Các thành phố khởi nghiệp tốt nhất châu Á

Gần đây Compass, một hãng nghiên cứu có trụ sở tại San Francisco, đã công bố báo cáo xếp loại top 20 hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu, dựa trên kinh nghiệm khởi nghiệp, số lượng các cuộc thoái vốn thành công, giá trị đầu tư mạo hiểm nhận được, tầm với thị trường, và nguồn nhân lực. Dưới đây là các hub khởi nghiệp được xếp hạng cao nhất trong danh sách trên:


1. Singapore

Singapore được đánh giá là hệ sinh thái khởi nghiệp tốt nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hiện quốc gia này có khoảng 3.600 startup đang hoạt động, trong đó lĩnh vực phát triển nhất là thương mại điện tử, game và truyền thông xã hội. Khi Compass bắt đầu công bố danh sách này từ năm 2012, Singapore xếp thứ 17 trên toàn cầu, và hiện nay đã vươn tới vị trí thứ 10.

Từ lâu Singapore đã là một trung tâm kinh doanh phát triển và là nơi đặt trụ sở chính của nhiều công ty lớn của Mỹ như Google, Uber và Facebook. Nằm trên tuyến đường biển lớn giữa Ấn Độ và Trung Quốc, Singapore cũng có tiềm năng lớn để phát triển tầm với thị trường bởi gần một nửa (49%) khách hàng của các startup sở tại đang sinh sống tại nước ngoài.

Cũng cần nêu ra một điểm đáng lưu ý là Singapore có tỉ lệ sử dụng điện thoại di động cao nhất toàn cầu. Theo một nghiên cứu gần đây của Deloitte (một trong bốn hãng kiểm toán lớn nhất thế giới), trong 10 người dân Singapore thì có tới chín người sử dụng smartphone. Thực tế này đã mang đến những cơ hội mới đầy hứa hẹn trong lĩnh vực thương mại điện tử.

2. Bangalore

Với 4.900 startup đang hoạt động và 2,3 tỉ giá trị đầu tư mạo hiểm, thành phố Bangalore của Ấn Độ là địa điểm kinh doanh tốt thứ hai ở châu Á.

Niềm tự hào của Bangalore là website thương mại điện tử Flipkart, công ty “unicorn” trị giá nhiều tỉ USD do Sachin và Binny Bansal thành lập năm 2007. Hiện nay, sau khi thu về 550 triệu USD trong vòng gọi vốn hồi tháng Năm vừa qua do Tiger Global Management thực hiện, giá trị định giá của Flipkart là 15 tỉ USD.

“Khác với Thung lũng Silicon, Bangalore có mật độ dân cư, kỹ sư, nhà đầu tư cao hơn, đồng thời sự đa dạng về văn hóa ở đây cũng khiến cho việc chia sẻ thông tin được thực hiện dễ dàng hơn so với các khu vực khác trong nước,” Dev Khare, giám đốc điều hành hãng đầu tư mạo hiểm Lightspeed Venture Partners tại Ấn Độ, cho biết.

Tỉ lệ thâm nhập internet cao của Bangalore cũng là một lợi thế. Theo Hiệp hội Internet và Di động Ấn Độ, tới năm 2017 ước tính Ấn Độ sẽ có khoảng 500 triệu người sử dụng internet.

Các startup đặc biệt phát triển ở khu vực Koramangala, nằm ở phía đông nam thành phố Bangalore. Ở đây hiện có một số vườn ươm khởi nghiệp và các không gian làm việc chung cho các startup mới.

Tuy vậy, giống như hầu hết mọi khu vực khác ở Ấn Độ, thành phố này cũng vẫn đang ở mức cực nghèo, dẫu nền văn hóa công nghệ ở đây đang hết sức phát triển. Hiện vẫn có khoảng 22% dân số Ấn Độ có thu nhập dưới 1,25USD/ngày.

