Cách não tiếp nhận nghệ thuật ?

Việc áp dụng công nghệ có sẵn theo một cách mới đã mở ra các cánh cửa cho các nhà khoa học thần kinh bước vào thế giới tư duy và cảm xúc trong bộ não con người.

Mỗi người tham gia thử nghiệm được đeo một tai nghe điện não đồ. Nguồn: Art Fund

Nghệ thuật là một hình thức giao tiếp độc đáo của con người, một cách thức giúp truyền tải thông điệp, ý tưởng, cảm xúc của người nghệ sĩ tới người thưởng ngoạn tương lai, điều mà Paul Cézanne, họa sĩ trường phái Ấn tượng Pháp, từng nói “Vẽ không phải là sao chép vật thể mà là để thể hiện cảm xúc của họa sĩ”.

Con người thường bị lôi cuốn trước vẻ đẹp nghệ thuật. Khi thưởng ngoạn một tác phẩm nghệ thuật, vô vàn suy nghĩ và cảm xúc thẩm mĩ được khơi dậy ở con người. Từ nhiều thế kỷ, các nhà triết học và nghệ sĩ đã tranh luận với nhau không chỉ về bản chất của cái đẹp mà còn cả những tác động sâu sắc của nó lên tâm lý con người. Tuy nhiên, chỉ trong vài thập kỷ trở lại đây, sự tiến bộ của khoa học mới bắt đầu giúp người ta có được những cơ hội nghiên cứu, kiểm chứng về những cơ chế thần kinh chi phối sự nhận thức và đánh giá nghệ thuật của con người. Những gì khoa học có trong tay đều ít ỏi và vẫn còn nhiều câu hỏi về mối quan hệ của con người với nghệ thuật khiến các nhà khoa học thần kinh phải bối rối: bộ não con người phản hồi như thế nào trước nghệ thuật? bộ não xử lý các kích thích nghệ thuật như thế nào? cách bộ não xử lý thông tin trước một tác phẩm trừu tượng có khác so với một tác phẩm theo trường phái hiện thực không? tác động của nghệ thuật lên não người tồn tại trong thoáng chốc hay lâu dài?… 

Việc trả lời được những câu hỏi này sẽ giúp hiểu sâu hơn về chính con người, dù ở góc độ tạo ra nghệ thuật hay tiếp nhận nghệ thuật. 

Đó là lý do vào cuối năm 2023, bảo tàng nghệ thuật The Courtauld Gallery ở Somerset House, London đã cùng công ty chuyên về thiết kế The Mill thực hiện một dự án thử nghiệm thú vị do Art Fund, một quỹ bảo trợ nghệ thuật của Anh: kết nối khách tham quan với một thiết bị giám sát điện não đồ (EEG) để xem điều gì xảy ra trong não người khi đối diện với một tác phẩm nghệ thuật bậc thầy. Dự án này được thiết kế dựa theo nghiên cứu thực hiện tại Phòng thí nghiệm của giáo sư thần kinh thẩm mỹ học (neuroaesthetics) Semir Zeki ở University College London, với sự tài trợ của Quỹ Wellcome Trust và Leverhulme Trust.

Bức họa Lilies in a Jar của Matthew Smith. Nguồn: The Courtauld Gallery

Đo lường phản hồi nghệ thuật 

Đây là một trong những áp dụng thử nghiệm tiên phong ở một bảo tàng danh tiếng, nơi nhóm chuyên gia có thể theo dõi những thay đổi trong sóng não của người xem khi thưởng lãm các kiệt tác nghệ thuật của nhiều trường phái khác nhau, thuộc về nhiều thời kỳ khác nhau. Việc áp dụng nó cũng khá đơn giản, đó là một bộ thiết bị dạng tai nghe không dây có các cảm biến điện não đồ. Dữ liệu sóng não đo được sẽ truyền lên các màn hình hiển thị dưới dạng ba chiều và theo thời gian thực. 

Để có được những thông tin đa dạng nhất, nhóm thực hiện dự án đã tập trung vào một số tác phẩm của các họa sĩ Anh và một số họa sĩ châu Âu như Shell Building Site của Leon Kossoff, Tĩnh vật của Patrick Heron, Lilies in a Jar của Matthew Smith, và Self-Portrait with Bandaged Ear của van Gogh. Có lẽ trong số các họa sĩ này, ngoại trừ van Gogh đã quen thuộc với người yêu mĩ thuật Việt Nam, ba nghệ sĩ còn lại vẫn còn chưa được biết đến nhiều. Tuy vậy, họ là những tên tuổi lớn của mỹ thuật Anh. Leon Kossoff là họa sĩ thời hậu chiến Thế giới Thứ hai, liên quan đến trường phái Biểu hiện, Tân biểu hiện với những bức chân dung, phong cảnh London. Patrick Heron là họa sĩ theo trường phái Trừu tượng chịu nhiều ảnh hưởng của các họa sĩ trường phái hậu Ấn tượng, Dã thú, Lập thể như Paul Cézanne, Pierre Bonnard, Henri Matisse và Georges Braque. Matthew Smith chuyên về tranh khỏa thân, tĩnh vật và phong cảnh, chịu ảnh hưởng lớn từ người thầy là Henri Matisse trong cách thể hiện màu sắc.

