Các nước có văn hóa “chặt” chống Covid tốt hơn các nước văn hóa “lỏng”

Tại sao có những nước chống dịch thành công, có nước lại bầm dập? Các nền văn hóa “chặt” sẽ chống dịch tốt hơn các nền văn hóa “lỏng” (tight/loose culture). Đó là nhận định của GS Michele Gelfand trên tờ TheGuardian, sau khi bà mới công bố kết quả nghiên cứu về cách thức chống dịch của 50 nước khác nhau, cho thấy các xã hội có nền văn hóa “chặt” chống dịch tốt hơn, và những nền văn hóa “lỏng” đang phải học cách thích nghi để kiểm soát đại dịch.


Việt Nam đã có phản ứng nhanh, linh hoạt để đối phó với dịch bệnh. Viết trên Tia Sáng, GS Phạm Quang Minh (ĐH KHXH&NV Hà Nội) cho rằng chúng ta có được điều đó là nhờ vào một bệ đỡ văn hóa lịch sử – một lịch sử phải đối phó với rất nhiều mối nguy hiểm đã rèn luyện cho chúng ta cơ chế phòng vệ linh hoạt. Ảnh: Nytimes.

Covid đã gây ra cái chết của hơn 2 triệu, gần 100 triệu người bị nhiễm bệnh trên toàn thế giới và sẽ vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng nặng nề kể cả khi vaccine đã bắt đầu được tung ra. GS Michele Gelfand chú ý đến một điều – số lượng ca tử vong ở các quốc gia lại rất khác nhau – trong khi một số quốc gia có thể kiểm soát dịch bệnh hiệu quả thì những quốc gia khác lại bị “bầm dập”. Ví dụ như Nhật Bản và Mexico, đều có cùng quy mô dân số, quãng 126 triệu công dân, trong khi Nhật chỉ ghi nhận hơn 5.000 ca tử vong thì Mexico có tới hơn 150.000 ca và con số này chưa dừng lại.

Điều gì giải thích sự khác biệt rõ rệt như vậy? Sự giàu có giữa các quốc gia? Năng lực y tế? Tuổi tác? Hay khí hậu?

Hóa ra việc chống Covid phụ thuộc vào một thứ đơn giản và sâu sắc hơn – khác biệt văn hóa trong việc khiến chúng ta sẵn sàng tuân theo các quy tắc hay không.

Tất cả các nền văn hóa đều có các chuẩn mực xã hội (social norm), hay các quy tắc bất thành văn trong ứng xử. Chúng ta tuân theo các tiêu chuẩn về phục trang, rèn nề nếp cho con cái và không chen lấn len lách trong các tàu điện ngầm đông đúc… không phải vì có một luật nào quy định cả, mà vì đó là các chuẩn mực xã hội giúp xã hội của chúng ta vận hành. Các nhà tâm lý học đã chỉ ra một số nền văn hóa tuân thủ các chuẩn mực xã hội khá nghiêm ngặt – là những nền văn hóa “chặt”. Còn những nền văn hóa khác thì ngược lại – người dân có thái độ thoải mái hơn và cũng thường phá vỡ quy tắc – những nền văn hóa “lỏng”.

So với Mỹ, Anh, Israel, Tây Ban Nha hay Italia, thì các quốc gia như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Áo có nền văn hóa chặt chẽ hơn hẳn. Sự khác biệt trong hành vi tuân thủ/ không tuân thủ các quy tắc trong xã hội không phải là ngẫu nhiên. Nghiên cứu ở cả tầm các quốc gia và trong các cộng đồng ở quy mô nhỏ đã chỉ ra rằng các cộng đồng có lịch sử bị đe dọa kinh niên – cho dù là thiên tai, bệnh truyền nhiễm, nạn đói hay ngoại xâm – sẽ tự xây dựng các quy tắc chặt chẽ để đảm bảo trật tự và sự gắn kết xã hội. Điều này có ý nghĩa tiến hóa: đó là, tuân theo các quy tắc giúp cộng đồng tồn tại được trước những hỗn loạn và khủng hoảng. Trong khi đó, các nền văn hóa “lỏng” hơn đã có lịch sử “dễ thở” hơn – ít khi phải đối mặt với các đe dọa hơn, do đó có thể dễ dãi hơn [trước các quy tắc].

Khi đại dịch toàn cầu xảy ra vào tháng 3 năm ngoái, GS Michele Gelfand bắt đầu lo lắng rằng các nền văn hóa lỏng, với tinh thần thường phá vỡ quy tắc, sẽ mất nhiều thời gian để tuân thủ các biện pháp y tế công cộng, và cuối cùng hậu quả có thể xảy ra thảm khốc. Các mô hình tính toán đã đưa ra dự đoán rằng, chỉ có thể hi vọng kiểm soát được tình hình khi các quốc gia này xiết chặt quy định, người dân tuân thủ chặt chẽ. 

