Chiến lược công nghiệp đóng tàu

Quá trình phát triển công nghiệp đóng tàu manh mún, vun vén, chia cắt, vụ lợi… vừa qua cần được xem xét nghiêm túc với một tầm nhìn của biển, để từ đó chấn chỉnh, xây dựng công nghiệp đóng tàu bài bản hơn, biết người biết ta hơn. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể làm ra được những con tàu mạnh đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển và bảo vệ lãnh thổ.

Đó là mệnh lệnh của biển mẹ.

Trong các lễ hội về biển đảo, chúng ta thấy xuất hiện những chiếc thuyền bé tí hon, đó là mô hình chiếc ghe bầu thân thương, vô cùng giản dị mà phần thân dưới làm bằng tre bương – thứ cây có mặt ở mọi làng xã nước ta, phần trên bằng gỗ rừng đang giương những cánh buồm tiến ra khai phá Hoàng Sa.

Để chứng minh cuộc chinh phục biển của tiền nhân, có lẽ phải có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử hình thành, công nghệ chế tạo của những chiếc ghe bầu mà các nhà nghiên cứu, nhất là các nhà nghiên cứu Pháp như đô đốc Paris, nhà kiểm ngư Pietri đã xác định đó là sản phẩm Việt “chỉ có ở nơi này, không có nơi nào khác trên thế giới”.

Thật không công bằng khi trong các bảo tàng của chúng ta thiếu vắng hình bóng những chiếc ghe bầu, những chiếc tàu không số làm nên đường Hồ Chí Minh trên biển, những chiếc tàu phá lôi anh hùng… – những “nhân vật” đã sát cánh cùng con người chiến thắng biển cả.

Và cũng thật bất công khi nói tới kinh tế biển mà không nói tới những con tàu, phương tiện bắt buộc mà ta phải sử dụng để ra khơi đánh bắt hải sản, vận chuyển hàng hóa, khai thác dầu khí…, tức là phải nói tới công nghiệp đóng tàu của đất nước.

Quan niệm đóng tàu trong thời gian qua hình như chỉ gắn liền với khái niệm “gia công” như hệt cách đối xử với công nghệ dệt may, da giày, ôtô, điện tử với những chi phí tốn kém cho triền đà ụ khổng lồ, những dây chuyền phân đoạn phẳng cực kỳ đắt tiền để chờ đón các hợp đồng “khủng” cỡ vài trăm triệu USD.

Sự chờ đợi đó có lẽ sẽ khó khăn, nhất là sau khi xảy ra sự kiện nợ nần Vinashin. Mà sự kiện này ngoài những lỗi quản lý kém có một nguyên nhân ít người bàn tới, đó là bản chất của công nghiệp đóng tàu không phải là một ngành công nghiệp để sinh lời, để đem lại ngoại tệ từ những giọt mồ hôi rẻ tiền mà là một ngành công nghiệp đem lại sức mạnh trên biển cho một quốc gia, có sự bảo trợ của Nhà nước.

Khi nói nền công nghiệp đóng tàu thế giới từ châu Âu đã chuyển sang Viễn Đông với Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc và cả Việt Nam (với ý định đứng thứ tư thế giới) không có nghĩa là các nước châu Âu chẳng còn làm gì cho tàu bè nước mình. Thụy Điển, Đức… – những nước có giá nhân công cực kỳ đắt – vẫn đứng đầu trong bảng các tàu quân sự, những con tàu đặc chủng, những du thuyền…

Đóng tầu để làm gì?

Để tăng cường sức mạnh trên biển, để phát triển kinh tế biển, có những việc chúng ta cần làm ngay với công nghiệp đóng tàu. Đó là cần có những nghiên cứu lý luận và thực tiễn về toàn cảnh công nghiệp đóng tàu nước ta hiện nay, từ đó rút ra những bài học cấp thiết trong việc tổ chức lại, đầu tư, đào tạo… để phát triển ngành này.

