Chính sách thúc đẩy ĐMST ở Israel

Từ khi ra đời năm 1948 đến nay, trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và luôn phải lo lắng về chiến tranh, Israel đã vươn lên trở thành một nước công nghệ hàng đầu thế giới, với những phát minh ngày nay đã được ứng dụng phổ cập toàn cầu như tường lửa, USB. Đây hoàn toàn không phải là phép màu mà là kết quả của những chính sách đa dạng giúp khuyến khích, thúc đẩy tinh thần sáng tạo của doanh nghiệp và cộng đồng xã hội.

Vào thập kỷ 1950, nền kinh tế Israel hầu như chỉ mới có ngành nông nghiệp. Chính phủ Israel đã quyết định đầu tư nghiên cứu và phát triển, áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ để biến sa mạc trở thành nơi màu mỡ, hình thành nền nông nghiệp hiện đại, đồng thời cũng chú trọng đầu tư vào công nghệ quốc phòng, khoa học hàng không, y học, v.v.

Từ thập kỷ 1960 trở đi, Chính phủ đã có phòng nghiên cứu và phát triển về công nghệ quốc phòng và nội địa, điện tử. Từ năm 1970 Israel bắt đầu phát triển về sản phẩm công nghệ trong lĩnh vực dân sự, và đến năm 1980 đã có những hợp đồng hợp tác công nghiệp hóa công nghệ cao. Lúc này, Chính phủ không còn can thiệp nhiều vào nền kinh tế.
Từ những năm 1990, khi những đoàn người Do Thái di cư từ nước Nga và Đông Âu đổ vào Israel, mang theo rất nhiều những kiến thức, bí quyết, công nghệ, chuyên môn kỹ thuật, v.v. Họ tạo ra một dòng chảy những ý tưởng mới đổ vào Israel. Từ đó, hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa đã hình thành, phát triển tạo thành điểm nhấn cho thập niên này. Chính phủ Israel đã rất nhạy cảm trước các diễn biến của thị trường, tạo điều kiện thuận lợi tối đa và cung cấp vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, với ý thức rõ ràng rằng họ là một nguồn lực quan trọng của nền kinh tế, và đây là lúc các doanh nghiệp đang đứng trước rất nhiều cơ hội cũng như thách thức.

Đưa tinh thần đổi mới sáng tạo vào giáo dục

Một lý do quan trọng khiến người Israel có tinh thần đổi mới sáng tạo là do nền giáo dục. Triết lý đổi mới sáng tạo trong giáo dục ở Israel chú trọng vào sự kết nối giữa khoa học công nghệ và các doanh nghiệp. Trẻ em ở Israel được dạy về tinh thần sáng tạo, niềm yêu thích các hoạt động công nghệ và kinh doanh ngay từ khi còn học mẫu giáo. Chính phủ còn thành lập một trung tâm nghiên cứu giáo dục ở một thành phố nhỏ gần Tel Aviv, nơi các thầy giáo và chuyên gia tư vấn làm việc cùng nhau để tìm ra phương pháp giúp truyền đạt tinh thần sáng tạo cho trẻ em từ lúc nhỏ.

Các doanh nghiệp Israel cũng rất có ý thức trong việc đào tạo nhân viên một cách chuyên nghiệp và tích cực tài trợ cho các quỹ hỗ trợ các trung tâm đào tạo nghề, trung tâm hướng nghiệp. Nhiều người tham gia tình nguyện làm việc thúc đẩy hoạt động của các trung tâm này.

Không chỉ người Israel mà cả người Hồi Giáo, Ả Rập đều được hưởng lợi ích từ nền giáo dục và các hoạt động đào tạo kể trên. Kết quả là ngày nay Israel có những kỹ sư nghiên cứu thực địa và những kỹ sư làm việc trong các khu công nghệ cao xuất xứ từ nhiều sắc tộc khác nhau. Có thể ví Israel như một thỏi nam châm sẵn sàng đón nhận sự thay đổi và hút tất cả những người đến từ mọi miền trên thế giới.

Vì vậy, sự phát triển của Israel hoàn toàn không phải là một phép màu mà là kết quả của tinh thần dân chủ, nuôi dưỡng văn hóa, chấp nhận rủi ro và được chính phủ hợp tác để hình thành một nền kinh tế trong đó tất cả các bên cùng nỗ lực phát triển vì lợi ích cộng đồng. Chúng tôi có một khẩu hiệu là dám thử, dám thay đổi.

PV lược ghi từ hội thảo “Diễn đàn Quốc tế về kinh doanh sáng tạo lần thứ nhất” tại TP HCM, tháng 5/2014

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)