Chuẩn bị cho sinh viên sẵn sàng trước những bất ngờ của tương lai
Cuối tháng Ba vừa qua, TS. Nguyễn Ngọc Hường (nhà văn Phan Việt) cùng bà Joan T.A. Gabel và TS. Paul Allen Miller, lần lượt là Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng của trường Đại học Nam Carolina, nơi chị đang giảng dạy, đến Hà Nội để gặp gỡ các trường đối tác, tuyển sinh và “ăn mừng” Ngày Công tác xã hội lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Trải qua một tuần kín lịch, trước khi ra sân bay về nước, họ đã dành cho Tia Sáng một buổi gặp gỡ để trao đổi về một số nguyên tắc trong giáo dục đại học của Mỹ mà Việt Nam có thể học hỏi.
Khuôn viên của Đại học Nam Carolina.
Sự kết hợp của nghiên cứu, giảng dạy và phục vụ cộng đồng
Ở Việt Nam, mọi người đang đặt nhiều kỳ vọng vào Đại học Fulbright Việt Nam mặc dù họ chưa tuyển sinh cũng như có nội dung học cụ thể vì đây là đại học theo phong cách Mỹ đầu tiên ở Việt Nam. Từ điểm nhìn của ông/bà, đại học của Mỹ có điểm gì độc đáo mà các nước khác có thể học hỏi không?
Hiệu trưởng Joan T.A. Gabel: Một giá trị cốt lõi? Đó thực sự là một câu hỏi khó trả lời bởi chúng tôi thường cho rằng, giáo dục đại học của Mỹ có ba giá trị là nghiên cứu, giảng dạy và phục vụ cộng đồng (service). Rất khó để chọn một. Tôi nghĩ điểm đặc biệt ở giáo dục đại học của Mỹ có lẽ là cách kết hợp cả ba giá trị này trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và trao đổi tri thức để đem lại giá trị cho cộng đồng. Chúng tôi định nghĩa cộng đồng không chỉ bao gồm sinh viên và các đồng nghiệp của mình mà còn là người dân của bang (vì chúng tôi là đại học của bang Carolina), của cả nước và toàn cầu.
Phó Hiệu trưởng Paul Allen Miller: Một điều đặc biệt khác mà tôi muốn thêm vào giáo dục đại học ở Mỹ, đó là sự cam kết với giáo dục toàn diện (general education). Ở nhiều nơi trên thế giới, bạn tới đại học để trở thành kỹ sư thì những gì bạn học chỉ là kỹ thuật và nếu bạn muốn trở thành một nhà sinh vật học thì tất cả những gì bạn học là sinh học. Một phần triết lý giáo dục sau đại học của Mỹ đó là đào tạo ra những công dân tốt, những người học tập suốt đời, dù đi sâu vào bất kì chuyên ngành nào, các sinh viên cũng phải học khoa học cơ bản, toán học, khoa học xã hội, nhân văn… Ở Đại học Nam Carolina, chúng tôi gọi là những môn học cốt lõi của Carolina, thể hiện quan điểm của chúng tôi về những gì mà một người có tri thức cần phải biết. Phần lớn các đại học nghiên cứu và đại học khai phóng đều như vậy. Ở các nước như Anh, Úc hay Pháp thì không có điều đó.
TS. Nguyễn Ngọc Hường: Và tôi nghĩ nếu bạn so sánh giữa các đại học Mỹ với đại học Việt Nam thì bạn sẽ nhìn thấy rõ điều hai người vừa nói. Ở Việt Nam, phần lớn các đại học đều chỉ chú trọng vào giảng dạy, ngay cả các đại học hàng đầu cũng rất ít nghiên cứu. Trong khi đó ở Mỹ, nghiên cứu trong trường đại học đóng góp rất lớn không chỉ trong định hình việc giảng dạy của giáo viên mà còn cả trải nghiệm của người học. Nghiên cứu rất quan trọng và nó là quá trình đào tạo và tự đào tạo đối với sinh viên và giảng viên để giải quyết vấn đề thực tiễn cuộc sống chứ không chỉ là lý thuyết. Tôi cũng nghĩ rằng, nghiên cứu trong trường đại học tạo ra động lực cập nhật và đổi mới sáng tạo chương trình học liên tục. Ví dụ như tôi dạy ở Đại học Nam Carolina, tôi đến từ Việt Nam và tôi hứng thú với sự giao thoa giữa Phật giáo và công tác xã hội. Tôi về nước vào các mùa hè, dành toàn thời gian ở trong chùa, học và nghiên cứu về nó. Năm ngoái, tôi thiết kế những khóa học mới về Phật giáo và công tác xã hội để sinh viên có thêm một cách tiếp cận mới mẻ.
