Có công nghệ thích ứng để khai thác hiệu quả bể than đồng bằng Sông Hồng

Gần đây có nhiều ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học bày tỏ quan ngại về việc Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam sẽ triển khai dự án khai thác thử nghiệm bể than đồng bằng sông Hồng có trữ lượng 210 tỷ tấn thuộc 3 tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định vào quý III năm 2011. Tia Sáng đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban quản lý các dự án bể than đồng bằng sông Hồng.


Hẳn ông đã biết, trên công luận có nhiều ý kiến cho rằng nếu tiến hành khai thác bể than sông Hồng sẽ dẫn đến hệ lụy khôn lường về nhiều mặt. Quan điểm của ông về những ý kiến này.

Trước hết, mặc dù bể than đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) có nguồn tài nguyên than rất lớn, than có chất lượng rất tốt, rất phù hợp cho phát điện nhưng điều kiện khai thác than tại ĐBSH tương đối phức tạp.

Riêng đối với bể than ĐBSH, nếu nói khai thác than sẽ dẫn đến “hệ lụy khôn lường về nhiều mặt” thì chưa chính xác. Ảnh hưởng nhiều mặt thì đúng, nhưng chúng ta đều có thể “lường” được. Thực tế, trong ngành than thế giới (có lịch sử khoảng 300 năm nay) chưa bao giờ xảy ra những sự cố hay tai biến qui mô lớn (cả về thời gian và không gian) giống như Chernobyl hay Fukushima. Các tai biến trong khai thác than thường tức thời và cục bộ.

Về mặt kỹ thuật, khai thác than ở ĐBSH là khả thi và có các công nghệ thích ứng để áp dụng, cho phép khai thác được than và bảo vệ được mặt đất và tầng nước ngầm, duy trì được các khu dân cư và tập quán canh tác lúa nước. Nói chung ở bất cứ nơi nào trên thế giới, việc khai thác than cũng đều xâm hại đến môi trường. Nhưng với trình độ phát triển của khoa học và công nghệ hiện nay con người đã giảm thiểu sự xâm hại đó.

Ngành khai thác mỏ, giống như các ngành khoa học khác, cũng có những “bản sắc” riêng. Chẳng hạn thăm dò địa chất là “mô tả”, còn khai thác mỏ là “thích ứng”. Đặc trưng của khai thác mỏ là phá vỡ cân bằng tự nhiên. Nhiệm vụ của chúng ta là hạn chế đến tối đa sự phá vỡ cân bằng của tự nhiên, và lợi dụng tối đa qui luật “tự lấy lại cân bằng” của tự nhiên. Có lẽ duy nhất trong lĩnh vực kỹ thuật ngành mỏ có khái niệm và giáo trình “nghệ thuật mỏ” (tiếng Nga “горное искусство”).

Về mặt kỹ thuật, khai thác than ở ĐBSH là khả thi và có các công nghệ thích ứng để áp dụng, cho phép khai thác được than và bảo vệ được mặt đất và tầng nước ngầm, duy trì được các khu dân cư và tập quán canh tác lúa nước. Nói chung ở bất cứ nơi nào trên thế giới, việc khai thác than cũng đều xâm hại đến môi trường. Nhưng với trình độ phát triển của khoa học và công nghệ hiện nay con người đã giảm thiểu sự xâm hại đó.

Về mặt kinh tế, nếu giá dầu trên thế giới cao hơn 65 USD/thùng và giá than trong nước cao hơn 45 USD/tấn, thì than ĐBSH hoàn toàn có thể cạnh tranh được.

Vậy xin ông cho biết phương án khai thác sẽ được tiến hành như thế nào và vào thời điểm nào?

Ở Quảng Ninh hiện chúng ta đang áp dụng các phương pháp khai thác bằng công nghệ lộ thiên và hầm lò. Ở ĐBSH, để duy trì được mặt đất, không phải di dân và không chiếm đất canh tác lúa chúng ta chỉ có thể áp dụng công nghệ khai thác hầm lò (hay thường gọi là công nghệ truyền thống). Công nghệ thứ hai cũng có thể áp dụng cho ĐBSH là khí hóa than ngầm dưới lòng đất. Đây là một công nghệ hoàn toàn mới, được nhà hóa học Mendeleev tiên đoán từ cuối thế kỷ 19, sau đó các nhà khoa học Nga đã thử nghiệm thành công từ đầu thế kỷ 20, và được Lenin đánh giá là công nghệ tiên tiến, cho phép thay thế sự lao động nặng nhọc và không an toàn của thợ mỏ dưới lòng đất.

Về nguyên lý, công nghệ này rất đơn giản: từ mặt đất, người ta khoan các lỗ khoan tới vỉa than, đưa ô xy xuống để ô xy hoá than trong vỉa, biến than thành khí tổng hợp (tương tự như khí mỏ) có thành phần chủ yếu là các loại khí cháy được (như CO, CH4, H2). Sau đó, cũng thông qua các lỗ khoan, khí tổng hợp được đưa lên mặt đất dùng cho phát điện hay để chế biến tiếp thành dầu diesel.

