Chiến thắng sức ỳ

Chính sách Nhà nước thời kỳ Đổi mới đã giải phóng thị trường đem lại sức sống mới cho xã hội và nền kinh tế. Ngày nay liệu Nhà nước có thể chiến thắng sức ỳ và tự giải phóng để đứng trên đôi chân của mình?

Khi nói đến cơ chế thị trường, người ta có thể có ấn tượng tiêu cực về các giao dịch mua bán nhằm thâu tóm lợi nhuận trên chênh lệch giữa giá bán và giá mua, nhưng về bản chất, giao dịch mua bán tự thân nó trung tính, là công cụ cần thiết để đáp ứng những nhu cầu tự nhiên của tất cả mọi người. Thị trường là tác nhân quan trọng để tạo dựng một môi trường thuận lợi giúp cụ thể hóa quan hệ hợp tác giữa người này với người kia thành những điều khoản rõ ràng mạch lạc, trên cơ sở ai cũng có thể tự do đàm phán để chọn ra điều khoản mà mình thấy ưng ý và phù hợp nhất trong điều kiện cho phép. Đồng thời khi có sự cạnh tranh tự do, cơ chế thị trường giúp môi trường xã hội trở nên lành mạnh hơn, khiến mọi cá thể phải tự đứng trên đôi chân của mình.

Trước Đổi mới, vào thời kỳ bao cấp khi thị trường hoàn toàn bị kiểm soát và mỗi cá nhân được Nhà nước phân bổ vào các hợp tác xã hay xí nghiệp, quan hệ hợp tác giữa các cá thể trở nên kém hiệu quả, thậm chí còn phổ biến hiện tượng cá nhân dựa dẫm và lợi dụng tập thể – dù trong hệ thống không hề thiếu các phong trào thi đua, những khẩu hiệu và chỉ đạo yêu cầu sự đoàn kết tập thể và khích lệ nỗ lực phấn đấu – dẫn tới sự sụp đổ không tránh khỏi của nền kinh tế. Và mặc dù xét về khía cạnh đạo đức xã hội, trong thời kỳ bao cấp trên bề nổi có vẻ đa số mọi người hành xử có chuẩn mực và trong sạch hơn so với giai đoạn sơ khai của thị trường tự do, nhưng đó là thứ đạo đức không hoàn toàn tự nguyện, khi mà hầu hết các cá nhân đều không có lựa chọn nào khác hơn là chấp nhận sống trong những khuôn khổ hẹp và điều kiện vật chất hạn chế mà hệ thống cung cấp cho họ. Chưa kể trong một xã hội bao cấp nơi có nhiều cá thể không tự chủ tồn tại trên đôi chân của mình – họ hưởng thụ một cách cầm chừng và làm việc cũng chỉ cầm chừng, cho ra những sản phẩm chất lượng thứ cấp – thì thứ đạo đức mà họ thể hiện ra bề ngoài không tránh khỏi sự giả tạo, không thực chất.

Việc xóa bỏ bao cấp và khôi phục lại cơ chế thị trường trong thời kỳ Đổi mới có thể được coi là thành tựu lớn nhất về thúc đẩy xã hội phát triển ở nước ta trong vài thập kỷ gần đây. Nếu không có thị trường, chúng ta sẽ tiếp tục bị kẹt trong những tập thể không có sức sống, những mối quan hệ hợp tác mang tính miễn cưỡng, và xã hội sẽ không thể được duy trì và phát triển tới ngày hôm nay.

Tuy nhiên, sự chuyển dịch từ môi trường bao cấp sang cơ chế thị trường cũng mang lại hệ lụy. Khi con người từ chỗ bị hạn chế tự do làm giàu chuyển sang một môi trường có nhiều lựa chọn hơn, họ dễ đi theo những lựa chọn đem lại cái lợi lớn nhất cho cá nhân, và nếu không có những kiểm soát, ràng buộc thì có thể cái lợi ấy có thể gây tổn hại cho cộng đồng và xã hội. Chúng ta thấy nổi lên vấn nạn tham nhũng, sự cấu kết nhóm lợi ích theo xu hướng tiêu cực, thói làm ăn chộp giật đánh quả, tình trạng thu nhập trong xã hội không đồng đều, và sự chạy đua theo những giá trị vật chất mà lãng quên những giá trị đạo đức và tinh thần.

Thị trường cạnh tranh tự do và động lực cải tổ

Giải pháp cho tất cả những tồn tại kể trên đều dẫn về một mấu chốt chung cơ bản, đó là cần thúc đẩy yếu tố cạnh tranh tự do, đưa thị trường lên mức phát triển ở mức cao hơn theo xu hướng phát triển tiến bộ chung của nhân loại, giống như một số quốc gia phát triển đã làm được.

