Cánh đồng thông minh
Đầu năm 2017 tỉnh Đồng Tháp sẽ cùng Công ty Rynan Agrifoods xây dựng mô hình cánh đồng thông minh. Ở đó, nhiều khâu sản xuất sẽ tự động hóa bằng việc ứng dụng internet vạn vật và điện toán đám mây. Sản phẩm được đóng gói bằng bao bì thông minh và bán hàng thông qua... smartphone.
Theo baodongthap online
Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty
Rynan Agrifoods giới thiệu sản phẩm phân bón
thông minh
Theo đơn đặt hàng của UBND tỉnh Đồng Tháp, Công ty Rynan Agrifoods đang xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh cho những loại nông sản chủ lực của tỉnh. Sử dụng phân bón thông minh là bước đi đầu tiên và đã cho kết quả rất bất ngờ.
Ông Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, đầu năm 2017 tỉnh sẽ cùng Công ty Rynan Agrifoods xây dựng mô hình cánh đồng thông minh. Ở đó, nhiều khâu sản xuất sẽ tự động hóa bằng việc ứng dụng internet vạn vật và điện toán đám mây. Sản phẩm được đóng gói bằng bao bì thông minh và bán hàng thông qua… smartphone. Một phương thức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại bậc nhất Việt Nam đã bắt đầu hình thành tại Đồng Tháp – cũng là địa phương được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tốt nhất cả nước đến thời điểm này.
Từ phân bón thông minh…
Vào những ngày đầu tháng 7/2016, cánh đồng lúa bạt ngàn hơn 1.000ha của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Tiến Cường ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đang vào giai đoạn chín. Nông dân, lãnh đạo tỉnh và chuyên gia nước ngoài liên tục đến tham quan, tìm hiểu bởi vì đây là nơi đầu tiên và duy nhất sản xuất lúa bằng phân bón thông minh được Công ty Rynan Agrifoods nghiên cứu thành công. Ông Lê Thanh Hiệp – Giám đốc HTX cho biết: “Phân bón thông minh chỉ rải một lần trước khi gieo sạ và tự tan trong 60 ngày theo nhu cầu hấp thụ dinh dưỡng của cây lúa. Còn bình thường, chúng tôi phải rải phân tới 5 lần. Phân bón này còn diệt ốc bươu vàng, diệt cỏ nữa, nông dân khỏi phun thuốc, chi phí giảm nhiều mà làm ruộng cũng sướng”.
Ông Nguyễn Văn Tâm (xã viên HTX Tiến Cường) có 6ha đất. Ông và 4 hộ khác chừa ra 2.000m2/hộ làm mô hình sử dụng phân bón thông minh để đối chứng với phần còn lại canh tác bình thường. Hiện trà lúa của ông Tâm đang ngậm sữa. Ông nhổ 2 bụi lúa ở ruộng dùng phân bón thông minh và ruộng bên cạnh rải phân 5 lần/vụ theo truyền thống cho chúng tôi xem. Ông giải thích: “Cây lúa dùng phân bón thông minh chỉ có 3 tép lúa, tức một hạt giống có 1 mẹ và 2 con. Cả 3 tép lúa đều khỏe mạnh và trổ bông. Còn cây lúa kia nhiều tép hơn, nhưng cũng chỉ có 3 tép có bông, mấy tép kia chẳng tích sự gì nhưng làm tốn phân bón và là tác nhân gây ra sâu bệnh. Bông lúa dùng phân bón thông minh cho hạt lúa to hơn, sáng đẹp hơn và chắc chắn chất lượng gạo và năng suất sẽ cao hơn”.
Thửa ruộng 7ha của ông Nguyễn Bá Luận đang ngậm sữa. Khu vực sử dụng phân bón thông minh ít sâu bệnh, bông lúa cũng nặng oằn hơn so với phần còn lại bón phân 5 lần. Ông Luận nói: “Có một điều rất chắc chắn là ruộng dùng phân bón thông minh không bị bệnh đạo ôn, đốm vằn hay sâu cuốn lá. Còn ruộng bên cạnh bị bệnh rất nhiều, phải dùng thuốc bảo vệ thực vật”. Giám đốc HTX Lê Thanh Hiệp nói mô hình dùng phân bón thông minh thấy hiệu quả rất rõ như: lượng phân N-P-K dùng chỉ bằng 50-60%, tiết kiệm được chi phí thuê nhân công bón phân 4 lần/vụ, giảm phun thuốc 2-3 lần/vụ và không bị hao hụt do lúa bị người rải phân, phun thuốc đạp chết. Năng suất chắc chắn tương đương hoặc cao hơn, chất lượng lúa gạo cũng cao hơn ruộng làm theo cách truyền thống. Tất cả xã viên của HTX đã đề nghị cho họ sử dụng phân bón thông minh từ vụ tới.
