Cấm thuốc trừ cỏ Glyphosat sẽ gây xáo trộn nông nghiệp châu Âu
So với tất cả các loại hóa chất trừ cỏ dại khác thì Glyphosat là loại thuốc trừ cỏ được dùng phổ biến nhất, tuy nhiên tới đây EU có thể ra lệnh cấm dùng loại thuốc trừ cỏ này. Nếu lệnh cấm có hiệu lực thì có thể gây xáo trộn đối với ngành nông nghiệp Đức.
Cánh đồng cải dầu, 90% diện tích cải dầu ở Đức được phun thuốc diệt cỏ Glyphosat
Heinrich-Wyrich Adolphi lái chiếc xe nhỏ xuyên cánh đồng rồi dừng xe ngay giữa ruộng và nói: “trên cánh đồng của chúng tôi cỏ băng là đáng sợ nhất, và đây là khu vực nghiêm trọng nhất!”. Từ trong lòng đất nhô lên những chồi lá xanh biếc, dầy đặc và cao chừng vài xăngtimets. Adolphi ngồi xổm, nhổ một ngọn cỏ và cả bộ rễ dài tới 40 centimet. Cỏ băng phát triển rất nhanh, chỉ vài tháng đã cao như các loại ngũ cốc trồng ở đây, nếu Adolphi dùng máy để cắt cỏ thì tình trạng sẽ tồi tệ hơn vì những đoạn rễ bị đứt nhanh chóng phát triển thành một cây cỏ mới. Chỉ có thuốc trừ cỏ Glyphosat là có thể diệt loại cỏ này một cách triệt để nhất.
Dẫu chẳng thích thú gì khi phải dùng hóa chất để diệt cỏ nhưng với Adolphi, Glyphosat thực sự là một loại thuốc trừ cỏ chuyên biệt không thể thiếu vì hiện không có loại hóa chất nào diệt cỏ băng hiệu quả như thuốc trừ cỏ này.
Cuộc tranh luận chưa ngã ngũ
Ngay trong nội bộ các chính phủ châu Âu và Đức, cuộc tranh cãi về thuốc trừ cỏ Glyphosat cũng chưa ngã ngũ. Văn phòng chính phủ Đức hy vọng sẽ có được tiếng nói chung về vấn đề này trong những ngày tới. Giữa tuần tới, EU cũng sẽ đưa ra quyết định có gia hạn sử dụng thuốc trừ cỏ Glyphosat hay không.
Nếu Glyphosat không được gia hạn sử dụng, nông dân buộc phải tìm cách khác để diệt cỏ dại, các tập đoàn hóa chất phải tìm những lĩnh vực kinh doanh mới, còn các công ty chế tạo máy nông nghiệp thì hy vọng có được những nguồn thu mới to lớn hơn.
Sở dĩ đây là vấn đề được tranh luận mạnh mẽ vì Glyphosat có một vị trí đặc biệt trên thị trường và hiếm có sản phẩm nào lại có được vị trí như loại hóa chất này. Một phần ba diện tích đất trồng trọt ở Đức và rất nhiều diện tích đất công cộng được xử lý bằng loại thuốc trừ cỏ này. Glyphosat là loại thuốc diệt cỏ duy nhất có khả năng diệt cỏ dại khi chúng đã ra lá non trong khi hạt giống cây trồng còn nằm trong lòng đất. Tập đoàn Monsanto, đứng đầu thị trường, kinh doanh thuốc trừ cỏ này và hiện có trên 90 doanh nghiệp công nghiệp hóa chất sản xuất hóa chất diệt cỏ này.