Nguyên tắc để chúng ta thúc đẩy sự lành mạnh của một xã hội cũng giống như một cơ thể, đó là không tập trung diệt trừ những phần tử tiêu cực (trừ trường hợp thật cấp thiết, hoặc có thể xử lý dễ dàng không gây tổn thất lớn cho toàn cục) mà cô lập chúng bằng cách thúc đẩy phát triển những phần tử khỏe mạnh và có lợi. Trong xã hội ta hiện nay, những phần tử khỏe mạnh và có lợi đóng vai trò then chốt chính là các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, nơi cung cấp công ăn việc làm và tạo môi trường thuận lợi cho các nhóm cá thể hợp tác hoạt động một cách bền vững tổi ưu. Nhân rộng những doanh nghiệp này sẽ giúp mở rộng môi trường làm việc lành mạnh tới số đông các cá thể trong xã hội, tạo ra những thói quen tốt như ý thức chí thú làm ăn lâu dài, chấp hành kỷ luật, thúc đẩy tinh thần sáng tạo, và gia tăng thu nhập cho người dân.

Để nhận ra sự cần thiết phải cải tổ, chúng ta chỉ cần nhìn sang một vài nước láng giềng gần gũi như Philippines hay Indonesia. Vì sao những quốc gia này trong cùng một khu vực địa lý với Việt Nam, cùng hứng chịu tác động từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng trước đây họ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn Việt Nam mà nay lại trở nên vượt trội (năm 2012 GDP Philippines tăng trưởng đạt 7,3%, Indonesia đạt 6,3%)? Chắc chắn nguyên nhân quan trọng nằm ở chất lượng dịch vụ hành chính và các chính sách hợp lý mà Chính phủ của những quốc gia đem lại cho doanh nghiệp của họ.  

Môi trường có tính ổn định, bền vững này chính là những điều kiện cần thiết để giảm trừ thói làm ăn chộp giật, khi mà con người sẵn có những lựa chọn tối ưu mang tính lâu bền hơn. Đồng thời, do không phải dồn hết tâm lực cho miếng cơm manh áo nên trong từng cá nhân và cộng đồng sẽ có điều kiện để dần lắng đọng sự trân trọng những giá trị nhân bản, ý thức xã hội dân sự được nhân rộng, quan điểm của số đông về lẽ phải sẽ trở nên rõ ràng và vững chắc.

Đây chính là cơ sở tạo thành sức ép dư luận thúc đẩy sự tiến bộ trong thể chế. Và một môi trường sản xuất kinh doanh chuyên nghiệp sẽ càng làm lộ ra những bất cập và khe hở cụ thể của bộ máy chính quyền, dẫn tới những đòi hỏi điều chỉnh cụ thể thay vì những bức xúc thiên về cảm tính chung chung.

Quyền lực Nhà nước và bẫy thu nhập trung bình

Nhìn chung, đa số các Nhà nước trên thế giới luôn có xu hướng muốn củng cố và mở rộng quyền của mình trong sử dụng và phân bổ các nguồn lực của xã hội. Sự lạm dụng quyền lực Nhà nước sẽ dẫn đến sự lãng phí nguồn lực của xã hội, và cản trở sự phát triển của thị trường tự do. Đây chính là một nguyên nhân quan trọng gây ra bẫy thu nhập trung bình.

Trên bề nổi, người ta thường chỉ nhìn vào bẫy thu nhập trung bình ở khía cạnh kinh tế, với tình trạng người dân không cải thiện được thu nhập vượt qua ngưỡng trung bình do sự bế tắc thiếu đa dạng trong cơ cấu các ngành kinh tế, tăng trưởng phụ thuộc vào nhân công rẻ và tài nguyên thiên nhiên; chất lượng các nguồn lực không được cải thiện với những hạn chế trong năng suất lao động, năng lực quản lý, kỹ thuật sản xuất, trình độ khoa học công nghệ và giáo dục.

Nhưng sở dĩ những phẩm chất này trong cộng đồng xã hội không cải thiện được xuất phát từ một lực ỳ căn bản khác. Đó là tình trạng một tổng thể hệ thống thể chế chính trị – xã hội bị đình trệ phát triển do các sức ép đối lập cân bằng nhau, khi chính quyền thâu tóm nhiều quyền lực trong xã hội, chỉ để chừa một khoảng sân vừa phải cho thị trường tự do. Khoảng sân ấy không hẹp đến mức khiến dư luận quá mức tiêu cực và bất an, nhưng cũng chỉ đủ rộng để tạo ra thu nhập tạm đủ sống cho người dân, khiến đa số họ phải bươn chải làm ăn, và không có đủ tâm trí cho sự bức xúc cũng như ý thức cộng đồng để tập hợp thành một tiếng nói thống nhất đòi hỏi thể chế phải cải tổ. Trong bối cảnh đó, những tiếng nói phản biện sáng suốt trong mọi lĩnh vực sẽ khó lòng nhận được đủ sự quan tâm và cộng hưởng từ dư luận để trở thành tác nhân thúc đẩy một sự tiến bộ mạnh mẽ.