3. Hong Kong

Nằm về phía đông nam Trung Quốc, Hong Kong là thành phố tiếp theo trong danh sách của Compass. Với khoảng 2.000 startup, sự gần gũi về địa lý với đại lục và sự hỗ trợ từ các vườn ươm khởi nghiệp lớn như Công viên Khoa học và Công nghệ Hong Kong và Cyberport (khu vực tập trung cộng đồng phát triển công nghệ thông tin sở hữu và quản lý bởi chính quyền Hong Kong)  đã mang lại một lợi thế cạnh tranh đáng kể cho các doanh nghiệp ở đây.

Hong Kong là một trung tâm tài chính quốc tế lớn với GDP chiếm khoảng 0,47% nền kinh tế toàn cầu nên số lượng các công ty công nghệ tài chính ở đây gia tăng đáng kể (tổng số khoảng 52 công ty tính tới năm 2015).

Giáo sư Richard Wong thuộc Trường Đại học Hong Kong, viết trong bản báo cáo của Compass: “ Trong lịch sử, Hong Kong đã và vẫn luôn thành công khi nắm bắt các cơ hội kinh doanh bằng cách thu hút nhân tài và các nguồn lực trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, thương mại và dịch vụ.”

Theo lưu ý của các nhà phân tích, tuy Hong Kong dồi dào nguồn vốn song giới đầu tư vẫn rất thận trọng khi cân nhắc hỗ trợ cho các startup công nghệ bởi tính đến nay vẫn có tương đối ít các cuộc thoái vốn diễn ra trên thị trường này.

4. Kuala Lumpur

Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia với dân số vẻn vẹn dưới hai triệu người là thành phố tiếp theo có tên trong danh sách của Compass. Dù nền kinh tế của thành phố này có thể nhỏ hơn so với các thành phố khác, chẳng hạn như Delhi, nhưng sự gần gũi về mặt địa lý với các thị trường Đông Nam Á rộng lớn đã khiến Kuala Lumpur trở thành một điểm hẹn khởi nghiệp hấp dẫn.

Kuala Lumpur cũng có một chính quyền đặc biệt ủng hộ khởi nghiệp. Chẳng hạn, vào năm 2013, thủ tướng Najib Razak của nước này đã lập nên MaGIC, một trong những quỹ tăng tốc khởi nghiệp lớn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

GrabTaxi là một startup thành công ở đây. Hãng cung cấp dịch vụ đi nhờ xe này đã chính thức ra mắt tại Malaysia vào năm 2011 (và sau đó chuyển trụ sở chính sang Singapore). Hiện nay, GrabTaxi hoạt động trên sáu quốc gia với hơn 3,8 triệu người sử dụng và được định giá là 1,5 tỉ USD.

Hugh Batley, đối tác quản lý của hãng marketing số Lion & Lion tại Kuala Lumpur, viết trong bản báo cáo của Compass: “Malaysia là địa điểm thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp có quy mô khu vực. Với các quy định và luật lệ ở đây, các doanh nghiệp dễ dàng tuyển dụng các nhân tài ngoại quốc tại Malaysia. Đặc biệt, sự ra đời của MSC Status1 mới đây đã cho phép các startup có thể tuyển dụng tới 20 nhân viên ngoại quốc.

Bùi Thu Trang
lược dịch

Nguồn: http://www.inc.com/zoe-henry/top-4-cities-in-asia-to-start-a-business.html
——–
1 MSC Status: là chứng chỉ thể hiện sự công nhận của chính phủ Malaysia dành cho các doanh nghiệp ICT tham gia phát triển hay sử dụng công nghệ đa phương tiện để sản xuất hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ của mình. Chứng chỉ này cũng là biểu tượng cho chất lượng dịch vụ ngang tầm quốc tế, đồng thời là tấm “vé vào cửa” để các doanh nghiệp được hưởng rất nhiều ưu đãi mà Chính phủ Malaysia dành cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)