèn vụt tắt, bạn quên đi cái nóng ngột ngạt và khó chịu, như thể bạn đang quay ngược thời gian,” cô bày tỏ nỗi xúc động của mình. “Bạn đang ở đó, ngồi ở nơi mà người xưa đã ngồi, và dường như chẳng còn điều gì kỳ diệu hơn.”


Nhà hát cổ đại Epidavros với sức chứa 12.000 người. Ảnh: Evi Fylaktou | Athens and Epidaurus Festival

Vậy Nhà hát Epidavros Nhỏ thì sao? Có lẽ phải rất lâu nữa chúng ta mới được thưởng thức các tuyệt phẩm tại nơi đây. Cần phải tái tạo thêm hai tầng nữa, cùng cố các bậc đá vôi và phục hồi những bức tường chắn hai bên nhà hát. Giáo sư Lambrinoudakis không biết nhóm của ông sẽ cần bao nhiêu thời gian. Những gì ông biết là sau quãng thời dài bị chôn vùi dưới lòng đất, khu vực này vẫn còn chứa đựng nhiều điều bí ẩn. Điều đó chẳng có gì đáng lo ngại, ông mỉm cười, “thêm một vài năm nghiên cứu và làm việc nữa chẳng là gì so với 24 thế kỷ mà nhà hát này đã tồn tại, trong một góc khuất của Hy Lạp cổ đại.”

Hoàng Nhi dịch

Nguồn: ‘There is nothing more magical’: resurrected theatre brings ancient Greece to life

Tác giả