1. Hai cuộc hội thảo do Hội Công nghiệp Đóng tàu tổ chức trong năm vừa qua chứng tỏ một quyết tâm muốn vực dậy một nền công nghiệp non trẻ, lớn quá nhanh và mau chóng lụi tàn. Nhưng thật đáng tiếc, tại hai cuộc hội thảo đó thiếu vắng các nhà nghiên cứu kinh tế, các Viện Kinh tế chiến lược… mà chủ yếu người dự được nghe các thành tích công nghệ của các nhà “kỹ trị”, những quyết tâm vì “một bờ biển dài hơn ba nghìn cây số” như giáo sư tiến sĩ Lã Ngọc Khuê, một trong các “kiến trúc sư” của công nghiệp đóng tàu thường nhấn mạnh. Có vội vàng hay không khi chúng ta vừa đóng thành công được một vài giàn khoan theo mẫu thiết kế nước ngoài thì Chủ tịch Petro Việt Nam đã quyết tâm định hướng  đưa công nghiệp đóng các công trình nổi, một bộ phận của công nghiệp đóng tàu,trở thành một  ngành đứng “hàng đầu của khu vực”. Việc này khiến người ta liên tưởng tới lãnh đạo Vinashin cũng đã từng  hô hào “đứng thứ tư thế giới” sau khi ký được hợp đồng đóng chiếc tàu 53 nghìn tấn đầu tiên với nhà môi giới hàng hải Graig vài năm trước. Chúng ta cũng vui mừng trước việc tàu pháo TT400 TP do chính tay người Việt chế tạo đã thành công trong lần thử bắn đạn thật đầu tiên nhưng toàn bộ quá trình đóng tàu này, đặc biệt là việc tổ chức, đào tạo con người, quản lý công nghệ, mua bán thiết kế có được tổng kết áp dụng cho toàn ngành công nghiệp nói chung hay chỉ là một điểm sáng thành tích như các thành tích khác. Trong khi các xưởng đóng tàu còn manh mún thì thay vì hợp nhất, hợp tác, danh sách các xưởng đóng tàu của chúng ta ngày càng dài, khắp nơi có xưởng đóng tàu, nhiều ngành cùng lao vào đóng tàu như giao thông, thủy sản, dầu khí, quân sự trong khi đầu tư có hạn, nhân lực kém cỏi và dẫn tới hỗn loạn cạnh tranh lẫn nhau, xưởng đóng tàu quân sự lại lo đi đóng tàu kinh tế…

Nhân lực cho công nghiệp đóng tàu

Cách đây vài chục năm, Nhà nước từng có kế hoạch đào tạo đồng bộ gửi đi các nước như Liên Xô, Ba Lan, Đức một cách có hệ thống trong khi hai chục năm nay, số nhân lực bậc cao chủ yếu là đào tạo trong nước với những giáo trình cũ rích sao chép lại từ vài chục năm trước. Ngay tổng giám đốc kỹ thuật của Vinashin cũng chưa từng được học một cách có hệ thống dài hạn hay ngắn hạn từ những cường quốc đóng tàu như Hàn Quốc, Nhật, Mỹ mà chỉ vận dụng những điều học được từ ghế trường Hải Phòng. Trong khi đó, để xây dựng công nghiệp đóng tàu của mình, Trung Quốc đã không tiếc tiền của công sức đào tạo đội ngũ của mình. Tôi xin nêu hai trường hợp cụ thể mà tôi biết khá rõ. Ai cũng biết sự kiện Trung Quốc khoe khoang đã cắm cờ xuống dưới đáy Biển Đông. Người chủ trì công trình này, “người cha của các thiết bị lặn sâu” như báo chí Trung Quốc tôn vinh chính là Chu Kế Mậu, cựu sinh viên của Đại học Giao thông Thượng Hải, có lẽ là bạn đồng môn với một số các bác hiện đã về hưu tại Hà Nội. Trải qua bao bầm giập của Cách mạng Văn hóa, khi mở cửa, dù tuổi đã cao, Chu vẫn được tạo mọi điều kiện, du học hết Đức lại Mỹ, kể cả Đại học Michigan và MIT, những “thánh địa “hàng đầu của công nghiệp đóng tàu! Một người khác, trẻ tuổi hơn, giáo sư Trương Thánh Khôn, trưởng khoa đóng tàu Đại học Giao thông Thượng Hải. Chẳng những du học, giáo sư họ Trương còn được quay trở lại, thỉnh giảng tại một số giờ tại Đại học Michigan. Cũng chính giáo sư Trương là người mạnh miệng nhất phê phán công nghiệp đóng tàu Trung Quốc và đề ra những biện pháp cải cách. Năm ngoái, khi Trung Quốc giành được hợp đồng, đứng đầu thế giới về sản lượng đóng tàu, ông Trương đã tuyên bố: “Chúng ta chỉ mới là đại quốc đóng tàu chứ chưa phải là cường quốc đóng tàu”. Một nước đóng tàu lớn, “ăn no vác nặng” chứ chưa có một nền khoa học công nghệ đỉnh cao thật sự , “thiết kế chủ yếu vẫn chỉ là sao chép…”. Không rõ cơ quan thiết kế nào của chúng ta khoe khoang với lãnh đạo “đã thiết kế được cả tàu khổng lồ 54 nghìn tấn” có dám tự phê phán như ông Trương này không?

