Cơ hội xuất khẩu trị giá hàng nghìn tỷ đô của ngành công nghiệp điện hạt nhân Hoa Kỳ

Báo cáo mới đây của Công ty UxC - (The Uranium Exchange Company) là một trong những công ty phân tích và nghiên cứu thị trường hàng đầu của ngành công nghiệp hạt nhân có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã đưa ra kết luận, trong giai đoạn từ nay đến năm 2050, xuất khẩu các thiết bị và công nghệ năng lượng hạt nhân có thể mang lại cho Hoa Kỳ giá trị lên tới 1,3-1,9 nghìn tỷ USD. Công ty UxC

Lò phản ứng mô-đun nhỏ có thể là cơ hội xuất khẩu của Hoa Kỳ (Ảnh: NuScale)

Được Viện Năng lượng hạt nhân (NEI) và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ ủy thác, báo cáo “Đánh giá Thị trường hạt nhân toàn cầu dựa theo Báo cáo về sự nóng lên toàn cầu 1,5 độ C của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC)” của Công ty UxC thực hiện đã chú trọng đặc biệt tới các cơ hội nảy sinh khi điện hạt nhân ngày càng góp phần vào các chiến lược giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu.

Trong bối cảnh thế giới tăng cường ứng phó với mối đe dọa biến đổi khí hậu, đẩy mạnh phát triển bền vững và nỗ lực xóa đói giảm nghèo, Báo cáo IPCC 2018 xem xét các tác động do hiện tượng trái đất nóng lên 1,5 độ C so với giai đoạn trước cuộc cách mạng công nghiệp và các con đường phát thải khí gây ra hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Trong khi đó, Báo cáo của Công ty UxC phân tích triển vọng của điện hạt nhân đến năm 2050 trong khu vực và trên toàn cầu, dựa theo các kịch bản được trình bày trong Báo cáo IPCC. Công ty UxC cũng sử dụng các lộ trình của IPCC để phân tích các loại công nghệ lò phản ứng có thể được triển khai ở các khu vực khác nhau trong giai đoạn đến năm 2050 nhằm duy trì nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Ngoài ra, Công ty UxC ngoại suy quy mô thị trường hạt nhân toàn cầu tiềm năng, theo đó, bàn luận về cơ hội xuất khẩu dành cho các nhà cung cấp hạt nhân của Hoa Kỳ.

Sử dụng kết quả trung bình của 90 kịch bản trong Báo cáo IPCC, Công ty UxC đưa ra mục tiêu vào năm 2050, công suất điện hạt nhân là 820-855GWe – công suất trung bình 840 GWe. Để đạt được điều này sẽ cần tổng cộng khoảng 640 GWe từ các dự án điện hạt nhân mới xây dựng trong giai đoạn 2020 -2050.

Theo ước tính, chi phí tích lũy cho điện hạt nhân rơi vào 8,6 nghìn tỷ USD (trong năm 2019) – một con số mà Công ty UxC cho rằng là rất “phải chăng” khi đặt trong tương quan so sánh với tổng chi phí vượt quá 67,7 tỷ USD để đạt được một hệ thống năng lượng sạch toàn cầu trong tương lai theo như một ước tính độc lập về chi phí do Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đưa ra.

Báo cáo của Công ty UxC cho thấy, trong ngắn hạn, triển vọng chủ yếu tập trung vào hoạt động mở rộng và xây mới các loại lò phản ứng truyền thống cỡ lớn, nhưng có khả năng trong dài hạn sẽ chứng kiến việc chuyển đổi sang kết hợp các công nghệ mới đang nổi lên, như lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR), lò phản ứng nhỏ và các thiết kế tiên tiến khác. Năng lượng hạt nhân sẽ mở rộng nhanh chóng ở châu Á, Đông Âu, châu Phi, Trung Đông và Nam Mỹ hơn là ở Hoa Kỳ hoặc Tây Âu. Các nhà cung cấp của Hoa Kỳ sẽ có vô vàn cơ hội tăng cường hiện diện trên thị trường, góp mặt trong những dự án xây dựng lò phản ứng lớn, SMR và các lò phản ứng khác, duy trì và cung cấp nhiên liệu cho hàng loạt lò phản ứng toàn cầu cũng như tháo dỡ, ngừng hoạt động lò phản ứng cũ.

Gần đây, Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm tài trợ cho các dự án hạt nhân ở nước ngoài. Ông Ted Jones, Giám đốc cấp cao của NEI, Chương trình An ninh Quốc gia và Quốc tế, cho biết khả năng cạnh tranh của các nhà cung cấp hạt nhân Hoa Kỳ trên thị trường toàn cầu không chỉ quan trọng đối với nền kinh tế trong nước, mà còn đối với tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên toàn cầu. Cũng theo ông, việc cung cấp, xuất khẩu lò phản ứng mang lại mối quan hệ thương mại lâu dài giữa các quốc gia, thắt chặt hơn mối quan hệ về chính trị.

Ông Jones nói thêm, thị trường ngày nay bị chi phối bởi Nga và Trung Quốc. Để “trải thảm” cho con đường đi tới thành công của các công ty Hoa Kỳ, chính phủ Hoa Kỳ phải tăng cường tài trợ xuất khẩu và đảm bảo rằng các thị trường mới sẽ sẵn lòng mở cửa đón nguồn cung của Hoa Kỳ. Và với nhu cầu khử các-bon khắp toàn cầu, rõ ràng là cánh cửa cơ hội xuất khẩu cho Hoa Kỳ rất rộng mở, giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng không các-bon ngày càng tăng trên toàn cầu, đồng thời khẳng định vị thế dẫn đầu của Hoa Kỳ về công nghệ hạt nhân.

Phạm Thị Thu Trang/VINATOM dịch

Nguồnhttps://www.world-nuclear-news.org/Articles/US-report-highlights-nuclear-export-opportunities

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)