Cải thiện chất lượng thông tin, nhu cầu và giải pháp thị trường

Lợi ích của nền kinh tế thị trường chủ yếu là do từng cá thể được phép tối ưu hóa lợi ích cho mình. Nhưng điều này chỉ thực sự xảy ra khi cá thể được nắm đầy đủ các thông tin cần thiết. Một cuộc mua bán sẽ thuận tiện khi mà người bán gặp được người mua và có sự minh bạch trong giá cả, các chi phí, và chất lượng sản phẩm. Nhưng nếu các thông tin này không rõ ràng hoặc không chắc chắn thì mức độ rủi ro tăng lên. Khả năng ra được quyết định tối ưu sẽ bị giảm đi hay nói cách khác là các quyết định bị méo. Tức là hoạt động của thị trường bị giảm đi tính hiệu quả. Hơn nữa, khi mà khách hàng không có thông tin hoặc thiếu khả năng phân biệt chất lượng hàng thì người làm hàng tốt sẽ không cạnh tranh nổi với những người sản xuất ra hàng kém chất lượng nhưng giá thành rẻ hơn. Như vậy thì trong thị trường chỉ còn lưu thông những sản phẩm có chất lượng tồi. Những thị trường có tình trạng như vậy (còn được gọi là ‘lemon market’, thuật ngữ đặt ra bởi kinh tế gia Akerlof (1)) đang ngày càng lộ hình như một vấn nạn kinh tế của thời đại, trở ngại chính yếu ngăn cản nền kinh tế toàn cầu phát triển thịnh vượng.

Cho tới hiện tại người ta vẫn còn chưa hết ngờ vực về độ an toàn của sản phẩm xuất khẩu từ Trung Quốc. Từ những đồ chơi có độc tố tới các sản phẩm thực phẩm nhiễm melamine, sự rủi ro khi dùng hàng Trung Quốc tạo ra một dạng rào cản thương mại. Tổn thất đến với người tiêu dùng khi mua phải sản phẩm chất lượng xấu. Tổn thất cũng đến với người không dám tiêu dùng vì họ mất đi lợi ích của việc tiêu dùng. Và đương nhiên, người không bán được hàng cũng phải chịu tổn thất. Nguy cơ tổn thất tiềm tàng trong mọi thị trường thiếu thông tin minh bạch. Cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ hiện nay là một minh họa sinh động khác. Khi các nền kinh tế thế giới hội nhập, các nhà đầu tư có cơ hội mang vốn tới những thị trường tiềm năng. Nhưng đầu tư quá nhiều thì sẽ tới lúc không còn nhiều những dự án tốt nữa. Đó là lúc người ta ném tiền vào những dự án khó biết được là tốt hay xấu. Vì quá ham muốn lợi nhuận mà các nhà đầu tư chấp nhận mạo hiểm và tự an ủi bằng niềm hi vọng rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Tới một thời điểm nhất định thì mức tổn thất từ các dự án xấu tăng nhanh hơn lợi nhuận từ các dự án tốt. Trước tình trạng này các nhà đầu tư đồng loạt tháo lui. Đổ vỡ xảy ra hàng loạt theo hiệu ứng dây chuyền trong thị trường tài chính. Nhưng hậu quả của sự thiếu thông tin chưa ngừng lại ở đây. Vì thiếu thông tin nên người ta nghĩ rằng mọi dự án đều rủi ro ngang nhau và rút lui quá vội vã, bỏ lại cả những dự án tốt còn đang dở dang. Hoặc là có nhiều dự án mới có tiềm năng nhưng không được ai ngó ngàng tới, khi mà tất cả đều dè dặt trong tâm lý khủng hoảng. Đây có thể là lực cản không nhỏ làm chậm lại tiến trình hồi phục của nền kinh tế thế giới.

Thiếu thông tin về chất lượng của hàng hóa, dịch vụ, và chất lượng các khoản đầu tư không chỉ là vấn nạn của kinh tế thế giới. Chúng cũng chính là căn bệnh thâm niên trầm trọng của nền kinh tế và xã hội Việt Nam. Chất lượng thực phẩm không rõ ràng. Người tiêu dùng không thể yên tâm khi cứ không lâu lại xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm tập thể. Hàng nhập khẩu cũng bị người ta dán nhãn và tem giả. Ngay cả bằng cấp đào tạo giáo dục cũng có thể giả. Mà thậm chí với bằng thật thì chất lượng cũng không dễ xác định. Một thị trường với quá nhiều thông tin ảo khiến cho con người buộc phải tối ưu hóa trong điều kiện nhiều rủi ro. Chất lượng đời sống bị ảnh hưởng tiêu cực là điều tất yếu như Akerlof đã từng chỉ ra từ mô hình ‘lemon market’. Điều rất nguy hại khác là nó khuyến khích một thói quen làm việc, lối làm ăn, lối sống của con người khi phải thường xuyên đối phó với sự mập mờ không rõ ràng. Thói quen đó ta vẫn gọi là sự đánh quả. Trong một môi trường ai cũng đánh quả thì người làm việc nghiêm túc, quy củ dễ bị thiệt thòi. Và buộc lòng người có quy củ cũng phải quay ra đánh quả. Một môi trường như vậy khiến ai cũng tặc lưỡi rằng mình đã cố hết sức, dù đều biết rằng đáng ra nguồn tài nguyên của xã hội đúng ra phải được tối ưu hơn để đem lại lợi ích nhiều hơn cho tất cả mọi người. Đây là một bi kịch những người tù (prisoners’ dilemma) điển hình.

