Cấy khối u ở người sang cá ngựa vằn để định hướng điều trị
Một nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Champalimaud, Lisbon (Bồ Đào Nha) mới đây đã công bố báo cáo về sự phát triển của của khối u ở người trên cơ thể ấu trùng cá ngựa vằn.
Thử nghiệm để tế bào ung thư của người phát triển trên cơ thể bào thai cá ngựa vằn giúp các bác sĩ lựa chọn phương án điều trị phù hợp cho bệnh nhân.
Mỗi con cá mang khối u sẽ trở thành một hiện thân ảo (avatar), mô phỏng tình trạng của một bệnh nhân ung thư thật, và được sử dụng để thử nghiệm những phương án điều trị khác nhau. Thử nghiệm tương tự hoàn toàn có thể tiến hành trên chuột, tuy nhiên không thể rẻ và nhanh như cá: với chuột, thông thường phải từ 2 – 6 tuần mới cho kết quả.
Cá ngựa vằn, vốn được nuôi và sử dụng rộng rãi cho nhiều nghiên cứu trong sinh học vì rẻ và sinh trưởng nhanh, tuy nhiên đặc điểm tiến hóa của chúng lại khác xa con người, so với chuột đồng (tương đối gần với người). Vì vậy, nhóm nghiên cứu phải xác minh liệu khối u trên cơ thể cá ngựa vằn có phát triển theo cách giống như trên chuột không.
Cấy tế bào ung thư ruột kết và trực tràng (của người) sang cơ thể ấu trùng cá ngựa vằn rồi để chúng tự do phát triển trong bốn ngày, các nhà khoa học phát hiện ra ba dấu hiệu tương tự như trên người: phân chia nhanh, hình thành hệ thống mạch máu để cung cấp chất dinh dưỡng, và di căn khắp cơ thể.
Sau đó, nhóm nghiên cứu bổ sung hai liệu trình hóa trị dạng dung dịch thường được dùng để điều trị ung thư ruột kết và trực tràng vào môi trường sống của cá, kết quả trong khi một vài khối u co rút lại thì số khác lại không. Như vậy nghĩa là cá có khả năng phân biệt giữa những loại thuốc hiệu quả và không hiệu quả. Sau đó, các nhà khoa học lại cấy tế bào ung thư ruột kết và trực tràng vào cơ thể của năm ấu trùng cá ngựa vằn, rồi cho chúng dùng cùng liều lượng hóa trị sử dụng cho bệnh nhân. Kết quả ghi nhận, có bốn trong tổng số năm trường hợp mà phản ứng của khối u trên cá ngựa vằn giúp dự đoán chính xác khả năng hồi phục của bệnh nhân (người mang khối u) trong giai đoạn từ 3 – 6 tháng sau phẫu thuật. Kết quả này đã được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.
Vì thử nghiệm trên chuột khá mất thời gian và tốn kém, các bác sĩ thường sử dụng cá ngựa vằn để thay thế khi phương án đầu tiên thất bại. Nếu thực hiện trên cá ngựa vằn, toàn bộ quy trình chỉ mất từ 2 – 3 tuần, vì vậy rất hữu ích cho việc điều trị bệnh trong giai đoạn đầu.
Nghiên cứu trên thực ra không mới, song kết quả mang tính thuyết phục nhất ở đây chính là lợi thế về con số. Chẳng hạn, việc mô phỏng tình trạng của 1.000 bệnh nhân trên chuột là khó do chi phí và thời gian, tuy nhiên lại khả thi trên cá vì rẻ và nhanh chóng.
Tuy nhiên, một vài cảnh báo cho rằng, không phải bất cứ loại thuốc nào sử dụng cho người cũng hiệu quả với cá ngựa vằn. Bởi vậy, một vài chuyên gia khuyến nghị, cần mở rộng nghiên cứu sang nhiều loại bệnh khác nhau, chẳng hạn như ung thư vú… từ đó kiểm chứng hiệu quả của phương pháp trên phạm vi rộng hơn.
Hải Đăng lược dịch
Nguồn:
http://www.sciencemag.org/news/2017/08/zebrafish-implanted-cancer-patient-s-tumor-could-guide-cancer-treatment