Nhìn rộng hơn, trong khoảng sân thị trường tự do hẹp một cách vừa phải, dân khí sẽ không thể thịnh. Sẽ không có nhiều cá nhân vượt qua được những lo toan thường nhật, dám dũng cảm dấn thân để thực hiện những khoản đầu tư và tiến hành những nỗ lực đổi mới sáng tạo mang tính lâu dài. Điều đó không chỉ được phản ánh trên khía cạnh kinh tế mà cả trên những phương diện khác. Hậu quả là xã hội dẫm chân tại chỗ trong sự trung bình mà chúng ta đang chứng kiến, từ kinh tế tới khoa học – công nghệ và văn hóa.

Liệu Nhà nước có thể tự đứng trên đôi chân của mình?

Trong khoảng hai thập kỷ trở lại đây, cùng với sự phát triển của thị trường và sự đi lên về đời sống vật chất và tinh thần của người dân, trong xã hội đang dần hình thành ngày một sâu sắc ý thức và nhận thức đòi hỏi điều chỉnh các tồn tại, khiếm khuyết trong bộ máy chính quyền từ thấp tới cao. Đây là nhu cầu chính đáng của người dân mà Nhà nước phải tìm cách thích nghi và đáp ứng – nếu không sự bất ổn sẽ ngày càng gia tăng – và Nhà nước phải coi đó là một tín hiệu đáng mừng. Những đòi hỏi ngày một thôi thúc và cụ thể của người dân là điều kiện cần thiết, thúc đẩy Nhà nước phải tìm cách thắng được sức ỳ trong nội tại để giúp đất nước vượt qua được bẫy thu nhập trung bình.

Đây là một thách thức lớn, đòi hỏi trước hết các nhà quản lý và làm chính sách phải có một tầm nhìn mới xa hơn so với thời kỳ Đổi mới. Trước đây, công lao của Nhà nước thời kỳ Đổi mới là đã giải phóng thị trường để người dân có thể phát huy cao độ năng lực sản xuất kinh doanh, còn ngày nay, chính bản thân Nhà nước phải tự giải phóng và tự đứng trên đôi chân của mình. Những khoản chi tiêu công phải tương xứng với lợi ích thực chất mà xã hội được nhận, và mức độ chi tiêu công phải đảm bảo trong khả năng đáp ứng tự nhiên của nền kinh tế, tương ứng với nguồn thu ngân sách và nguồn trái phiếu với mức lãi vay mà thị trường chấp nhận được, thay vì Nhà nước phải lạm dụng quyền lực kiểm soát cung tiền nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu, mà hệ lụy dẫn tới là lạm phát quá cao – thứ thuế vô hình gây hao hụt tài sản và nguồn lực của các doanh nghiệp và người dân.
Điều đó có nghĩa là người quản lý Nhà nước phải chịu đau, tự cắt giảm chi tiêu, chỉ đầu tư cho những mục đích thật sự quan trọng với một sự quản lý chặt chẽ, xã hội hóa những khoản chi tiêu mà Nhà nước không nhất thiết phải gánh vác – tức là nhường bớt sân cho thị trường tự do. Có như vậy thì bản thân Nhà nước mới trở thành một cơ thể lành mạnh, bớt bị vây bọc bởi những kẻ cơ hội tìm cách thao túng quyền lực Nhà nước vì lợi ích cá nhân, biến Nhà nước thành con nợ và thủ phạm gây lãng phí, hao hụt các nguồn lực của xã hội.

Quá trình thanh lọc chắc chắn sẽ diễn ra trong lâu dài, đòi hỏi trí tuệ, sự kiên nhẫn và quyết tâm từ cả hai phía, người dân và chính quyền. Cả hai cần liên tục đối thoại và hành động, lấy sự phát triển của khối doanh nghiệp và thị trường cạnh tranh tự do làm mối ưu tiên nền tảng. Chỉ khi nào một mặt quyền lực của Nhà nước được dùng để phục vụ đáp ứng một cách cơ bản những vấn đề cấp bách mà dư luận đòi hỏi, mặt khác thị trường cạnh tranh tự do được thúc đẩy phát triển lành mạnh tạo ra nguồn thuế và cầu trái phiếu đủ dồi dào đáp ứng cho dòng chi tiêu công, thì Nhà nước mới thực sự đứng trên đôi chân của mình, là nhà cung cấp dịch vụ quản lý hành chính công đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, với mức thu nhập xứng đáng với chất lượng dịch vụ mình cung cấp, và quyền lực của Nhà nước thực sự tương xứng với ủy thác từ nhân dân. 

Tác giả