Bốn bức tranh của bốn nghệ sĩ này được nhóm chuyên gia đặt vào trung tâm của dự án thử nghiệm. Shell Building Site là góc nhìn của Leon Kossoff về một London hỗn độn dưới bầu không khí u ám mãnh liệt như dưới địa ngục, được xây đi xây lại nhiều lần sau những đợt tấn công bằng máy bay của Đức quốc xã vào mùa thu 1940. Tĩnh vật của Patrick Heron, được vẽ vào giai đoạn đầu sự nghiệp, là sự khám phá những đường biên giữa Trừu tượng và Biểu hiện khi họa sĩ đặt một chiếc đèn dầu lên một cái bàn được đặt trước cửa sổ. Ông diễn tả các vật thể này bằng những đường viền màu đen đậm, nổi bật trên những mặt phẳng màu sắc của căn phòng. Các nhà phê bình Anh nhận xét ông sử dụng màu sắc và đường nét ngẫu hứng đến mức chúng gần như tự do, vượt thoát khỏi chức năng biểu đạt thông thường của mình. 

Lilies in a Jar được vẽ ở vùng thuộc địa Grez-sur-Loing của Pháp đúng hai năm sau khi Matthew Smith rời lớp học của Matisse ở Paris. Bức họa nhấn mạnh vào sự đơn giản của hình thức và sự sống động của màu sắc, gợi nhớ đến họa sĩ bậc thầy Pháp đã truyền cho Matthew Smith tình yêu với thế giới tự nhiên. Kết quả là bức họa này không chỉ là một miêu tả thông thường về vẻ đẹp của hoa lá mà là một nỗ lực “sáng tạo nên một thứ gì đó giàu sức sống như tự nhiên, như thể bản thân những đóa hoa tiếp tục sống một đời sống mới”, điều mà họa sĩ từng chia sẻ với bạn bè. 


“Dường như là có một yếu tố chung là nghệ thuật thu hút não bộ theo một cách nhất định, đặc biệt khi bạn tìm kiếm cái đẹp trong nghệ thuật có thể đem lại lợi ích không chỉ ngay thời điểm thưởng thức nó mà có thể có tác động lâu dài”.

(TS. Ahmad Beyh)

Self-Portrait with Bandaged Ear của van Gogh, bức họa được biết đến nhiều nhất trong số này, được vẽ vào tháng 1/1889 sau khi họa sĩ Hà Lan tự cắt đi bên tai trái với nguyên nhân được cho là kết quả cuộc tranh cãi nảy lửa với họa sĩ Paul Gauguin trong ngôi nhà ở Arles, miền Nam nước Pháp. Điều đáng chú ý trong bức tranh này là khả năng xử lý màu sắc và nét vẽ khỏe khoắn của van Gogh đã khẳng định: bất cứ điều gì xảy ra thì ông sẽ không bao giờ từ bỏ thứ yêu thích nhất trong cuộc đời là vẽ. Các bức họa phía sau lưng ông cũng mang ý nghĩa biểu tượng, một bức vẽ trên giá vừa mới được bắt đầu và một bức tranh in Nhật Bản là nguồn cảm hứng quan trọng để ông tìm tòi cách thể hiện mới. 

Vậy những bức họa này đã tác động thế nào đến trí não người xem? Liệu các thiết bị mà nhóm chuyên gia chuẩn bị có thực sự nắm bắt được những tác động đó? Cũng tò mò về điều này, chuyên gia của Artnet News, một tờ báo chuyên về nghệ thuật của châu Âu, đã tới The Courtauld Gallery để thử nghiệm. Cô kể lại “Khi đeo tai nghe mảnh dẻ lên, tôi cảm thấy hài lòng khi ngay lập tức thấy được bằng chứng về sự hoạt động của bộ não mình, hiển thị dưới dạng những cuộn ruy băng cuốn thành vòng và gợn sóng bắt đầu cuộn xoáy khắp màn hình. Tôi bước quanh phòng, có lẽ là hơi quá ý thức về sự cần thiết phải suy nghĩ như bình thường và tương tác với nghệ thuật đúng như cách tôi vẫn thường làm”.

