Chip Việt đầu tiên được thương mại hóa

Chip SG8V1 của Trung tâm Đào tạo và Thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc ĐH Quốc gia TPHCM sẽ ghi dấu là sản phẩm đầu tiên được thương mại hóa, với số lượng đặt hàng sản xuất ban đầu 150.000 con phục vụ cho thị trường điện tử và nhu cầu học tập, nghiên cứu của các trường đại học tại Việt Nam.

Dự án “Thiết kế và sản xuất thử nghiệm chip vi xử lý 8-bit RISC thương mại SG8V1” được ICDREC thực hiện từ tháng 11.2008. Năm 2010, việc thiết kế hoàn tất nhưng lại không thể mang mẫu đi sản xuất, vì thế tính đến nay đã trễ hạn hai năm. Thạc sĩ Ngô Đức Hoàng – GĐ ICDREC – cho biết nguyên nhân: “Chúng tôi mang đi sản xuất tại các nhà máy ở nước ngoài thì họ không nhận vì đang quá tải các đơn hàng. TSMC – một nhà sản xuất chip ở Đài Loan – còn nói: “Chúng tôi cài đặt dây chuyền để sản xuất phải mất một ngày, nhưng với số lượng 150.000 sản phẩm dây chuyền chạy chưa tới 1 giờ, không bõ…”, nên cuối cùng họ từ chối”.

Trong khoảng 2 năm không tìm được nơi sản xuất, chip SG8V1 đã được thiết kế lại nâng cấp các tính năng để tăng tính cạnh tranh. Đến thời điểm này, theo thạc sĩ Ngô Đức Hoàng: “Chip SG8V1 đã trải qua ba, bốn lần chế tạo sản phẩm mẫu. Hiện giờ chúng tôi hoàn toàn có thể sản xuất số lượng lớn thương mại hóa. Tuy nhiên, chúng tôi muốn công bố trước cộng đồng để lắng nghe sự góp ý, đánh giá nhằm hoàn thiện hơn”.

Chê hay… có thưởng

Ngày 9.1, cuộc thi “Ứng dụng vi điều khiển VN lần thứ nhất” (VMAC 1) diễn ra tại TPHCM. Gọi là cuộc thi nhưng thực chất là nghi thức công khai mời gọi cộng đồng tham gia đóng góp ý tưởng thiết kế, chế tạo sản phẩm chip SG8V1 (mới) và phát hiện các lỗi của chip SG8V1 hiện hữu. Thạc sĩ Hoàng nói: “Chúng tôi đưa chip SG8V1 ra cho cộng đồng tham gia đóng góp ý tưởng và phát hiện lỗi của sản phẩm với tinh thần hoàn toàn cầu thị”.

Chuyện chê hay… có thưởng lâu nay xa lạ với công tác nghiên cứu khoa học ở VN vì không ai lại muốn “vạch áo cho người xem lưng”, thậm chí ngược lại còn che giấu. Nhưng nay thì chuyện lạ đó đã trở thành hiện thực. Ông Ngô Đức Hoàng nói thẳng: “Cộng đồng có chê, có chửi chúng tôi cũng được miễn là xác đáng, và chê hay còn có thưởng”. Cơ cấu giải thưởng gồm hai phần: Phần dành cho ý tưởng thiết kế và chế tạo sản phẩm và phần dành cho việc tham gia phát hiện lỗi, góp ý, phê bình, mà giải nhất cho việc “chê hay và tìm ra lỗi giỏi” là 15 triệu đồng.

Chip 8-bit dù ở mức độ công nghệ thấp nhưng tới nay vẫn còn được sử dụng phổ biến trong nhiều sản phẩm gia dụng (quạt điện, máy điều hòa, máy giặt v.v…). Theo nghiên cứu của Cty Renesas (Mỹ), doanh số thị trường chip 8-bit đến năm 2015 vẫn còn đạt khoảng 6 tỉ USD. Môt phiên bản chip 8-bit khác có code tương tự SG8V1 đã được sử dụng chế tạo thiết bị định vị cho xe gắn máy tại Cty Saigon Track, là liên doanh giữa ICDREC (góp vốn bằng công nghệ) và TCty Công nghiệp Sài Gòn. Theo kế hoạch, Saigon Track sẽ sản xuất khoảng 20.000 thiết bị trong năm 2013, như vậy sẽ sử dụng 20.000 chip 8-bit “made in VN”.

  

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)