Năm 1973, Monsanto đã phát minh ra Glyphosat và ngay từ đầu thu được kết quả to lớn, hóa chất này có giá rẻ bất ngờ và hiệu quả hơn tất cả các loại thuốc trừ cỏ khác, hơn nữa hóa chất này phân hủy nhanh và không nguy hại đối với nước ngầm so với các loại hóa chất trừ cỏ khác . Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi EU tỏ ra lưỡng lự trong việc phải ra quyết định đối với hóa chất này. Giấy phép cho Glyphosat được lưu hành đến tháng sáu này là hết hạn. Nếu EU không có quyết định gì thì kỷ nguyên Glyphosat sẽ đi đến hồi kết.
Hiện có hai quan điểm trái ngược nhau về việc có gia hạn sử dụng Glyphosat hay không. Nhóm hóa học là nhóm tán thành tiếp tục sử dụng Glyphosat, nhóm này gồm ngành công nghiệp hóa chất và ngành nông nghiệp. Nhóm Hóa học cho rằng các giải pháp thay thế Glyphosat đều lợi bất cập hại. Giới nông nghiệp thì cho rằng không thể không dùng thuốc trừ cỏ Glyphosat. Nhóm một số tổ chức phi chính phủ cho rằng loại thuốc trừ cỏ này có nhiều tác động phụ có hại đối với sức khỏe. Tổ chức Y tế thế giới cho rằng: Glyphosat “có thể gây ung thư“. Ngược lại Viện Đánh giá rủi ro liên bang Đức và Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu lại cho rằng: chưa có bằng chứng Glyphosat “gây ung thư hay không”. Chính do sự khác biệt về đánh giá này nên câu hỏi thực sự hóc búa được nêu lên là: Cái giá mà các ngành công nghiệp, nông nghiệp và người tiêu dùng phải trả là bao nhiêu một khi cấm sử dụng thuốc trừ cỏ Glyphosat ?
Ngành đường sắt cần Glyphosat
Felix Gerhardt, người quản lý hệ thống đường sắt của Đức với tổng chiều dài là 33.500km nói “Glyphosat có vai trò quyết định đối với an toàn trong giao thông đường sắt”. Ngành đường sắt tiêu thụ mỗi năm 75 tấn Glyphosat, tương đương 0,4 % tổng lượng thuốc trừ cỏ này tiêu thụ ở Đức và là đơn vị tiêu thụ Glyphosat lớn nhất nước Đức. Ngành này dùng Glyphosat để diệt cỏ dại cho toàn bộ tuyến đường sắt ở Đức.
Theo Gerhardt thì ngành đường sắt Đức có ba giải pháp thay thế hóa chất này. Giải pháp thứ nhất là phun lửa. Ngành nông nghiệp cũng có thể áp dụng biện pháp này tuy nhiên tác động phụ của giải pháp này là làm mất cân bằng sinh thái. Hơn nữa ngọn lửa không diệt được rễ cỏ dại có nghĩa là sau một thời gian lại phải phun lửa và cân bằng sinh thái lại bị hủy hoại hơn nữa. Giải pháp thứ hai là thường xuyên tiến hành tổng vệ sinh tuyến đường, trước đấy thường cứ sau 25 năm tiến hành tổng vệ sinh triệt để một lần; nay có thể rút ngắn sau mười hoặc 15 năm, điều này làm cho thời gian chạy tầu bị gián đoạn, chi phí tăng làm giá vé tăng theo. Giải pháp thứ ba là dùng một loại hóa chất trừ cỏ khác để thay thế: điều này có nghĩa là chúng ta thay thế một loại thuốc trừ cỏ đã được khảo sát, nghiên cứu kỹ càng bằng một loại thuốc trừ cỏ mới chưa được khảo sát kỹ do đó có thể có nhiều tác động phụ tồi tệ hơn.
Đối với ngành nông nghiệp truyền thống thì thuốc trừ cỏ Glyphosat là một trong những vật tư nông nghiệp không thể thiếu, 90% diện tích cải dầu được trừ cỏ bằng Glyphosat, hai phần ba diện tích đại mạch. Năm vừa qua nước Đức phun 5,5 triệu tấn Glyphosat – nhiều hơn tất cả các loại thuốc trừ cỏ khác cộng lại.