Theo ông Nguyễn Thanh Mỹ – Tổng Giám đốc Công ty Rynan Agrifoods – Trà Vinh, phân bón thông minh được ông nghiên cứu và thử nghiệm thành công tại Hàn Quốc và Đài Loan suốt gần 4 năm qua. Kích cỡ hạt phân bón thông minh cũng tương đương như phân bón DAP hay N-P-K trên thị trường, nhưng có lớp chất dẻo nano bao bọc. Bên ngoài cùng còn có thêm lớp chất dẻo giống như bao viên thuốc con nhộng trong ngành dược phẩm. Các lớp chất dẻo này có tích hợp thuốc diệt ốc bươu vàng và thuốc diệt cỏ nên nông dân không cần phải phun thuốc.
Các nghiên cứu cho thấy, cây lúa có thời gian sinh trưởng 90-100 ngày thì chỉ hấp thu chất dinh dưỡng từ phân bón cho đến khoảng 60 ngày tuổi. Cho nên ông đã nghiên cứu giải pháp làm cho phân bón tan chậm trong 10 ngày đầu, 95% lượng phân còn lại sẽ tan nhanh trong 50 ngày sau đó. “So với phân tan chậm mà Israel, Mỹ, Nhật, Canada đang sử dụng thì phân bón thông minh Rynan Agrifoods có thêm một số thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ dịch hại; hàm lượng các chất N-P-K-vi lượng được thiết kế theo đặc điểm từng vùng đất khác nhau và tan chậm có kiểm soát nên tỉ lệ thất thoát cao nhất chỉ có 2%”- ông Mỹ nói.
Giảm tối đa phát thải khí nhà kính
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân (chuyên gia nông nghiệp), các nhà khoa học trên thế giới đang nỗ lực tìm giải pháp để giảm bón phân, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất mà còn giảm tối đa phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu. Phân bón tan chậm, phân bón thông minh là thành tựu khoa học kỹ thuật mang lại những giá trị rất lớn cho nền kinh tế và môi trường sống của nhân loại. Hiện nay có tới 60-70% phân đạm rải xuống ruộng, cây không hấp thụ được mà bị biến thành chất độc hại (khí nhà kính – N20) bốc hơi trở lại bầu khí quyển (1 tấn N2O = 298 tấn CO2). Dự kiến năm 2020, Việt Nam phát thải tới 474 triệu tấn khí nhà kính. Riêng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp “góp” tới 43%, chủ yếu do bón phân quá nhiều. Nguồn nước cũng bị ô nhiễm bởi phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Đến cánh đồng thông minh
Ông Nguyễn Thanh Mỹ cho biết, “cánh đồng thông minh” là một chuỗi giá trị khép kín từ đầu vào đến sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ. Tất cả đều ứng dụng internet vạn vật và điện toán đám mây, phần mềm điều khiển, thương mại điện tử. Nó giải quyết nhiều bài toán cùng lúc gồm: giảm chi phí, thiếu nước tưới, giảm ô nhiễm nguồn nước và phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, sản phẩm chất lượng cao và an toàn, nông sản bảo quản lâu mà không dùng hóa chất, giao hàng tận nơi, tránh hàng giả, lợi nhuận cao.