Tò mò của chuyên gia Artnet News hay bất cứ ai cũng giống hệt nhau: liệu phản hồi của bộ não trước những phong cách mỹ thuật khác nhau có khác nhau không? Với những bức tĩnh vật của Patrick Heron và Matthew Smithm mà ít nhiều gợi ra những cảm xúc êm đêm lúc bắt đầu ngước lên tranh, những cuộn xoắn bắt đầu sáng lên, hiển thị những sợi màu vàng sáng nhẹ nhõm. Khi đi qua một số bức tĩnh vật khác trong phòng triển lãm, màn hình cũng hiển thị những vệt màu tương tự, chỉ dấu những gì đang chảy trôi trong não của người xem một cảm xúc tương tự.

Dải màu sắc là một dạng trực quan hóa ba chiều đơn giản hiển thị thông tin nhận được từ dữ liệu thô chuyển về từ thiết bị mà mỗi người đeo. Nguồn: Art Fund

Tuy nhiên, khi người xem bắt đầu bước qua những bức mang sắc thái u tối như Shell Building Site, nơi mặt toan được bao phủ bởi những vệt màu nặng nề, đậm đặc, gợi ra một hiệu ứng trừu tượng mạnh mẽ, những dải màu bắt đầu quay tròn thành một hình dạng xoắn ốc khiến người ta liên tưởng đến những suy nghĩ sâu sắc hoặc những vấn đề nan giải. Và khi người xem chỉ đơn thuần là đi qua phòng trưng bày mà không để ý quá nhiều vào bức tranh nào, những dải màu hiển thị sóng não trở nên bằng phẳng và đơn điệu hơn.

Những dải màu xuất hiện trên màn hình, theo các chuyên gia khoa học thần kinh tham gia dự án, là một dạng trực quan hóa ba chiều đơn giản hiển thị thông tin nhận được từ dữ liệu thô chuyển về từ thiết bị mà mỗi người đeo. Để có hình ảnh đó, sau khi bộ tai nghe thu thập dữ liệu, hệ thống sẽ phân lập được một tần số cụ thể của hoạt động sóng não mà họ gọi là phạm vi beta. “Đó là những tần số khác nhau liên quan đến suy nghĩ có ý thức của bạn”, Will MacNeil, Giám đốc sáng tạo của The Mill, giải thích. Anh cho rằng, việc ghi nhận và phản xạ mãnh liệt là một trong số những liên quan đến các mẫu hình đánh giá nghệ thuật. “Chúng tôi đang cố gắng tạo ra một ấn tượng về những gì đang xuất hiện trong bộ não người xem và thật thú vị khi nhìn vào những hiển thị đó”.

Nghệ thuật vị nghệ thuật và vị nhân sinh 

Sự nhận thức của con người về mĩ thuật luôn luôn được coi là rắc rối và về cơ bản là không rõ ràng. Tuy vậy, từ dự án thử nghiệm này có một mẫu số chung thú vị mà nhóm chuyên gia rút ra được với những người tham gia thử nghiệm, đó là khi người xem cảm thấy thoải mái hơn trước những bức họa êm đềm thì các cuộn ruy băng trải rộng hơn, hoặc khi đang cố gắng hiểu ý nghĩa hoặc có cái gì đó trong tranh khiến họ bối rối, các cuộn ruy băng cuộn xoắn như sóng. Và khi du ngoạn qua những kiệt tác của trường phái Ấn tượng và hậu ấn tượng như van Gogh, Manet, và Cézanne, màn hình cho thấy những dải ruy băng sáng rực rỡ mềm mại hơn là những cuộn xoắn. “Dù bạn có ý thức hay không nhưng khi bạn ngắm một bức tranh trừu tượng, thường bạn có xu hướng cố gắng hiểu nó nói gì”, MacNeil nói. “Mặt khác nếu bạn thấy một bức tranh mà bạn từng biết trước đây thì bạn có một phản hồi vô cùng khác biệt và nhìn nó theo một cách ít khách quan hơn”. Trên thực tế, nếu người xem thấy được những gì mình đã biết, các dải màu chuyển sang sáng hơn.

Tiến sĩ Ahmad Beyh, một nhà khoa học thần kinh và postdoct tại ĐH Rutgers giải thích cơ chế thần kinh đằng sau những hiển thị đó “Chúng ta biết rằng khi một người ngắm nhìn thứ gì đó mà họ cho là đẹp, một khuôn mặt hay một bức họa trừu tượng chẳng hạn, các trung tâm khoái cảm trong não họ bắt đầu sáng lên và trung tâm cảm giác thị giác của họ cũng bắt đầu hoạt động mạnh hơn. Các nghiên cứu cũng đề xuất, đó là một thứ đi kèm với giải phóng dopamine mà người ta vẫn biết là chất truyền dẫn thần kinh tạo cảm giác dễ chịu (feel-good neurotransmitter)”. 