Giá lương thực sẽ tăng lên nếu cấm Glyphosat?
Glyphosat diệt cỏ hữu hiệu và giúp tăng năng xuất nông nghiệp. Câu chuyện thành công của Glyphosat gắn liền với việc tăng thu nhập cho người nông dân. Mới đây các nhà khoa học ở Viện Julius-Kühn đã nghiên cứu về hệ quả của việc cấm dùng hóa chất Glyphosat và đưa ra tính toán là: khi cấm dùng Glyphosat, chi phí sản xuất nông nghiệp sẽ tăng lên, ví dụ ở lúa mì là 17% vì diệt cỏ dại bằng biện pháp cơ giới tốn kém hơn nhiều so với dùng thuốc trừ cỏ.
Do thành công vang dội của Glyphosat và Monsato nên cho đến nay, hầu hết các tập đoàn hóa chất không có hứng thú với việc tiếp tục nghiên cứu để phát hiện các loại thuốc trừ cỏ mới. Theo dự đoán của nhà nghiên cứu Stübler ở đại học Frankfurt, đến năm 2020 sẽ không có bản quyền sáng chế phát minh nào có thể cạnh tranh được với Glyphosat. Hiện tại trên thế giới chỉ còn hai tập đoàn công nghiệp hóa chất là Bayer và Syngenta còn quan tâm đáng kể đến việc nghiên cứu về thuốc trừ cỏ và chỉ có một loại thuốc trừ cỏ duy nhất có thể thay thế Glyphosat là “Liberty” của hãng Bayer, hoạt chất của nó là Glufosinate-Ammonium – được lưu hành từ năm 1982. Nhưng do thành công vang dội của Glyphosat, bản thân Bayer đã lãng quên sản phẩm Glufosinate-Ammonium của mình. Vài năm gần đây khi ở Mỹ người ta phát hiện có một số loại dại có khả năng đề kháng với Glyphosat thì Bayer mới nghĩ đến sản phẩm Liberty của mình. Tuy nhiên giá thành sản xuất loại thuốc trừ cỏ này khá cao và việc sử dụng cũng có phần phức tạp so với Glyphosat. Ngoài ra hoạt chất Glufosinat có nhược điểm không chịu được lạnh, do đó không có hiệu quả khi sử dụng ở Đức cũng như ở nhiều nước châu Âu khác. Vì vậy một khi Glyphosat bị cấm thì nông dân ở châu Âu chỉ còn cách tăng cường diệt cỏ dại bằng các biện pháp cơ giới.
Nếu lệnh cấm đối với Glyphosat được ban hành thì chi phí sản xuất trong nông nghiệp sẽ tăng lên, đòi hỏi đầu tư trong nông nghiệp phải lớn hơn trong khi nền nông nghiệp ở châu Âu đang đứng trước nhiều khó khăn to lớn. Vì các lý do trên Ban Bảo vệ thực vật thuộc Hiệp hội nông nghiệp Đức (DLG) đề nghị một biện pháp dung hòa, nghĩa là Glyphosat thực sự quan trọng trong một số lĩnh vực và không thể thay thế, những trường hợp đó nên cho phép các trang trại được sử dụng loại thuốc trừ cỏ này. Nơi nào có các biện pháp thay thế được thì không được sử dụng Glyphosat nữa.
Gần như tất cả các loại cây trồng biến đổi gien hiện nay như ngô, đậu tương, bông vải hay cải dầu đều có gien kháng loại hóa chất này. Có nghĩa là người nông dân có thể phun loại thuốc trừ cỏ này để diệt các loại cỏ dại mà không sợ gây tổn hại đối với cây trồng. Đây cũng là lý do vì sao các tập đoàn như Monsanto, Syngenta, Dow hay Bayer kiên quyết ủng hộ loại thuốc diệt cỏ này
Xuân Hoài lược dịch theo Tuần kinh tế Đức.