Chúng ta đã giàu lên như thế nào (Kỳ 2): Bí mật của thương hiệu Đức
Chất lượng, đáng tin cậy và lâu bền: cho đến tận ngày nay đây là những đặc điểm mà người nước ngoài vẫn đánh giá đối với các sản phẩm in mác "Made in Germany". Để đạt được sự tin cậy này, nước Đức đã trải qua một đoạn đường dài.
Một giáo sư lừng danh về cơ khí chế tạo máy của Đức đã rất thất vọng khi tham dự Triển lãm thế giới năm 1876 diễn ra ở Philadelphia. Vị giáo sư khả kính tên là Franz Reuleaux, một người am hiểu về lĩnh vực công việc của mình. Ông được giao nhiệm vụ nhận xét, đánh giá về sự đóng góp của nước Đức đối với cuộc triển lãm công nghiệp được coi là lớn nhất thế giới thời đó. Ông nói: “Nước Đức thực hiện nguyên tắc cơ bản là rẻ và tồi.”
Báo chí Đức đã đăng tải bản nhận xét, đánh giá cay đắng của giáo sư Reuleaux và kích động, tạo ra một cuộc tranh luận vô cùng gay gắt về vấn đề này. Đánh giá của giáo sư Reuleaux hoàn toàn không phù hợp với hình ảnh của một đế quốc còn non trẻ đang muốn vươn lên và tinh thần yêu nước đang được tụng ca một cách thái quá. Nhưng đánh giá đó lại hoàn toàn chính xác. Cho đến giữa thế kỷ 19 những sản phẩm hàng hóa của Đức được thế giới đánh giá là rẻ tiền và kém chất lượng. Những sản phẩm này thuộc loại chóng hỏng, không có gì đặc biệt và thường là bản sao của nước ngoài.
Thời đó đế quốc Anh được coi là khuôn mẫu, quá trình công nghiệp hóa ở Anh diễn ra rất sôi động và ở vị trí hàng đầu. Các nhà doanh nghiệp Anh luôn gây được sự chú ý kèm theo nỗi lo sợ vì họ luôn tung ra thị trường những kỹ thuật, công nghệ và sản phẩm mới mẻ, hấp dẫn.
Trong khi đó các doanh nghiệp ở Solingen (Đức) lại là một ví dụ điển hình trái ngược và cũng khá phổ biến về cung cách làm ăn của nước Đức thời đó. Các xưởng sản xuất ở đây bán ra thị trường các loại dao, kéo rẻ tiền làm bằng gang thay vì sử dụng nguyên liệu thép có chất lượng cao, do đó giá thành cũng rẻ hơn. Tuy nhiên người ta “nâng cấp” sản phẩm chất lượng kém này bằng cách in đại nhãn mác Sheffield và xuất khẩu hàng loạt sản phẩm này với giá rẻ ra khắp thế giới.
Một sai lầm lớn đối với người Anh
Tất nhiên lối ăn cắp mẫu mã, nhãn mác này không thể không bị phản đối. Sheffield là niềm tự hào của nước Anh, thành phố này nổi tiếng về gia công kim loại và các loại dao kéo của Sheffield vừa sắc, vừa bền vì được làm bằng thép tốt. Các nhà doanh nghiệp Anh rất bực bội khi phải chứng kiến trên thị trường nước mình những sản phẩm nhái chất lượng kém nhưng lại mang nhãn mác “Sheffield made” hay “Sheffield”, thường các sản phẩm nhái này đều xuất sứ từ Solingen hay Remscheid (Đức), đôi khi cũng có nguồn gốc từ Mỹ.
Các doanh nghiệp Anh yêu cầu chính phủ của họ giúp đỡ. Đương nhiên chính phủ Anh hỗ trợ và bảo vệ nền công nghiệp của mình và năm 1883 đã có một thỏa thuận quốc tế giữa các quốc gia thương mại hàng đầu thế giới về việc cấm ghi sai xuất sứ hàng hóa. Những sản phẩm mang tên Sheffield phải là sản phẩm được sản xuất tại địa phương này. Tuy nhiên nước Đức từ chối không ký thỏa thuận này, lý do vì sao cũng dễ hiểu.
Nước Anh bất bình và đã phản ứng. Nghị viện Anh ban hành luật Merchandise Marks Act ngày 23/4/1887, theo luật này mọi hàng hóa muốn được nhập khẩu vào nước Anh đều phải ghi rõ xuất sứ. Qua đó ta thấy nhà lập pháp Anh đã hỗ trợ cho sự ra đời dấu ấn “Made in Germany”.