Đại học của tương lai
Triết lý giáo dục toàn diện để tạo ra những con người có tri thức nền tảng đương nhiên là điều tốt, tuy nhiên, dưới góc nhìn của nhiều người đi học thì khả năng kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp cũng cần được chú trọng?
Hiệu trưởng Joan T.A. Gabel: Nó giống như hai mặt của một đồng xu, một mặt là việc trở thành một người có tri thức không liên quan đến việc bạn làm gì mà bạn là ai, bạn nghĩ gì, bạn sống trong cộng đồng như thế nào nhưng mặt khác là bạn phải có những bằng chứng thể hiện kỹ năng và những gì mình có thể làm được. Chúng tôi muốn truyền tải cả hai điều đó. Bằng những môn học cốt lõi – chương trình giáo dục toàn diện, chúng tôi muốn hướng các em suy nghĩ sâu sắc hơn, phân tích vấn đề thấu đáo hơn bất kể các em học ngành gì, sinh học, y học, công tác xã hội, luật sư, kinh tế…Nhưng tùy theo ngành học của mình, khi tham gia vào các lớp học nâng cao, các em sẽ học các kỹ năng chuyên nghiệp để có thể tốt nghiệp, tìm kiếm việc làm và làm việc thực sự. Để thúc đẩy việc này, chúng tôi có chương trình “Bên ngoài lớp học” bằng việc cho các em thực tập, nghiên cứu, học trao đổi ở nước ngoài, tham gia các tổ chức tình nguyện…để các em trưởng thành hơn và có kinh nghiệm làm việc.
Phó Hiệu trưởng Paul Allen Miller: Các hoạt động bên ngoài lớp học được khuyến khích bằng việc công nhận việc các em làm trên bằng tốt nghiệp, trên bảng điểm như “tốt nghiệp với kĩ năng lãnh đạo xuất sắc”. Bên cạnh đó, có những khu ký túc trong trường yêu cầu sinh viên phải tham gia những hoạt động ngoại khóa. Mặc dù không phải là những hoạt động bắt buộc để có bằng tốt nghiệp ở Đại học Nam Carolina nhưng nó rất được khuyến khích bằng rất nhiều cách ghi nhận.
Các nhà tuyển dụng vẫn nói với chúng tôi rằng, sinh viên của chúng tôi không chỉ có kỹ năng họ cần mà còn có khả năng học các kỹ năng mới. Tôi nghĩ điều này rất quan trọng, đặc biệt trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng như hiện nay, biết đâu năm năm nữa, lập trình máy tính là kỹ năng bắt buộc. Vậy nên, chúng tôi muốn các em ra trường và có những kỹ năng của hiện tại nhưng cũng sẵn sàng học những kỹ năng mà tương lai cần nữa. Công việc của chúng tôi là chuẩn bị cho các em đối mặt với những lĩnh vực chưa hình thành, những vấn đề khoa học chưa được thảo luận, những bệnh tật vẫn chưa được phát hiện…
Nhân đây khi chúng ta nhắc đến việc phải chuẩn bị cho sinh viên không chỉ những kỹ năng hiện tại mà còn cả những kỹ năng cho tương lai, nó dẫn đến câu hỏi là ông/bà nghĩ thế nào là một trường đại học của tương lai, một trường đại học có thể thích nghi với ngành công nghiệp 4.0?
Hiệu trưởng Joan T.A. Gabel: Chủ tịch trường tôi có đưa ra chiến lược phát triển một trường đại học thế kỷ 21. Ông ấy tin rằng đại học thế kỷ 21 phải có các môn học cốt lõi để giáo dục sinh viên một cách toàn diện, phải đào tạo được các sinh viên có khả năng làm việc, có kỹ năng lãnh đạo và sáng tạo. Trong chương trình giảng dạy của chúng tôi, bất kể ngành nào, cũng đều phải đảm bảo bốn yếu tố đó để các em ra trường không chỉ xin được việc làm mà còn có thể thích ứng với nền công nghiệp vẫn đang hình thành, có thể tiếp cận những vấn đề hiện tại một cách sáng tạo và nhìn ra những vấn đề ở tương lai.
