Chuyến di cư xa xưa đã mang ngô đến vùng đất Maya

Tiến hành phân tích DNA của xác người cổ đại trong rừng rậm Belize, các nhà khảo cổ cho rằng người Chibcha đã di cư từ phương Nam lên phương Bắc, mang theo ngô và kỹ thuật canh tác đến vùng Maya.

Keith Prufer, một nhà khảo cổ học môi trường tại Đại học New Mexico, cùng với Asia Alsgaard và Emily Moes – hai nhà nghiên cứu thực địa, tại khu chôn cất ở Mayahak Cab Pek tại Belize. Ảnh: Erin Ray

Vùng nhiệt đới là thiên đường để các loài sinh vật phát triển, nhưng đó lại là môi trường tồi tệ để bảo quản một bộ xương.

Độ ẩm giúp giữ cho các khu rừng nhiệt đới luôn xanh tươi nhưng không có tác dụng bảo quản hài cốt, điều này khiến các nhà khảo cổ khó tìm thấy những bộ xương cổ ở các vùng nhiệt đới như Trung Mỹ.

Nhưng sâu trong rừng rậm Belize, dưới hai căn hầm khô cằn bằng đá, bộ xương của những người đã chết từ cách đây 9.600 năm vẫn được bảo quản đặc biệt tốt. Những bộ xương mang đến cho chúng ta những thông tin hiếm hoi về lịch sử di truyền cổ đại của khu vực, mà phần lớn vẫn chưa được biết đến.

Một nhóm các nhà khoa học hiện đang trích xuất DNA của những người cổ đại này, phát hiện ra những điểm mới về lịch sử di truyền của người dân vùng Maya. Bài báo đã được xuất bản trên tạp chí Nature Communications. Các nhà nghiên cứu đã xác định được một cuộc di cư hàng loạt từ phương Nam vào thời điểm hơn 5.600 năm trước khi ngô được trồng trong khu vực. Cuộc di cư gồm những người có quan hệ gần với nhóm người nói ngôn ngữ Chibcha, và là tổ tiên của hơn 50% dân tộc nói tiếng Maya ngày nay.

Lisa Lucero, một nhà nhân chủng học tại Đại học Illinois tại Urbana-Champaign, người chuyên nghiên cứu về tổ tiên Maya và không tham gia vào nghiên cứu lần này, nhận định kết quả mới “có khả năng sửa đổi và viết lại lịch sử ban đầu của những người Mỹ bản địa đầu tiên.”

Xavier Roca-Rada, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Adelaide, cho biết kết quả “lấp đầy khoảng trống lịch sử, hé lộ việc trước khi đặt chân đến vùng Trung Bộ châu Mỹ cổ đại để định cư, người xưa đã ở đâu.”

Bài báo mới được công bố khi nhóm tác giả vẫn đang tiến hành các cuộc khai quật. Keith Prufer, một nhà khảo cổ học môi trường tại Đại học New Mexico và Douglas Kennett, một nhà khảo cổ học tại Đại học California, Santa Barbara đã khai quật hai căn hầm bằng đá trong Khu bảo tồn Thiên nhiên Bladen, một khu vực hẻo lánh – không bị xáo trộn trong suốt hàng nghìn năm – và được bảo vệ của Belize, nơi lưu giữ các địa điểm nơi xưa kia từng là nghĩa trang. “Người xưa đến đây nhiều lần để chôn cất người chết”, Tiến sĩ Prufer nói.

Tiến sĩ Prufer tiết lộ rằng đã có người sinh sống trong các căn hầm, họ chế tạo công cụ và nấu nướng. Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy xương của những con thú có mai tatu (armadillo), hươu và một loại động vật gặm nhấm được tên là paca (loài gặm nhấm to, sống trong rừng mưa nhiệt đới, và có tên khoa học là Agouti paca) – xương của chúng bị vùi dưới đất. Ông cũng cho biết dưới đáy hố khai quật có một phần xác của con lười khổng lồ, có thể đã có trước khi con người xây hầm và sống ở đây.

