Cơ hội mới dành cho công nghệ gene xanh

Theo một nghiên cứu đây của EU thì các quy định nghiêm ngặt về lai tạo gene không còn thích hợp bởi cây lai tạo gene không hề nguy hại hơn so với các giống thông thường khác và công nghệ này có thể góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững.


Chỉnh sửa gene có thể nâng cao sức đề kháng của cây trồng.

Kết quả nghiên cứu này có thể tác động trực tiếp đến chính quy định của EU. Năm 2018, Tòa án châu Âu đã ra phán quyết phải ứng xử với công nghệ mới như với các phương pháp chọn giống di truyền trước đây. Tiếp sau đó, tháng 11/2019, Ủy ban EU đã đưa ra một chương trình nghiên cứu để qua đó, một mặt người ta lấy ý kiến của các bên có quan tâm và các tổ chức phi chính phủ ở các nước thành viên EU khác nhau; mặt khác người ta đánh giá tình hình nghiên cứu khoa học cho đến nay về lĩnh vực này.

Ý kiến phản biện đã kết luận: các quy định hiện hành về việc xử lý đối với các sản phẩm biến đổi gene của EU, vốn được ra đời từ năm 2001, đối với một số phương pháp mới không còn thích hợp. Theo những quy định đó thì những giống được chọn lọc theo phương pháp biến đổi gene phải trải qua một quá trình đánh giá hết sức phức tạp và tốn kém và các sản phẩm đó phải được dán nhãn rõ ràng.

Giáo sư Martin Qaim, người phụ trách Bộ phận Kinh tế Lương thực Thế giới và Phát triển nông thôn tại ĐH Göttingen, Đức, cho biết: “Kết quả trùng khớp với tuyên bố của tất cả các tổ chức khoa học nổi tiếng. Việc Ủy ban EU nay chính thức xác nhận là một bước tiến quan trọng trong cuộc tranh luận về kỹ thuật gene, vốn đôi khi rất bế tắc ở châu Âu”. 

Từ năm 2001 đến nay, các phương pháp về công nghệ gene đã được các nhà khoa học tiếp tục phát triển. Một trong số đó là Crispr/Cas, phương pháp giúp họ có thể có những can thiệp rất nhỏ vào bộ gene của hạt giống. Về cơ bản, những thay đổi do chỉnh sửa gene theo cách như vậy không khác với những đột biến phát sinh trong tự nhiên và được chọn lọc bởi các nhà tạo giống cây trồng. Điều này cho phép họ tạo ra các giống có đặc tính mới nhanh hơn và đúng mục tiêu hơn. 

Trong nghiên cứu mới của EU, tiềm năng của cây trồng được lai tạo theo phương  pháp Crispr/Cas được khẳng định: phương pháp này có thể góp phần tạo ra những giống có sức đề kháng cao hơn, ít bị ảnh hưởng của sâu bệnh và ít nhạy cảm hơn trước những biến đổi khí hậu. Đây là cơ hội để người trồng có thể giảm được lượng thuốc bảo vệ thực vật, có thể tạo ra những sản phẩm có lợi cho sức khỏe, thí dụ có thể thay đổi hàm lượng a xít béo. Công nghệ này vừa bảo đảm cho sự bền vững của sản xuất nông nghiệp đồng thời bảo đảm được tính cạnh tranh cho các sản phẩm. Nghiên cứu này kết luận, cây trồng được phát triển từ các công nghệ mới cũng an toàn như cây trồng được chọn giống theo phương pháp thông thường.

Bà Christine Rösch, phụ trách ban nghiên cứu về kinh tế sinh học bền vững (Viện Đánh giá công nghệ và phân tích hệ thống Đức), bình luận “Đây là một tin vui bởi sau nhiều năm kiên trì tranh luận gay gắt, tôi nhìn thấy được thành quả. Lâu nay, những người phản đối đã làm kìm hãm sự tiến bộ của công nghệ gene xanh ở châu Âu”. 

Giáo sư Martin Qaim cho rằng, giờ đây phải chờ xem luật và các  quy định sẽ được thay đổi đến mức độ nào trong thực tiễn. “Việc chống đối kỹ thuật di truyền sẽ không  đơn giản biến mất với nghiên cứu này, không chỉ trong dân chúng mà cả trong các cơ quan nhà nước”. Ông cũng lường trước được những ý kiến chống đối với công nghệ biến đổi gene, đặc biệt từ các cơ quan, tổ chức bảo vệ môi trường khi lo ngại trước nguy cơ pha trộn giữa các biện pháp của nông nghiệp sinh thái với các sản phẩm biến đổi gene vv…

Mặt khác bà Christine Rösch lưu ý là không được phép rơi vào một thái cực khác và đạt quá nhiều hy vọng vào Crispr/Cas bởi vấn đề dinh dưỡng toàn cầu không thể được giải quyết chỉ với việc tối ưu hóa công nghệ. “Nếu bạn chỉ tập trung vào điều đó, bạn sẽ ngừng suy nghĩ để tìm các lựa chọn thay thế”, bà nói.

Xuân Hoài lược dịch

Nguồn: https://www.welt.de/wissenschaft/article230760329/Gruene-Gentechnik-EU-Studie-bestaetigt-Chancen-durch-Genomeditierung.html

 

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)