Cấy ghép san hô: giải cứu các rạn san hô ở Thổ Nhĩ Kỳ

Các nhà khoa học đang nỗ lực di chuyển san hô đến một khu vực mới – nơi chúng không phải đối mặt với những rủi ro từ các công trình xây dựng.


Tình nguyện viên đang nỗ lực cứu các rạn san hô xung quanh Quần đảo Hoàng tử. Ảnh: Serço Ekşiyan

Cấy san hô là một công việc khó khăn. “Trong vòng 20 phút, bạn phải lặn xuống 30 mét và cấy san hô vào đúng phần của tảng đá, với hi vọng nó sẽ tồn tại ở đây trong hàng trăm năm tới”, Serço Ekşiyan, một trong những tình nguyện viên tham gia vào nhiệm vụ giải cứu san hô xung quanh Quần đảo Hoàng tử (Aladar), một quần đảo đẹp như tranh vẽ ở Biển Marmara, cách Istanbul 40 phút đi thuyền.

Nhận nước từ Biển Đen và Biển Địa Trung Hải, Biển Marmara là nơi sinh sống của 24 loài san hô mềm (Alcyonacea). Sự phát triển của các đô thị gần đó đang đe dọa đến sự sinh tồn của chúng. Trong số những loài sinh vật biến mất, có roi biển (sea whips), sea pens (bút biển) và một số loài san hô mềm màu đỏ và vàng.  

“Rất khó để bạn tìm thấy những loài san hô ở các khu vực bên ngoài lưu vực Địa Trung Hải. Càng đi xa về phía đông, chúng càng di chuyển vào vùng nước sâu hơn. Thật kỳ diệu khi chúng tôi có thể nhìn thấy chúng trên bờ biển của Quần đảo Hoàng tử”, TS Eda Topçu, một nhà sinh vật biển tại ĐH Istanbul, đồng thời là người đứng đầu dự án cấy ghép cho biết. Theo bà, những loài san hô này rất quan trọng đối với sự tồn tại của các hệ sinh thái biển vì chúng cung cấp môi trường sinh sản và nuôi dưỡng an toàn với các loài thủy sinh. 

Kể từ năm 2015, Câu lạc bộ Sinh vật biển và Thể thao Adalar (Adysk) – nơi Serço Ekşiyan là thành viên, đã hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học nhằm hồi sinh và bảo vệ hệ sinh thái biển ở phía bắc Biển Marmara. Họ tập trung dọn sách những tấm lưới đánh cá mà các ngư dân để lại (thường là bất hợp pháp) hoặc đánh mất trên đại dương.

Tuy nhiên, công việc của họ đã tăng lên gấp bội chỉ sau một đêm. Đó là ngày người ta đổ hàng tấn mảnh vụn từ một tòa nhà ra ngoài khơi đảo Yassıada – giết chết một rạn san hô lớn vào cuối năm 2015. Yassıada là một hòn đảo nhỏ, dài chưa đầy 1km nhưng hiện là nơi tọa lạc của khách sạn, nhà thờ Hồi giáo, tòa nhà hội nghị và bảo tàng. Đi kèm với sự phát triển đó là sự suy giảm nhanh chóng của quần thể san hô tại khu vực này. 

Năm 2017, những công trình xây dựng bắt đầu được tiến hành trên một đảo khác của quần đảo Hoàng Tử – đảo Sivri, nằm ở trung tâm của một rạn san hô lớn. Với mong muốn không để những gì đã xảy ra ở Yassıada lặp lại thêm một lần nào nữa, nhóm nghiên cứu đã bắt đầu quá trình cấy san hô đến một vị trí an toàn hơn, hợp tác chặt chẽ với các nhà sinh vật biển và Hội đồng Nghiên cứu Khoa học của Thổ Nhĩ Kỳ, Tübitak.

Trong vòng 2 năm, họ đã cấy 280 san hô quanh khu vực hòn đảo không người ở Tavşan. Đây là trường hợp cấy ghép san hô đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ. 