Các cuộc khai quật cũng tiết lộ một bí ẩn về lớp bảo vệ nhầy nhụa dưới lòng đất. Khoảng 5.000 đến 6.000 năm trước, người ta đã bắt những con ốc Pachychilus nhỏ bé để làm thực phẩm. “Họ sẽ luộc chín chúng, bóc bỏ phần chuôi của vỏ và ăn thịt bên trong”, Tiến sĩ Prufer mô tả. Bất cứ ai sống trong những căn hầm này cũng đều ăn những con ốc, và những chiếc vỏ bị bỏ đi được gom lại để làm lớp phủ lên trên, che chắn cho hài cốt được chôn bên dưới. “Lớp ốc này thực sự đã bảo vệ những ngôi mộ phía dưới, ngăn chặn nguy cơ bị đào bới”, ông cho hay.

Lan toả hạt giống và kỹ thuật canh tác

David Reich, một nhà di truyền học tại Trường Y Harvard, đã tiến hành trích xuất DNA cổ đại từ 20 thi thể được chôn cất dưới các hầm trong suốt 6.000 năm. Phân tích cho thấy đã có một số cuộc di cư của con người vào vùng Maya, nơi ngày nay là Đông Nam Mexico và Bắc Trung Mỹ.

Họ tìm thấy ba nhóm người riêng biệt: một nhóm sống cách đây 7.300 đến 9.600 năm, một nhóm khác sống cách đây từ 3.700 đến 5.600 năm và nhóm thứ ba là người Maya hiện đại. Nhóm đầu tiên có liên quan về mặt di truyền với một nhóm người di cư xuống phía Nam qua châu Mỹ trong kỷ Pleistocen. Nhưng nhóm thứ hai có liên quan về mặt di truyền với tổ tiên của những người nói tiếng Chibcha sống xa hơn về phía Nam.

Các tác giả đưa ra giả thuyết rằng sự đa dạng này đến từ một cuộc di cư ồ ạt từ phía Nam. “Kết quả này thật sự đáng ngạc nhiên”, Tiến sĩ Kennett nói.

Thực chất, Tiến sĩ Kennett và Tiến sĩ Prufer nghiên cứu những ngôi mộ cổ xưa này để hiểu cách khu vực này chuyển đổi từ phương thức săn bắt và hái lượm sang phát triển nông nghiệp thâm canh ngô, ớt và sắn. Trong một bài báo vào năm 2020, họ mô tả dấu hiệu về việc tiêu thụ ngô trong xương của những người sống cách đây 4.000 đến 4.700 năm.

Tiến sĩ Reich cho biết, phát hiện này đã lật ngược một giả định trước đây rằng công nghệ canh tác lan truyền qua châu Mỹ nhờ sự phổ biến của các loại cây trồng và thực hành – nói cách khác, đây là sự lan truyền kiến ​​thức chứ không phải là sự di cư của con người. Đối chiếu niên đại của các bộ xương, các kết quả mới cho thấy sự di cư này rất quan trọng đối với việc lan toả kỹ thuật canh tác, khả năng cao là những người nói tiếng Chibcha khi di cư về phía Bắc đã mang theo các loại ngô, sau đó họ trồng và lan rộng nó khắp các địa phương, các tác giả viết.

“Người xưa đã di chuyển vào khu vực này từ phía Nam, mang theo những loại cây đã được thuần hóa và cả hệ thống kiến ​​thức về cách trồng chúng”, Tiến sĩ Kennett nói.

David Mora-Marín, một nhà nhân chủng học ngôn ngữ tại Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill và là tác giả của bài báo, đã tiến hành phân tích các ngôn ngữ Chibcha và ngôn ngữ Maya thời kỳ đầu. Ông nhận thấy có một từ vựng để chỉ ngô đã chuyển ngữ từ ngôn ngữ Chibcha sang các ngôn ngữ của người Maya, điều này củng cố ý tưởng cho rằng ngô xuất phát từ người Chibcha.