Đội ngũ nhân lực cho công nghiệp đóng tàu hiện nay cũng không đủ đảm đương cho nhiệm vụ tạo nên sức mạnh trên biển. 20 năm nay, số nhân lực bậc cao chủ yếu là đào tạo trong nước với những giáo trình cũ từ vài chục năm trước. Đã bao giờ chúng ta nhìn thẳng vào sự thật đội ngũ giảng dạy đóng tàu ra sao. Còn nhớ, trong hội nghị giáo dục đóng tàu tổ chức cách đây ba năm, trước thực tế khó khăn, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân từng có ý kiến là Vinashin phải lập đại học đóng tàu riêng và mời thầy giáo ngoại quốc về dạy!

***

Chiến lược của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam là phải tập trung vào nhiệm vụ đóng những con tàu vũ trang, bán vũ trang và thuộc nhiều lực lượng (tuần tra, kiểm ngư, tàu chiến, tàu đánh cá, khảo sát biển…).

Chỉ có như vậy, chúng ta mới có những con tàu đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế biển và bảo vệ lãnh thổ.

20 tháng Bảy – con tàu 1000 tấn đầu tiên được đóng tại Nhà máy Đóng tàu Bạch Đằng, đặt tên ngày tổng tuyển cử thống nhất đất nước theo Hiệp định Geneva, thể hiện ý chí thống nhất đất nước. (LxBxH =67,0x11x 5,51. Máy hơi nước 620 mã lực, giải bản năm 1978). Tàu được làm lễ đặt ký ngày 19/07/1964 và hạ thủy một năm sau vào ngày 14/07/1965, 4 ngày sau cuộc ném bom leo thang của Mỹ xuống huyện Hải An ngoại thành. Buổi lễ khởi công trọng thể có sự hiện diện của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ và 5 ngày sau, vào ngày 24 tháng Bảy, Nhà máy Đóng tàu Hải Phòng được đặt tên là Nhà máy Đóng tàu Bạch Đằng mang tên con sông lịch sử, thể hiện ý chí quyết chiến thắng trên biển cả của dân tộc.  Từ chỗ chỉ đóng và sửa các tàu phà nhỏ đi sông, việc chế tạo con tàu máy hơi đi biển xa “20 tháng Bảy” – còn nhiều hạn chế về tiến bộ công nghệ thời bấy giờ – cũng đã góp phần đặt nền móng đào tạo, xây dựng đội ngũ đóng tàu và các ngành liên quan như thiết kế, đăng kiểm, bảo hiểm, vận tải.

Tác giả