Các nhà kinh tế Trung Quốc?

Trung Hoa Công thương Thời báo (Hong Kong) ngày 26/10/2005 đăng bài của tiến sĩ Đinh Học Lương, giáo sư (GS) xã hội học trường Đại học Khoa học kỹ thuật Hong Kong nhận xét về các nhà kinh tế (KT) Trung Quốc (TQ). Nội dung bài này sau đó trở thành tiêu đề “Số lượng nhà KT TQ đạt yêu cầu không quá 5 người” hoặc “Đinh Học Lương phê bình các nhà KT TQ chỉ nói thay tập đoàn lợi ích” đã gây ra một cuộc thảo luận sôi nổi trong dư luận.

GS Đinh chủ yếu phê bình 2 điểm: Một là “Các nhà KT cốt cán của TQ dành quá ít công sức vào nghiên cứu KT học, dành quá nhiều công sức vào việc nói thay một tập đoàn lợi ích nào đó”. Còn “Các nhà KT phương Tây sau khi thực hiện xong các nghiên cứu hết sức độc lập và xuất sắc trong lĩnh vực KT học mới vào làm việc ngắn hạn trong các cơ quan Chính phủ hoặc ngân hàng lớn, sau đấy lại nhanh chóng trở về nghiên cứu KT học, chứ không phải là nghiên cứu chưa đâu vào đâu đã bắt đầu nghĩ cách kiếm tiền và làm quan”. Hai là trình độ chuyên nghiệp của các nhà KT TQ quá kém, “Số nhà KT trên ý nghĩa thực sự của TQ nhiều nhất không quá 5 người. Có nhà KT nổi tiếng TQ còn chưa đủ tư cách làm nghiên cứu sinh tại 50 khoa KT tốt nhất trên thế giới. Có nhà KT chưa có cống hiến gì đáng kể đối với khoa học KT thì đã muốn được tặng giải Nobel”.
Trước dư luận ồn ào trên, phần lớn các nhà KTTQ chọn thái độ im lặng. Có người nói: sự im lặng đó không bình thường; nó dường như ẩn giấu nỗi chua xót trong lòng đại đa số các nhà KT.
Tôi tán thành sự suy đoán ấy, đồng thời thấy cần trao đổi với GS Đinh một số vấn đề:

Nhà kinh tế tốt không bao giờ tâng bốc tính cách đạo đức của mình.

Tôi tán thành nhận xét của GS Đinh cho rằng có nhiều nhà KTTQ, kể cả “nhà KT nổi tiếng” đều trên mức độ khác nhau đang phát ngôn thay một số tập đoàn lợi ích; hoặc nếu không thì khoe mình phát ngôn vì đại chúng lao khổ. Theo tôi, họ đều làm vì lợi ích của họ. Điều tôi không tán thành là GS Đinh đánh đồng việc “phát ngôn vì tập đoàn lợi ích” với “gây ảnh hưởng không tốt cho xã hội”, khiến người ta có ấn tượng “càng phát ngôn vì tập đoàn lợi ích thì càng dễ tổn hại lợi ích của đại chúng”. Trên thế giới không tồn tại mối quan hệ nhân quả đơn giản này.
Nhà KT tốt không bao giờ tâng bốc tính cách đạo đức của mình. Họ biết rằng đạo đức cá nhân chỉ có thể ảnh hưởng tới một số rất ít người bên cạnh, chứ không thể dùng để giải quyết vấn đề của KT học. Bài đầu tiên họ được học là “trình tự tự phát (spontaneous order)” do F. Hayek đưa ra: thị trường cấu tạo bởi vô số cá thể phân lập,  các cá thể ấy chỉ làm theo ý mình, cùng nhau hình thành hậu quả họ trước đấy chưa từng nghĩ đến. Trật tự hình thành tự phát đó có đặc điểm quan trọng nhất là ở chỗ mục tiêu đơn nhất và lực lượng đơn nhất thì không giúp ích gì cho việc cải thiện kinh tế toàn bộ.
Bắt đầu từ A. Smith, KT học đã nhấn mạnh nghiên cứu “bàn tay vô hình”. Nghèo đói tồn tại dai dẳng không phải là do thiếu tài nguyên, do nguyện vọng xoá nghèo còn yếu, do đạo đức của các nhà KT còn thấp, mà là do xã hội thiếu sự phối hợp hài hòa. Các nhà KT có nhiệm vụ tìm ra phương án phối hợp hài hòa chứ không phải là tâng bốc đạo đức cá nhân.
Như vậy tôi đã trả lời điểm phê bình thứ nhất của GS Đinh: cần xem xét kết quả thực thi kiến nghị của nhà KT chứ không xem xét đạo đức hoặc thu nhập của họ. Có nhà KT nêu kiến nghị mà không lấy thù lao, nhưng kết quả thực thi kiến nghị ấy lại rất tồi tệ, nên chúng ta phản đối kiến nghị của họ. Có nhà KT chạy sô khắp nơi kiếm thù lao, chưa ngay thẳng trong sáng khi làm việc, song kiến nghị của họ có lợi cho nhiều người, thì ta vẫn cần tán thành chủ trương của họ.
Tôi cũng tán thành ý kiến của GS Đinh: xét theo số lượng bài báo được đăng và mức độ được quốc tế công nhận thì trình độ các nhà KTTQ còn cách khá xa tiêu chuẩn quốc tế; chủ yếu thể hiện trên 3 tầng ngăn cách: 1) rất ít người có thể viết thạo tiếng Anh; 2) thiếu số liệu và cơ hội trao đổi tư tưởng học thuật; 3) rất khó có điều kiện đọc các tài liệu giá trị, cho nên chưa biết trên tuyến đầu KT học quốc tế người ta đang làm gì.

