Cơ hội phát triển cho công nghiệp phụ trợ ôtô
Công nghiệp phụ trợ ôtô Việt Nam đang dẫm chân tại chỗ. Sau 20 năm hoạt động, số doanh nghiệp sản xuất linh kiện không phát triển, tỷ lệ nội địa hoá chỉ đạt tới 5 – 10% và giới hạn vào các linh kiện kỹ thuật thô sơ như ắc quy, dây điện, các chi tiết nhựa đơn giản,... Vì sao?

Cơ hội đến từ ASEAN
Khi hàng rào thuế nhập bị bãi bỏ vào năm 2018, theo hiệp ước AFTA, công nghiệp ô tô Việt Nam khó có chỗ đứng, nhưng ngành phụ tùng thì có thể còn một cơ hội phát triển trong khuôn khổ của công nghiệp ô tô ASEAN, và cũng thuận lợi khi quan điểm xóa bỏ “quốc tịch” như ông Carlos Ghosn, Tổng Giám Đốc tập đoàn Renault-Nissan đã tuyên bố “Bất kể quốc tịch của các công ty cung cấp, miễn là các linh kiện đáp ứng những đòi hỏi về chất lượng, về giá và sự nhanh chóng trong giao hàng” Một ôtô “made in Japan” hôm nay có thể chứa 40% linh kiện sản xuất ở nước ngoài thay vì 20% ở thập niên trước . Như vậy công nghiệp phụ tùng ôtô Việt Nam có thể hội nhập nếu các sản phẩm cạnh tranh được trên thị trường thế giới. Hay nói cách khác, “the ball is in our court”.
Vai trò của các doanh nghiệp tư nhân
Thành phần nồng cốt của công nghiệp phụ trợ ôtô là các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ và trung bình nên mức độ cạnh tranh rất cao. Điển hình là trong thời gian qua, một số doanh nghiệp sản xuất phụ tùng Nhật quy mô nhỏ đầu tư vào Việt Nam và đã phát triển tốt vì biết tận dụng tối ưu những thuận lợi địa phương và cũng vượt qua được những khó khăn bởi những giới hận về nguyên vật liệu phụ thuộc vào nhập khẩu. Như vậy, xây dựng công nghiệp phụ trợ ôtô cần phải dựa trên những doanh nghiệp linh động như vậy vì hội nhập vào thị trường quốc tế có nghĩa là phải cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân nước ngoài, phải chấp nhận tham gia trận đấu mà trọng tài là thị trường và kỹ thuật chơi là tối ưu hóa. Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, các doanh nghiệp vốn nhà nước không phải là những cầu thủ xuất sắc.
Kế hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ
Bộ Công Thương đã đề ra một kế hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ ôtô (xem Báo cáo Quy hoạch Phát triển Nghành Công nghiệp Ôtô Việt Nam đến năm 2020 với tầm nhìn 2030) bao gồm 2 giai đoạn:
Giai đoạn đến 2015: Chủ yếu Nhà Nước đầu tư vào các cơ sơ khoa học kỹ thuật có công nghệ, thiết bị hiện đại như khuôn mẫu, đúc gang thép quy mô lớn, cơ khí chuyên sâu gia công áp lực, gia công cơ khí có các dây chuyền công nghệ và đầu tư phát triển các cơ sở hiện có về sản xuất vật liệu kim loại, phi kim loại dùng cho sản xuất linh kiện, phụ tùng ôtô và các công nghệ nhiệt luyện,….
Giai đoạn: 2016-2020: Tăng cường nghiên cứu, thiết kế và hợp tác với nước ngoài để đến năm 2020 có thể sản xuất được các chi tiết, linh kiện quan trọng như: bộ phận truyền động, hộp số, lắp ráp một số loại động cơ cho dòng xe chủ lực và xe tải nhẹ. Khuyến khích phát triển mạnh các nhà sản xuất cấp 2, cấp 3 trong hệ thống cung ứng linh kiện, phụ tùng. Hình thành mạng lưới công nghiệp vật liệu theo định hướng cho công nghiệp hỗ trợ ô tô, từng bước giảm dần việc nhập khẩu nguyên liệu ban đầu.
Kế hoạch này đã giải đáp được một vấn đề cơ bản của công nghiệp ôtô Việt Nam là chưa có trình độ cao về các công nghệ cơ bản như khuôn mẫu, ép nhựa, đúc gang thép, dập, nhiệt luyện,… và còn thiếu các nguyên vật liệu chất lượng cao. Nhưng kế hoạch này chỉ thiết kế “phần cứng” nhưng chưa thiết kế “phần mềm” nghĩa là kế hoạch sử dụng những công nghệ này: sản xuất gì? cho thị trường nào? và ai đầu tư? …. Xây dựng một kế hoạch trên những vấn đề này cần phải có sự hợp tác giữa Nhà Nước với các giới ngành nghề và các doanh nhân có khả năng đầu tư.
Đầu tư theo ngành
Trong điều kiện khó khăn vì trình độ khoa học kỹ thuật còn yếu và vốn đầu tư thấp, Việt Nam nên đề ra những kế hoạch đầu tư tập trung theo ngành, hiệu quả và dễ thực hiện hơn. Để sản xuất một linh kiện có chất lượng cao và giá thành thấp có thể cạnh tranh trên thế giới, tất cả các mắt xích của dây chuyền từ thiết kế đến sản xuất phải tối ưu, từ nguyên vật liệu đến chế biến, bảo quản và logistic,….. phải xuất sắc.
Nếu không đủ khả năng đầu tư cùng lúc vào tất cả các mấu xích của tất cả các ngành, Việt Nam nên tập trung vào tất cả các mấu xích của vài ngành mà chúng ta có lợi thế. Là nước sản xuất cao su, chúng ta nên tập trung vào ngành sản xuất các sản phẩm chế biến từ cao su : Đầu tư vào công nghiệp chế biến cao su kỹ thuật (hỗn hợp cao su thiên nhiên với các cao su nhân tạo), sản xuất các khuôn mẫu ép cao su, có trình độ kỹ thuật điều hành các máy chế biến,….Và Việt Nam cũng có nhiều “atout” trong các lãnh vực khác như plastic kỹ thuật, điện và điện tử,… Nhưng chọn ngành đầu tư phải dựa trên nhu cầu thị trường và khả năng đầu tư của các doanh nghiệp.
Vai trò của Nhà nước
Tìm hiểu sự phát triển công nghiệp ôtô Nhật và Hàn Quốc, chúng ta thấy vai trò của Nhà Nước, trong giai đoạn đầu, vô cùng quan trọng, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều thuộc về tư nhân, ngoại trừ Nissan thuộc về chính phủ, nhưng năm 1998, chính phủ Nhật đã phải nhường cho Renault làm cổ đông chính để điều khiển Nissan và đã đưa Nissan thoát ra khỏi tình trạng phá sản. Để đạt kết quả hôm nay, các Nhà Nước Nhật và Hàn Quốc đã chỉ giữ vai trò lãnh đạo, đề ra chính sách, tìm hiểu thị trường thế giới, đào tạo nhân lực,… nhưng không làm kinh tế, lãnh vực dành cho các doanh nghiệp tư nhân, linh động và hiệu quả hơn. Tiêu biểu nhất là vai trò của MITI (Ministry of International Trade and Industry) trong những thập niên 60/70 của thế kỷ trước, đã dìu dắt các doanh nghiệp ôtô Nhật trên đường chinh phục thế giới.