Khi thực hiện dự án này, Art Fund muốn thúc đẩy mọi người đến với các bảo tàng và thưởng thức nghệ thuạt. Nguồn: The Courtauld Gallery.

Kết thúc cuộc thử nghiệm ngắn trong vòng hơn một tháng này, các nhà nghiên cứu cho biết họ bắt đầu tính đến chuyện mở rộng phạm vi thử nghiệm tới một số phòng trưng bày nghệ thuật ở Anh để có thêm nhiều dữ liệu hơn. Tiến sĩ Ahmad Beyh cho biết, bộ cảm biến điện não đồ không dây mà họ sử dụng trong các phòng tranh này thực sự khác xa với những phương pháp đo sóng não trong các phân tích khoa học ở phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, năng lực của chúng trong việc nắm bắt được các dữ liệu theo thời gian thực cũng khiến chúng “là một cách thú vị trong việc bắc cầu nối giữa thế giới khoa học và thế giới nghệ thuật, và xem cách nghệ thuật được gắn kết trong não bộ như thế nào”. 

Tiến sĩ Ahmad Beyh, cho biết nghệ thuật có thể có một tác động tích cực dài hạn lên não bộ, tuy nhiên vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để xác nhận một cách chính xác vấn đề này.

Dự án mà họ thực hiện ở các phòng tranh sẽ có thể giúp phác họa tác động của nghệ thuật lên bộ não và xúc cảm của con người. Có lẽ, khi thông tin về dự án lan rộng, nhiều người sẽ cảm thấy tò mò và quyết định tới các bảo tàng và phòng tranh nhiều hơn. Nghiên cứu này đã phát hiện ra trong khi 95% người Anh trưởng thành đồng ý là việc tới các phòng tranh và bảo tàng đem lại nhiều lợi ích cho họ thì chỉ, bốn trong số 10 người (40%) được hỏi cho biết chỉ tới một lần trong một năm trong khi một trong số sáu người (16%) tin là nghệ thuật không hề tác động gì lên chính họ. Do đó, Art Fund hy vọng dữ liệu sóng não sẽ là một cách tương tác thú vị để chứng tỏ cách nghệ thuật thực sự có tác động lên bộ não và cảm xúc của con người và điều này có thể giúp các bảo tàng, phòng tranh có được những khán giả mới. “Đây là cách đem lại sự kích thích thú vị để khán giả quay lại nhìn ngắm các tác phẩm nghệ thuật trong bối cảnh bảo tàng, thưởng ngoạn nghệ thuật đích thực, có những trải nghiệm thẩm mĩ”, Giám đốc Art Fund Jenny Waldman trao đổi với Sky News. “Những gì chúng tôi đang cố gắng làm với dự án thử nghiệm này là chứng tỏ trải nghiệm ở bảo tàng kỳ diệu như thế nào và khuyến khích mọi người quay lại với bảo tàng”. 

Trong khi đó, mối quan tâm của các nhà khoa học thần kinh như Beyh là cách bộ não của chúng ta nắm bắt và hiểu được cái đẹp. “Một trải nghiệm tăng cường về cái đẹp, dù trong nghệ thuật, âm nhạc, hay với người khác, có mối liên quan với hoạt động tăng cường ở khu vực nằm ở vùng giữa trước trán, gọi là vỏ não trước trung tâm (the medial orbitofrontal cortex)”, anh nói. “Vùng này liên quan đến những trải nghiệm của niềm vui thích, trải nghiệm về phần thưởng và tìm kiếm phần thưởng cũng như những ý nghĩ nội tâm hay ‘dạng mộng mơ giữa ban ngày’, suy nghĩ về những điều mong ước hoặc mong muốn thực hiện”. 

“Phần thưởng và niềm vui thích trùng khớp trong một vị trí trong não với một dấu hiệu của cái đẹp trong nghệ thuật. Và chính vùng này cũng là cái đích hướng đến của một số phương pháp điều trị cho các bệnh như bệnh trầm cảm”, tiến sĩ Beyh giải thích.

“Dường như là có một yếu tố chung là nghệ thuật thu hút não bộ theo một cách nhất định, đặc biệt khi bạn tìm kiếm cái đẹp trong nghệ thuật có thể đem lại lợi ích không chỉ ngay thời điểm thưởng thức nó mà có thể có tác động lâu dài”. □

Tô Vân tổng hợp

Nguồn: https://news.artnet.com/art-world/spinning-corkscrews-undulating-ribbons-new-technology-shows-museum-visitors-how-art-activates-their-brains-2389154

https://news.sky.com/story/headsets-that-show-the-effects-of-art-on-the-brain-to-be-toured-at-uk-galleries-12999602

Bài đăng Tia Sáng số 6/2024

Tác giả

(Visited 32 times, 1 visits today)