Chế độ ăn lành mạnh có thể tác động xấu đến môi trường, kinh tế và xã hội

Việc chuyển sang chế độ ăn lành mạnh hơn không chỉ làm giảm nguy cơ bệnh tật mà còn cải thiện tính bền vững của hệ thống thực phẩm. Tuy nhiên, ăn uống lành mạnh hơn cũng có thể dẫn đến những hệ quả không mong muốn về môi trường, kinh tế và xã hội. Trong một công bố mới trên tạp chí Nature Food, các nhà nghiên cứu ở Trung tâm nghiên cứu và Đại học Wageningen (WUR) đã sử dụng mô hình kinh tế toàn cầu để tìm hiểu tác động của chế độ ăn kiêng EAT-Lancet trên phạm vi toàn thế giới. 


Chế độ ăn EAT-Lancet do Ủy ban EAT-Lancet (gồm 37 nhà khoa học đến từ 16 quốc gia) đề xuất năm 2019 nhằm cân bằng giữa mục tiêu dinh dưỡng lành mạnh và tính bền vững của hành tinh. Đặc trưng của chế độ ăn này là sử dụng thực phẩm có nguồn gốc thực vật, hạn chế thịt, trứng, sữa và các loại rau củ có tinh bột. 

Nếu bạn dùng ít thực phẩm hơn, bạn cũng cần ít sinh khối hơn, dẫn đến giảm giá sinh khối và đất đai. Tuy nhiên, nhu cầu về lao động và vốn cũng giảm xuống, dẫn đến tiền lương và thu nhập thấp hơn. 

Những tác động này diễn ra theo một hướng khác ở châu Phi hạ Sahara, các quốc gia thu nhập thấp – nơi vẫn xảy ra nạn đói. Ở đây, việc chuyển sang chế độ ăn EAT-Lancet làm tăng nhu cầu thực phẩm và sinh khối, dẫn đến tăng sử dụng đất và giá cả. Khi đó, hoạt động nông nghiệp phát triển hơn, tạo ra tác động tiêu cực – chẳng hạn sử dụng hóa chất nhiều hơn, và tác động tích cực như tăng thu nhập.   

Tác động môi trường ngoài hệ thống thực phẩm 

Chế độ ăn uống lành mạnh dẫn đến phát thải khí nhà kính cao hơn. Bởi lẽ, khi mọi người, đặc biệt là những người khu vực có thu nhập cao, chi tiêu ít hơn cho thực phẩm, họ sẽ chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm phi thực phẩm. Như vậy, chế độ ăn lành mạnh có thể dẫn đến gia tăng nhu cầu và sản xuất các sản phẩm phi thực phẩm. 

Lượng phát thải bổ sung từ hoạt động sản xuất các sản phẩm phi thực phẩm vượt quá mức giảm phát thải sinh khối nhờ ăn ít hơn. Hiệu ứng này sẽ khiến lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu vào năm 2030 về mức tương đương với kịch bản không thay đổi chế độ ăn. 

Khi nhu cầu về sản phẩm nông nghiệp thấp, thu nhập trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ thấp hơn so với các lĩnh vực khác. Nguyên nhân là do các kỹ năng về nông nghiệp không phải lúc nào cũng phù hợp với các kỹ năng cần thiết trong các lĩnh vực khác. Do đó, người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp khó chuyển ngành, buộc phải ở lại trong lĩnh vực nông nghiệp dù lương thấp hơn. Đồng thời, sự tăng trưởng sản xuất trong các lĩnh vực phi thực phẩm dẫn đến gia tăng thu nhập trong các lĩnh vực này. Như vậy, việc thay đổi chế độ ăn sẽ làm gia tăng sự bất bình đẳng thu nhập hiện có giữa người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp ở hầu hết các khu vực. 

Những thay đổi về thu nhập ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chi trả cho thực phẩm. Ở những vùng có thu nhập cao hơn, các thực phẩm lành mạnh (dựa trên chế độ ăn bắt nguồn từ khuyến nghị dinh dưỡng của EAT-Lancet) phù hợp với túi tiền của người dân trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Mặc dù thu nhập trong lĩnh vực nông nghiệp giảm, song giá thực phẩm còn giảm nhiều hơn, giúp tăng khả năng chi trả cho thực phẩm lành mạnh.

Ở những vùng có thu nhập thấp, nơi nhu cầu thực phẩm gia tăng theo chế độ ăn EAT -Lancet, tác động diễn ra theo hướng ngược lại, do giá thực phẩm tăng nhiều hơn tiền lương.  Ở châu Phi hạ Sahara, người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp ít có khả năng chi trả cho thực phẩm hơn. Điều này rất đáng lo ngại vì nạn đói ở khu vực này vẫn còn cao. 

Việc chuyển sang chế độ ăn kiêng EAT-Lancet góp phần giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm, do khối lượng thực phẩm được sản xuất và thương mại đều giảm. Tuy nhiên, mô hình tiêu dùng ở các nước thu nhập cao cho thấy, vẫn có sự thất thoát và lãng phí thực phẩm đáng kể ở các khu vực có thu nhập thấp và trung bình (ở các quốc gia này). □

Thanh An lược dịch

Nguồn: https://phys.org/news/2023-06-diet-unexpected-negative-economic-social.html

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)