Tôi nghĩ rằng sáng tạo là một yếu tố rất khó để chuẩn bị cho học sinh?
Hiệu trưởng Joan T.A. Gabel: Đúng, chính xác, nó cũng là phần mới nhất và khó khăn nhất trong chiến lược của chủ tịch trường tôi. Có rất nhiều cuộc thảo luận giữa các khoa về định nghĩa sự sáng tạo. Nhiều người nghĩ rằng, sáng tạo thường gắn liền với nghệ thuật hay âm nhạc nhưng nó có thể ở bất kì lĩnh vực nào: đưa ra một giải pháp mà chưa ai từng nghĩ ra trước đó là sự sáng tạo. Chuyên ngành của tôi là kinh doanh và luật, sáng tạo có thể là tìm ra cách thức tài trợ mới cho một dự án hoặc dịch vụ mới cho khách hàng…
Hiện nay chúng tôi đang tổ chức một loạt các sự kiện mà ở đó sinh viên được yêu cầu hoàn toàn thoát khỏi cuộc sống thường nhật để giải quyết một vấn đề. Có lúc vấn đề là viết một bài thơ, có lúc là tìm ra tiền để khởi nghiệp… Chỉ cần một buổi thứ Bảy, Chủ nhật hoặc một buổi tối mà tất cả những gì các em làm là tập trung vào những điều mà bình thường các em không bao giờ làm hoặc không chú ý đến nó. Ngoài ra, chúng tôi vẫn mời các học giả và các nghệ sĩ đến và nói chuyện về quá trình sáng tạo của họ và trình diễn nghệ thuật.
Phó Hiệu trưởng Paul Allen Miller: Chẳng hạn như, chúng tôi từng mời nguyên Tổng thống Tunisia, Moncef Marzouki, một trong những thủ lĩnh của phong trào Mùa xuân Ả Rập đến và nói chuyện về chính phủ dân chủ đầu tiên ở Tunisia. Đó là người nghĩ về cách tổ chức đất nước của mình theo một cách khác với số đông lúc đó và thay đổi được nhận thức cộng đồng người Hồi giáo ở Bắc Phi về nhân quyền. Cũng trong tuần đó, chúng tôi mời Francis Coppola, một đạo diễn huyền thoại, đến trường nói chuyện. Hai con người với hai cách sáng tạo khác nhau nhưng họ đều là những người với những quan điểm đột phá, thay đổi cách chúng ta quan niệm về thế giới.
TS. Nguyễn Ngọc Hường: Những sự kiện như vậy mở cửa cho tất cả giảng viên và sinh viên tới nghe và trao đổi. Hiện giờ, tôi đang mời một vị sư từ Thái Lan tới trường để giảng về khái niệm giúp đỡ dưới góc nhìn Phật giáo. Ông ấy cũng cung cấp những giờ tư vấn về chăm sóc bản thân cho các trưởng khoa và sinh viên ngành công tác xã hội. Những hoạt động như vậy mở mang cách thức trải nghiệm và suy nghĩ của sinh viên về thế giới.
Nhà nước tài trợ nhưng không can thiệp
Đại học Nam Carolina là đại học công lập, vậy điều gì khác nhau giữa đại học công lập và tư thục ở Mỹ?
Hiệu trưởng Joan T.A. Gabel: Khoảng 10% nguồn thu của Đại học Nam Carolina đến từ ngân sách của bang, một vài bang khác thì tỉ lệ này có thể cao hơn. Đại học dân lập thì không có ngân sách hỗ trợ chi thường xuyên như vậy. Ngoài ra, chúng tôi cũng có ngân sách chính phủ hỗ trợ nghiên cứu nhưng phải cạnh tranh để có nên các trường tư nhân cũng nhận tài trợ này.
Phó Hiệu trưởng Paul Allen Miller: Những trường đại học tư nhân nói chung có học phí rất đắt đỏ, một trong những mục tiêu của những trường đại học công lập là phải tạo điều kiện cho càng nhiều người giỏi trong bang học đại học càng tốt. Đại học tư nhân, mặc dù họ cũng cấp học bổng cho những người học xuất sắc nhưng họ không có sứ mệnh này.
Nhận ngân sách từ chính phủ, các đại học công lập có bị can thiệp vào hoạt động của mình hay không?