Mô hình cánh đồng thông minh tại tỉnh Đồng Tháp đang xây dựng sẽ có quy mô tối thiểu 100ha, sử dụng máy san phẳng mặt ruộng bằng laser để tiết kiệm nước tưới. Rải phân bón thông minh một lần duy nhất khi làm đất. Trên cánh đồng sẽ có nhiều máy bơm sử dụng năng lượng mặt trời nối với đầu dò điện tử. Hệ thống này được lập trình và điều khiển từ xa qua điện thoại di động. Khi ruộng thiếu độ ẩm (thiếu nước) thì hệ thống sẽ báo qua điện thoại di động. Nông dân sẽ thao tác kích hoạt máy bơm nước tự động bơm vào ruộng, khi nào đủ nước theo lập trình thì tự ngắt. Việc quản lý dinh dưỡng cây lúa cũng thông qua máy tính bảng, điện thoại di động kết nối internet và điện toán đám mây (MNRice App). Tại cánh đồng này cũng có một nhà máy xay xát chạy bằng năng lượng mặt trời. Gạo được chế biến rồi đóng gói bằng bao bì thông minh do Công ty Rynan Agrifoods và Tập đoàn Mỹ Lan phát triển, giữ được chất lượng ổn định như ban đầu trong nhiều tháng.
Ông Nguyễn Thanh Mỹ cho biết tất cả vật tư đầu vào, thiết bị điện tử, công nghệ… đều do Công ty Rynan Agrifoods sản xuất và cung cấp cho nông dân, HTX tham gia cánh đồng thông minh. Chủ trương của ông là hợp tác cùng nông dân và Nhà nước phát triển nhiều mô hình sản xuất lúa gạo, cây ăn trái, chăn nuôi… quy mô lớn theo chuỗi giá trị mà ông xây dựng. “Chúng tôi không bán phân bón thông minh, thiết bị và công nghệ ứng dụng vào nông nghiệp điện tử ngoài thị trường mà chỉ cung cấp cho những mô hình sản xuất lớn có liên kết với công ty. Chúng tôi muốn góp sức cùng Chính phủ phát triển nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, quy mô lớn, sản phẩm sạch, có giá trị kinh tế cao và không phát thải khí nhà kính”- ông Mỹ nói.
Sau khi xây dựng mô hình cánh đồng thông minh, Công ty Rynan Agrifoods và tỉnh Đồng Tháp sẽ làm tiếp vườn cây ăn trái thông minh… Nhà máy sản xuất phân bón thông minh công suất 20.000 tấn/năm đang được xây dựng tại Trà Vinh. Với cây ăn trái, phân bón thông minh sẽ tích hợp thuốc diệt rệp sáp và các loại sâu bệnh và tan chậm có kiểm soát trong nhiều tháng theo nhu cầu dinh dưỡng của từng loại cây.
Bao bì thông minh bảo quản nông sản
UBND tỉnh Đồng Tháp “đặt hàng” Công ty Rynan Agrifoods và Tập đoàn Mỹ Lan nghiên cứu bao bì có thể bảo quản xoài trong 30 ngày, nhãn trong 7 ngày hoàn toàn không sử dụng hóa chất bảo quản nhằm mục đích xuất khẩu. Cuối tháng 6/2016, các mẫu thử nghiệm đều cho kết quả hơn cả mong đợi. Xoài Cao Lãnh đã được 35 ngày vẫn xanh, màu sắc như mới thu hoạch; nhãn 10 ngày lá vẫn xanh, màu sắc trái đẹp. Chất lượng trái không thay đổi. Theo ông Mỹ, bao bì thông minh là màng nhựa có nhiều lớp, ở giữa có lớp EVOH (cản khí); được bơm khí cải tiến (tỉ lệ khí O2 và CO2 khác nhau) để ức chế quá trình thở của trái cây. Trên bao bì có van một chiều chỉ cho khí CO2 và Ethylene (C2H4) thoát ra ngoài (khí Ethylene làm trái cây mau chín). Kỹ thuật này giúp bảo quản nông sản được lâu mà không sử dụng hóa chất nên rất an toàn cho sức khỏe.
“Chúng tôi không bán phân bón thông minh, thiết bị và công nghệ ứng dụng vào nông nghiệp điện tử ngoài thị trường mà chỉ cung cấp cho những mô hình sản xuất lớn có liên kết với công ty. Chúng tôi muốn góp sức cùng Chính phủ phát triển nền nông nghiệp VN hiện đại, quy mô lớn, sản phẩm sạch, có giá trị kinh tế cao và không phát thải khí nhà kính” (Ông Nguyễn Thanh Mỹ) |