Những năm gần đây, lĩnh vực DNA cổ đại đã bị chỉ trích vì thiếu sự tương tác với các cộng đồng có thể là hậu duệ của loài người cổ đại đang được nghiên cứu. Do đó, Tiến sĩ Kennett và Tiến sĩ Prufer đã hợp tác với Ya’axché Conservation Trust, một tổ chức phi chính phủ của Belizea – trong đó phần lớn nhân viên là hậu duệ của các cộng đồng Maya. Các nhà nghiên cứu đã tham khảo ý kiến ​​của các cộng đồng này, trình bày kết quả từ các nghiên cứu và dịch tóm tắt các phát hiện sang ngôn ngữ Mopan và Q’eqchi ‘ theo yêu cầu của người dân địa phương. Trong các cuộc thảo luận, người dân trong cộng đồng bày tỏ mong muốn tìm hiểu thêm về chế độ ăn uống và đời sống gia đình thời tiền thuộc địa của những người cổ đại sống trong hang động. Tiến sĩ Kennett chia sẻ, nhờ những cuộc thảo luận này, các tác giả đã chú trọng nhiều hơn vào những chủ đề này trong bài báo.

Cộng đồng Q’eqchi ‘, Yucatec và Mopan chiếm 12% dân số Belize và là hậu duệ của các dân tộc Maya cổ đại với nền văn minh trải dài hầu hết Trung Mỹ trong gần hai thiên niên kỷ. Ảnh: Tony R

Krystal Tsosie, một nhà nghiên cứu di truyền học tại Đại học Vanderbilt, cho biết cô muốn xem mô tả chi tiết hơn về việc những phản hồi của cộng đồng đã ảnh hưởng đến nội dung bài báo như thế nào. “Sự tương tác phù hợp còn có nghĩa là các thành viên cộng đồng đã cung cấp thông tin và làm phong phú thêm nghiên cứu.”

Ripan Malhi, một nhà nhân chủng học di truyền tại Đại học Illinois ở Urbana-Champaign, lưu ý rằng các tác giả đã đăng tải dữ liệu DNA cổ đại lên cơ sở dữ liệu công khai mà “không đưa ra biện pháp bảo vệ hoặc giới hạn truy cập nào.” DNA cổ đại có thể là một lối tắt dẫn đến DNA của các cộng đồng hiện đại mà không cần sự đồng ý của họ. “Điều này có thể ảnh hưởng đến người Maya ngày nay trong khu vực”.

Tiến sĩ Lucero và ông Roca-Rada nói rằng họ cần thêm dữ liệu để chứng minh giả thuyết của các nhà nghiên cứu rằng một cuộc di cư về phía Nam đã mang ngô đến vùng Maya. Đối với Tiến sĩ Lucero, câu hỏi đặt ra là liệu các nhà nghiên cứu có nên thu thập dữ liệu đó hay không. “Chúng tôi có nên khai quật những khu mộ?” cô ấy băn khoăn. “Đổi lại, nếu đó là chúng tôi, chúng tôi có muốn ai đó quật mồ mình lên để tìm hiểu những câu hỏi dù thú vị nhưng không phải là vấn đề sống còn hay không?”

Tiến sĩ Kennett và Tiến sĩ Prufer đến Belize lần cuối vào tháng 1 năm 2020 để trình bày kết quả sơ bộ từ bài báo mới cho các cộng đồng Maya. Đại dịch từ đó đã cản trở các nhà nghiên cứu trở lại, nhưng Tiến sĩ Prufer bày tỏ họ hy vọng sẽ sớm quay lại để tiếp tục khai quật và “giữ lời hứa của chúng tôi rằng sẽ trở lại mỗi năm để nghiên cứu và cập nhật tình hình cho người dân”.

Đinh Cửu tổng hợp

Nguồn: 

Human Migration Brought Maize to Maya Region, Study Finds

South-to-north migration preceded the advent of intensive farming in the Maya region

Tác giả