Cần khắc phục tình trạng thiếu thông tin, nhất là thông tin về chất lượng hàng hóa. Có như thế chất lượng đời sống mới được cải thiện và ý thức lao động, sáng tạo ra sản phẩm tốt đẹp mới được khuyến khích. Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề đạo đức và văn hóa xã hội. Nó cũng là cơ hội làm ăn cho doanh nghiệp. Tại sao một ngành không trực tiếp sản xuất ra sản phẩm vật chất nào như ngành bảo hiểm lại phát triển thịnh vượng, trở thành không thể thiếu trong xã hội hiện đại? Vì trong môi trường hiện đại, con người quá cần các dịch vụ bảo hiểm. Hay nói cách khác là cần giảm thiểu rủi ro cho các lựa chọn của mình. Thông tin càng ít tính rủi ro thì càng thuận tiện cho con người thực hiện bài toán tối ưu lợi ích của mình. Các quyết định càng ít bị méo hơn. Tức là luôn có nhu cầu đối với thông tin sạch, thông tin chắc chắn. Cầu đã có, cung thì sao? Cung sẽ có nếu người ta có ý tưởng cung ứng và chi phí cung ứng không quá cao. Việc thẩm định chất lượng hàng hóa, nhận dạng địa điểm của người bán và người mua, nhận dạng các chi phí và giá cả, tất cả đều có thể đòi hỏi chi phí (search cost). Thường là quy mô cung ứng càng cao thì chi phí trung bình càng thấp. Những thương hiệu quen thuộc như Amazon hay eBay, hoặc là thương hiệu mới nổi gần đây là Alibaba của Trung Quốc đã thành công lớn trong việc tận dụng công nghệ mới, giúp cho một số lượng lớn người mua và người bán dễ dàng gặp nhau, qua đó mà giảm thiểu chi phí cung ứng dịch vụ.

Tuy nhiên, khác với việc tạo điều kiện cho người mua, người bán dễ dàng gặp gỡ và trao đổi, việc thẩm định chất lượng hàng hóa cho đến nay vẫn chưa phải là loại hình dịch vụ phổ biến ở quy mô lớn. Có thể vì phải tới lúc khối lượng hàng hóa lưu thông toàn cầu đủ lớn thì vấn đề chất lượng hàng mới lộ hình rõ ràng. Cơ quan kiểm soát thực phẩm và dược phẩm của Mỹ (FDA) vừa đặt đại diện tại Trung Quốc (2) như bước đầu tiên nhằm kiểm soát chất lượng thực phẩm và dược phẩm toàn cầu. Như vậy là nước Mỹ hiện rất quan tâm tới sự an toàn và sức khỏe người tiêu dùng. Còn các nước EU trước đó đã có những lần gửi trả lại VN những container hải sản dư kháng sinh nhằm bảo đảm sự an toàn và sức khỏe người tiêu dùng. Người Việt chúng ta thì sao?