“Đó là một quả trình thử – sai”, Ekşiyan nói. “Không ai trong chúng tôi trước đây từng cấy ghép san hô”. Nhóm sẽ gắn san hô vào đáy vách đá dưới biển sâu, giữa các rạn san hô hiện có, bằng một chất kết dính. Tiếp theo, cần pha chế tại chỗ một loại dung môi hòa tan để san hô không bị đông đặc lại quá sớm. Nếu không thành công, san hô sẽ bị mắc kẹt trong những cục keo dính trước khi chúng nằm trên những vách đá. 

Bất chấp những khó khăn, họ đã cấy ghép thành công 90% trong số 90 loài san hô vào năm 2017, và 60% trong số 190 loài còn lại vào năm 2019. Volkan Narcı, thành viên sáng lập của nhóm, cho biết các loài san hô đang thích nghi tốt với môi trường mới. Bây giờ, điều quan trọng là chúng cần được bảo vệ.   


San hô sau khi cấy ghép thành công. Ảnh: Serço Ekşiyan

Mỗi ngày, có các loài sinh vật biển di cư từ phía Nam vào Biển Marmara. “Nhiều loài động vật, chẳng hạn như bạch tuộc, rùa cạn, cá mú và cá kiếm đang từ Địa Trung Hải bơi đến Biển Marmara. Chúng bị mất môi trường sống bởi san hô ở đó đã bị tẩy trắng – điều đó có nghĩa là Marmara đang biến thành nơi trú ẩn của một số hệ sinh thái nhất định”, Tiến sĩ Cem Dalyan, nhà sinh vật học thủy văn nói. “Nó cũng từa tựa như truyền thuyết về con tàu của Noah – nếu bạn bảo tồn một số lượng nhỏ cá thể của mỗi loài, chúng sẽ sinh sôi và phát triển mạnh trở lại sau khi thảm họa kết thúc. Biển Marmara là con tàu, và nó có thể cứu toàn bộ Địa Trung Hải.”

Nhóm Adysk hiện đang đàm phán với chính phủ để biến khu vực xung quanh đảo Tavşan trở thành khu bảo tồn biển, nghĩa là khu vực này sẽ cấm đánh bắt cá và cấm tàu thuyền thả neo. Các nhà quản lý cũng phải bảo vệ khu vực biển này khỏi các công trình xây dựng. 

“Đây là cách duy nhất để chúng tôi có thể chắc chắn rằng san hô có cơ hội phát triển thành một quần thể khỏe mạnh”, Narcı cho biết. Nhưng những nỗ lực của họ nhằm thuyết phục chính quyền đến nay vẫn chưa thành công. Gần đây, họ đã thu thập 1000 chữ ký ủng hộ kế hoạch này để trình lên chính phủ. 

Nhưng tương lai hãy còn vô định. Theo Ekşiyan và Narcı, các sáng kiến tương tự của châu Âu nhằm bảo vệ sinh vật biển, như Healthy Seas và Ghost Diving, có khả năng tiếp cận nguồn hỗ trợ từ các nhà tài trợ và chính phủ, trong khi Adysk thì không. Họ đang phải chật vật một mình, vì vậy họ cần có nguồn vốn thường xuyên cũng như sự hỗ trợ từ chính phủ. 

Narcı nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục người dân địa phương, đặc biệt là giới trẻ, về Biển Marmara và các hệ sinh thái bên trong nó. Nhóm đang hợp tác với các nhóm xã hội địa phương trên Quần đảo Hoàng tử để nâng cao nhận thức về các loài sinh vật biển, đặc biệt là san hô. 

Narcı cho biết: “Một lượng lớn oxy của chúng ta được tạo ra nhờ quá trình quang hợp của sinh vật phù du, và những sinh vật phù du này sống trong các rạn san hô. Chúng tôi muốn phổ biến cho người dân nơi đây điều này, nếu không, chúng ta sẽ phải gánh chịu những hệ quả vô cùng tồi tệ.” 

Anh Thư dịch

Nguồn: How coral transplants could rescue Turkey’s threatened reefs

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)