Chế phẩm vi sinh cải tạo đất

Nằm trong đề tài thuộc chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực NN&PTNT, Chế phẩm vi sinh cải tạo đất của Ths. Nguyễn Thu Hà - Viện Thổ nhưỡng nông hóa – Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam được coi là một trong những giải pháp hiệu quả góp phần giúp bà con nông dân tiết kiệm được chi phí đầu tư nhưng vẫn đảm bảo tăng năng xuất cây trồng.

Chế phẩm vi sinh cải tạo đất của tác giả có chứa các vi sinh vật có hoạt tính cố định nitơ, phân giải phốt phát khó tan, phân giải kali khó tan và có tác dụng sinh chất giữ ẩm cho đất rất thích hợp với các loại đất bạc màu, nghèo kiệt về dinh dưỡng, đất khô hạn. Đây là điểm vượt trội hoàn toàn so với các chế phẩm vi sinh hiện đang có ở nước ta.

Ngoài ra, khi sử dụng tại các vùng đất khác chế phẩm vừa có tác dụng cải tạo đất, tăng độ phì cho đất vừa giúp tăng năng suất cây trồng.

Chế phẩm đã được ứng dụng tại các khu vực trồng lạc trên đất cát thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định và đã chứng minh được tính ưu việt của mình. Sau khi người nông dân ở đây sử dụng chế phẩm với liều lượng 20kg/1ha năng xuất thu được tăng từ 15% đến 25% so với phương thức canh tác truyền thống.

Ngoài ra, chế phẩm vi sinh cải tạo đất của tác giả không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng như thuốc bảo vệ thực vật từ hóa chất. Góp phần cân bằng hệ sinh thái trong môi trường đất, tăng độ phì nhiêu của đất trong thời gian dài.

Khi sử dụng chế phẩm này, cây trồng hấp thu chất dinh dưỡng dễ dàng hơn, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản.

Với chi phí rẻ, cách sử dụng và bảo quản đơn giản, phù hợp với nhiều loại đất và nhiều loại cây trồng khác nhau. Chế phẩm vi sinh cải tạo đất của Ths. Nguyễn Thu Hà được coi là sự lựa chọn đúng đắn trong canh tác nông nghiệp của người nông dân, nó vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao vừa thân thiện với môi trường.

Việt Nam là nước sử dụng phân bón hóa học vào hạng cao nhất thế giới, tổng lượng phân bón hóa học được sử dụng xấp xỉ 7,7 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, việc sử dụng phân bón chỉ đạt hiệu suất hơn 40%. Ở một số vùng, tỷ lệ này còn thấp hơn chỉ khoảng 10-20%. Tức là hàng năm chúng ta mất khoảng 4,62 triệu tấn phân bón, gây lãng phí rất lớn cho người nông dân. Hơn nữa, việc sử dụng quá nhiều phân bón hóa học khiến đất đai ngày càng thoái hóa, dinh dưỡng bị mất cân đối dẫn đến việc trồng trọt, canh tác các giống cây trồng về sau ngày càng khó khăn.

Tác giả