Chúng ta đã giàu lên như thế nào (Kỳ 4): Chỉ người nông dân tự do mới nuôi nổi nhân loại

Khi người nông dân không có ruộng đất để làm ăn thì họ chỉ phát huy được một nửa sức lực của mình. Chính vì thế ngay từ năm 1810 Vua Phổ Friedrich Wilhelm Đệ tam đã giải phóng người nông dân. Từ đó nạn đói biến mất.

Vua Friedrich Wilhelm Đệ tam muốn xóa bỏ tình trạng lệ thuộc của nông nô ở các địa phương thuộc nước Phổ nên đã ban hành chỉ dụ quyền tư hữu về ruộng đất. Nhà vua nhận thức được rằng sau khi hòa bình được tái lập thì phải chăm lo đến đời sống đang bị sa sút nghiêm trọng của thần dân.

Ông cũng thấy rõ muốn xây dựng lại cuộc sống tốt đẹp thì không phải cứ chia tiền cho người dân là đủ. Ông càng hiểu trong điều kiện đất nước bị kiệt quệ, cùng quẫn sau chiến tranh thì nhà nước cũng không có tiền bạc cũng như phương tiện để hỗ trợ cho dân chúng. Và điều mà nhà nước phải làm là xóa bỏ mọi sự cản trở để người dân có điều kiện phát huy hết khả năng của mình mà vươn lên.

Nhà vua đã nhận ra được điều gì là vật cản chủ yếu đối với người nông dân và ban hành chính sách xóa bỏ những trở lực – đó là sự lệ thuộc của người nông dân và họ không được canh tác trên mảnh đất của chính mình.

Cách mạng thể chế

Theo chỉ dụ tháng 10 thì ngay từ năm 1810 nước Phổ không còn nông nô. Ít lâu sau, nhà vua lại ban hành chỉ dụ tự do kinh doanh và hủy bỏ chế độ cưỡng bức lao động trong các phường hội. Hoạt động sản xuất kinh doanh là quyền tự do của người dân, miễn là người đó chịu đóng thuế kinh doanh.

Những cải cách đó thực chất không khác gì một cuộc cách mạng về thể chế. Trước đó theo luật pháp, nước Đức không có quyền tự do lao động và tự do sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên ngay từ thời kỳ đó ở nhiều địa phương, giới thợ thủ công và nông dân đã không chấp hành những quy định ngặt nghèo của nhà nước hoặc tìm mọi cách để lách luật. Song khi các luật lệ, quy định khắc nghiệt nói trên chính thức bị hủy bỏ, đã xuất hiện các điều kiện để tiến hành tiền công nghiệp hóa. Sự kiện nước Phổ bị Napoleon đánh bại cũng là chất xúc tác dẫn đến những thay đổi này.

Cuộc cải cách ở nước Phổ sẽ không thể diễn ra nếu không có tác động mạnh mẽ của chủ nghĩa kinh tế tự do và trường phái coi trọng đất đai nông nghiệp và tài nguyên (Physiokratismus) ở nước Anh cũng như cuộc tranh luận sôi nổi diễn ra ở Đức xoay quanh chủ đề bản chất kinh tế của con người.

Chống đối quyết liệt

Lời mở đầu cho chỉ dụ tháng 10 không chỉ đề cập tới những điều hữu ích mà còn phê phán phần lớn những tập tục, truyền thống lạc hậu, cổ hủ. Những tập quán cổ hủ này ngăn cản con người phát huy các khả năng sinh lợi đối với tài sản của mình.

Thời kỳ này xuất hiện ở Phổ vấn đề nhân học kinh tế, một khái niệm mới mẻ và hiện đại. Điều này lại xuất hiện vào thời điểm chưa có gì chứng minh hoặc bảo đảm những luật lệ và tổ chức mới có thể đem lại thành công về kinh tế. Đây là sự đầu tư cho tương lai, nhưng tất cả vẫn còn là một ẩn số, và chuyện thành, bại chỉ có thể khẳng định qua trải nghiệm thực tế.

Lúc đầu cuộc cải cách ở nước Phổ đã vấp phải sự phản đối hết sức quyết liệt, trước hết là của tầng lớp quý tộc. Lực lượng này coi đây là sự vi phạm quyền sở hữu của họ về đất đai. Nhưng cốt lõi của vấn đề lại xoay quanh lực lượng lao động ở nông thôn. Trước kia khi là nông nô, họ bị lệ thuộc nhiều vào chúa đất, với luật lệ mới giới chúa đất sẽ không dễ dàng gì sai khiến, thuê mướn họ với giá nhân công bèo bọt như trước.