Hiệu trưởng Joan T.A. Gabel: Tôi không nghĩ chúng tôi sẽ dùng từ can thiệp. Chúng tôi phải tuân theo quy định của bang, đó là phải đảm bảo chất lượng đầu ra của sinh viên. Nếu nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp, dĩ nhiên các quan chức sẽ đến và hỏi tại sao. Điều đó cũng phải thôi vì họ đầu tư cho trường bằng thuế của người dân mà sinh viên ra trường lại không thể có thu nhập, không thể trả thuế và không tự lo cho mình thì không ổn.
Chính phủ có liên quan đến hoạt động của chúng tôi nhưng họ không can thiệp vào nội dung giảng dạy. Các giáo sư hoàn toàn tự do trong việc thực hiện các nghiên cứu mà họ muốn, thỏa sức trong lĩnh vực mà trí sáng tạo dẫn dắt họ tới. Nội dung và chất lượng giảng dạy được xây dựng và quyết định hoàn toàn bởi các giáo sư và lãnh đạo nhà trường cho rằng điều gì là quan trọng và giá trị trong học thuật.
Phó Hiệu trưởng Paul Allen Miller: Có một quá trình trong giáo dục đại học của Mỹ gọi là cấp biên chế (hay phong GS/PGS – tenure). Khi một trường đại học thuê một giảng viên trẻ làm giáo sư trợ lý (assistant professor), sau sáu năm, họ sẽ được các đồng nghiệp đánh giá dựa trên kinh nghiệm và chất lượng giảng dạy, nếu tốt, họ sẽ được thăng hạng thành giáo sư, tức là sự nghiệp của họ được bảo đảm, họ có thể nghiên cứu bất kì những gì họ muốn. Họ có thể giảng dạy nghiên cứu của họ. Về cơ bản, đó là tự do học thuật ở Mỹ, sự thăng tiến trong công việc của bạn dựa trên sự đánh giá của các đồng nghiệp, những chuyên gia trong ngành chứ không phải là dựa trên quyết định của một quan chức ngành giáo dục.
Ở Việt Nam, rất nhiều trường đại học quan tâm đến các bảng xếp hạng và nhiều nơi đặt mục tiêu phải đạt top 100, 200 trường đại học hàng đầu châu Á. Vậy ông/bà nhìn nhận việc xếp hạng này như thế nào và làm cách nào để định vị đại học của mình trên trường quốc tế?
Hiệu trưởng Joan T.A. Gabel: Không nghi ngờ gì, các thể loại xếp hạng là sự thách thức vì chúng tôi thường không đồng ý với những tiêu chí đo lường của họ. Các tiêu chí nhiều khi không phải là các yếu tố mà chúng tôi ưu tiên hoặc thấy quan trọng trong chiến lược xây dựng trường. Điều đó khiến chúng tôi “vật vã”: “ôi trời, cách xếp hạng này không nhận ra những điều tuyệt vời chúng ta làm, cách xếp hạng kia khiến cho trường đại học nọ trông thật hào nhoáng nhưng thực tế họ làm chẳng tốt bằng mình”, đại loại vậy.
Nhưng mặt khác, nếu tôi là một người học hoặc một nhân viên tiềm năng của trường, tôi cần một vài đánh giá xem trường này làm việc thế nào. Khi đó, các bảng xếp hạng là bằng chứng tốt nhất mà chúng tôi có để “người ngoài trường” họ nhìn vào. Thế nên, dù gì, chúng tôi cũng phải quan tâm đến các bảng xếp hạng vì sinh viên, phụ huynh, nhân viên, các trường giảng dạy cao học, các đối tác tiềm năng trên thế giới sẽ nhìn vào đó để xem chúng tôi có xếp hạng ở mức tương đối hay không. Nhưng chỉ thế thôi. Bảng xếp hạng không định nghĩa chúng tôi là ai, chúng tôi theo đuổi những nền tảng mà chúng tôi xây dựng từ ban đầu. Chiến lược của chúng tôi vẫn là tạo ra những nhà lãnh đạo toàn diện, những người sáng tạo, những người có thể làm được việc, những học giả sẽ cống hiến cho cộng đồng và chúng tôi sẽ quản lý tài nguyên của mình một cách hiệu quả và các bảng xếp hạng sẽ phải thể hiện được điều đó. Chúng tôi không thay đổi những giá trị của mình chỉ vì tiêu chí của các bảng xếp hạng.
Xin cảm ơn ông/bà về cuộc trò chuyện này!
Hảo Linh thực hiện