Giá cả phải chăng và chất lượng chấp nhận được
Bộ luật này của Anh thực chất nhằm chủ yếu vào các đối thủ cạnh tranh ở Đức. Nhưng với luật này nước Anh đã phạm một sai lầm lớn ở hai phương diện. Trái với mong muốn của các nhà sản xuất ở Anh một số sản phẩm của Đức vẫn lọt được vào thị trường Anh mà không ghi xuất sứ, chính các nhà nhập khẩu Anh lại đính nhãn mác sản xuất tại Anh lên những sản phẩm nhập lậu đó.
Nhưng điều làm cho người Anh đau đầu hơn lại chính là những sản phẩm ghi đúng xuất sứ “Made in Germany”. Người tiêu dùng trên thế giới nhờ nhãn mác này bỗng nhận ra rằng rất nhiều vật dụng mà họ sử dụng hàng ngày đều mang nhãn hiệu “Made in Germany”, và những hàng hóa sản xuất ở Đức này giá cả vừa rẻ và chất lượng cũng có thể chấp nhận được. Cuối cùng người tiêu dùng mua hàng Đức.
Nhà kinh tế học và xã hội học người Đức Robert Wuttke hồi đó đã khoái chí nhận định “Giới công nghiệp Anh chẳng được lợi lộc gì nhờ vào luật (Merchandise Marks Act), đã thế ánh hào quang của họ còn bị rạn nứt”. Những sản phẩm của Đức sản xuất ngày càng tốt hơn và được nhận biết ngay là hàng hóa của Đức. Từ đó sự thăng tiến của “Made in Germany” thật thuận buồm xuôi gió.
Hai mươi năm sau bản báo cáo đánh giá đầy lo ngại từ cuộc triển lãm ở Philadelphia và gần mười năm sau khi ban hành luật Merchandise Marks Act nhà báo người Anh Ernest E. Williams đã viết một cuốn sách nhan đề “Made in Germany”, nhằm cảnh báo sự suy tàn của đế chế Anh.
Từ vết nhơ trở thành thương hiệu
Trong cuốn sách này tác giả đề cập đến việc các sản phẩm của Đức đã thâm nhập như thế nào vào cuộc sống hàng ngày của các gia đình ở Anh, trang phục của người Anh được dệt ở Đức, các loại đồ chơi, búp bê, truyện cổ tích đều có xuất sứ từ Đức. Ngay đến giấy để in tờ báo giàu lòng ái quốc rất được người Anh ưa chuộng đến cây đàn piano, đồ gốm sứ và đồ lưu niệm về địa điểm du lịch nổi tiếng của Anh Margate cũng nhất nhất xuất sứ từ nước Đức. Tác giả Williams đã viết với bạn đọc người Anh “Ngay cả những nhận xét u ám mà các bạn ghi lại trong nhật ký cũng bằng chiếc bút chì Made in Germany “. Các sản phẩm của Đức đã gặt hái thành công đầu tiên ngay trên cường quốc kinh tế Anh và sau đó lan tỏa ra khắp thế giới, cuộc chơi bị đảo ngược. Khoảng đầu thế kỷ trước các nhà sản xuất Anh lại tìm cách gắn lậu nhãn mác “Made in Germany” lên sản phẩm của họ để tung ra thị trường.
Nước Anh, quốc gia công nghiệp hàng đầu bị nước Đức qua mặt. Đầu những năm 1860 Liên minh Đức chiếm khoảng 5% sản lượng công nghiệp thế giới, trong khi nước Anh chiếm gần 20%. Năm 1913 Đức vươn lên 14% còn Anh chỉ chiếm 13,6 %. Quốc gia công nghiệp số một khi đó là Mỹ.
Sự phát triển của “Made in Germany” đi từ một vết nhơ tới thương hiệu phản ánh con đường đi lên khá phổ biến của những quốc gia nghèo đói: sự phát triển đó bắt đầu từ ăn cắp ý tưởng và chống lại cái đó là sự bảo hộ. Nhưng trong vụ này thì biện pháp chống trả đã bị thất bại. Cho đến tận ngày nay đối với nước ngoài dòng chữ “Made in Germany” vẫn là biểu thị cho chất lượng cao, đáng tin cậy và “nồi đồng cối đá”. Dấu ấn đó vẫn tiếp tục phát huy tác dụng.