Việc thực hiện sở hữu tư nhân về ruộng đất nói chung được nhiệt liệt hoan nghênh vì thông qua đó việc vay tín dụng đã được cải thiện một cách cơ bản… Lúc này ở nông thôn có tình trạng thiếu lao động và tiền công lao động cũng tăng lên khá rõ rệt.

Tranh cãi kéo dài

Sau khi nước Phổ bị thua trong cuộc chiến chống Napoleon, quá trình ban hành luật về cải cách diễn ra vô cùng trầy trật, dai dẳng nhất là đối với vấn đề “điều tiết”, tức sự bồi thường thiệt hại cho giới địa chủ về việc người nông dân được miễn chế độ lao dịch. Mãi đến năm 1859 vấn đề này mới được luật hóa. Giới địa chủ được đền bù tài sản. Người nông dân được tự do song phải đền bù cho các ông chủ của mình dưới dạng đất đai hoặc tiền bạc.

Sự than phiền của giới địa chủ về việc thiếu nhân công giá rẻ cũng sớm yên ắng vì phần lớn diện tích đất đai tích tụ trong thời kỳ này giúp hình thành các trang trại với diện tích ngày càng lớn hơn và thúc đẩy hiện đại hóa nông nghiệp  Thời đó dân số ở nông thôn dư thừa, giá nhân công ở nông thôn rẻ rúng. Mãi đến cuối thế kỷ mới xuất hiện tình trạng “khan hiếm nhân công” vì lao động ở nông thôn đua nhau ra các khu đô thị, nơi đang diễn ra quá trình công nghiệp hóa rất nhanh chóng để tìm việc làm vì lương cao hơn và điều kiện lao động cũng khá hơn.

Sự nghiệp giải phóng người nông dân và ban hành luật “điều chỉnh” là tiền đề cho hiện đại hóa, điều này bắt đầu xuất hiện lẻ tẻ từ thế kỷ 18, sau đó phát triển mạnh mẽ và kết thúc vào nửa cuối thế kỷ 19, đó là thời kỳ chủ nghĩa tư bản nông nghiệp.

Chuyển đổi nền kinh tế

Sự điều chỉnh quan hệ sở hữu dẫn đến sự tích tụ ruộng đất từ đó đem lại thành công về kinh tế. Từ chỗ sản xuất nông nghiệp mang tính chất tự cấp tự túc nay xuất hiện nghề kinh doanh buôn bán trên cơ sở sản xuất nông nghiệp. Nhờ hủy bỏ chế độ công thổ, trước đó công thổ là của chung, nên diện tích đất canh tác tăng đáng kể. Giới địa chủ tăng cường đầu tư ở nông thôn.

Từ đó năng suất cây trồng, vật nuôi và sản lượng sữa tăng lên. Trong khi năng suất lao động và hiệu quả sử dụng ruộng đất tăng thì các yếu tố đầu vào lại giảm. Dân số tăng lên, giá cả giảm nên mọi người đều no đủ. Từ đó phần tăng lên của tổng sản phẩm xã hội được sử dụng để phát triển công nghiệp. Kết quả này khẳng định hiện đại hóa nông nghiệp là điều kiện cơ bản để thay đổi cấu trúc nền kinh tế. Mãi đến khi hình thành chủ nghĩa tư bản nông nghiệp, nạn nhân mãn, tình trạng đói kém và khủng hoảng ở châu Âu mới được chấm dứt. Trong quá trình cải cách này nước Phổ hoàn toàn không đơn độc; quá trình này diễn ra cùng với sự vận động, phát triển ở khăp châu Âu. Sự hủy bỏ chế độ lao dịch ở nông thôn và tư nhân hóa ruộng đất ở Anh diễn ra khá sớm. Cuộc cách mạng Pháp đã thủ tiêu nhanh chóng nền nông nghiệp cũ cũng như các đặc quyền của giới quý tộc. Những vùng chịu sự cai quản của Napoleon tiếp thu luật pháp kinh tế tiên tiến của Pháp. Riêng chỉ có nước Áo và Nga là vẫn lẹt đẹt đi sau. Mãi đến năm 1860, người nông dân Nga mới được giải phóng.

Ở khắp mọi nơi trên thế giới, cuộc giải phóng người nông dân luôn là điều kiện quyết định để chuyển đổi kinh tế qua đó mới khắc phục được tình trạng đói kém triền miên từ đời này sang đời khác.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)