Cần nhà đầu tư nước ngoài để xử lý nợ xấu

Đề án xử lý nợ xấu đã được Bộ Chính trị thông qua và đang có những sửa đổi trước khi ban hành. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nhà nước nên mở rộng các cơ chế chính sách để nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình mua bán nợ, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

Nhà đầu tư nước ngoài rất quan trọng

Nói chuyện tại “Hội thảo cơ chế điều hành lãi suất của ngân hàng trung ương và nhu cầu nguồn nhân lực cấp cao ngành tài chính ngân hàng”, do Đại học Tài chính Marketing tổ chức, ông Nghĩa cho rằng đề án thành lập Công ty Quản lý tài sản (VAMC) sẽ được xem xét vào kỳ họp tiếp theo của chính phủ. Nhưng nếu chỉ dựa vào nguồn lực trong nước, khó mà xử lý được hết số nợ đó.

VAMC dự kiến có vốn điều lệ 100.000 tỉ đồng, sẽ mua lại nợ của các ngân hàng bằng cách phát hành trái phiếu. Nợ xấu của doanh nghiệp thay vì nằm ở ngân hàng thương mại sẽ được chuyển sang VAMC. Đồng thời với việc bán nợ, ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng 20% trên tổng trái phiếu mà VAMC phát hành. Sau 5 năm, tổng số nợ sẽ được bù bằng trích lập dự phòng. Và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận ngân hàng.

Cùng với quá trình đó, VAMC sẽ cùng với doanh nghiệp xử lý nợ xấu. Ngân hàng sẽ tham gia ở góc độ hỗ trợ. Việc ngân hàng sau khi có trái phiếu có được dùng để chiết khấu tại ngân hàng trung ương để chuyển thành tiền hay không, hay dùng để thế chấp như giấy tờ có giá để vay tiền dạng tái cấp vốn vẫn còn đang tranh cãi.

Câu hỏi là ai sẽ mua tài sản thế chấp tại VAMC, liệu nhu cầu có lớn để hấp thụ số lượng lớn các tài sản đó? Ông Nghĩa cho rằng nhu cầu từ phía nhà đầu tư nước ngoài rất lớn. Đa phần họ có nhu cầu mua tài sản đất đai tại Việt Nam nhưng đều vướng luật. Ông cho rằng cần phải sửa luật để họ có thể tham gia. Cụ thể như cho phép nhà đầu tư nước ngoài lập quỹ đầu tư, công ty tài chính, trực tiếp mua bán tài sản này, cho phép mua nhà ở Việt Nam.

Ở các nước có khủng hoảng năm 1997-1998, 60% các khoản nợ xấu được mua lại từ các nhà đầu tư nước ngoài. Và từ đó, tình hình trong nước được cải thiện.

Ngoài ra, người dân Việt Nam rất “mê” bất động sản, thích sở hữu nhà hơn thuê nhà. Vì vậy, kích thích nhu cầu của người dân thông qua việc giảm lãi suất cho vay mua nhà, giảm giá bất động sản là điều cần làm nếu muốn giải quyết nguồn cung đang dư thừa của ngành này.

“Thêm vào đó, để xử lý được nợ xấu của doanh nghiệp, phải tích cực cho doanh nghiệp vay, nếu ngân hàng xử lý nợ nhưng vốn không chảy ra được nền kinh tế thì việc xử lý nợ xấu xem như thất bại”, ông Nghĩa nói thêm

Muốn giảm lãi suất, phải xử lý được ngân hàng yếu

Theo ông Nghĩa, việc giảm lãi suất sẽ phù thuộc nhiều vào việc lạm phát thấp. Trong năm nay, lạm phát sẽ chỉ dao động khoảng 6-7%, với điều kiện tiền đề này, lãi suất huy động có thể giảm được. Ông Nghĩa cho rằng trong năm nay, lãi suất huy động sẽ giảm được thêm khoảng một điểm phần trăm.

Nhưng đó là lãi suất quy định, còn lãi suất huy động thực tế ở các ngân hàng có thể khác nhau, theo sự phân nhóm của các ngân hàng (ông Nghĩa phân hệ thống ngân hàng Việt Nam thành 3 nhóm: nhóm thường xuyên thiếu tiền, nhóm thỉnh thoảng thiếu tiền, và nhóm thừa tiền). Các ngân hàng yếu thường sẽ đẩy lãi suất lên để huy động, kéo theo lãi suất cho vay cũng lên. Mặt bằng lãi suất cho vay hiện ở mức 12-13%, không giảm nhiều so với trước khi hạ lãi suất huy động.

Ông Nghĩa cho rằng, nếu muốn lãi suất cả huy động và cho vay xuống một cách thực sự hơn thì phải nhanh chóng xử lý ngân hàng yếu, hoặc cho phá sản, hoặc ổn định thanh khoản cho các ngân hàng bằng cách bơm tiền cho họ trong quá trình dài, tránh để họ tăng lãi suất huy động trên thị trường 1 (huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế).

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)