Công nghệ này áp dụng hiệu quả cho các vỉa than nằm sâu từ 600-1200m dưới lòng đất, rất thích hợp với điều kiện của bể than ĐBSH.

Còn về thời điểm: chúng ta chỉ khai thác sau khi thử nghiệm công nghệ thành công và thăm dò đầy đủ.

Chúng ta sẽ sử dụng công nghệ nào để tiến hành triển khai dự án khai thác thử nghiệm?

Dự kiến ở bể than ĐBSH trong thời gian tới sẽ thử nghiệm cả hai công nghệ: công nghệ hầm lò (UCM) và công nghệ khí hóa than ngầm dưới lòng đất (UCG) như nêu trên.

Công nghệ hầm lò thực ra không cần thử nghiệm, vì đây là công nghệ truyền thống của ngành than VN. Nếu Chính phủ cho phép có thể áp dụng ngay ở qui mô công nghiệp với công suất 3-5 triệu tấn/năm để cấp than cho hai dự án nhiệt điện (có tổng công suất 1800MWe) đang được EVN và PVN triển khai ở Mỹ Lộc, tỉnh Thái Bình.

Còn công nghệ khí hóa than ngầm dưới lòng đất (UCG) lần đầu tiên áp dụng nên cần được thử nghiệm để xác định 2 yếu tố: khả năng hóa khí của than (sẽ có ảnh hưởng đến các thông số thiết kế công nghệ) và chất lượng của khí thu được từ than (sẽ quyết định mục đích sử dụng của khí- dùng để phát điện hay dùng để chế biến tiếp thành dầu diesel).

Ông có thể cho biết đã có nước nào trên thế giới khai thác bể than tương tự như bể than sông Hồng?

Ở Bangladesh cách thủ đô Dhaka khoảng 200km có một mỏ than hầm lò đang khai thác than ngay dưới vùng đồng bằng lúa nước dưới độ sâu 300m. Chúng tôi tới thăm mỏ đúng vào lúc vùng đồng bằng này đang bị ngập lụt nặng, phải đi vòng tránh những đoạn quốc lộ bị ngập, xa thêm hàng trăm cây số. Ở Trung Quốc, vùng Sơn Đông có một mỏ than hầm lò dưới đáy biển, cách bờ hàng nghìn mét đang khai thác than trong những điều kiện khó khăn tương tự như ở ĐBSH. Ở Ba Lan, vùng than Kotowice có rất nhiều mỏ hầm lò đang khai thác than ngay dưới vùng đồng bằng lúa mì, dưới các thành phố đông dân cư có nhiều nhà thờ và các công trình kiến trúc được bảo toàn hầu như nguyên vẹn v.v.

Ông có tính đến việc mời chuyên gia nước ngoài tham gia thực hiện dự án này?

Đối với khí hóa than ngầm dưới lòng đất (UCG) chắc chắn cần có sự tham gia của các đối tác nước ngoài đã có kinh nghiệm thực tế để chuyển giao công nghệ.

Các sơ đồ nguyên lý của công nghệ khí hoá than ngầm dưới lòng đất

Đối với công nghệ hầm lò, về mặt kỹ thuật chúng ta không cần, nhưng về vốn đầu tư chắc chắn Vinacomin phải hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vốn đầu tư quá lớn. Ví dụ, một mỏ hầm lò công suất 5 triệu tấn/năm có tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Theo Luật Khoáng sản 2010 (vừa có hiệu lực từ 1/7/2011), vốn của chủ đầu tư phải tự có ít nhất 300 triệu USD. Mặc dù là “quả đấm thép”, đang xuất khẩu hàng chục triệu tấn than, nhưng số vốn tự có đó, Vinacomin chỉ “cân đối” trên giấy cũng không có.

Xin cảm ơn ông!

                         P.V thực hiện

Do điều kiện thủy văn, địa chất ở vùng ĐBSH rất phức tạp nên không chỉ gây khó khăn, trở ngại cho việc khai thác bể than bên dưới mà quá trình khai thác cũng có thể gây ra sựt lún tức thời, sụt lún lâu dài, sụt lún tại chỗ và sụt lún lan tỏa, có thể biến cả vùng đồng bằng phì nhiêu sông Hồng thành hồ chứa nước nhiễm mặn do nước biển tràn vào.

TS. Nguyễn Khắc Vinh, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam

——————–

Việc khai thác than ngầm ở bên dưới sẽ biến ĐBSH thành rỗng ruột, sẽ rút hết nguồn nước ngầm dùng để canh tác, sinh hoạt bên trên, cộng thêm khí oxy đốt bên dưới để khí hóa than sẽ dẫn tới hậu quả nặng nề là hạn hán trên diện rộng, ảnh hưởng tới cuộc sống của 180.000 hộ dân ở Bắc Bộ vì không thể trồng lúa được nữa.

GS.TS Trần Văn Tri, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam

Tác giả

(Visited 16 times, 1 visits today)