Có hai điều tôi muốn nhấn mạnh. Thứ nhất, không ai là không quan tâm và muốn điều tốt đẹp cho bản thân mình, nếu như việc lựa chọn là khả thi ở một chi phí hợp lý. Thứ hai, mức độ quan tâm cao sẽ tạo ra nhu cầu khá ổn định trong một thị trường tự do. Như vậy thì việc thẩm định và công bố chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm có thể coi là một loại hình dịch vụ kinh doanh. Như thế thì không nhất thiết lúc nào cũng phải trông chờ toàn diện vào sự cung ứng từ các cơ quan chức năng của Nhà nước. Có những loại hàng hóa, dịch vụ công cộng quá đắt đỏ, hoặc không hợp lý về lợi ích để khối tư nhân tham gia kinh doanh. Nhưng việc thẩm định chất lượng sản phẩm không nhất thiết thuộc loại hình dịch vụ như vậy. Đặc biệt là đối với việc thẩm định chất lượng thực phẩm, nhất là ở các đô thị lớn, thì rất có thể có cơ hội để trở thành một loại hình kinh doanh khả thi. Giả sử như với dân số khoảng 800 nghìn hộ gia đình của Hà Nội (3) thì có 200 nghìn hộ sẵn sàng trả 20 nghìn đồng/tuần để mua một tạp chí chuyên cung cấp thông tin sơ bộ về tình hình chất lượng vệ sinh thực phẩm của một số chủng loại hàng và thương hiệu thiết yếu. Giả thiết rằng chi phí in ấn phát hành trung bình là 15 nghìn đồng/tờ tạp chí. Như vậy thì nhà cung ứng dịch vụ thẩm định chất lượng vệ sinh thực phẩm có chẵn 1 tỉ đồng/tuần để phục vụ cho việc quản lý, trả chi phí kiểm định chất lượng, đóng thuế, và các khoản chi khác. Việc kinh doanh này nếu tính toán chặt chẽ thì tùy vào khả năng sáng tạo của người điều hành mà rất có thể trở nên khả thi, và càng khả thi nếu được coi là loại hình dịch vụ công ích và được Nhà nước, xã hội khuyến khích, hỗ trợ đúng mức. Chi phí kiểm định chất lượng không nhất thiết dồn lên vai một tổ chức riêng lẻ. Những chuyên gia nghiên cứu có thể chỉ dẫn người tiêu dùng tự kiểm định chất lượng sản phẩm (không ai có thể có trách nhiệm với người tiêu dùng hơn là chính bản thân họ). Công việc còn lại chỉ đơn thuần là đi thu thập các mẫu điều tra và công bố định kỳ hằng tuần cho công chúng. Đó là cách đơn giản để công chúng tự thẩm định và thông báo cho nhau biết kết quả thẩm định và vị trí, thương hiệu các sản phẩm liên quan. Từ thông tin sơ bộ này, tùy vào mức độ nghiêm trọng giữa chênh lệch chất lượng thực tế với chất lượng trong quy định của cơ quan chức năng Nhà nước mà người ta có thể dò tìm sâu hơn tới tận nguồn gốc nơi sản xuất. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu để giải quyết tận gốc nạn hàng giả, hàng nhái, giúp bảo vệ bản quyền thương hiệu chính đáng của các nhà sản xuất. Tuy nhiên, sẽ cần một hành lang pháp lý phù hợp để mỗi cá thể chịu trách nhiệm đúng mức trước pháp luật đối với thông tin mình cung cấp.

Lưu ý rằng một môi trường thiếu thông tin không nhất thiết là chỉ gây ra trở ngại cho sự khả tín. Nó cũng chính là điều kiện thuật lợi để giúp phẩm chất khả tín tạo ra thu nhập. Sự thành công của ngành bảo hiểm là một bài học. Và cũng lưu ý rằng nhu cầu thẩm định chất lượng hàng không chỉ giới hạn ở thị trường nội địa. Nó đang dần trở thành nhu cầu thiết yếu của toàn thế giới, nhất là với dòng chảy hàng xuất nhập khẩu lớn như hiện nay. Nếu xây dựng được các thương hiệu chuyên thẩm định hàng xuất khẩu có uy tín với bạn hàng thế giới thì sẽ không chỉ phục vụ lợi ích cho một doanh nghiệp riêng lẻ, mà còn giúp nâng cao mặt bằng chất lượng hàng xuất nhập khẩu ở Việt Nam và độ khả tín của hàng xuất nhập khẩu ở Việt Nam. Điều này chắc chắn sẽ cải thiện lợi ích lâu dài cho các bên liên quan. 

Mô hình cung cấp dịch vụ thẩm định chất lượng không nhất thiết giới hạn ở các chủng loại hàng hóa. Có thể áp dụng cả vào các loại hình dịch vụ. Điển hình là dịch vụ giáo dục, một lĩnh vực mà xã hội đang rất quan tâm. Ngày nay trẻ em phải bỏ rất nhiều thời gian để tới trường, tới lớp học thêm. Các bậc phụ huynh cũng phải bỏ một khoản thu nhập không nhỏ cho sự nghiệp giáo dục của con em mình. Vì cũng như trong vấn đề vệ sinh an toàn, chất lượng giáo dục cho con em là điều mọi bậc làm cha làm mẹ đặt ra thành nhu cầu cấp thiết. Trước nhu cầu cấp thiết như vậy, những nhà sư phạm giỏi có thể cùng nhau nghiên cứu ra các biện pháp hữu hiệu giúp các bậc phụ huynh đánh giá hằng tháng, hằng tuần, thậm chí hằng ngày, chất lượng kiến thức thu nạp của trẻ em. Trong bài viết Tư Duy Phân Tích Và Liên Kết Tổng Thể (4) tôi đã đề cập rằng mỗi bài học cần có sự liên kết với bài học trước nó, bài học sau nó. Đây chính là cách đơn giản nhất để các em nắm được các tư duy chính của từng bài học, đặc biệt là với các môn khoa học tự nhiên và xã hội. Việc các nhà sư phạm ở nhiều bộ môn, nhiều cấp học, cùng liên kết để liên tục cập nhật hiệu quả cho các bậc phụ huynh không chỉ giúp giải quyết một nhu cầu thường trực trong xã hội để đem lại lợi ích trước mắt mà còn giúp cải thiện chất lượng nhân lực trong lâu dài. Đây là khoản đầu tư đầy tính hiệu quả và rất chính đáng mà các đầu óc kinh doanh rất nên cân nhắc.

