Chuyện của những người đi khai hoang

Khởi nghiệp Đà Nẵng hiện nay phần nào tương đồng với giai đoạn lịch sử trước kia của thành phố. Khởi nghiệp nơi đây đầy tiềm năng, nhưng chỉ mới đang ở giai đoạn đầu, còn rất sơ khai và cần thật nhiều những người đi “khai hoang”, “mở lối”.


Tỷ phú Jeff Hoffman – doanh nhân và nhà đầu tư khởi nghiệp nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực du lịch (bìa trái) đến trò chuyện cùng cộng đồng nhà đầu tư Đà Nẵng. Ảnh: Trần Nguyên.

Câu chuyện khai hoang

Khi đồng loạt các nguyên thủ quốc gia của 21 nền kinh tế APEC đến Đà Nẵng dự Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương hồi tháng 11/2017, nhiều người tin rằng, Đà Nẵng sẽ “lên hương” rất nhanh. Thành phố Đà Nẵng ngày nay là trung tâm lớn về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, giáo dục và đào tạo, du lịch và nghỉ dưỡng, khoa học và công nghệ, y tế chuyên sâu của toàn khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước. Vị thế chiến lược quan trọng thuộc hàng bậc nhất này của thành phố không chỉ bây giờ mới được công nhận mà nó đã được xác lập từ rất lâu, vài trăm năm về trước từ thời Nguyễn, rồi đến người Pháp và người Mỹ khi thay phiên tiếp quản vùng đất này.

Tất nhiên, không phải tự nhiên mà Đà Nẵng được như vậy, mà đó là kết quả của cả một hành trình dài mở mang bờ cõi, là hội tụ của rất nhiều câu chuyện khai hoang, lập nghiệp và giao thương. Nếu không có những cư dân đầu tiên, những con người đi khai hoang đã đến và bước đầu định hình nên vùng đất Đà Nẵng, thì sẽ không có những chuyến tàu buôn người Hoa, Pháp, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha cập bến nơi đây.

Ngược dòng lịch sử như vậy để thấy rằng khởi nghiệp Đà Nẵng hiện nay phần nào tương đồng với giai đoạn lịch sử trước kia của thành phố. Khởi nghiệp nơi đây đầy tiềm năng, nhưng chỉ mới đang ở giai đoạn đầu, còn rất sơ khai và cần thật nhiều những người đi “khai hoang”, “mở lối”. Bên cạnh những doanh nhân chấp nhận rủi ro khởi sự kinh doanh, những nhà đầu tư dám mạo hiểm đầu tư cho khởi nghiệp chính là những người đi “khai hoang” cần thiết nhất. Thế nhưng đầu tư và kêu gọi đầu tư cho khởi nghiệp đang là câu chuyện nan giải không chỉ ở Đà Nẵng mà của cả nước khi hành lang pháp lý chưa hoàn thiện cho việc hình thành các quỹ hỗ trợ/đầu tư khởi nghiệp và khi chưa có nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư khởi nghiệp.

Ở Đà Nẵng, mức độ khó khăn còn cao hơn với đặc trưng của văn hóa miền Trung rất ngại mạo hiểm và thích “ăn chắc mặc bền” hơn hai đầu còn lại của đất nước. Trong khi đó, những nhà đầu tư bên ngoài lại vẫn “chần chừ”, họ còn xem xét, còn đợi cho chất lượng, cho năng lực của các doanh nhân và công ty khởi nghiệp ở đây lên thêm vài bậc nữa, hay đơn giản là chờ xem có kẻ đi trước nào không. Vấn đề “gà hay trứng” lại được đặt ra: (i) Vì không có các công ty, doanh nghiệp khởi nghiệp thật sự chất lượng và tiềm năng nên không thu hút được đầu tư; (ii) ngược lại vì không có nhiều đầu tư nên tầm của doanh nghiệp khởi nghiệp không nâng lên được.

Công ty cá chuồn

Cần phá bỏ cái vòng lặp đấy. Có một công ty ra đời, tên là Flying Fish Investment (FFI), tự nhận trách nhiệm làm người “khai hoang” ở mảnh đất “hỗ trợ và đầu tư cho khởi nghiệp” tại Đà Nẵng, với hi vọng/khát vọng sẽ kích thích và thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp cùng tham gia khai phá hệ sinh thái và đưa cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng tiếp cận tiêu chuẩn kinh doanh toàn cầu.