Nhưng điều đó đã không xảy ra ở các nước có văn hóa “lỏng”. Trong một công bố mới được xuất bản trên tạp chí Lancet [1], theo dõi hơn 50 quốc gia, nhóm GS Michele Gelfand và cộng sự đã đưa ra tính toán: sau khi đã kiểm soát các yếu tố tác động khác, thì tác động của yếu tố văn hóa đến chống dịch rất rõ rệt – các nền văn hóa lỏng có số ca nhiễm gấp 4.99 lần so với các nền văn hóa chặt (ước tính 7132 ca nhiễm trên một triệu người so với 1428 ca) và có số người chết gấp 8.71 lần (ước tính 183 ca tử vong trên một triệu so với 21 ca). 

Phân tích của nhóm nghiên cứu từ dữ liệu công ty dữ liệu YouGov ở Anh cũng cho thấy người dân ở các nền văn hóa lỏng ít sợ hãi virus trong suốt cả năm 2020, ngay cả khi các ca nhiễm tăng vọt. Cụ thể, ở những quốc gia có văn hóa chặt, 70% người dân rất sợ bị nhiễm virus, còn các nền văn hóa lỏng, con số này là 49%.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, những nền văn hóa lỏng có mức độ “thích nghi” nguy hiểm thấp, không phản ứng nhanh chóng khi có “tín hiệu đe dọa”, như khi bệnh dịch xảy ra. Thực ra điều này cũng xảy ra trong tự nhiên. Trường hợp nổi tiếng nhất là loài chim dodo không biết sợ hãi ở quốc gia Đông Phi Mauritius. Loài này vốn tiến hóa trong tự nhiên mà không phải đối diện với nguy cơ bị làm mồi cho động vật ăn thịt khác, ngay lập tức đã tuyệt chủng trong vòng một thế kỷ kể từ khi tiếp xúc với con người (vì không hề biết chạy trốn).


Các nhà nghiên cứu ví phản ứng chậm trước đại dịch của các nền văn hóa lỏng như phản ứng của những chú chim dodo khi gặp kẻ thù.

Cơ chế phản ứng nhanh trước các mối hiểm họa do bối cảnh lịch sử đã từng gặp/ hoặc không gặp nhiều hiểm họa đã dẫn đến cách phản ứng trước dịch bệnh rất khác nhau giữa các nền văn hóa, và nó đã dẫn đến hàng nghìn ca tử vong đầy vô nghĩa do Covid-19 trong các xã hội cổ vũ xu hướng tự do. Rõ ràng, các nền văn hóa lỏng không bị đối diện với nguy cơ sẽ phải chịu xóa sổ nên khi đối diện với đại dịch này, đã gặp khó khăn trong việc điều chỉnh và thích ứng với đại dịch.

Mà ví dụ rõ nhất chúng ta có thể thấy là virus corona đặc biệt phát huy thế mạnh của chúng trong các xã hội đề cao xu hướng tự do, không tuân thủ các quy tắc. Người Mỹ đề cao tinh thần này. Và đó là lý do tại sao nước Mỹ có thể tự hào vì là xứ sở có nhiều đổi mới, sáng tạo hàng đầu. Nhưng điều đó cũng đem lại những bất lợi khi phải đứng trước lựa chọn tuân thủ các quy tắc, ràng buộc khi đại dịch xảy ra. Và mặc cho đại dịch, nhiều người Mỹ vẫn tiếp tục tổ chức các bữa tiệc, đi mua sắm mà không đeo khẩu trang…nói chung là coi thường virus. Khi phản xạ sợ hãi được kích hoạt, thì lại “kích hoạt lệch”: sợ bị phong tỏa và phải đeo khẩu trang [làm mất sự tự do] hơn là nỗi sợ virus. 

Tương tự, không chỉ người dân mà các chính trị gia đứng đầu nước Mỹ và các nước có nền văn hóa lỏng khác cũng không lường trước hết mối nguy khi dịch bệnh xảy đến, chậm chạp trong việc ban hành các quyết định giãn cách, cách ly. 

Michele Gelfand là giáo sư tại Đại học Maryland, là tác giả của cuốn sách “Rule Makers, Rule Breakers: How Tight and Loose Cultures Wire Our World” [Tạm dịch: Những người xây quy tắc, những người phá vỡ quy tắc: những nền văn hóa lỏng và chặt cố kết thế giới của chúng ta như thế nào].

Bảo Như lược thuật
Nguồn: https://www.theguardian.com/world/commentisfree/2021/feb/01/loose-rule-breaking-culture-covid-deaths-societies-pandemic

[1] https://www.thelancet.com/journals/lanplh/article/PIIS2542-5196(20)30301-6/fulltext

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)