Nhìn rộng ra hơn nữa thì thấy rằng mọi loại hình hàng hóa và dịch vụ trong xã hội đều cần có các quy chuẩn để thẩm định chất lượng. Có thẩm định được thì mới đào thải được cái xấu, cái kém hiệu quả. Cái thật, cái tốt mới được tôn vinh. Chúng ta vẫn thường nói dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra nhưng tới nay vẫn chưa thực sự chỉ ra cách nào thì hiệu quả nhất. Câu trả lời là nhất thiết phải có các quy chuẩn được phổ cập rộng rãi. Vì sao có nhiều dự án đầu tư lớn lấy từ nguồn vay nợ nước ngoài, chiếm một tỉ lệ đáng kể với thu nhập quốc dân mà người trả chính là con em chúng ta; nhưng không có một báo cáo thường niên phổ cập cho quốc dân, trong đó có sự thẩm định đầy đủ hiệu quả đầu tư của các dự án trọng điểm? Có lẽ đó là lỗi chung của toàn xã hội. Nó không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà còn là trách nhiệm của các nhà trí thức. Ngày nay đã có những bài viết phê phán sâu sắc thực trạng. Nhưng còn rất cần việc chỉ ra các quy chuẩn xuất phát từ hoàn cảnh thực tế và phù hợp với khả năng ứng dụng trong thực tế.             

Xã hội càng có nhiều cá thể nắm thông tin xác thực thì động lực phát triển lành mạnh càng lớn. Bởi vì chi phí cơ hội của lối lao động mập mờ, núp bóng sẽ càng cao. Thành công của ngành đường sắt đối với cuộc cách mạng Công Nghiệp không chỉ ở sự rút ngắn thời gian vận tải người và hàng. Có thể ý nghĩa quan trọng hơn là tính chính xác về giờ giấc, độ khả tín của chất lượng dịch vụ. Chất lượng sản phẩm được cải thiện song hành cùng với tác phong và văn hóa làm việc.

Tổn thất vì thiếu thông tin không phải là vấn đề gì mới mẻ. Có tổn thất và nhận thức về tổn thất thì con người mới tìm cách khắc phục và vượt qua. Có như thế tri thức và năng lực con người mới có sự phát triển tiến bộ. Việc nghiên cứu để cải thiện thông tin, từ đó mà cải thiện chất lượng đời sống cá thể và xã hội, là chức năng cao quý của hệ thống giáo dục, giới nghiên cứu khoa học, và những nhà nghiên cứu hoạch định chính sách. Nhưng sẽ là một cách nhìn hạn hẹp nếu ta quy hết trách nhiệm cho người khác. Nguồn tài nguyên hạn chế, kho dữ liệu hạn chế, đó chính là cơ hội để mọi người cùng có cơ hội sáng tạo ra tri thức mới hữu ích. Không nhất thiết phải là một nhà khoa học để có thể phát kiến ra tri thức. Mỗi ngày đều có thể có vô vàn phát kiến hữu ích trong các doanh nghiệp, trong các tổ chức, các hộ gia đình, và đời sống cá thể, khi con người tìm ra phương thức mới tiết kiệm và phát huy hiệu quả tối đa những nguồn tài nguyên hữu hạn. Mọi tình trạng đều có thể được cải thiện khi con người có sự nhận diện thích đáng, lên kế hoạch giải quyết thích đáng, và thực hiện một cách thích đáng. Qua đó đặt được nền móng cho những lợi ích lâu dài. Đây là cơ hội lớn để phát triển.

———————–
(1): George Akerlof, 1970, The Market for Lemons: Quality Uncertainty and the Market Mechanism, Quarterly Journal of Economics 84 (3): 488–500.

(2) theo http://www.china.org.cn/business/news/2008-05/17/content_15283755.htm

(3) theo http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=234286&ChannelID=3

(4) Phạm Trần Lê, Tia Sáng, số 23, 05/12/08

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)