Các nhà KT nước ngoài cũng tìm kiếm danh lợi.

Cách GS Đinh nói về các nhà KT phương Tây đã gây hiểu lầm là họ không kiếm lợi, còn các nhà KTTQ thì chỉ lo mưu cầu danh lợi. Sự thật không phải thế. Vấn đề là cơ chế học thuật của phương Tây có thể cân đối giữa nhu cầu danh lợi của nhà khoa học với cống hiến của họ, có thể dùng số tiền ít nhất đổi lấy thành quả học thuật lớn nhất. Đó là cơ chế đăng bài báo trên các tạp chí định kỳ và cơ chế bình xét chức vụ giảng viên suốt đời. Một học giả trình độ học thuật cao phải qua hai lần sàng lọc này thì mới có điều kiện vật chất ổn định, có thể đi xa trên con đường học thuật. Tuy lương của GS KT học phương Tây không cao, nhưng khi được phong là giảng viên suốt đời thì nguồn thu nhập rất vững chắc, trừ khi phạm tội hình sự hoặc có chuyện tình ái với sinh viên. Chế độ này chọn được những người thực sự quan tâm đến học vấn.
Các học giả phương Tây chưa bao giờ coi nhẹ thu nhập. Nếu họ không muốn kiếm tiền thì đó là do họ đã có nguồn thu nhập ổn định. Vì thế ta có thể thông cảm tại sao các học giả TQ phải lo kiếm ăn. Điều này liên quan tới cơ chế và nguồn vốn giúp họ. Nếu TQ chưa thể tạo điều kiện vật chất tương tự thì đành phải chấp nhận cách sống và nghiên cứu của học giả TQ khác với phương Tây.

Sự phê phán còn quá đơn giản.
Ở đây, ta cần phân tích tách rời 5 tầng nấc hoàn toàn khác nhau của nhà KT: “động cơ nhân phẩm”, “thu nhập cao thấp”, “hình ảnh trong công chúng”, “chủ trương chính sách” và “kết quả thực tế”. Mặt khác phải xem xét một cách có phê phán trình độ phát triển của toàn bộ KT học, vừa phải thấy sự chuẩn mực hóa nghiên cứu KT học ở phương Tây, thừa nhận họ vượt xa TQ, vừa phải nhìn thấy các thiếu thốn về nội dung và khó khăn ẩn giấu bên trong sự chuẩn hóa ấy. Từ đó có thể đánh giá đúng về nhà KT từ bản thân sự việc. Nếu đơn giản hóa vấn đề “ý kiến của người ấy đúng hay sai” thành “người ấy có tự tư tự lợi không” hay “có là học giả đạt yêu cầu không”, thì ta sẽ càng sai lầm./.
 
Nguồn: tạp chí “Bình luận TQ” số 3. 2006  

Nguyễn Hải Hoành lược dịch


Tiết Triệu Phong (Khoa Kinh tế trường đại học George Mason, Mỹ).

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)