Cá chuồn – tiếng Anh là Flying Fish – dịch nguyên nghĩa là cá bay. Đây là loài cá mà chỉ có ở vùng biển miền Trung Việt Nam (từ Đà Nẵng đến Bình Thuận) mới có, vừa có thể bơi, vừa có thể bay (loài cá duy nhất biết bay), và luôn luôn tuyệt đối đi thành đàn. Sự linh hoạt trong ứng biến, sự tích tụ năng lượng và đoàn kết ra khơi chính là tinh thần mà cá chuồn truyền cảm hứng cho những người quyết định dấn thân vào hành trình hỗ trợ và đầu tư khởi nghiệp.

Đầu tư cho khởi nghiệp luôn luôn là hành trình đầy mạo hiểm và rủi ro, vì thế FFI luôn tìm kiếm và hướng đến triết lý của Cá Chuồn: Cùng nhau tiến lên, rẽ sóng và chinh phục đại dương ngoài kia. Tin vào triết lý này, FFI cam kết sẽ chào đón các thành viên cá chuồn tương lai và thực tế thì chúng tôi cũng đã nhận được những lời đề nghị từ những nhà đầu tư tiềm năng, trong đó có cả nhà đầu tư nước ngoài.

Nhận trách nhiệm tiên phong “khai hoang”, FFI không muốn hạn chế danh mục đầu tư của mình (ví dụ: chỉ đầu tư vào startups như các quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên nghiệp vẫn làm), mà thay vào đó FFI cho rằng nếu hỗ trợ được càng nhiều mảng của khởi nghiệp thì càng tốt. Đối với FFI, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp bình thường mà một số nguồn còn gọi là khởi nghiệp mưu sinh, khởi nghiệp dưới đất cũng đều là khởi nghiệp, đều xuất phát từ những ý muốn tốt đẹp của những con người, đặc biệt là những cô gái, chàng trai trẻ tuổi dám đánh cược với rủi ro để mang đến những giá trị cho xã hội và cộng đồng. Tất cả đều xứng đáng được hỗ trợ, được đầu tư để viết tiếp giấc mơ của bản thân, thay vì được thuê để thực hiện giấc mơ của người khác.

Tuy mới ra đời được vài tháng, FFI đã tích cực đi những bước đi đầu tiên của mình bằng việc đầu tư vào một danh sách các công ty khởi nghiệp và các công ty vừa và nhỏ rất phong phú về lĩnh vực và mô hình kinh doanh.

Trong danh sách đó có các công ty công nghệ mang tính xu hướng như một công ty tạo ra các hệ thống giao tiếp thông minh, trả lời tự động dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo, hay một công ty khác áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ “sharing economy” vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho phép kết nối người có nhu cầu khám bệnh và chăm sóc sức khỏe với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng tranh thủ thời gian nhàn rỗi.

Có những công ty bước ra từ những công trình nghiên cứu, đề tài khoa học như một công ty sản xuất bánh và bột từ con dế với hàm lượng năng lượng rất cao, hay một công ty sở hữu công nghệ có thể cô nước mắm (quốc hồn quốc túy của Việt Nam) thành mắm khô để thuận lợi cho việc vận chuyển và bảo quản.

Ngoài ra, FFI còn đầu tư vào các dự án khởi sự kinh doanh còn sơ khai hơn như dự án xây dựng các chương trình tiêu chuẩn về đào tạo sáng tạo và kỹ thuật cho trẻ em có thể dễ dàng chuyển giao, chuyển nhượng cho các trung tâm, nhà trường nơi có nhiều trẻ em.

Điểm đến mới của khởi nghiệp thế giới Hai năm liên tiếp, CNN Money bình chọn Boulder – một thành phố nhỏ chỉ có vỏn vẹn 300.000 dân ngay dưới chân dãy núi Rocky ở Nerada, Mỹ, là “điểm đến thịnh vượng nhất của khởi nghiệp”. Có nhiều lý do, nhưng điểm quan trọng nhất, đây là khởi nguồn của tập sách “Cộng đồng khởi nghiệp” lừng danh, và Vườn ươm Techstar ở xứ này luôn là lò luyện của nhiều startup thành công nhất nước Mỹ. Người ta tin rằng, Boulder có tất cả những lợi thế cạnh tranh mà Silicon Valley từng nắm giữ: một công viên phần mềm đã phát triển từ thập niên 1990, hàng loạt trường đại học và viện nghiên cứu trong vùng. Ngoài ra, Boulder cũng là nơi tập trung những công nghệ vượt trội trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm ở Mỹ.

Tác giả